| Hotline: 0983.970.780

Nhẹ lo trên cánh đồng lớn

Thứ Sáu 07/03/2014 , 14:11 (GMT+7)

Vụ lúa ĐX 2013-2014 ở ĐBSCL đang vào mùa thu hoạch. Thời tiết thuận lợi, lúa óng vàng, chắc hạt, trúng mùa. Trên cánh đồng lớn (CĐL) nông dân vững tin khi có DN đồng hành.

* Cty CP BVTV An Giang sẽ mở rộng cánh đồng lớn lên 360.000 ha

Lúa tốt, lo giá

Vụ lúa ĐX 2013-2014 ở vùng ĐBSCL có hơn 1,6 triệu ha. Tại một số tỉnh trong vùng thu hoạch lúa ĐX sớm khoảng 300.000 ha, năng suất bình quân đạt 6,5-7 tấn/ha. 

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho rằng: Nhờ sau một mùa nước dồi dào phù sa, thời tiết, mùa vụ thuận lợi nên chất lượng lúa ĐX rất tốt, năng suất bình quân trên 7 tấn/ha, cao hơn vụ ĐX năm trước khoảng 1 tạ/ha. Năm nay Cần Thơ có hơn 80.000 ha lúa ĐX, trong đó vùng trồng lúa thơm Jasmine chiếm trên 67% đang thu hoạch. Tại An Giang một số vùng thu hoạch lúa sớm năng suất đạt 7,5 tấn/ha, có nơi đạt cao trên 8-9 tấn/ha.

Lúa ĐX chất lượng tốt nên phẩm chất gạo càng cao, thuận lợi giao dịch xuất khẩu. Sau Tết lúa bắt đầu thu hoạch, các DN cho biết nhu cầu giao hàng theo hợp đồng xuất khẩu 500.000 tấn gạo sang thị trường Philippines cũng như Trung Quốc tăng mức thu mua, tạo điều kiện nông dân bán lúa giá cao hơn so cùng kỳ năm trước hơn 200 đồng/kg. Lúa IR50404 chín sớm gặt xong bán tại ruộng 4.700-4.800 đồng/kg, lúa thơm Jasmine 85 phơi khô giá 6.400 đồng/kg.

Tuy nhiên, giới thương lái và DN thu mua xuất khẩu gạo tại Cần Thơ dự liệu: Từ tháng 3/2014 lúa ĐX chính vụ thu hoạch rộ và khi một số hợp đồng xuất khẩu số lượng lớn giao hàng kết thúc, giá lúa có thể giảm. 

Theo Sở Công thương Cần Thơ, trong những ngày qua lúa gạo giảm 100-200 đồng/kg so với tháng trước. Ông Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc Cty CP GENTRACO (Cần Thơ) cho biết: Các kho đang mở cửa thu mua lúa IR50404 giá giảm còn 4.500-4.600 đồng/kg, lúa OM hạt dài 5.200-5.300 đồng/kg.

Anh Phú Hòa, nông dân xã Trường Xuân, huyện Thới Lai (Cần Thơ) có 25 công lúa Jasmine 85 sắp thu hoạch, dự cảm nỗi lo: Bước qua tháng 3 gặt lúa sợ khó giữ được giá, bởi vì ruộng của tôi và nhiều nông dân lân cận không nằm trong quy hoạch CĐL, không có DN bao tiêu nên chỉ bán lúa tươi qua thương lái. Lúa Jasmine phơi khô, sạch hiện còn 6.200 đồng/kg.

Cánh đồng lớn - Nông dân nhẹ lo

Ngày nay phương tiện thông tin giúp nông dân trồng lúa ở ĐBSCL theo dõi sát sao diễn biến thị trường mùa vụ mỗi ngày. Dù vậy phần lớn nông dân cho biết vẫn chưa thể chủ động giảm bớt rủi ro, ngoại trừ nông dân có tham gia được mô hình CĐL hợp tác với DN. Nông dân SX giống lúa theo đặt hàng và DN hợp đồng tiêu thụ đang phát huy hiệu quả ở nhiều địa phương.

Tại Cần Thơ mô hình nông dân liên kết DN trên CĐL đang phát huy hiệu quả. Ông Lê Việt Hải, Giám đốc Cty CP Mekong (Cần Thơ) nói: "Từ nhiều năm qua, Cty CP Mekong hợp tác bền bỉ với nông dân hai huyện Châu Thành (Hậu Giang) và Thới Lai (Cần Thơ) là do hai bên thực hiện đúng theo hợp đồng.

Vụ ĐX năm nay Mekong ký hợp đồng với nông dân sản xuất lúa thơm Jasmine 85 trên 1.000 ha và thu mua theo giá thị trường, với giá sàn thấp nhất lúa khô 6.000 đồng/kg. Như hiện thời lúa thu hoạch sớm giá 6.200 đồng/kg chúng tôi vẫn phải mua theo giá này".

18-28-40_gao-thom-dac-san-st-san-xuat-tren-cdl-o-soc-trang-tx
Gạo thơm đặc sản ST20 giá trị cao được DN đặt hàng SX ở Sóc Trăng

Trên cánh đồng Nông trường Cờ Đỏ (cũ) với 5.600 ha, Cty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ định hướng SX vụ ĐX 2013-2014 một loại giống lúa thơm Jasmine 85 chiếm trên 95% đến nay thu hoạch được hơn 1.700 ha, lúa tốt đạt năng suất cao hơn vụ ĐX năm trước 300-400 kg/ha.

Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Cty Nông nghiệp Cờ Đỏ cho biết: Từ đầu vụ các hộ SX được Cty cho vay tín dụng, đầu tư lúa giống, vật tư nông nghiệp khoảng 1,6 triệu đồng/ha. Cuối vụ thu mua lúa tươi sấy chi phí 130 đồng/kg, giảm hơn giá sấy lúa bên ngoài 40 đồng/kg, thu mua theo giá thị trường nhưng đảm bảo giá sàn bao tiêu lúa khô 6.000 đồng/kg. Định hình theo phương thức SX này, có hệ thống kho trữ lúa, Cty Nông nghiệp Cờ Đỏ chủ động giao dịch, ký kết hợp đồng xuất khẩu vì đã có nguồn nguyên liệu lúa tốt, chế biến gạo đạt phẩm chất cao.

AGPPS và những cánh đồng siêu lớn

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc Cty CP BVTV An Giang (AGPPS) cho biết: "Từ năm 2010 AGPPS khởi sự thực hiện chuỗi SX lúa gạo theo quy trình bền vững thông qua mô hình CĐL, với mục tiêu nâng cao giá trị của hạt gạo Việt Nam. Đến vụ lúa ĐX năm nay AGPPS đầu tư mở rộng tất cả 5 nhà máy đứng chân trên các vùng nguyên liệu, hình thành 5 CĐL ở 4 tỉnh An Giang, Long An, Đồng Tháp, Bạc Liêu. Qui mô mỗi CĐL 6.000 ha, tăng 1.000 ha so vụ ĐX năm trước".

Trên mỗi CĐL SX lúa theo nhu cầu thị trường. Ở huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) trồng lúa hạt dài AG103, AG4, hiện được mua với giá lúa khô (ẩm độ 15%) 5.600 đồng/kg. Tại 2 nhà máy ở huyện Châu Thành, Thoại Sơn (An Giang) nông dân trồng lúa thơm Jasmine 85 trong CĐL trúng mùa, năng suất trên 7 tấn/ha. Sau đợt thu hoạch đầu bán được 6.600 đồng/kg. Còn CĐL ở Bạc Liêu SX lúa OM5451, BL1, BN1… đang chín.

Ông Dũng nói: “AGPPS cam kết đồng hành cùng nông dân thì dù cho thị trường diễn biến giá cả lên xuống vẫn mua lúa theo hợp đồng. Nông dân có quyền quyết định bán lúa ngay nếu thấy được giá hoặc gặp lúc giá xuống thấp có thể tạm gửi lại kho của AGPPS trong thời hạn 30 ngày không tính phí.

Năm 2013, AGPPS thu mua lúa trên các CĐL 285.000 tấn. Trong đó có thời điểm nông dân thấy giá lúa xuống thấp, bất lợi tạm gửi 20.000 tấn. Chúng tôi khuyến khích nông dân gửi lúa chờ qua tháng giá thấp rồi bán sẽ có lợi hơn”.

Theo ông Dũng hiện nay AGPPS SX lúa theo nhu cầu đặt hàng của một số nước nhập khẩu. Trong vụ HT 2014 sắp tới ở Bạc Liêu sẽ mở rộng CĐL thêm 1.000-2.000 ha. Như vậy sau hơn 3 năm mô hình CĐL đã được đông đảo nông dân đồng tình hợp tác. AGPPS xây dựng vùng nguyên liệu SX theo quy trình kỹ thuật tiên tiến, làm ra hạt gạo sạch và chất lượng được khách hàng tín nhiệm. Gạo SX theo chuỗi giá trị của AGPPS đã bán được giá cao hơn từ 30 USD/tấn.

Dự kiến lộ trình đến năm 2018, AGPPS sẽ mở rộng CĐL lên 360.000 ha, hoàn thành 12 nhà máy chế biến lúa gạo có tổng công suất 2,4 triệu tấn/năm tại ĐBSCL. Có thêm nhiều CĐL, nông dân trồng lúa trong vùng hào hứng, trông đợi.

 

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm