| Hotline: 0983.970.780

Nhiều Cty giống lâm cảnh chợ chiều

Thứ Ba 14/02/2012 , 10:06 (GMT+7)

Qua một năm chao đảo với lãi suất ngân hàng, lại ế ẩm vì giống lúa vụ xuân này tiêu thụ ì ạch, rất nhiều DN giống cây trồng khó khăn chồng chất.

Vận chuyển giống lúa lai TQ
Qua một năm chao đảo với lãi suất ngân hàng, lại ế ẩm vì giống lúa vụ xuân này tiêu thụ ì ạch, rất nhiều DN giống cây trồng khó khăn chồng chất. Những gáng nặng của năm 2011 tiếp tục vắt sang năm 2012 đã đẩy nhiều DN vào tận chân tường.

Áp tết, đến một Cty giống thấy cảnh cán bộ công nhân viên hè nhau mổ lợn, tiếng lợn kêu eng éc, tiếng dao thớt kỳ cạch, sau đó là tiết canh tràn khóe miệng. Kết thúc ngày cuối năm ai nấy ra về với mấy cân thịt trên tay, đủ cả thịt thủ, khấu đuôi, thăn lưng, bắp vế,… tất nhiên không thể thiếu món lòng nghi ngút khói.

Tôi lên tiếng: “Năm nay Cty hoành tráng nhỉ, lại vật cả lợn ăn tết”. Vị giám đốc mặt tướp táp men rượu, mắt đỏ lọng, nhưng trái với mong đợi của tôi, rằng ông sẽ cao hứng kể về một năm ăn nên làm ra, anh em thu nhập đầy túi. Giọng ông ra chiều thõng thượt, buông xuôi: “Buồn lắm ông ơi, không còn đồng nào chi tết. Đành bảo trưởng phòng hành chính đi kiếm con lợn hơn tạ, về vật ra làm bữa liên hoan cuối năm, còn bao nhiêu chia đều thay tiền tết. Vui vẻ gì ông, cám cảnh, dơ dáy thì có. Ăn đụng ăn chạm ngang thời bao cấp còn gì”. Được biết năm rồi, Cty ông “âm” nặng, còn ngót 300 tấn lúa giống tấp trong kho. Cái Cty bé như lỗ mũi mà ế từng ấy giống thì có tiền chia tết mới là lạ.

Có một điều dễ thấy là năm 2011 lãi suất ngân hàng cao vời vợi, mà NK lúa lai cần rất nhiều vốn. Trầy vi tróc vẩy vay được ngân hàng ít tiền, NK giống về những tưởng bán róc để có tiền trả lãi ông nhà băng và chi tiền tết cho anh em. Đương nhiên lúa ế thì hết chuyện.

Bà Phạm Thị Cằng- GĐ Cty CP Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng vừa được tôi “gợi ý” về đề tài “ế giống” đã tuôn như thác chảy: “Khó khăn lắm em ạ. Gần tết chị xách xe chạy rông khắp các tỉnh mà chưa thu hồi được tiền bán giống. Đại lý kêu chưa đòi được nông dân, đến nhà nông dân mới thấy cám cảnh, cả nhà người ta có mấy trăm ngàn tiêu tết thì lấy đâu ra mà trả nợ đại lý. Trả tiền mua giống thì mất tết, chọn đằng nào đây? Ai đời Cty chị có dăm tỷ tiền vốn mà khách hàng nợ cả chục tỷ. Làm được đồng nào è cổ trả nợ ngân hàng. Lúc cao chị vay 11, 12 tỷ, thấp cũng 6, 7 tỷ nên riêng tiền lãi suất đã 120- 170 triệu đồng/tháng. Trả lương 50 người cũng 170 triệu, BHXH chừng 50 triệu thành ra tháng nào cũng phải làm ra hơn 400 triệu mới có lãi.

Trong khi đó mỗi cân giống trừ đầu trừ đuôi chỉ lãi 2.000 đồng. Muốn có 4- 5 tỷ mỗi năm phải bán hơn 2.000 tấn giống thì đổ xuống ống cống cũng không tiêu hết được lượng giống đó. Thành ra chị cứ cạy cục mỗi vụ bán vài trăm tấn VL 20, vì SX trong nước nên giá bán vừa phải, chỉ trên 50.000 đồng/kg cũng đỡ hơn. Vụ này Cty chỉ ế dưới trăm tấn, để bán tiếp vụ mùa. Chị nghe nói có Cty nào bên tỉnh B ế lắm, trong khi đang nợ bà Béo buôn giống bên Trùng Khánh, Trung Quốc cả mấy chục vạn tệ”.

Câu chuyện đầu xuân với bà Cằng lan man khắp “đầu nhà ra ngõ”. Theo bà, càng ngày kinh doanh giống lúa lai càng khó khăn. Diện tích cấy lúa thì hẹp lại, nông dân không còn đắm đuối với đồng ruộng; họ chẳng quan tâm giống nào tốt giống nào xấu, cứ thấy giá giống cao là xúc thóc bồ ra gieo mạ.

Làm lúa ở miền Bắc không phải SX hàng hóa, cốt chỉ đủ thóc ăn nên nông dân không ăn thua, cay cú gì năng suất cao hơn vài chục cân thóc mỗi sào. Mỗi khẩu hơn sào ruộng, làm nhổn nháo cho xong kiếm mỗi vụ đôi tạ thóc. Còn tiền mua thịt cá, may sắm quần áo, đóng góp hương hỏa trong làng ngoài họ, cho con đụng chạm vào cổng trường đại học… phải kiểm đẩu đầu đâu ấy chứ- làm thuê làm mướn, nhao ra thành phố gồng gánh, phu hồ cửu vạn. Thành ra cây lúa ngày càng lép vế.

Trong lúc bà Cằng trò chuyện với tôi thì vụ việc ông Đoàn Văn Vươn bên Tiên Lãng còn nóng giần giật. “Đấy, làm nông nghiệp cứ bấp bênh thế thì ai đầu tư. Năm rồi Hải Phòng nhiều DN phá sản lắm. Cty chị doanh số hơn 50 tỷ mà nhìn đi ngó lại chỉ lãi mấy trăm triệu. Nhưng thôi, không lỗ đã là may rồi”, bà Cằng chán nản nói.

Được biết hiện nay, để giúp đỡ nông dân ở những tỉnh bị bão lụt, thiên tai, mỗi năm Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chi không ít tiền cho công tác dự trữ giống. Theo GĐ nhiều Cty giống, lẽ ra công tác dự trữ giống nên đưa ra đấu thầu rộng rãi, có tiêu chí nhất định về năng lực tài chính, kho tàng, hệ thống phân phối. Nhưng nhiều năm nay việc phân phối giống lúa dự trữ quốc gia chưa thực hiện theo hướng mở này, ít nhiều khiến các DN giống bức xúc.

Ông Mai Văn Đức, GĐ Cty CP Giống cây trồng Nam Định cũng tỏ ra bi quan với tương lai cây lúa lai. Bằng chứng là mấy năm qua, diện tích lúa lai không tăng lên được. Nông dân thì cứ trung thành với mấy tổ hợp lúa lai đã cũ. Còn ông Đoàn Văn Sáu, GĐ Cty TNHH Cường Tân, người đã dành quá nhiều tâm sức, tiền bạc cho lúa lai cũng xác định đã đến lúc Cty phải đi bằng nhiều chân. Bên cạnh tổ hợp TH3- 3, từ vụ vừa rồi ông Sáu đã hợp tác với các chuyên gia Trung Quốc SX tổ hợp Nhị ưu 838 ngay tại Nam Định. Biết rằng giống này không mới nhưng dân vẫn dùng, mà SX tại chỗ giá bao giờ cũng mềm hơn NK nên khả năng tiêu thụ dễ hơn.

Điều này dự báo một hướng đi mới của các DN giống, là thay cho việc NK toàn bộ, nhiều Cty giống đã chú trọng SX các tổ hợp lúa lai ngay ở Việt Nam; trong đó có các giống lúa lai của Trung Quốc để tránh phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường nước ngoài cả về giá cả lẫn số lượng. Còn nếu cứ đến vụ lại "vác rá" đi NK như hiện nay thì có năm thắng to, nhưng có năm giống ế, chỉ còn nước đóng cửa Cty.

Trong lúc nhiều DN giống cây trồng cỡ nhỏ và vừa đang lao đao chống đỡ với lãi suất thì thông tin một Cty giống năm 2011 lãi tới 63 tỷ đồng/vốn điều lệ gần 82 tỷ đồng, tức là lãi tới 2/3 vốn đã làm cả làng giống thèm khát. Mặc dù năm 2011 các DN giống ì ạch “vượt dốc” nhưng lợi nhuận của Cty này vẫn tăng tới… 46% so với năm ngoái và tăng 17% so với kế hoạch đề ra. Chỉ riêng quý IV/2011, Cty nọ lãi tới gần 11 tỷ đồng- một con số nằm mơ của những Cty giống khác. Nhiều GĐ các Cty giống đều “lắc đầu” chịu thua khi nói đến những lợi thế mà Cty nọ đang có, đặc biệt là việc Cty gần như độc quyền phân phối nguồn giống dự trữ quốc gia với nguồn tiền hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Quy hoạch vùng trồng hoa hồng lớn nhất tỉnh Kon Tum

Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) được quy hoạch xây dựng thành vùng trồng hoa hồng Bulgaria lớn nhất Kon Tum.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm