| Hotline: 0983.970.780

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng:

Nhiều DN chăn nuôi giảm giá giống và thức ăn

Thứ Ba 25/04/2017 , 07:30 (GMT+7)

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Cty CP Chăn nuôi CP Việt Nam cho biết, Cty đang thực hiện việc thuê kho cấp đông để giải thoát gánh nặng cho người chăn nuôi. 

Theo ông Tuấn việc giá lợn tụt giảm có nguyên nhân tồn lượng thịt hàng ngày.

17-38-42_ong-vu-nh-tun
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Cty CP Chăn nuôi CP Việt Nam

Một ngày nguồn cung tăng 1% nên ảnh hưởng rất ghê gớm. Trong khi đó nhiều nơi người dân vẫn còn “đói thông tin” nên họ đang cố gắng vay mượn tiền để cố nuôi, càng đẩy giá xuống sâu thêm. Ông Tuấn cho rằng, heo nái kém chất lượng nên loại bỏ. Loại những con này đi để vừa giảm đàn vừa giảm giá thành chăn nuôi.

Thay mặt Cty Chăn nuôi CP Việt Nam, ông Tuấn cam kết trong ngày một ngày hai tới sẽ điều chỉnh giảm giá con giống và giảm giá thức ăn chăn nuôi cho người dân.

Bộ trưởng hoan nghênh nhưng vẫn rất sốt ruột vì chưa thấy doanh nghiệp nào khẳng định là đã tăng giá mua lợn hơi và giảm giá bán sản phẩm cho người chăn nuôi. Ngay lập tức, ông Phạm Văn Học, Phó Tổng giám đốc Cty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam lên tiếng rằng từ khi giá lợn xuống sâu, Cty đã có kế hoạch hỗ trợ người chăn nuôi.

17-38-42_ong-phm-vn-hoc-dbco
Ông Phạm Văn Học, Phó Tổng giám đốc Cty CP Tập đoàn Dabaco

Bộ trưởng: “Tốt quá, thế đã giảm chưa”? Đáp, Cty đã giảm giá bán thức ăn chăn nuôi từ 5 - 7% kể từ tuần trước.

Ông Học đề nghị người dân hết sức bình tĩnh, không giảm việc chăm sóc sức khỏe cho vật nuôi. Vì nếu cắt giảm vệ sinh phòng bệnh, thuốc thú y thì sẽ nguy hiểm. Cty sẽ cử cán bộ đến tư vấn cho người chăn nuôi.

Một cánh tay giơ lên, đó là ông Võ Việt Dũng, Tổng giám đốc Cty Anh Dũng (Cty chế biến thực phẩm Nam Hà Nội).

17-38-42_ong-vo-viet-dung
Ông Võ Việt Dũng, Tổng giám đốc Cty Anh Dũng (Cty chế biến thực phẩm Nam Hà Nội)
“Thưa Bộ trưởng nếu mỗi ngày một người dân ăn hết 1 lạng thịt lợn thì mấy chục triệu người trong nước cũng đã tiêu thụ được mấy chục ngàn tấn lợn cho người chăn nuôi rồi”, ông Võ Việt Dũng trăn trở.

Ông Dũng báo cáo với Bộ trưởng rằng, hiện Cty đang thu mua cao hơn giá thị trường, với mức giá 23.000 đồng/kg, là giá cao nhất thị trường hiện nay đối với loại lợn có trọng lượng trên 120 kg/con.

Trong khi đó, tại Hà Nam, lợn có trọng lượng từ 1,4 - 1,5 tạ, chỉ có giá 1,5 triệu đồng/con nhưng không bán được.

Bên cạnh đó, Cty cũng tăng cường bán thịt lợn vào các bếp ăn tập thể, trường học, khu công nghiệp. Sau cuộc họp này, Cty sẽ làm việc với siêu thị Vinmart để giảm giá bán cho trường học và công nhân.

Ông Dũng kiến nghị, phải xiết lại, ngành chăn nuôi lợn dứt khoát phải là một ngành kinh doanh có điều kiện chứ không để dễ dãi như lâu nay.

Cục Chăn nuôi nhận định: Nếu tình trạng giá lợn hiện nay kéo dài thì phần lớn các hộ chăn nuôi và ngay cả những hộ trang trại lớn cũng sẽ không trụ được, kéo theo nhiều hệ lụy đối với các hoạt động kinh doanh đầu vào của ngành chăn nuôi. Hiện nay trung bình một hộ kinh doanh ở quy mô vừa, với sản lượng khoảng 100 tấn thức ăn chăn nuôi/tháng thì đang tồn nợ trong nhân dân khoảng 4 - 5 tỷ đồng.

Trong khi đó ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi VN cho rằng, các thị trường châu Âu, Nhật Bản đều có nhập thịt mà chúng ta khó vào quá. Cái này, Bộ Công thương phải có trách nhiệm.

Ông Lịch kiến nghị Cục Thú y sớm ký hiệp định thương mại thú y với các nước Đông Nam Á như đã từng ký với Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore.

Ông Lịch cho rằng, chúng ta phải chia sẻ với nông dân. Các trang trại chăn nuôi tăng cường giảm đàn nái xấu (nái có 17 - 18 con/năm), trọng lượng sơ sinh thấp.

“Chính phủ đã ưu tiên lắm rồi, nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi nhập về thuế VAT bằng 0%, thuế nhập khẩu cũng bằng 0%. Cần biết rằng, ở Trung Quốc ngô nhập về họ thu thuế 15%, đậu tương 10%, trong khi mình hầu hết 0%, chỉ có khô dầu đậu tương mới nâng từ 0% lên 2% từ năm ngoái”, ông Lịch nói và đề nghị các doanh nghiệp thấu hiểu để có trách nhiệm thực sự với người chăn nuôi và nhà nước có thêm giải pháp.

Phát biểu, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đề nghị các thương lái, doanh nghiệp tăng cường thu mua lợn quá lứa với giá tăng lên. Về phía Bộ, sẽ luôn sát cánh các doanh nghiệp.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường hoan nghênh lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp, trong khó khăn đã cùng với Bộ mạnh dạn đưa ra các biện pháp, đề xuất xác đáng để giải đầu ra cho con lợn. Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng và kỳ vọng những cam kết của các doanh nghiệp sẽ thực hiện có hiệu quả.

Tại hội nghị, lãnh đạo Tập đoàn Dabaco nêu một số kiến nghị. Bao gồm, đề nghị Bộ NN-PTNT xây dựng hệ thống cảnh báo thông tin về thị trường. Hai là, phải dừng việc nhập khẩu thịt để giải quyết bài toán đầu ra cho nội địa. Ba là, giảm nái. Đất nước phát triển như Đan Mạch có 1 triệu nái mà có 30 triệu lợn thịt, trong khi mình có đến 4,2 triệu nái nhưng số đầu con vẫn thế. Bốn là, tăng cường tiếp xúc thương mại với doanh nghiệp các nước. Năm là, siết chặt các điều kiện chăn nuôi. 55% là nông hộ, kiểm soát tăng đàn rất khó nên cần có các điều kiện nuôi ngặt nghèo hơn, đảm bảo môi trường. Sáu là, Bộ sớm thành lập hiệp hội chăn nuôi chuyên về con lợn. Vì ngành này đang chiếm tỷ lệ rất lớn.

Về cơ bản, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tán thành với các kiến nghị này.

 

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.