| Hotline: 0983.970.780

Nhiều tắc trách của Ban quản lý TTTM Hải Dương

Thứ Sáu 20/09/2013 , 08:46 (GMT+7)

Ban quản lý Trung tâm thương mại này có nhiều tắc trách xung quanh việc quản lý, giám sát an toàn cháy, nổ cũng như bảo đảm quyền lợi cho người kinh doanh tại đây.

Sáng 19/9, tức là 4 ngày sau vụ cháy, phía bên ngoài Trung tâm thương mại Hải Dương, cơ quan chức năng đã dựng hàng rào bằng tôn để ngăn người dân qua lại sẽ nguy hiểm đến tính mạng.


Vụ hỏa hoạn gây thiệt hại nặng nề về vật chất

Theo quan sát của phóng viên, mặc dù hàng rào tôn chưa hoàn thiện, chỉ mới phía trước mặt Trung tâm thương mại, nhưng đã xuất hiện hàng chục tờ quảng cáo với đủ loại kích cỡ, chất liệu được dán chi chít lên hàng rào tôn.

Chật vật mưu sinh sau hỏa hoạn

Giữa trưa nắng chang chang, hai vợ chồng chị Nguyễn Họa My (nhà ở phố Bùi Thị Cúc) và người nhà mang khoan và mấy tấm bạt in thông tin quảng cáo địa chỉ cửa hàng mới để dán vào hàng rào bằng tôn.

Gia đình chị My trước kia có ki ốt bán hàng nan trong trung tâm này. Vừa nhập hàng hôm trước, hôm sau chợ cháy, mất trắng. Nói về phương án mưu sinh sau vụ hỏa hoạn, chị My kể: “Hôm qua, nhà tôi đã nhận được 13 triệu đồng hỗ trợ của tỉnh và thành phố. Chúng tôi đã nhập hàng mới về bán. Tuy nhiên khoản này không đủ trả cho 1 lần nhập hàng. Trước kia, mỗi chuyến hàng về đều trên 50 triệu đồng.”

“Dán quảng cáo thế này, người ta bảo là mất mỹ quan thành phố nhưng nếu không làm thế này thì khách hàng không biết cửa hàng nhà tôi đang ở đâu. Mọi người cũng dán rất nhiều nên chúng tôi cũng làm theo,” chị My lý giải.

Người nhà chị My ngừng mũi khoan, bảo: “Đấy, toàn bộ những tấm quảng cáo mới phát sinh này đều là do các chủ hộ kinh doanh bị cháy làm.” Các hộ kinh doanh đều cho biết, hiện giờ họ chỉ mong Nhà nước cố gắng xây chợ tạm xong sớm để có chỗ mà buôn bán bình thường.

Cách đó không xa, một chủ buôn hoa quả có kiốt gần phía cổng chính cho biết trước đây hàng họ bán rất chạy nhưng suốt mấy ngày nay, do vụ cháy, khu vực cửa hàng bị phong tỏa nên rất khó khăn trong việc nhập hàng, nhất là các khách hàng ở huyện về. “Bây giờ thì hàng cũ bán còn không nổi, chẳng dám nhập thêm hàng mới về. Hiện nay cứ ngồi góc nọ góc kia để giải phóng cho hết hàng tồn này.”

Để giải quyết hàng tồn, có 4 hộ dựng lều bạt tạm bợ phía bên kia đường Thống Nhất, đối diện cổng Trung tâm thương mại bày hàng bán. Đây là những hộ trước vụ cháy có cửa hàng bán hoa quả thuê gần cổng bán hoa quả. Mặc dù cửa hàng không bị cháy, nhưng cũng bị vạ lây, ảnh hưởng đến kinh doanh. “Lâu nay khu vực này cấm tuyệt đối không được buôn bán. Nhưng mấy hôm nay, bà con phải sang đó. Từ hôm xảy ra cháy đến giờ, không ai nhập hàng mới, chỉ bán hàng tồn cho hết.”

Một trong bốn chủ hộ kinh doanh này thở dài: “Chuyển sang đây phần vì không tiện đường, phần vì không quen chỗ, hoặc do trời quá nắng. Suốt mấy hôm nay không bán được hàng, cứ chuyển đi chuyển lại, hoa quả hỏng hết.”

Theo cơ quan chức năng, đến sáng 19/9, những hộ dân có nhà ở bám các mặt của Trung tâm đều phải di chuyển hết. Tại phố Mạc Thị Bưởi, các hộ dân đã phải đóng cửa, sơ tán gần hết.

Lộ diện nhiều tắc trách

Qua câu chuyện của người dân và thông tin từ phía Cơ quan Công an, bước đầu cho thấy Ban quản lý Trung tâm thương mại này có nhiều tắc trách xung quanh việc quản lý, giám sát an toàn cháy, nổ cũng như bảo đảm quyền lợi cho người kinh doanh tại đây.

Có mặt tại Ủy ban Nhân dân phường để chờ nhận tiền hỗ trợ của tỉnh và thành phố, ngày 18/9, bà Trần Thị Khuê cùng nhiều bạn hàng rất tủi thân khi đề cập đến việc từ lúc xảy ra hỏa hoạn, họ chưa nhận được một lời động viên chia sẻ nào từ Ban quản lý Trung tâm thương mại.

Gia đình bà Khuê đã 3 thế hệ liên tiếp kinh doanh đồ điện, trước ở chợ Phú Yên, sau chuyển qua Trung tâm thương mại. Ước tính, với 5 kiốt bị cháy rụi, bà Khuê đã mất trắng hơn 5 tỷ đồng. Vừa đưa tay gạt nước mắt, bà Khuê vừa kể: “Tan chợ buổi tối hôm trước, tôi chỉ mang về đúng một cái nón, còn chứng minh thư, sổ sách, giấy nợ, tiền mặt đều ở trong đó hết. Cháy sạch rồi. Sau 31 năm đi chợ, gia đình chúng tôi giờ đúng là tay trắng. Trước mắt, đến tiền đong gạo cũng không có.”

Tất cả tài sản của gia đình bà Khuê cùng hàng trăm tiểu thương gửi gắm vào các gian hàng ở Trung tâm thương mại, bây giờ đã bị cháy thành tro. “Nhiều nhà chứ không riêng nhà tôi bị như vậy. Thế mà chưa một ông bà nào ở Ban quản lý Trung tâm thương mại nói được một câu gì chia sẻ với những mất mát của chúng tôi,” bà Khuê mếu máo.

Tuy nhiên, đó chỉ là một trong nhiều việc người dân bất bình với Ban quản lý Trung tâm thương mại. Một vấn đề khác khiến bà con tiểu thương không hài lòng đối với Ban Quản lý này là đã không cung cấp những thông tin liên quan đến quyền lợi của người kinh doanh. Bà Khuê cùng nhiều tiểu thương kể, bao nhiêu năm nay, Ban quản lý Trung tâm thương mại chưa bao giờ nói với họ về việc mua bảo hiểm cháy, nổ. “Hàng chục năm trời, chúng tôi không hề biết gì về bảo hiểm đó. Nếu biết thì chúng tôi đã không dám trách”- một tiểu thương giấu tên bày tỏ.

Điều đáng nói hơn, sự tắc trách này lại diễn ra trong bối cảnh Trung tâm thương mại Hải Dương có nhiều dấu hiệu hư hỏng vài năm nay. Mùa mưa, dưới tầng một bị dột, bà con phải hứng nước mưa mà vẫn không tránh khỏi tình trạng hàng hóa bị ngấm nước.

Đặc biệt, sự hư hỏng hệ thống cứu hỏa đã xuất hiện từ lâu nhưng không được khắc phục, không tuân thủ đúng các quy định về phòng cháy chữa cháy. Đại tá Nguyễn Danh Thụy, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Công an tỉnh Hải Dương cho biết hệ thống báo động của Trung tâm thương mại đã bị hỏng từ hơn chục năm nay. Lực lượng công an đã nhiều lần kiến nghị nhưng sự việc không được giải quyết.

Theo thông tin từ Công an tỉnh được báo Hải Dương trích dẫn, kết quả kiểm tra năm 2004 cho thấy, hệ thống báo cháy tự động của Trung tâm thương mại đã hoàn toàn không có tác dụng; 2 trong tổng số 4 bể nước ngầm cứu hỏa của Trung tâm bị hư hỏng; 2 trong số 4 máy bơm chữa cháy cũng bị hỏng; các van điều khiển bị rỉ sét, kẹt cứng; lối vào khu vực đặt máy bơm bị 2 quầy hàng che kín.

Trung tâm thương mại không có biển chỉ dẫn thoát hiểm, không niêm yết bảng nội quy an toàn cháy nổ. Sau nhiều lần kiểm tra, Công an tỉnh đều có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo Ban quản lý chợ và Trung tâm thương mại sửa chữa toàn bộ hệ thống thiết bị phòng cháy chữa cháy, nhưng việc này vẫn không được khắc phục. Ngay cả khi bị phạt 30 triệu đồng do không bảo đảm an toàn phòng chống cháy, nổ, Ban quản lý mới tiến hành sửa chữa qua loa.

Trở lại thời điểm phát sinh hỏa hoạn, nhiều người dân cho rằng để xảy ra sự cố đáng tiếc này, có phần tắc trách rất lớn của đội bảo vệ trực đêm hôm đó. Hàng ngày, khoảng 6 rưỡi tối là tất cả các gian hàng đều tắt điện, đóng cầu dao. Đồng thời, các hộ kinh doanh cũng khẳng định không có chuyện thắp hương và hút thuốc trong Trung tâm thương mại. “Nếu cháy vào ban ngày thì thiệt hại không tới mức đó, nhưng đằng này lại cháy ban đêm. Đội bảo vệ phát hiện quá muộn, khi đó cháy đã quá lớn. Giá như đội trực đêm mà cắt cử nhau đi tuần tra sâu sát thì không bao giờ để đến mức độ cháy to như thế mới phát hiện và báo cho các nhà quản lý dập lửa,” một tiểu thương khẳng định.

Hiện tại, công tác điều tra nguyên nhân vụ cháy và làm rõ trách nhiệm các cá nhân và tổ chức liên quan vẫn đang được cơ quan chức năng tiến hành. Đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Hải Dương ngày 18/9 xác nhận sau khi xảy ra vụ cháy, lực lượng Công an đã triệu tập 6 bảo vệ trong ca trực Trung tâm thương mại đêm 14/9 lên làm việc, lấy lời khai để phục vụ công tác điều tra.

(Vietnam+)

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm