| Hotline: 0983.970.780

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Thứ Ba 25/03/2014 , 07:07 (GMT+7)

Ngày 24/3 tại Đà Lạt (Lâm Đồng) đã diễn ra Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng BCĐ Trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM, chủ trì hội nghị. 

Phong trào rộng khắp

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương, xây dựng NTM đã trở thành phong trào rộng khắp trong nhân dân, kể cả đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở, đã có bước trưởng thành vượt bậc trong nhận thức, khả năng vận động quần chúng và trình độ tổ chức quản lý xây dựng NTM.

Hạ tầng nông thôn đã có bước phát triển rõ rệt, nhất là về giao thông, thủy lợi, điện, xây dựng hệ thống các cơ sở hạ tầng phục vụ SX. Đã hình thành được nhiều vùng SXNN hàng hóa tập trung có giá trị kinh tế cao, từng bước xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội; khai thác hải sản tiếp tục phát triển theo hướng đẩy mạnh đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia... Đời sống người dân nông thôn đã được cải thiện hơn, thu nhập bình quân đã tăng 10%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%...

Trong 3 năm qua, tổng kinh phí đã huy động cho Chương trình xây dựng NTM của các địa phương thuộc khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là 141.354 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách chiếm 8%; vốn lồng ghép chiếm 19%; vốn tín dụng chiếm 60%; đặc biệt, vốn huy động trong cộng đồng dân cư chiếm đến 10%...

Thách thức còn nhiều

Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo Trung ương cũng đã thẳng thắn thừa nhận: Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, tuy nhiên các tỉnh thuộc 3 khu vực vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong triển khai thực hiện Chương trình, nhất là với các tỉnh thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Trong đó, khó khăn và thách thức lớn nhất được Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM, đưa ra: “Do địa hình của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên bị chia cắt, lại thường xuyên hứng chịu thiên tai khắc nghiệt (bão lũ, hạn hán...) nên nhu cầu nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển SX và đời sống người dân rất lớn; trong khi đó, khả năng huy nguồn lực đầu tư từ ngân sách của địa phương, DN và đóng góp của cộng đồng dân cư thấp. Vì vậy, hạ tầng kinh tế - xã hội của các địa phương trong hai khu vực này còn nhiều khó khăn, chưa đồng bộ, nhất là về giao thông, thủy lợi, nước sạch, trường học... đang là “điểm nghẽn” chính cho sự phát triển kinh tế - xã hội”.

Bên cạnh đó, vấn đề đang được đặt ra cần giải quyết trong Chương trình xây dựng NTM của khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đáng quan tâm nữa là: Hình thức liên kết SX - chế biến - tiêu thụ sản phẩm giữa DN với người SX đã có một số mô hình tốt nhưng chưa được nhân rộng; việc áp dụng mô hình cánh đồng lớn chưa phổ biến; sản phẩm làm ra vẫn xuất thô là chủ yếu, giá trị gia tăng còn thấp, ứng dụng tiến bộ KHKT, nhất là công nghệ cao, còn hạn chế; đầu tư cho chế biến, bảo quản sau thu hoạch chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là lĩnh vực đánh bắt hải sản. Vì vậy, chưa tận dụng được tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là những nơi có nhiều khu công nghiệp - đô thị lớn và hệ thống các cảng biển.

Cùng đó, một vài khó khăn trong xây dựng NTM ở khu vực này cũng đã được nhìn nhận. Đó là, trình độ dân trí của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên còn thấp, không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao, nhất là ở các huyện nghèo, các xã bãi ngang ven biển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khu vực Tây Nguyên có số lượng dân di cư tự do lớn cũng là yếu tố ảnh hưởng đến công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng.

Huy động nguồn lực xã hội

"Bộ máy quản lý, điều hành, giúp việc các cấp hiện chủ yếu là kiêm nhiệm nên còn gặp nhiều khó khăn; cán bộ làm công tác xây dựng NTM ở các cấp, nhất là cấp huyện và xã năng lực còn hạn chế và thiếu cán bộ chuyên trách; nhiều ngành chức năng còn lúng túng trong việc hướng dẫn các xã thực hiện tiêu chí do ngành mình quản lý, do đó tiến độ thực hiện và chất lượng các tiêu chí NTM còn hạn chế”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam.

Về phương châm, Ban Chỉ đạo Trung ương đặt ra: “Tập trung chỉ đạo, hỗ trợ các xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2014 - 2015 và có khả năng về đích để đến năm 2015 có nhiều xã NTM; đồng thời ưu tiên hỗ trợ, thúc đẩy nâng số tiêu chí đạt chuẩn của các xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển, hải đảo, biên giới. Bên cạnh nguồn lực của Nhà nước hỗ trợ, các địa phương quan tâm chỉ đạo phát động phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, tăng cường huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt là huy động nguồn lực từ các DN đóng trên địa bàn cùng tham gia chung sức xây dựng NTM”.

Tỉnh Đồng Nai là một trong những địa phương thực hiện tốt Chương trình MTQG xây dựng NTM, đã có 15 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM. Đại biểu tỉnh Đồng Nai kiến nghị: Để động viên tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét, đề xuất Chính phủ tiếp tục hỗ trợ cho tỉnh Đồng Nai khoảng 40% vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển SX, tương ứng với 1.070 tỷ đồng, để thực hiện xây dựng NTM trong 2 năm 2014 và 2015 đối với 34 xã thực hiện đến năm 2015 hoàn thành 19 tiêu chí NTM của tỉnh (bình quân mỗi năm 535 tỷ đồng) để tỉnh có điều kiện giao đủ vốn cho các xã thực hiện.

Còn tỉnh Lâm Đồng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tăng cường các nguồn lực đầu tư từ ngân sách Trung ương để hỗ trợ vốn cho huyện Đơn Dương xây dựng đạt chuẩn NTM vào năm 2015. Đề nghị có cơ chế tín dụng đầu tư phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao như sau: Cho phép thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay, kéo dài chu kỳ cho vay (trung hạn) để đảm bảo nhu cầu về nguồn vốn đầu tư và chu kỳ SX kinh doanh công nghệ cao. Hỗ trợ 2 - 2,5% lãi suất cho vay trung hạn đối với SXNN công nghệ cao. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện bảo hiểm nông nghiệp nhằm hỗ trợ cho nông dân bảo hiểm một số nông sản chính (do từng địa phương quyết định), đảm bảo ổn định đời sống của người nông dân, phát triển thị trường bảo hiểm. Có chính sách khuyến khích các DN ứng dụng công nghệ cao đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các địa phương tập trung làm rõ phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc phát huy tính tự giác của nông dân khi thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Các địa phương cũng cần làm rõ thêm mô hình SX mới ở mỗi vùng, bởi đây là yếu tố nâng cao thu nhập của nông dân, có tính quyết định trong thành công của xây dựng NTM.

Theo Phó Thủ tướng, các mô hình SX mới sẽ được Trung ương tổng kết để nhân rộng ở các vùng trong cả nước.

KHÔNG CÓ XÃ "TRẮNG" TIÊU CHÍ

Tính đến cuối năm 2013, bình quân các xã khu vực Đông Nam Bộ đạt 9,72 tiêu chí, tăng 3,65 tiêu chí so với đầu năm 2011; khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ đạt 7,75 tiêu chí, tăng 3,64 tiêu chí; và khu vực Tây Nguyên đạt 7,3 tiêu chí, tăng 3,36 tiêu chí (bình quân cả nước hiện đạt 8,48 tiêu chí, tăng 3,2 tiêu chí so với đầu năm 2011).

Số xã đạt 19 tiêu chí của các vùng: Đông Nam Bộ 27 xã (chiếm 5,7% số xã toàn vùng), Duyên hải Nam Trung Bộ 2 xã (0,2%) và Tây Nguyên 13 xã (2,2%). So với năm 2011, các tỉnh và thành phố trong các vùng đã có mức tăng tiêu chí khá so với cả nước; xóa được xã “trắng” về đạt tiêu chí NTM, đã phản ánh sự nỗ lực cao của các cấp ủy, chính quyền và cộng đồng dân cư trong xây dựng NTM trong 3 năm qua.

 

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Chiều 28/3, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị giao ban tổng kết hoạt động của các HTX nông nghiệp và lễ công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bình luận mới nhất