| Hotline: 0983.970.780

Nhìn lại vụ lúa ĐX 2010-2011 ở phía Bắc

Thứ Hai 20/06/2011 , 10:48 (GMT+7)

Nhìn lại những việc đã làm, rút kinh nghiệm cho những vụ đông xuân tới đây là rất cần thiết, khi mà biến đổi khí hậu đang diễn biến khó lường.

Sau những lo lắng, vất vả từ đầu vụ, niềm vui một trong những vụ lúa đông xuân có năng suất cao nhất đang tràn ngập khắp các đồng quê miền Bắc. Nhìn lại những việc đã làm, rút kinh nghiệm cho những vụ đông xuân tới đây là rất cần thiết, khi mà biến đổi khí hậu đang diễn biến khó lường.

Rét đậm, rét hại bất thường

Đông xuân 2010-2011 giá rét rất bất thường so với các vụ đông xuân rét khác đã xẩy ra ở phía Bắc.

Một là số ngày rét đậm, rét hại kéo dài kỷ lục trong khi số giờ nắng thấp kỷ lục: 3 tháng đầu năm 2011 ở đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) có 46 ngày rét đậm (dưới 15oC) hoặc rét hại (dưới 13oC), vượt xa kỷ lục vụ đông xuân 2008 (38 ngày từ 14/1/ đến 21/2/2008). Đồng thời, số giờ nắng thấp kỷ lục: ba tháng đầu năm 2011 ở Bắc Trung bộ (BTB) chỉ có khoảng 63 giờ nắng thấp hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm (205 giờ) và với vụ đông xuân ấm 2010 (246 giờ). Trong khi lượng mưa lại cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Số giờ nắng thấp, trời âm u, độ ẩm cao làm tăng mức độ gây hại của nhiệt độ thấp đối với cây trồng.

Hai là rét đậm, rét hại kéo dài đến sau tiết Lập xuân (4/2): Nếu như năm 2008 sau Lập xuân rét đậm cơ bản kết thúc thì năm nay sau Lập xuân rét đậm, rét hại còn kéo dài đến hết tháng 3. Cụ thể: tháng 2 có đợt rét đậm, rét hại từ ngày 12 đến 16/2; đặc biệt tháng 3 có tới 9 ngày rét đậm, rét hại, trong đó ngày 16/3 nhiệt độ ở ĐBSH xuống tới 7,7oC (thấp nhất trong tháng 3 từ năm 1987); nhiệt độ trung bình tháng 3/2011 là 16,1oC, thấp hơn TBNN tới 3,0oC. Nửa đầu tháng 4 tuy không có rét đậm, rét hại nhưng nhiệt độ trung bình các tỉnh phía Bắc vẫn thấp hơn so với TBNN.

Ba là rét đậm, rét hại đã xâm nhập sâu và nghiêm trọng hơn vào các tỉnh BTB: số ngày rét đậm, rét hại trong 3 tháng đầu năm 2011 ở vùng BTB lên tới 37 ngày với 4 đợt từ 4/1-3/2, 12/2-16/2, 16/3-18/3 và 24/3-30/3, trong khi năm 2010 chỉ có 7 ngày; đặc biệt số ngày rét hại là 4 ngày, trong khi năm 2010 là 2 ngày.

Ảnh hưởng kép của rét

Một là diện tích mạ và lúa mới cấy hoặc gieo thẳng ở Bắc Trung bộ bị chết rét hoặc bị hư hại nặng cao nhất từ trước tới nay mặc dù gieo cấy đúng thời vụ. Cụ thể Quảng Trị có 3.500 ha lúa chết phải gieo cấy lại, 6.000 ha bị chết từ 30-70%; Quảng Bình có trên 10.000 ha, Hà Tĩnh có 347 ha mạ và 10.043 ha lúa, Nghệ An 508 ha mạ và 9.550 ha lúa bị chết rét…

Vùng ĐBSH và TDMNPB do chủ động chuyển đổi sang trà xuân muộn là chủ yếu, nên chỉ có ít diện tích lúa xuân sớm hoặc mạ dược gieo trước Lập xuân không che phủ nilon bị chết rét hoặc hư hại (Hải Phòng có 280 ha lúa và 491 ha mạ bị chết rét, Thái Bình có gần 500 ha mạ, Hải Dương gần 600 ha mạ bị chết hoặc bị hư hại nặng…). Nhìn chung mức độ bị hại là không đáng kể so với vụ đông xuân 2008.

Hai là thời gian sinh trưởng của lúa bị kéo dài không bình thường. Nguyên nhân do nhiệt độ thấp và thiếu ánh sáng làm lúa mới gieo cấy chậm bén rễ hồi xanh, lúa tạm dừng sinh trưởng, thậm chí bị vàng lá, táp lá, chết rải rác, nhất là trên những giống lúa kém chịu rét hoặc mạ sân nhưng che phủ và chăm sóc mạ không đúng quy trình. Dẫn đến lúa gieo cấy càng sớm thì TGST càng kéo dài do trỗ muộn hơn: vùng Bắc Trung bộ lúa trỗ muộn hơn TBNN từ 20-30 ngày, vùng ĐBSH từ 10-15 ngày và TDMNPB từ 5-10 ngày.

Ba là thu hoạch lúa đông xuân muộn dẫn đến lúa hè thu ở nhiều nơi của Bắc Trung bộ có thể không kịp thu hoạch trước 15-20/9 để tránh lũ lụt (nhất là những nơi không có giống cực ngắn ngày) và ở ĐBSH không kịp cấy lúa mùa sớm để có đất làm vụ đông sớm đối với nhóm cây ưa ấm.

Năng suất cao bất ngờ

Các tỉnh phía Bắc gieo cấy được 1.134 nghìn ha lúa đông xuân, đạt 99,3% so với kế hoạch; trong đó vùng ĐBSH 651 nghìn ha, vùng BTB 339 nghìn ha, vùng TDMNPB 234 nghìn ha. Dự kiến năng suất vùng ĐBSH đạt 65,2 tạ/ha, tăng 2 tạ/ha, vùng BTB đạt 58,5 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha, vùng TDMNPB đạt 54,2 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha so với vụ ĐX 2010, là một trong số các vụ đông xuân có năng suất cao nhất; sản lượng thóc ước đạt 6,9 triệu tấn, cao hơn vụ đông xuân 2010 khoảng 72 ngàn tấn.

Nguyên nhân thắng lợi:

Một là sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp và sự đồng lòng của nông dân trong áp dụng các biện pháp kỹ thuật như sử dụng giống lúa ngắn ngày, tăng diện tích lúa lai; gieo cấy tối đa trà xuân muộn; che phủ nilon và tạo cây mạ khỏe; tăng cường gieo thẳng; sử dụng phân NPK thay thế phân đơn, bón phân qua lá…

Hai là, mặc dù đầu vụ rét đậm, rét hại nghiêm trọng bất thường, nhưng từ tháng 4 đến cuối vụ, thời tiết rất thuận lợi, trời nắng ấm, mưa sớm, nước tưới đầy đủ nên lúa phục hồi nhanh, sinh trưởng, phát triển tốt, đặc biệt ở giai đoạn phân hoá đòng và trỗ nên số bông/cây, số hạt chắc/bông, khối lượng 1.000 hạt đều cao hơn các năm trước.

Ba là, rét đậm rét hại kéo dài đã làm cho sâu bệnh không phát sinh đáng kể, nên vụ đông xuân năm nay gần như nông dân không phải sử dụng thuốc BVTV, cây lúa khỏe, bộ lá bền đẹp.

Bài học kinh nghiệm

Bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp:

- Đối với vùng ĐBSH và TDMNPB qua vụ đông xuân này càng khẳng định chủ trương tăng tối đa trà xuân muộn, dùng giống ngắn ngày, mạ non, gieo cấy sau Lập xuân là giải pháp đúng đắn trong mọi tình huống. Tuy nhiên, trong vụ đông xuân rét có thể kết thúc gieo cấy trước 10/3 và điều chỉnh lúa trỗ tập trung xung quanh 20-25/5 là phù hợp.

- Đối với vùng BTB thời vụ gieo cấy lúa đông xuân được xây dựng để lúa trỗ vào khoảng 15-25/4 và lúa hè thu thu hoạch trước 15-20/9. Tuy nhiên, qua vụ đông xuân vừa qua cho thấy rét đậm, rét hại đã xâm nhập sâu hơn vào các tỉnh BTB, trùng vào thời điểm gieo cấy hoặc sau khi lúa vừa gieo cấy. Vì vậy, BTB là vùng có nguy cơ gặp rủi ro cao nhất, cần có giải pháp để chủ động đối phó với những diễn biến thời tiết tương tự như năm nay.

Sử dụng giống lúa ngắn ngày, năng suất cao:

- Sử dụng giống lúa ngắn ngày, cực ngắn trong vụ đông xuân là giải pháp tốt nhất để né tránh những bất thuận của thời tiết, điển hình như vụ đông xuân năm nay.

- Các giống lúa lai ngắn ngày, có sức sống cao, chịu rét tốt đã thể hiện ưu thế vượt trội so với lúa thuần. Diện tích lúa lai tại ĐBSH đạt 140.162 ha chiếm 25% diện tích lúa, BTB đạt 138.120 ha chiếm 40,7%, TDMNPB đạt 92.180 ha chiếm 39,4% diện tích lúa.

- Chưa năm nào giống lúa cực ngắn đặc biệt cho vùng BTB trở thành quan trọng như năm nay, không chỉ để gieo cấy lại lúa đông xuân bị chết rét, mà còn cho vụ hè thu nhằm tránh ngập úng khi thu hoạch. Tuy nhiên, do số giống lúa cực ngắn ít, nguồn giống không được chuẩn bị nên không đáp ứng đủ yêu cầu. Do đó, việc nghiên cứu chọn tạo giống lúa cực ngắn ngày cần phải được quan tâm hơn; mỗi địa phương cần chủ động dự phòng nguồn giống cực ngắn ngày để chủ động đối phó với thời tiết biến động.

Mở rộng diện tích lúa gieo thẳng:

Vụ đông xuân năm nay các tỉnh phía Bắc đạt 229.100 ha lúa gieo thẳng (23,5% bằng dụng cụ sạ hàng) chiếm gần 20% diện tích lúa, trong đó vùng ĐBSH là 15,1%, vùng TDMNPB là 17,5%; hàng chục hợp tác xã đạt trên 70% diện tích. Lúa gieo thẳng giúp giảm chi phí làm mạ, công nhổ mạ và cấy; tiết kiệm hạt giống; rút ngắn thời gian sinh trưởng 5-7 ngày so với lúa cấy và năng suất tăng hơn lúa cấy khoảng 10%. Qua vụ đông xuân năm nay cho thấy đây là một giải pháp tốt để đối phó với rét đậm, rét hại kéo dài vì có thể gieo thẳng vào cuối của trà xuân muộn, khi mà tần suất và cường độ rét giảm hẳn, lúa cho năng suất cao.

(*): Tác giả hiện là Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm