| Hotline: 0983.970.780

Nhiều người dân tộc thiểu số Gia Lai sập bẫy tín dụng... lừa

Thứ Sáu 02/12/2016 , 14:35 (GMT+7)

Trong lúc các tỉnh miền Trung liên tiếp hứng chịu những cơn bão đổ bộ vào từ biển Đông thì ở Gia Lai, có một "cơn bão" đang âm thầm len lỏi vào tận các buôn làng vùng sâu, lừa chiếm đất của nhiều người dân thiếu tiền lẫn thiếu hiểu biết. Cơn bão mang tên: "Bão... lừa".

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, bà Nguyễn Thị Thu (thôn Ia Sa, xã H'bông) dùng thủ đoạn cho vay tiền rồi lừa họ làm thủ tục sang nhượng quyền sử dụng đất. Công an nhập cuộc điều tra, danh sách các nạn nhân người dân tộc thiểu số ở xã H'bông dính “bẫy lừa” của bà này đang ngày một dài thêm.
 

Vay tiền, mất đất

Trong căn nhà gỗ xiêu vẹo, ông Kpă Lah (làng Kte 2, xã Hbông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) bức xúc kể: Cách đây hơn 1 tháng, gia đình ông cần tiền tái đầu tư sản xuất và trả khoản vay ngân hàng trước đó nên vợ chồng ông có nhờ bà Nguyễn Thị Thu (thôn Ia Sa, cùng xã) giúp làm thủ tục vay tiền.

Vợ chồng ông không nghi ngờ gì khi mang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) gần 2 ha rẫy, vườn của nhà mình đưa cho bà Thu để vay 65 triệu đồng, thời hạn là 5 năm với lãi suất 0,9%/tháng.

Với suy nghĩ đơn giản giống như khi vay ngân hàng, vợ chồng anh Lah không nghi ngờ gì khi bà Thu đưa vợ chồng anh đến Văn phòng Công chứng Chư Sê (thị trấn Chư Sê) lăn tay vào giấy thì mới giao tiền. Tuy nhiên, điều mà vợ chồng anh không ngờ rằng, tờ giấy mà anh chị vừa ký, lăn tay là hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất của mình cho người khác.

16-29-57_chi-ksor-hpyr-vo-nh-kp-lh-lng-kte-2-x-hbong-mot-trong-so-nn-nhn-bi-lu-vy-von-sng-nhuong-bi-do
Một trong những nạn nhân "sập bẫy" bà Thu
 

Tương tự, ông Rmah Ưih (làng Kte 2, xã Hbông) cho biết, ông cũng vừa giao bìa đỏ toàn bộ các thửa đất với diện tích hơn 3,2 ha của mình cho bà Thu để vay 40 triệu đồng. Theo ông Ưih thì bà Thu cho người chở vợ chồng ông lên Văn phòng Công chứng Chư Sê, lừa họ “lăn tay” vào hợp đồng chuyển nhượng rồi mới cho nhận tiền vay. Từ đây, mảnh đất của ông Ưih giờ đã đứng tên người khác một cách hợp pháp, dù rằng ông này có giữ 1 tờ giấy viết tay ghi nhận nội dung “bà Thu có giữ bìa đỏ đất của ông”.

Ông Nguyễn Hồng Linh, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê cho biết, đã chỉ đạo Công an huyện vào cuộc điều tra, xác minh vụ việc. “Kết quả điều tra bước đầu phát hiện bà Nguyễn Thị Thu có dấu hiệu lừa đảo. Những người dân tộc thiểu số chỉ vay tiền thế chấp đất nhưng bà này lại đưa họ lên Văn phòng Công chứng làm thủ tục sang nhượng qua tên người khác. Bà Thu làm thủ tục mua bán đất của người dân nhưng họ không hề hay biết. Hiện công an đã mời bà Thu lên làm việc nhưng bà này vẫn chưa thấy lên”, ông Linh nói.

Trước đó, qua xác minh ban đầu của chính quyền xã Hbông theo đơn tố cáo của các ông Ksor Jao (làng Kte 2), Rmah Dân, Kpă Khil (làng Kte 1) đã trót vay tiền của bà Thu và bị bà này lừa làm thủ tục sang nhượng đất sang tên mình hoặc tên người khác mà bà nhờ đứng tên.

Ông Đoàn Văn Tùng - Chủ tịch UBND xã Hbông, cho biết: Làm việc với Công an xã, bà Nguyễn Thị Thu chỉ xác nhận có cho 3 hộ là Rmah Dân vay 40 triệu đồng, Ksor Huen vay 60 triệu đồng và Ksor Ngot vay 70 triệu đồng. Hình thức vay là vay tiền của bà chứ không vay ngân hàng (thời hạn vay 4 năm, lãi suất 0,9%/tháng) và phải sang nhượng đất cho bà thì mới cho các hộ này vay. Hiện các hộ này đã sang nhượng toàn bộ đất cho bà và 3 bìa đỏ này hiện đang ở Văn phòng Công chứng Chư Sê.

Trong khi đó, các bị hại khai báo là chỉ nhờ bà Thu vay tiền ngân hàng, khi nhận tiền họ có yêu cầu bà Thu đưa xem giấy vay ngân hàng nhưng bà này không đưa mà chỉ đưa giấy viết tay xác nhận có giữ bìa đỏ của họ.

 

Thế chấp bỗng thành... sang nhượng

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, danh sách các nạn nhân “sập bẫy” của bà Thu ngày một dài ra. Một trong những nguyên nhân này, đó là các hồ sơ công chứng này đều “né” xã, làm thủ tục công chứng ở các Văn phòng Công chứng nên ngay từ ban đầu xã không nắm bắt được.

Ông Trịnh Xuân Đạt, Phó phụ trách Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Chư Sê, cho biết: “Sự việc đã được thông báo cho UBND huyện nhưng họ làm đúng thủ tục hồ sơ, công chứng xong rồi thì mình cũng không giải quyết được gì”.

Theo ông Đạt, GCNQSDĐ số T933255, thửa đất số 151, 07; tờ bản đồ số 25, 27 với tổng diện tích 20.746 m2 đất của ông Ksor Huen đã được chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Thu. Ngày 18/8, Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai ký cấp mới 2 GCNQSDĐ số CĐ 600717, CĐ600718 cho bà này. Đến ngày 12/9, bà Thu đem 2 GCNQSDĐ này tiếp tục sang nhượng lại cho bà Hà Thị Toan - Tổ dân phố 12, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê.

Tiếp đó, ngày 23/9, bà Hà Thị Toan đã đem 2 GCNQSDĐ này (thực chất là của ông Ksor Huen) cùng với 2 GCNQSDĐ mang tên Vũ Đình Bách và 1 của ông Lê Văn Chương (chồng bà Toan) vay Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Chư Sê số tiền 2,960 tỷ đồng.

Tương tự, 3,2 ha đất (thửa đất số 17, tờ bản đồ 26) của ông Rmah Ưih đã được sang nhượng cho ông Nguyễn Văn Trung (làng Dek, xã Hbông) vào ngày 27/10.

Đến ngày 3/11, ông Trung tiếp tục làm thủ tục cấp đổi GCNQSDĐ này để vay vốn ngân hàng.Đất của hộ ông Kpă Lah cũng đã được sang nhượng cho bà Trần Thị Duyên (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) vào ngày 26/10; đất của ông Rơ Chăm Suih (bố vợ của ông Rmah Dân) đã chuyển nhượng cho ông Trần Đình Kiên (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) từ tháng 9/2016.

Điều bất thường là, từ tháng 8/2016, khi UBND xã H'bông cho Công an xã xác minh các trường hợp vay tiền thì việc sang nhượng này không còn chuyển trực tiếp cho bà Thu nữa mà chuyển sang tên những người khác mà bà này nhờ đứng tên.

Càng bất thường hơn khi tất cả các giao dịch chuyển nhượng giữa bà Thu với các hộ dân này đều xuất hiện duy nhất người làm chứng là ông Ksor Thí (làng Kte 1, xã H'bông), ông này đã xác nhận là người dẫn mối vay. Thế nhưng, ông Thí khai báo với công an chỉ giới thiệu các hộ dân này để bà Thu hướng dẫn thủ tục vay vốn ngân hàng.

Hiện, UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu UBND huyện Chư Sê chỉ đạo công an huyện nhanh chóng xác minh, làm rõ vụ việc, báo cáo kết quả điều tra cho tỉnh trước ngày 21/12/2016. NNVN sẽ tiếp tục có bài phản ánh về hành vi lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để lừa chiếm đất.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.