| Hotline: 0983.970.780

Nhìn lại bài học xả lũ đập Vực Mấu

Thứ Ba 15/10/2013 , 08:52 (GMT+7)

Rõ ràng việc quyết định xả lũ ở hồ đập Vực Mấu vừa qua là việc làm chủ quan, thiếu tính toán, gây ngập úng quá nhanh, dân không kịp trở tay, lại xả lũ vào ban đêm gây thiệt hại quá lớn.

* Vô trách nhiệm hay chủ quan?!

Việc xả lũ hồ thủy lợi Vực Mấu ở huyện Quỳnh Lưu (nay thuộc thị xã Hoàng Mai), tỉnh Nghệ An vừa rồi đã dẫn tới thiệt hại rất nghiêm trọng cả về người và tài sản. Hậu quả đó không thể không nói đến sự vô trách nhiệm hay do chủ quan của những người có nhiệm vụ quản lý hồ đập này. Vì sao? 


Xả lũ gây thiệt hại nặng nề tại TX Hoàng Mai

Một là: Theo báo cáo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung bộ thì trong tháng 9 có 5 đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng vào các ngày 5-8; 11-13; 17-21; 24-27 và ngày 30. Tổng lượng mưa đo được trong tháng 9 tại các địa điểm ở Nghệ An: Quỳnh Lưu 521mm, Vinh 823 mm, Đô Lương 646mm, Tây Hiếu 490mm, Con Cuông 695mm…

Đặc biệt từ ngày 17-21 do ảnh hưởng của cơn bão số 8 kết hợp với gió đông trên cao nên xảy ra mưa lớn trên diện rộng. Tổng lượng mưa trong khu vực Bắc Trung bộ phổ biến từ 100-300 mm, một số nơi có lượng mưa cao như: Ngọc Trà (Thanh Hóa) 397mm, Chuối (Thanh Hóa) 363mm, Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 331mm, Nghĩa Khánh (Nghệ An) 362mm, Con Cuông (Nghệ An) 378mm, Yên Thượng (Nghệ An) 393mm, Nam Đàn (Nghệ An) 335mm, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 377mm.

Lượng mưa ngày lớn nhất 217mm tại Yên Thượng là 20/9 và đến 30/9-1/10 do ảnh hưởng của bão số 10 nên khu vực Bắc Trung bộ xảy ra đợt mưa lớn diện rộng. Lượng mưa đo được ở Thanh Hóa phổ biến từ 50-150mm, tại Nghệ An và Hà Tĩnh phổ biến từ 100-200mm. Có nơi mưa lớn như: Tây Hiếu và Quỳnh Lưu 328mm. Lượng mưa ngày lớn nhất 324 mm xảy ra tại Tây Hiếu (Nghệ An) là 1/10.

Như vậy lượng mưa lớn ở Quỳnh Lưu nói chung, tại đập thủy lợi Vực Mấu nói riêng không nhiều hơn một số địa phương khác trong tỉnh và lượng mưa lớn không phải dồn vào các ngày cuối tháng 9 mà đợt mưa lớn nhất trong tháng 9 lại xảy ra từ 17-21/9.

Nếu sau những đợt mưa lớn nói trên nước trong hồ đã tích đến mức quá lớn, lại đang trong mùa mưa bão thường xuyên xảy ra ở khu vực Thanh - Nghệ - Tĩnh (tháng 9 và 10) thì phải chủ động xả nước dần đi và chỉ nên giữ lại ở mức cần thiết.

Tại sao không làm việc đó mà phải đến khi lo vỡ đập mới xả nước ồ ạt cả 5 cửa tràn với công suất gần 1 triệu m3/h. Đó là việc làm vô trách nhiệm hay chủ quan?

Hai là: Không chịu khó tính toán kết hợp với dự báo, lượng định khả năng mưa ở trong vùng và lượng nước từ thượng nguồn đổ về có thể vượt quá cao trình cho phép hay không để chủ động xả lũ sớm.

Hồ Vực Mấu không phải mới xây dựng, mà là hồ có tuổi thọ hàng chục năm nay. Nếu cán bộ quản lý, kỹ thuật đã có thời gian dài theo dõi hồ nước này thì những số liệu lịch sử về mưa, về thủy văn trong vùng lòng hồ này phải được cập nhật đầy đủ và có thể thuộc làu để đề xuất với cấp có thẩm quyền hoặc được giao quyền xử lý rất kịp thời và năng động trong mùa bão lụt thường xảy ra ở vùng này.

Nếu không phải là như vậy thì cần xem xét lại trình độ và kỹ năng quản lý hồ đập của cán bộ quản lý, kỹ thuật ở đây.

Ba là: Thời điểm xả lũ ở hồ Vực Mấu là thời điểm nước thủy triều đang dâng cao. Những người quản lý hồ Vực Mấu phải biết rằng khoảng cách từ hồ đến vùng hạ du để gây ngập úng trên diện rộng rất ngắn (khoảng 5-6 km đường chim bay).

Vì vậy nếu xả lũ mạnh vào thời điểm này chắc chắn sẽ gây ngập úng nặng, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, vì nước tiêu ra biển chậm do thủy triều dâng cao. Vậy khi xả lũ những người quyết định có tính đến hậu quả không? Hay cứ vô tư xả hết cả 5 cửa tràn để giảm bớt áp lực lo vỡ đập còn thiệt hại thế nào thì mặc kệ!

Với người có trách nhiệm, xả lũ phải tính toán, vừa xả vừa kiểm tra vùng hạ du xem mức độ ảnh hưởng đến đâu để có biện pháp xử lý phù hợp nhằm vừa giữ được thân đập, vừa đảm bảo không gây hậu quả lớn cho dân.

Bốn là: Theo ông Giám đốc Cty TNHH MTV thủy lợi Bắc Nghệ An thì 8 giờ sáng ngày 30/9 Xí nghiệp thủy lợi Hoàng Mai chính thức ra Thông báo số 92/TB-XNTL gửi khẩn cấp đến các xã, thị trấn trong vùng. Đến 19 giờ cùng ngày mới bắt đầu cho xả lũ cửa tràn thứ 1, sau đó 1 giờ xả tiếp cửa tràn thứ 2. Sau đó (từ 2-3 giờ sáng ngày 1/10) lần lượt xả hết 3 cửa tràn còn lại.

Như vậy trong thời gian 8 giờ đồng hồ cả 5 cửa cống hồ Vực Mấu xả lũ hết công suất, lưu lượng nước xả gần 1 triệu m3/h. Với một thời gian ngắn mà xả cả 5 cửa cống với lưu lượng nước lớn như thế thì có an toàn cho vùng hạ du không? Chắc chắn là không.

Rõ ràng việc quyết định xả lũ ở hồ đập Vực Mấu vừa qua là việc làm chủ quan, thiếu tính toán, gây ngập úng quá nhanh, dân không kịp trở tay, lại xả lũ vào ban đêm gây thiệt hại quá lớn.

Năm là: Mùa mưa bão, từ Trung ương đến các tỉnh, huyện, xã đều phải có Ban thường trực chống lụt, bão 24/24 giờ. Tại sao một số xã trong vùng hạ du khi xả lũ nước ngập lên cả giường ngủ mới tỉnh giấc dậy chạy thoát lũ. Phải chăng họ không được thông báo đầy đủ để chủ động phòng tránh lũ.

Trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương và cần phải được làm rõ, không nên chỉ dừng lại ở mức độ "rút bài học kinh nghiệm".

Theo một chuyên gia thủy lợi, khi vận hành bất cứ hồ chứa nào cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng lũ. Quy trình phòng lũ là tổng hợp nhiều giải pháp công trình và phi công trình để đảm bảo an toàn cho hồ chứa và hạ du.

Quy trình phòng lũ được xây dựng trên các thông số về dung tích phòng lũ, quy trình xả lũ, lượng xả lũ tối đa (Q xả lũ), mực nước triều cường, hành lang thoát lũ.

Để giảm chi phí đầu tư và hệ số an toàn cao, trong thiết kế hồ chứa thường để Q xả lũ thấp, có nghĩa là trong suốt mùa mưa bão, hồ chứa phải được xả từ từ để hồ có đủ dung tích phòng lũ.

Với đồng bằng Bắc bộ, các hồ chứa không được tích nước vượt (làm giảm dung tích phòng lũ) trước ngày 5 tháng 9 hàng năm, với khu vực miền Trung, thời điểm trên chậm hơn 1 tháng.

Các công trình hồ chứa của VN đều được thiết kế an toàn trước những cực đoan của thời tiết (trừ bão), nên nếu quản lý, vận hành đúng quy trình phòng lũ (trong đó bao gồm quy trình xả lũ) thì sẽ triệt giảm nguy cơ mất an toàn.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.