| Hotline: 0983.970.780

Nhiệt điện mọc lên, số phận sông Ninh Cơ và vùng biển liền kề có thoát ô nhiễm?

Thứ Năm 14/07/2016 , 14:30 (GMT+7)

Sau 8 năm rục rịch, đầu năm 2016, dự án BOT Nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 tại 2 xã Hải Ninh và Hải Châu (huyện Hải Hậu) chính thức được ký kết thỏa thuận đầu tư. Khu vực xây dựng nằm sát mép sông Ninh Cơ, cách biển chừng 7km. Nhiều người dân tỏ ra bất an về tương lai...

Cầm tờ phương án bồi thường trên tay, nhiều người dân tỏ ra bất an về tương lai. Một số người hiểu biết lắc đầu, chẳng biết nhiệt điện giờ công nghệ thế nào chứ đi tham quan ở Quảng Ninh hay Hải Dương thì ô nhiễm lắm.

Đi đâu, làm gì nếu ô nhiễm!?

Những ngày này, về xã Hải Ninh và Hải Châu, đâu đâu cũng râm ran bàn tán chuyện về nhà máy nhiệt điện. Dự án rục rịch cũng đã 8 năm nhưng nay mới ảnh hưởng trực tiếp tới người dân.

Ông Lưu Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Ninh cho biết, khi triển khai, nhà máy nhiệt điện sẽ “ôm” trọn 13/16 xóm. Sẽ có khoảng gần 300 hộ dân phải di dời đến khu tái định cư, nằm đối diện UBND xã. Chính quyền xã, huyện và nhà đầu tư đang nỗ lực làm công tác kiểm đếm, bồi thường tài sản, hoa màu cho người dân.

Cầm tờ phương án bồi thường với số tiền 175 triệu 551 nghìn đồng trên tay, ông Bùi Văn Mạnh, xóm 14, xã Hải Ninh, mặt buồn rười rượi. Toàn bộ diện tích nhà, vườn và 2,1 sào ruộng nhà ông Mạnh đã kiểm đếm xong, chỉ chờ ngày giải tỏa. Hải Ninh là vùng ven sông, gần cửa biển, đất nhiễm chua mặn.

“Hiệu quả trồng lúa nói thực là không cao. Mỗi sào một vụ chỉ được hơn tạ thóc. Nhưng sinh ra đã gắn bó với ruộng đồng, làm nông quen rồi, nói là bỏ ngay cũng khó. Nhận tiền đền bù, ruộng vườn không có thì biết làm gì”, ông Mạnh ưu tư.

13-31-31_2
Ông Bùi Văn Mạnh được dự án bồi thường với số tiền 175 triệu 551 nghìn đồng

 

“Lần nào gặp lãnh đạo hay nhà đầu tư, chúng tôi cũng kiến nghị, làm sao phải đảm bảo công tác môi trường. Tuyệt đối không gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sông, biển” – ông Bùi Văn Mạnh, xóm 14, xã Hải Ninh nói.

Nói về nhà máy nhiệt điện sắp tới, lão nông này bảo, sợ nhất là ô nhiễm môi trường. Thời gian qua, đọc báo, xem tivi thấy vụ ô nhiễm môi trường Formosa trong Hà Tĩnh mà sợ quá.

Ông thủng thẳng, đúng là giờ chỉ trông chờ vào công nghệ mới xem thế nào thôi. Chứ nếu nhà máy nhiệt điện này xả thải gây ô nhiễm thì kinh khủng lắm. Khi đó, toàn bộ con sông Ninh Cơ sẽ bị hủy hoại. Đồng thời, nước bẩn theo con nước đổ ra biển. Không chỉ Hải Hậu, các huyện kề bên như Giao Thủy, Nghĩa Hưng cũng bị ảnh hưởng.

Dự án triển khai, quá nửa ao, vườn của bà Nguyễn Thị Thại (cùng xóm 14) sẽ biến thành đất nhà máy. Cột mốc đã cắm, ngày giải tỏa chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Bà Thại thật thà bảo, giờ không được làm ruộng, tự nhiên thấy buồn. Bà Thại sống một mình, đất nhường nhà máy thì ra ở cùng con cháu là một nhẽ. Nhưng bà luôn lo lắng về vấn đề môi trường.

13-31-31_3
Bà Nguyễn Thị Thại đứng tần ngần bên cột mốc cắm trong vườn

 

Hàng ngày, bà Thại dầm mình khắp các kênh rạch thả 30 cái lờ, 30 cái đó rồi mò cua bắt ốc kiếm sống. Mường tượng về những dòng sông ô nhiễm, bà Thại bảo, ruộng không còn, cá tôm hết thì chỉ có nước chết đói. Nước ăn uống sinh hoạt, nước sạch chưa có, chẳng biết rồi sẽ ra sao!

Thấy có người lạ, ông Nguyễn Văn Bình, trưởng xóm 14 đi qua liền dựng xe cùng trò chuyện. Theo ông Bình, cách đây không lâu, ông cùng một số lãnh đạo địa phương được tổ chức đi tham quan các nhà máy nhiệt điện ở tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương.

Sau chuyến đi, nhiều người rỉ tai nhau, chẳng biết công nghệ công gừng giờ thế nào, chứ thế này thì ô nhiễm lắm. Dọc theo sông Ninh Cơ, có cả trăm hộ dân theo nghề chài lưới. Nếu ô nhiễm, họ sẽ phải đi đâu, làm gì!?

Địa phương vẫn mơ hồ

Sơ lược về dự án, ngày 18/1/2016, tại Hà Nội, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương, cùng tổ hợp nhà đầu tư gồm TaekWang (Hàn Quốc) và Cty điện Acwa Power, đã chính thức ký thỏa thuận đầu tư dự án BOT Nhà máy nhiệt điện Nam Định 1. Bộ trưởng Bộ Công thương khi đó là ông Vũ Huy Hoàng tham dự và chứng kiến lễ ký kết.

Theo đó, dự án BOT Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 có công suất 2.400 MW (4 tổ máy 600 MW). Dự án được xây dựng dưới hình thức BOT, quy mô 346ha. Dự án sử dụng than do Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam cung cấp.

13-31-31_4
Những xóm nhỏ sẽ phải di dời, nhường chỗ cho dự án

 

Bộ Công thương đánh giá, dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp điện cho phát triển kinh tế tỉnh Nam Định, các địa phương khu vực phía Bắc và an ninh năng lượng quốc gia. Tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ USD. Dự kiến, những tổ máy đầu tiên sẽ đi vào hoạt động và cung cấp điện vào năm 2020. Từ đó, sẽ đóng góp cho ngân sách tỉnh Nam Định 2 – 3 nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Trao đổi với PV, ông Vũ Văn Kỳ, Chánh văn phòng UBND huyện Hải Hậu cho biết, do đây là một dự án lớn, nhà đầu tư làm việc trực tiếp với tỉnh nên không nắm được nhiều thông tin. Huyện chỉ được giao nhiệm vụ làm công tác GPMB, bàn giao lại đất cho chủ đầu tư.

Trong quá trình làm việc tại cơ sở, một cán bộ địa phương tâm sự với PV rằng, thực ra, đến thời điểm này mà đi xây dựng nhà máy nhiệt điện là lỗi thời. Vì hiện nay, những nguyện liệu để một nhà máy nhiệt điện hoạt động, Việt Nam đã phải đi nhập khẩu. Nhưng vì đất nước còn nghèo, phải chấp nhận thôi.

PV tiếp tục liên hệ với Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Nam Định để hiểu sâu hơn về dự án. Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chánh văn phòng đơn vị này cho biết, cũng không nắm được thông tin cụ thể. Theo ông Trung, về công tác đánh giá tác động môi trường (ĐTM), nhà đầu tư sẽ có báo cáo gửi trực tiếp lên Bộ Tài nguyên Môi trường.

Sau đó, Bộ này sẽ thành lập hội đồng gồm nhiều ban, ngành liên quan để thẩm định báo cáo này. Sở Tài nguyên Môi trường chỉ đóng vai trò thành viên tham gia với nhiệm vụ lấy ý kiến người dân. Ông Trung cũng cho biết, hiện công tác đánh giá đã tiến hành xong, nhưng kết quả thế nào, PV phải làm việc trực tiếp với Bộ Tài nguyên Môi trường, Sở không có thẩm quyền phát ngôn vấn đề này.

Không tránh khỏi ô nhiễm

Theo các chuyên gia của Hội Hóa học Việt Nam, nước thải của một nhà máy nhiệt điện sinh ra trong giai đoạn hoạt động chủ yếu là nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt. Riêng phần nước thải công nghiệp chứa nhiều chất độc hại, tác động xấu tới môi trường.

Nước thải công nghiệp lại bao gồm nước làm nguội, nước từ các thiết bị lọc bụi, từ bãi thải xỉ, từ các xưởng cơ khí, các khu vực SX khác và nước thải từ việc làm vệ sinh thiết bị máy móc.

Trong đó, nước thải từ quá trình làm nguội thiết bị có lưu lượng lớn. Loại nước thải này ít bị ô nhiễm và thường chỉ được làm nguội và cho chảy thẳng ra nguồn nước mặt khu vực. Tuy nhiên nước xả từ lò hơi lại có nhiệt độ, độ pH cao và có chứa một lượng nhỏ dầu mỡ, cặn lò không hoà tan, chất vô cơ. Theo các chuyên gia, cần phải tách ra khỏi loại nước làm nguội khác để xử lý.

13-31-31_5
Một nhánh sông Ninh Cơ, nơi mưu sinh của nhiều hộ dân xã Hải Ninh

 

Nước thải từ các thiết bị lọc bụi, bãi thải xỉ có lưu lượng và hàm lượng cặn lơ lửng (bụi than) rất lớn, tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường.

Loại thứ 3 là nước thải từ các khu vực SX, xưởng cơ khí có mức độ nhiễm dầu thay đổi tuỳ thuộc vào mức độ và khả năng vận hành, quản lý của nhà máy.

Loại cuối cùng là nước thải từ quá trình rửa thiết bị thường có chứa dầu, mỡ, cặn và trong trường hợp rửa lò hơi có thể chứa cả axit, kiềm. Do vậy nhìn chung nước thải từ công đoạn này có giá trị pH rất khác nhau, chứa các chất rắn lơ lửng, một số ion kim loại nặng với tổng lượng lên tới vài trăm m3/ngày.

Do đó, với những đặc điểm và tính chất nêu trên, có thể khẳng định, nước thải từ các Nhà máy Nhiệt điện sẽ làm ô nhiễm nước mặt ao, hồ, sông cũng như nước ngầm trong khu vực hoạt động.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Phía sau mặt cỏ xanh của Sân vận động Thiên Trường

Thiên Trường, sân nhà CLB Bóng đá Thép Xanh Nam Định gần đây được đánh giá có chất lượng mặt cỏ top đầu V-League, vậy điều gì đã làm nên màu xanh tươi mới này?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm