| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 21/03/2017 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 21/03/2017

Nhìn nhận & tranh luận

Trong “chiến dịch” giành lại vỉa hè cho người đi bộ những ngày vừa qua ở TP Hồ Chí Minh, hình ảnh ông Phó Chủ tịch quận 1 Đoàn Ngọc Hải dẫn đầu đoàn công tác...

Trong “chiến dịch” giành lại vỉa hè cho người đi bộ những ngày vừa qua ở TP Hồ Chí Minh, hình ảnh ông Phó Chủ tịch quận 1 Đoàn Ngọc Hải dẫn đầu đoàn công tác trực tiếp và quyết liệt chỉ đạo, là hình ảnh đẹp về sự sâu sát của “người Nhà nước” trong các cơ quan công quyền.

17-40-21_ong-don-ngoc-hi-chi-do-xu-ly-mot-o-to-du-ln-chiem-vi-he
Ông Đoàn Ngọc Hải chỉ đạo xử lý một ô tô đậu lấn chiếm vỉa hè
 

Ai cũng thấy rõ và thừa nhận.

Ông Hải ra đường phố, chỉ đạo cho cán bộ dưới quyền của mình phải chấn chỉnh lại vỉa hè, giành lại lối đi cho khách bộ hành. Một trong những lần trực tiếp xuống đường, đã có những hình ảnh được ghi lại, trong đó ông Hải đeo trên tay chiếc đồng hồ Patek Philippe được đoán là có trị giá vài chục ngàn USD, và chiếc điện thoại Vertu hạng sang, đã nhanh chóng lan truyền trên Internet.

Những hình ảnh này kèm theo lời bình luận theo dạng đặt câu hỏi nghi vấn, rằng: “Chỉ với mức lương vài triệu đồng đến chục triệu đồng một tháng, thì một công bộc như ông Hải lấy đâu ra tiền để trang bị những thứ xa xỉ như thế?”.

Đấy là những câu hỏi mang tính “phá đám”. Mục đích rõ ràng của dạng câu hỏi này là khiêu khích, gây hoang mang mất tập trung của dư luận, đe dọa làm ảnh hưởng tiêu cực phần nào đến hình ảnh, uy tín của một cán bộ đang thi hành công vụ, đến sự thành công của “chiến dịch” giành lại vỉa hè, khi câu trả lời chưa thể đến được ngay mà còn đang “lơ lửng”.

Vì câu hỏi này, nếu suy xét, thì nó không đúng thời điểm. Vì đó luôn là nhiệm vụ và mục đích công việc thường xuyên của lực lượng thanh tra bên Chính phủ, của ban kiểm tra bên Đảng. Sau đợt “dẹp vỉa hè vi phạm” này, nếu hỏi, thì thích hợp hơn.

Vì một logic tương đương, rất nhiều những người có xe cộ, nhà cửa trị giá hàng trăm triệu cho đến hàng tỷ đồng, có giá gấp nhiều lần cái đồng hồ cùng chiếc điện thoại kia, thì còn đáng hỏi hơn nhiều (!).

Ông Hải đang dọn dẹp những vi phạm vỉa hè, giống như đang chiến đấu, thì câu hỏi chính yếu lúc này sẽ là những cơ sở pháp lý nào để ông làm? Tính khả thi, tính bền vững?

Hiệu quả của “chiến dịch”, cần nhìn nhận qua những điều đó. Và đó mới là điều chính yếu lúc này.

Trong các phiên góp ý về văn bản luật hoặc chất vấn thành viên Chính phủ của Quốc hội, có vài đại biểu khi đứng lên phát biểu cũng chỉ dành toàn thời gian để góp ý mang tính chất “nhặt sạn”, sửa lỗi chính tả, ngữ pháp cho tiêu đề văn bản luật trước khi thông qua.

Chính tả trong văn bản luật có cần không?

Không ai dám trả lời là không cần, nhưng chức năng nhiệm vụ chính yếu của họ là phải chất vấn, tranh luận yêu cầu Chính phủ, từ Thủ tướng đến các bộ trưởng, giải trình tất cả những gì mà cử tri họ đại diện, đang bức xúc đòi hỏi, khúc mắc.

Rồi trong tranh luận, thì có hiện tượng đại biểu quá dài dòng trong xưng hô, thưa gửi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng nhận xét, vẫn còn một số đại biểu dùng quyền tranh luận để phát biểu ý kiến chứ không phải tranh luận.

Trong tranh luận để tìm ra hướng đúng, thì tư duy về nội dung vấn đề, lập luận để chứng minh là cốt lõi, là quan trọng nhất. Tranh luận cần sự thẳng thắn, chứ không phải sa vào việc câu nệ câu chữ, xưng hô, chọn từ. Tranh luận như thế mới mong tìm được ra nhận định và câu trả lời cùng giải pháp hợp lý. Xuyên suốt trong nhìn nhận và tranh luận, là cần xác định được điều chính yếu.