| Hotline: 0983.970.780

Nhặt tiền trong từng hốc đá

Thứ Sáu 13/09/2013 , 10:21 (GMT+7)

Sống giữa vùng cao nguyên bạt ngàn đá tai mèo nhưng ông Mùa Mý Lúa, ở bản Ngàm Sọoc (xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang) đã gây dựng lên một trang trại rộng 63 ha. Mỗi khe đá, mỗi hốc đất trong trang trại của ông đều được phủ màu xanh bạt ngàn của cây, trái.

Sống giữa vùng cao nguyên bạt ngàn đá tai mèo nhưng ông Mùa Mý Lúa, ở bản Ngàm Sọoc (xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang) đã gây dựng lên một trang trại rộng 63 ha. Mỗi khe đá, mỗi hốc đất trong trang trại của ông đều được phủ màu xanh bạt ngàn của cây, trái.

Không cho đất nghỉ

Con đường ô tô dẫn vào trang trại của ông Lúa bạt ngàn sa mộc thẳng tắp, tựa như những cột chống trời, tỏa bóng mát. Càng tiến sâu vào trang trại, chúng tôi càng thêm ngỡ ngàng vì giữa vùng cao nguyên bạt ngàn đá tai mèo lại xuất hiện khu rừng xanh mướt này.

Mấy người con của ông Lúa đang vét lại cái ao trên núi. Xung quanh ao là vô số các loại cây ăn quả, xoài, chuối, mít, na, hồng xiêm… Cây nào cũng sum xuê quả ngọt. Cạnh ao nuôi cá là một ngôi nhà 2 tầng khang trang vừa được hoàn thành còn thơm mùi vữa. Cách ngôi nhà không xa là hệ thống chuồng trâu, chuồng bò được làm chắc chắn.


Ông Lúa thăm trang trại của mình

Tiến sâu vào phía trong mới cảm nhận hết được công sức của ông Lúa đã đổ xuống mảnh đất này. Khu nhà ở của gia đình ông được làm chắc chắn, cạnh đó là một khu chăn nuôi nữa. Phía trước nhà ông treo nhiều bằng khen, giấy khen.

Lúc chúng tôi đến nhà, ông Lúa vừa đi rừng về. Chân ông đi ủng, mặc chiếc áo chàm quen thuộc của đồng bào Mông. Ông có dáng người dong dỏng cao. Khuôn mặt đen sạm nhuộm màu nắng gió nhưng luôn nở nụ cười tươi đón khách. Vừa gặp chúng tôi, ông vồn vã: “Chưa biết các anh đến vì việc gì, nhưng đã vào tới trang trại của tôi phải đi thăm một vòng cho biết đã”.

Nói xong, ông nhanh nhẹn dẫn chúng tôi vòng ra sau nhà. Ông đã kì công mở đường ô tô chạy vòng quanh trang trại. Quả thực từ lúc vào trang trại của ông Lúa, chúng tôi bị choáng ngợp bởi quy mô và cách quy hoạch.

Ông không để cho đất thở, chỗ nào cây trái cũng sum suê quả ngọt. Cách nhà 200 m là đồi thông reo vi vu. Thân thông to bằng cả người ôm phủ kín cả một quả đồi rộng lớn. Phía dưới đồi thông là từng hàng cây sa mộc tựa như những người khổng lồ xanh tỏa bóng mát.

Theo hướng chỉ tay của ông Lúa, phía trước mắt chúng tôi là gần 20 ha rừng đã được phủ kín cây xanh. Ông Lúa tự hào: “Trong rừng của tôi có rất nhiều cây gỗ quý có tuổi thọ 20 năm. Trong đó có cây kháu nhậm, gỗ tốt chẳng kém gì gỗ nghiến, mỗi cây xuất khỏi rừng là thu về vài triệu đồng ngon ơ”. Cũng theo ông Lúa, đến giờ 63 ha của ông đã cơ bản được phủ kín cây rừng và cây ăn quả.

Quả thực khu trang trại này của ông Lúa giống như một viên ngọc xanh hiện lên giữa vùng núi đá tai mèo bạt ngàn. Tài sản của ông không chỉ dừng lại ở đó, có rừng rồi, ông còn phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn, gà…

Ngay cả ông cũng không thể biết hết số gia cầm, gia súc trong trang trại. “Chúng sinh sôi nảy nở ngày một nhiều, chỉ khi nào bán mới kiểm được là mình đã xuất đi bao nhiêu con thôi”, ông tâm sự.

Biến sỏi đá thành vàng

Sau nửa buổi đi bộ mỏi chân, mặt trời đã khuất sau đỉnh núi. Ông Lúa mới sực nhớ, hôm nay nhà có khách, ông vội vàng rút điện thoại di động gọi điện cho đứa con trai chuẩn bị cơm rượu đãi khách.

Sau vài chén rượu xã giao, ông Lúa mới thủng thẳng kể về quãng đời gian nan mà gia đình đã từng trải qua. Quê ông ở trên xã Sủng Chái, thuộc huyện Đồng Văn, một nơi nghèo xơ nghèo xác. Quanh năm người dân bán mặt cho đá, bán lưng cho trời để kiếm lấy cái ăn.

Ngày đó quê ông chưa có đường, muốn đi đâu chỉ có cách là vượt núi băng rừng. Sống giữa nơi rừng hoang, núi thẳm nhưng ông lại là người ham học hỏi. Ông là người đầu tiên biết cái chữ ở đất Sủng Chái. Và chỉ sau thời gian ngắn ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ nhà giáo đầu tiên của xã đi xóa mù chữ cho đồng bào.

Ông tham gia hăng say lắm, đến đâu cũng được mọi người tin yêu. Vùng đất đầy gian khó nhưng tình người luôn thắm đượm này đã tạo cho ông ý chí sắt đá, quên đi mọi khó khăn để cho lớp trẻ nơi đây học được cái chữ. Những tưởng cuộc đời sẽ gắn bó mãi với nghề gõ đầu trẻ, nào ngờ, năm ông Lúa lên 19 tuổi thì bố mất. Ông xin nghỉ dạy học, ở nhà cùng mẹ làm nương, làm rẫy lo cho đàn em thơ.

Nhà ông đông người trong khi không có đủ đất để sản xuất. Đầu năm 1980, ông xuống xã Mậu Duệ để tìm đất canh tác. Chỗ nào tốt, người dân đã lập bản và sinh sống ổn định cả rồi. Sau nhiều ngày, ông mới tìm được khu đất thuộc bản Ngàm Sọoc.


Ngoài trồng rừng, ông Lúa còn chăn thả nhiều gia súc, gia cầm

Khu đất này thuộc diện khô cằn, đá sỏi. Đã có 3 bản đến đây ở đều phải chuyển đi vì không thể cày cấy trên vùng khô khát này được. Khi ông Lúa trở về địa phương, ông Chủ tịch xã khi đó đã khuyên: “Lúa à, ở cái cao nguyên đá này, chỗ nào cũng cằn như nhau cả thôi. Lúa ở nhà trồng cây thuốc phiện, có khi còn thu được nhiều hơn”.

Khi đó khắp các xã của huyện Đồng Văn, Yên Minh bị cây thuốc phiện bủa vây. Cuộc sống của người dân trông rất nhiều vào loài hoa phù dung này. Riêng ông Lúa lại có suy nghĩ khác nên bảo với ông chủ tịch: “Ấy dà, tôi mà mang 2 chỉ thuốc phiện đi bán, sẽ bị công an bắt. Nếu tôi trồng mía, dùng ô tô chở cả nghìn cây thì không ai bắt được tôi cả. Ông cứ để tôi xuống đó”.

Ngày đó, việc chuyển khẩu sang xã khác là điều vô cùng khó khăn, ông Lúa đành xuống đó làm nương một mình. Thỉnh thoảng ông dẫn con cái xuống phụ giúp cùng mình. Ngày tháng dần trôi, ông kì công xếp lại từng hòn đá dưới suối, phát đồi cỏ gianh rồi dùng đường ống dẫn nước về khu đất khô cằn này.

Đầu tiên ông gieo ngô để kiếm cái ăn cho cả nhà. Có ngô, ông trồng mía để cải tạo đất. Thực ra ở khu đất ông làm, Nhà nước đã từng trồng rừng thông ở đó. Do không được bảo vệ, chăm sóc nên cây còn cây mất. Bà con sống quanh vùng còn tập quán đốt nương nên mỗi khi mùa khô đến, lửa đã thiêu rụi nhiều ha rừng.

Tiếc của, đêm đến, ông mò lên đồi làm đường băng cản lửa, không để lửa liếm nốt đồi thông trên khu đất mà ông khai phá. Không biết bao nhiêu đêm ông vật lộn với giặc lửa để giành giật lại từng cây thông xanh tốt như bây giờ. Khi đó ông chỉ nghĩ rằng, nếu giữ được rừng thì mình mới trồng ngô, trồng lúa được. Và quả nhiên, diện tích ông giữ lại được, giờ đã lên xanh tốt.

Ông Lúa có tới 9 người con, 8 con trai và 1 con gái. Tất cả mọi người cùng đồng tình ủng hộ chủ trương của bố, phải trồng rừng thì mới sống được ở mảnh đất khô cằn này.

Ngày tháng dần trôi, chẳng mấy chốc những quả đồi trọc đã được phủ xanh cây cối. Sau vài vụ rẫy, rừng cây đã hình thành. Có rừng, ông giữ được nước cho sản xuất rồi chăn nuôi. Ông trồng cây ăn trái ở dưới thung lũng rồi đào ao thả cá. Thu nhập được khoản gì, ông lại lấy chính số tiền đó đầu tư lại cho trang trại.

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài đó, gia đình ông đã sống ổn ở trang trại này. Các con ông được học hành đến nơi đến chốn. Trong số 9 người con, có 4 người con của ông đã thoát ly. Những người con còn lại, ông Lúa đang động viên cho chúng học hành thật tốt.

Ông Lúa tâm sự: “Tôi nhờ chịu thương, chịu khó mà tạo được khu trang trại này. Tuy nhiên, muốn nó phục vụ lại mình phải có kiến thức. Muốn vậy, đàn con của tôi phải học được cái chữ, học tiến bộ khoa học kĩ thuật để áp dụng vào cái trang trại mới hy vọng khu đất này biến thành vàng được”.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.