| Hotline: 0983.970.780

Nhảy tàu cao tốc ở châu Âu

Chủ Nhật 06/02/2011 , 09:57 (GMT+7)

Từ ngày EU bao gồm 24 nước, giấc mơ du lịch châu Âu của dân mình thực hơn. Đi khi còn sức, đi để trải nghiệm và, đi như một sứ mệnh tự thân...

Từ ngày EU bao gồm 24 nước, giấc mơ du lịch châu Âu của dân mình thực hơn. Là vì nhiều người có thân nhân sinh sống và học hành thành đạt ở Đông và Trung Âu, chỉ cần người mời đảm bảo tài chính và nhà cửa ổn định thì bên nhà có thể xin visa sang chơi dễ dàng. Vào được một nước nhỏ xíu như Slovakia chẳng hạn, đã có thể rong ruổi khắp châu Âu bằng ô tô với người nhà, hoặc bằng xe đò liên tuyến, hoặc bằng tàu hỏa hay máy bay tùy thích. Đồng tiền chung, nghị viện chung, thể chế giống nhau và tinh thần nhân văn giống nhau, đó là ước mơ của nhân loại mà châu Âu đang dẫn trước.

Chúng tôi đi châu Âu bằng Vietnam Airlines, quá cảnh ở Frankfurt rồi vào Budapest. Nhiều quốc gia châu Âu từng có 45 năm Xô Viết đang phải lẽo đẽo theo sau các nước giàu sẵn. Như Hungary chẳng hạn, nay GDP là 15.000 USD/người (trước năm 1990 là 5.000 USD) nhưng chưa nghe họ xúc tiến cao tốc cao tiếc gì cả. Dù vậy, chúng tôi vẫn nhất quyết tìm đến nước nào có tàu cao tốc để đi du lịch xem sao. Đi khi còn sức, đi để trải nghiệm và, đi như một sứ mệnh tự thân. Vấn đề tàu cao tốc cho Việt Nam đã nóng ở diễn đàn Quốc hội, đang tiếp tục nóng trong dân chúng và chắc sẽ còn nóng dài dài trên công luận.

Nhà ga liên vận của thủ đô Budapest vắng vẻ hơn Hàng Cỏ hay Hòa Hưng. Nước người ta ít dân, nhà nào chả có ô tô, ai nhảy tàu liên vận chi cho nhiêu khê! Lên tàu vào đầu hôm, vé ghi chúng tôi sẽ đến Munich của Đức vào sáng sớm hôm sau và Đức thì nổi tiếng về tàu cao tốc, khỏi tìm ở đâu xa. Nhà tàu của Budapest cam đoan sẽ ráp nối đúng giờ, tiền trả trước cho 3 chặng, chúng tôi có 5 phút chuyển sang TGV (tàu cao tốc) để đi đến vùng biên giới của Đức – Pháp và lại nhảy TGV tới Lyon. Nghe như đinh đóng cột, tinh thần hiệu quả của châu Âu, thôi thì hãy tin như vậy đã.

Xình xịch rậm rì, tiếng bánh sắt nghiến trên đường ray cũ quen thuộc đến phát ngán. Tàu nhà nghèo, hành khách nhìn cũng biết không giàu và chúng tôi là hai người Việt phiêu lưu duy nhất của hành trình tàu thường sang Đức. Hóa ra dù là hành trình liên vận nhưng tàu của nước mới gia nhập EU phải liên tục nép mình tránh đường cho những đoàn tàu oách hơn. Đến Munich trễ những 4 giờ đồng hồ! Lập trình xuyên EU mà trễ mất 4 tiếng, có chết con người ta không chứ? Có nghĩa là chúng tôi phải tự xoay xở từ đây. Đã bảo muốn du lịch tự túc thì tha hồ tự túc rồi đó. Đã bảo muốn trải nghiệm thì thỏa thuê lớ ngớ, nhá?

Đất nước của tư duy chặt chẽ. Nhiều thành phố của Đức là giao lộ yêu thích của du khách. Ga hàng không Frankfurt đưa đón 85 triệu du khách mỗi năm (gần gấp đôi sân bay Charles De Gaulle của Pháp). Nhà ga TGV Munich khổng lồ như một thành phố, đường bệ, lạnh lùng. Hai chục làn đường sắt dành cho TGV san sát, những đoàn tàu bóng lộn vào ra chóng mặt, âm thanh quay cuồng như thể một bầy quái vật gào rú. Khách thập phương vội vã, bánh xe samsonite khua vang trên nền bê tông, người người nhanh như máy và cũng cứng như máy.

Chúng tôi như hai cánh bèo trong dòng chảy bất tận đó, không sao kể hết tâm trạng bị "mang con bỏ chợ" của cái gọi là tàu liên vận Hungary. Cái khoảng cách chết tiệt của một nơi tụt hậu và một nơi công nghiệp tiên tiến là đây - là con người đi từ bóng tối ra và bỗng chốc thành kẻ không nơi nương tựa với cái điều mà chúng ta hay gọi là “biển lớn”.

Chồng bảo vợ ngồi ngay ở đường tàu 13b ghi trong vé liên vận để chồng chạy vào tìm một nơi gọi là “INFORMATION” xem sao. Cái quầy ấy của nhà ga chắc ở đâu đó hun hút trong kia, một thế giới nếu không đến sẽ không biết nó đòi hỏi con người nhiều kỹ năng đến mức nào. Vợ ngồi giữa đống đồ lề trên ghế đá, cô độc không nói nên lời. Chồng mang theo hộ chiếu của cả hai để đi khiếu nại, quá tệ, nếu chẳng may phải chạy tốc lên vì báo động khủng bố, hay chồng có bề gì ở đâu đó với bệnh cao huyết áp mãn tính thì sao? Có thể lắm, một chút rủi ro cũng có thể biến một người đường hoàng thành người không giấy tờ tùy thân và rồi thành kẻ vô gia cư lắm chứ. Sân ga nườm nượp không ngớt, rất nhiều đầu đen da vàng nhưng nhìn đã biết là người Nhật hay người Hàn, không một người Việt nào xuất hiện trong tầm mắt.

Vận dụng tiếng Pháp ích gì ở một nơi chỉ có tiếng Đức và tiếng Anh, Nguyễn Quang Thân cầu cứu được một thanh niên Đức nghe thủng thứ tiếng Anh nói bằng giọng Pháp. Rồi cũng hiểu nhau. Người châu Âu nói chung và người Đức nói riêng không thích sa đà làm quen, nhưng khi được yêu cầu thì họ giúp đỡ rất chi là khoa học, tận tình. Thì ra những đoàn tàu đến từ những nước mới vào EU như Hungary bị trễ là "chuyện thường ngày ở huyện". Khoảng một tiếng sau, chồng mới tìm được vợ tay cầm một đôi vé khác để đi Stuttgart, rồi từ đó mới đi Starbourg và sẽ đi tiếp đến Lyon. Chao ơi, thế là cả thảy 4 chặng tàu, có 3 chặng đi bằng TGV mới đến được nơi mình hẹn đến.

Biết ngoại ngữ, xốc ba lô nhanh, laptop gọn gàng, giày thể thao chính hiệu và ngao du đã nhiều mà chúng tôi vẫn thấy mình rõ ràng Hai Lúa bên ngữ cao tốc này. Mọi thứ khép kín một cách dễ sợ. Vé vớt, không ghi rõ số toa, cứ nhảy lên đúng số hiệu của đoàn tàu và phải tự xoay ra chỗ ngồi. Cuối hành trình mới có dịp để so sánh, ngay lũ cao tốc thì Đức cũng khác Pháp và bản thân những đoàn tàu cũng có thiết kế bên trong không giống nhau cho “phong phú”.

Có tàu các toa cách nhau bằng một vách thép dày không qua lại được, có tàu số ghế không nằm chỗ dễ nhìn thấy mà nằm giữa hai trụ ghế cho điệu đàng chơi. Riêng khoản toa-lét thì mỗi tàu một kiểu, khi thì vỗ tay đánh bộp nước trong vòi mới phọt ra, khi phải đạp vào nút ấn ở sàn tàu mới có nước. Chạnh nghĩ đến số đông dân chúng xứ mình, sẽ xoay xở ra sao với túi tiền cho giá vé, sẽ ra sao với những thứ này khi làm “thượng đế” của nó và, liệu tàu chạy được mấy hôm thì thôi sạch đẹp?

Quá mệt. Áp lực trễ tàu và có thể bị người khác đòi ghế khiến chúng tôi luôn luôn thảng thốt. May là hành khách không có thói quen dò xét ai cả. Lên tàu, ai không đọc sách hay đọc báo thì giở laptop ra làm việc, không khí trang nghiêm như một phòng thi. Người Đức đó, chính họ làm ra vị trí số một của họ giữa châu Âu giàu sang này. Yên lặng, trật tự, vô trùng, nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy thong dong với cảnh sắc. Khi biết mình sẽ không bị đòi ghế bất ngờ nữa thì đôi vé ở ga sau đã nhắc nhở phải nhanh chân.

 Lục tục tìm cách đứng chực ở cửa toa, để khi tàu dừng là phải nhảy ra ngay. Ở đây chỉ có 7 phút cho tất cả các thao tác chuyển tàu: bước ra, tìm số đường ray, tìm số hiệu tàu và tìm đúng toa trên đoàn tàu dài hun hút. Vẫn còn trên đất Đức, sự nghiêm lạnh ngự trị, nếu còn xoay xở được thì phải cố chứ đừng giở mãi thói “đường đi trong miệng”, nhá. Có đến mấy phụ nữ đứng tuổi cũng chực sẵn bên cửa như chúng tôi, họ cũng không biết tàu TGV chặng Stuttgart (vùng biên giới Đức – Pháp) đi Strasbourg ở bên tay trái hay tay phải. Tàu dừng, một đám người nhảy bổ ra như đang có cuộc thi chạy, may quá, chuyến tàu tiếp đã ở ngay bên tay phải. Nhưng phải ngược xuôi tìm số toa bằng điện tử nhỏ như một thẻo bảng tên trên túi áo nhân viên, không hiểu sao chúng lại nhỏ một cách quá mức như vậy.

Chặng cuối, Strasbourg đi Lyon là TVG của Pháp. Ghế màu ấm cúng và mặt mũi hành khách cũng đời hơn. Nguyễn Quang Thân bắt đầu thả lỏng sau một ngày trời lăm le tiếng Anh phải hỗ trợ bằng tay. Cảnh sắc châu Âu giống nhau như anh với em, những cánh đồng chỉ có đồi chứ không thấy núi, những trụ điện gió đồng loạt trắng diễm kiều và những ngôi làng ngăn nắp trăm năm. Đường sắt cho cao tốc phải thẳng để bảo đảm siêu tốc, những khu dân cư phải có tường để cách âm và không có ga xép.

Không sao rời bỏ được ý nghĩ sao các vị quan chức xứ mình cứ quả quyết với dư luận để muốn bằng được dự án cao tốc Bắc Nam trên địa hình núi cao chập chùng của Trường Sơn? Sao không là những dự án đường ngắn phục vụ du lịch và dân sinh thiết thực như Sài Gòn - Vũng Tàu hay Hà Nội - Hạ Long hay Sài Gòn - miền Tây? Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, phương châm ấy vẫn hữu ích cho mọi người, mọi nhà, thậm chí cho cả những nước nghèo. Nghèo thì cứ bảo là nghèo, nghèo mà không ngông, không háo danh, không vung tay quá trán mới là cái nghèo sáng suốt và tự trọng.

Đang thiu thiu, nghe thấy tiếng chìa khóa và dây móc xủng xoẻng tới gần, Nguyễn Quang Thân mở mắt xua tay: “No, thanks, no, thanks”. Người đàn ông da đen cao to lực lưỡng tươi cười nhắc lại. Đất Pháp tình cảm chứa chan chứ không nghiêm lạnh như đất Đức. Thì ra chồng tưởng đang ngồi trên tàu hỏa Việt Nam và tưởng vừa nghe lời mời của một gã bán dạo. Chết không, đây là châu Âu và đây là nhân viên soát vé của TGV kia mà! Đôi “Hai Lúa” tủm tỉm cười, không dám cười vỡ ra, chỉ cười bụng và cứ muốn cười mãi.

Đã nếm mùi tàu cao tốc rồi đó. Lượt về, từ Bordeaux hết vé xe bus eurolines liên tuyến để  lướt qua Ý, chồng lại muốn quay về Hungary bằng tàu liên vận, hy vọng nhờ chuyến đi mà kỹ năng nhảy tàu tăng lên chút ít. Tôi rú lên nguầy nguậy: “Không, không và không!” Đành mất đứt 1.000 euro cho lượt về bằng máy bay, transit hai chặng, trở lại Paris rồi qua Praha của Cộng hòa Séc, nhiêu khê và vô cùng phiền phức vì nạn kiểm tra an ninh. Nhưng đó là một tâm trạng khác, dành cho một bài viết khác.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.