| Hotline: 0983.970.780

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn do mất cân bằng giới tính

Thứ Năm 07/03/2013 , 16:09 (GMT+7)

Phần lớn các quần thể dân cư trên thế giới có tỷ số giới tính khi sinh dao động quanh mức 105. Nhưng ở Việt Nam con số này đã tăng lên 110,6 theo kết quả của cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009.

Ở Việt Nam, từ những năm 2000, số liệu thống kê và các nghiên cứu cho thấy có xu hướng mất cân bằng giới tính khi sinh, thể hiện qua tỷ số giới tính khi sinh, được tính bằng số trẻ em trai sinh ra trên 100 trẻ em gái đã tăng lên trong những năm qua, cho thấy một sự can thiệp cố ý làm thay đổi tỷ lệ cân bằng tự nhiên.

Phần lớn các quần thể dân cư trên thế giới có tỷ số giới tính khi sinh dao động xung quanh mức 105 và giới hạn trong khoảng 104 -106. Nhưng ở Việt Nam con số này đã tăng lên 110,6 theo kết quả của cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009.

Giá trị tỷ số giới tính khi sinh cao có quan hệ chặt chẽ với ba yếu tố. Đó là tâm lý ưa thích con trai trong xã hội; sự sẵn có của các cơ sở chẩn đoán giới tính trước sinh và phá thai chọn lọc giới tính và mức sinh thấp hoặc trung bình.

Chỉ số tổng hợp về điều kiện sống cho thấy trong khi nhóm dân cư nghèo nhất có tỷ số giới tính khi sinh ở mức sinh học bình thường là 105,2, thì ngược lại tỷ số này đã tăng lên nhanh chóng ở các nhóm có điều kiện kinh tế xã hội tốt hơn, đạt mức 112,5 ở các nhóm giàu nhất.

Tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh không đồng nhất trong cả nước. Tây Nguyên có mật độ dân số và trình độ phát triển thấp hơn các vùng khác lại có tỷ số giới tính khi sinh thấp nhất trong cả nước (105,6), tương đương với mức sinh học bình thường quan sát được trên thế giới.

Nhưng năm vùng còn lại có tỷ số giới tính khi sinh cao hơn, làm cho tỷ số này của toàn quốc tăng lên và ở mức 110,6. Trong số đó, vùng Đồng bằng sông Hồng vào khoảng 115,4 cao hơn hẳn so với mức trung bình cả nước.

Ở khu vực nông thôn phía Bắc cao hơn khu vực thành thị, thể hiện rõ rệt nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng với tỷ số giới tính khi sinh ở nông thôn là 117 so với mức 111 ở thành thị. Một mặt, lựa chọn giới tính trước sinh đang diễn ra trong nhiều gia đình nông thôn ở miền Bắc Việt Nam, nơi có văn hóa mang nặng tính gia phong rõ nét hơn các khu vực khác.

Ngược lại, ở các vùng khác thì khu vực thành thị lại cao hơn ở khu vực nông thôn. Điều này có thể quan sát thấy ở các tỉnh phía Nam, tỷ số giới tính khi sinh ở khu vực thành thị cao hơn khoảng 4 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn, và tương tự Tây Nguyên, nơi mà lựa chọn giới tính trước sinh còn hiếm.

Các dịch vụ y tế tốt hơn tại các khu đô thị và mức sinh thấp hơn đã có tác động đến hiện tượng này. Từ đó cho thấy thực hành lựa chọn giới tính trước sinh đã diễn ra theo những cơ chế khác nhau giữa miền Bắc và các vùng còn lại của Việt Nam.

Trình độ học vấn thường là một trong những nhân tố quyết định đến hành vi nhân khẩu học và kết quả Tổng điều tra dân số 2009 cũng khẳng định giả thuyết này.

Tỷ số giới tính khi sinh phân theo trình độ giáo dục của người mẹ có sự khác biệt đáng kể. Tỷ số này tăng dần từ 107,4 ở nhóm phụ nữ không biết chữ và 107,1 ở nhóm có trình độ tiểu học trở xuống, lên đến 111,4 ở nhóm có trình độ trung học, và cuối cùng là 113,9 ở nhóm các bà mẹ có trình độ cao đẳng trở lên.

Mối quan hệ thuận chiều giữa giáo dục và lựa chọn giới tính nhìn qua có vẻ khó hiểu về mặt lý thuyết vì phụ nữ có trình độ học vấn cao thường ít chịu ảnh hưởng của các yếu tố truyền thống như tâm lý ưa thích con trai dẫn đến hành vi lựa chọn giới tính trước sinh.

Tuy nhiên mối quan hệ này trên thực tế lại chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố trung gian khác liên quan đến trình độ học vấn. Đó là khả năng tiếp cận với thông tin về lựa chọn giới tính, mức sống cao hơn, khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế hiện đại, có mức sinh thấp hơn và vì vậy nguy cơ không có con trai cao hơn.

Tâm lý ưa thích con trai ở Việt Nam bắt nguồn từ hệ thống thân tộc và mô hình cư trú phụ hệ, nhất là ở miền Bắc, tạo ra áp lực buộc các gia đình phải có ít nhất một con trai. Trong bối cảnh Việt Nam đang trên con đường phát triển, sẽ có nhiều hộ gia đình có mức thu nhập cao hơn, tiếp cận các cơ sở y tế hiện đại dễ dàng hơn, qui mô gia đình nhỏ hơn.

Tất cả những yếu tố này có thể làm cho tỷ số giới tính khi sinh tăng dần ở các nhóm dân cư nghèo như nó đã và đang xảy ra ở một số tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng.

Dự báo rằng nếu mất cân bằng giới tính tiếp tục tăng, thì sau hai thập kỷ nữa, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề nhân khẩu học, kinh tế, chính trị và xã hội như tình trạng mất ổn định trong thị trường hôn nhân do thừa nam thiếu nữ, gia tăng áp lực buộc phụ nữ phải kết hôn sớm, tăng nhu cầu về mại dâm và sự lan tràn của các đường dây buôn bán phụ nữ, tăng nguy cơ bạo lực giới.

Thực hành lựa chọn giới tính còn có thể mang lại những tác động tiêu cực đối với sức khỏe tâm thần, sức khỏe sinh sản/tình dục và quyền của phụ nữ. Mất cân bằng giới tính khi sinh cũng phản ánh và tiếp tục củng cố sự bất bình đẳng giới trong xã hội.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.