| Hotline: 0983.970.780

Nhiều trường hợp bất minh về đất đai

Thứ Hai 29/12/2014 , 10:21 (GMT+7)

Liên tiếp trong những năm qua đã có nhiều vụ án với hàng loạt cán bộ phải lĩnh án, bị kỷ luật vì dính đến đất đai trên đảo Phú Quốc (Kiên Giang).

Thế nhưng tình trạng “tham nhũng đất đai” vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt...

Theo trình bày của ông Nguyễn Văn Hùng, năm 1998, gia đình ông được UBND xã chấp thuận cho khai khẩn một thửa đất rộng 20.000 m2 tại đồng Bàn Than, thuộc ấp 4, xã Cửa Cạn. Gia đình ông Hùng đã tiến hành trồng cây, sản xuất ổn định.

Đến năm 2002, mảnh đất này rơi vào dự án du lịch của Cty TNHH May thêu Lan Anh. Tại hồ sơ kiểm kê xác minh diện tích đất đai, vật kiến trúc, cây trồng, với 9 chữ ký và con dấu, đều công nhận đất ông Hùng được cấp năm 2000.

Sơ đồ thể hiện giáp đất nhiều người trong đó có bà Lê Thị Nhôm. Việc xác minh nguồn gốc đất này là để phục vụ công tác bồi thường khi Cty Lan Anh thực hiện dự án du lịch.

Ngày 19/7/2004, UBND huyện Phú Quốc ra quyết định thu hồi đất sau thanh tra, tuy nhiên gia đình ông Hùng vẫn giữ nguyên hiện trạng và tiếp tục sử dụng. “Cuối năm 2006, lợi dụng tôi bị đi tập trung cải tạo, chính quyền địa phương đã làm giả hồ sơ, lấy đất tôi cấp cho bà Lê Thị Nhôm”, ông Hùng cho biết.

Năm 2009, sau khi ra tù, ông Hùng khiếu nại nhưng UBND xã từ chối nhận đơn. Ngày 30/12/2011, ông Văn Hà Phong, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc ra thông báo đơn của ông Hùng “đủ điều kiện thụ lý để giải quyết”.

Tuy nhiên, quá trình thụ lý đã có những biểu hiện thiếu minh bạch của ông Trần Quang Lợi – thanh tra viên huyện Phú Quốc, nay là Phó Chánh Thanh Tra huyện. Sau hơn 2 năm nhận đơn, UBND huyện Phú Quốc vẫn không trả lời cho công dân theo luật định.

Mới đây bà Nhôm đã được ai đó “phù phép” nhận 7,2 tỷ đồng tiền bồi thường. Quá bức xúc vì cách làm việc thiếu tôn trọng pháp luật của chính quyền, ngày 5/9/2014, ông Hùng đã nộp đơn khởi kiện lên TAND huyện Phú Quốc: “Buộc UBND huyện Phú Quốc ban hành quyết định giải quyết khiếu nại và bồi thường giá trị quyền sử dụng đất diện tích 20.000 m2”.

Một trường hợp khác là bà Nguyễn Thị Hạnh (SN 1958), ngụ tại tổ 5, ấp 3, xã Cửa Cạn, cho biết: Năm 1987, gia đình làm đơn xin khai khẩn đất hoang hóa tại Vũng Bầu, thuộc ấp 4 và được Chủ tịch UBND xã chấp thuận.

Gia đình bà Hạnh đã khai hoang trồng đào, dừa, tràm bông vàng trên diện tích hơn 40.000m2. Năm 2000 địa chính xã tiến hành đo đạc, xác nhận diện tích đất thực tế sử dụng của bà Hạnh là 21.600 m2; con gái bà là Hồ Thị Mỹ Hằng (đã lập gia đình) 12.000 m2. Năm 2002, đất trên rơi vào dự án của Cty Lan Anh.

Ngày 4/7/2007, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Phú Quốc lập biên bản xác định ranh giới, mốc giới và hiện trạng sử dụng đất, công nhận diện tích đất trên của mẹ con bà Hạnh.

Tuy nhiên, ngày 24/10/2007, Vườn Quốc gia Phú Quốc có văn bản cho rằng đất của mẹ con bà Hạnh nằm trong vùng đệm vườn quốc gia, đang xử lý vi phạm.

Xin lưu ý, đất bà Hạnh được khai khẩn năm 1987, trước khi Vườn Quốc gia Phú Quốc thành lập (năm 2002) tới 15 năm. Đất hai mẹ con bà Hạnh không được cấp giấy vì cho rằng dính vào vườn quốc gia.

Tuy nhiên đến khi bồi thường thì mẹ con bà Hạnh cũng đã không được đối xử công bằng như người khác. Đất có nguồn gốc, có thành quả lao động và đã được công nhận của 2 mẹ con tổng cộng 34.600 m2, nhưng họ chỉ nhận bồi thường được hơn 21.000 m2. Bà Hạnh cho rằng đã có “ai đó” ăn chặn tiền bồi thường của mẹ con bà?

Năm 1993, ông Phù Quốc Sỹ được UBND huyện Phú Quốc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, giấy xanh, đến 2004 đổi qua giấy đỏ, diện tích 1.650 m2. Tháng 12/2008, ông Nhan Văn Truyền, Chủ tịch UBND xã Cửa Cạn ký xét duyệt lấy gần 1.300 m2 của ông Sỹ để UBND huyện cấp Giấy CNQSDĐ cho bà Trần Ái Di.

Từ một miếng đất vuông vắn, nay méo xẹo, chỉ còn 360 m2. Vụ việc hiện được vợ ông Sỹ khởi kiện ra Tòa án huyện Phú Quốc. Hồ sơ vụ án thể hiện đã có hành vi giả mạo giấy tờ để chiếm đất ông Sỹ.

Một trường tương tự, năm 1981, gia đình ông Nguyễn Văn Năm (SN 1950) khai khẩn được 6.700 m2 đất tại ấp 4, thị trấn An Thới.

Đất được cấp sổ xanh năm 1993. Đến đầu năm 2012, khi ông Năm làm đơn yêu cầu chính quyền địa phương làm thủ tục chuyển sang giấy đỏ thì lúc này cán bộ xã cho biết đất đã được… cấp cho bà Lưu Kim Thu (không rõ địa chỉ).

Bà Thu sau đó đã tiếp tục xẻ đôi miếng đất bán cho 2 người đến từ TP. Hồ Chí Minh. Bị mất đất trắng trợn, vợ chồng ông Năm làm đơn khiếu nại, được Thanh tra huyện Phú Quốc thụ lý từ năm 2012, tuy nhiên đến nay vẫn không có văn bản trả lời.

Vợ ông Năm – bà Bùi Thị Út, mòn mỏi chờ công lý, lo lắng đâm bệnh qua đời. Ông Năm cho biết: “Có biểu hiện làm giả hồ sơ để chiếm đoạt đất của gia đình tôi. Tôi yêu cầu họ chuyển hồ sơ cho cơ quan công an để điều tra. Tuy nhiên không hiểu sao thanh tra huyện cứ “ngâm” hoài?”

Trên đây chỉ đơn cử một vài trường hợp trong hàng trăm vụ khiếu kiện về đất đai trên đảo Phú Quốc. Thị trường đất Phú Quốc đang nóng lên từng ngày và tranh chấp khiếu kiện cũng diễn ra dai dẳng suốt nhiều năm qua. Nhiều cán bộ đã bị sa lưới pháp luật. Tình trạng này sẽ vẫn còn tiếp diễn nếu cán bộ cứ làm chuyện… bất minh với dân.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất