| Hotline: 0983.970.780

Nhìn sâu vào doanh nghiệp chế biến cá tra

Thứ Hai 18/11/2013 , 10:02 (GMT+7)

Bà Trần Ngọc Sương đã cho công luận được dịp nhìn sâu hơn vào một doanh nghiệp với những nguyên nhân yếu kém điển hình của ngành cá tra.

Như Báo NNVN thông tin, từ 1/8 đến 11/11/2013, bà Trần Ngọc Sương chủ động trở về và rút lui khỏi vị trí lãnh đạo Cty Cổ phần Chế biến Thực phẩm Sông Hậu (Sohafood) ở Nông trường Sông Hậu - Cần Thơ. Thời gian ngắn nhưng bà đã cho công luận được dịp nhìn sâu hơn vào một doanh nghiệp với những nguyên nhân yếu kém điển hình của ngành cá tra.

Chiếm dụng vốn của người bán cá

Biên bản cuộc họp HĐQT Sohafood ngày 9/1/2012, ghi lời phát biểu của Chủ tịch HĐQT Trần Thanh Long lúc đó: “Vốn ngân hàng 80 tỷ đồng chỉ bù vào chi phí đầu tư dài hạn. Cho nên vốn lưu động không đủ để hoạt động”.

Đến biên bản đại hội cổ đông thường niên năm 2012, ngày 29/9/2012, viết: “Vốn vay trên 80 tỷ” nhưng “vốn hiện đang hoạt động trên dưới 15 tỷ đồng”. Tại đại hội cổ đông bất thường sáng 11/11/2013, nguyên Chủ tịch HĐQT Trần Thanh Long (từ nhiệm ngày 1/8/2013) thừa nhận, từ năm 2012, Sohafood kinh doanh chủ yếu nhờ chiếm dụng vốn của người bán cá tra.


Chủ nợ nông dân đòi tiền cá tại văn phòng Sohafood sáng 9/11

Đầu tháng 8/2013, khi bà Sương về làm Chủ tịch HĐQT kiêm quyền Giám đốc Sohafood, số tiền nợ của người bán cá đã lên tới 55 tỷ đồng. Sau đó, bà thanh lý hàng tồn kho và khai thác nhiều nguồn khác trả được khoảng 10% nợ.

Đến ngày 26/10, danh sách chủ nợ tiền cá của Sohafood vẫn có đủ nông dân ở TP Cần Thơ, các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang. Những người bị nợ nhiều là ông Lê Hạ Huy ở tỉnh Đồng Tháp 7 tỷ đồng, Huỳnh Quang Khấp ở tỉnh An Giang 6 tỷ đồng, Cao Hữu Sang ở TP Cần Thơ 2,4 tỷ đồng.

Ông Sang kể, ông ở khu vực Thới An 4, phường Thuận An (Thốt Nốt, Cần Thơ) bán 154 tấn cá tra cho Sohafood ngày 4/6/2013, trả tiền lúc đó 20%, còn lại hẹn trả trong 45 ngày. Thế nhưng Sohafood kéo dài nợ 2,4 tỷ đồng đến nay, trong lúc ông phải vay tiền của hai ngân hàng để nuôi cá, cứ ba tháng phải đóng lãi 40 triệu đồng. “Nuôi đã lỗ, còn bị nợ tiền kéo dài, phải đóng lãi ngân hàng thì người nuôi cá tra chỉ có chết”, ông Sang than thở.

Lời giả lỗ thật, mua bán lòng vòng

Khi bà Sương về lãnh đạo Sohafood, cho kiểm tra sổ sách kế toán, phát hiện lỗ hơn 70 tỷ đồng chứ không phải chỉ hơn 7 tỷ như ban lãnh đạo cũ báo cáo. Tại đại hội cổ đông bất thường sáng 11/11, nguyên Chủ tịch HĐQT Trần Thanh Long và nguyên Giám đốc Nguyễn Tấn Thanh giải thích, do lỗ tích lũy từ năm 2008.

Thế nhưng, các cuộc họp HĐQT và đại hội cổ đông những năm trước luôn báo cáo lãi. Biên bản họp HĐQT ngày 9/1/2012 viết: “Cơ bản năm 2011 Cty đã hoàn thành được các chỉ tiêu đặt ra. Về doanh số đạt trên 450 tỷ, lợi nhuận trên 7 tỷ đồng”. Ngày 29/9/2012, đại hội cổ đông thường niên năm 2012, nghị quyết đại hội viết: "Tình hình sản xuất kinh doanh năm 2011 với các chỉ tiêu chính: Doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh 497 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 5,885 tỷ đồng". Nghị quyết thông qua “chỉ tiêu kế hoạch năm 2012: Lợi nhuận trước thuế 8,4 tỷ đồng”.

Ngày 22/6/2013, tại cuộc họp HĐQT, Chủ tịch Trần Thanh Long nộp “đơn xin từ nhiệm” và đến ngày 4/7, tiếp tục có “tâm thư về việc từ nhiệm các chức danh trong công ty”. Tâm thư nêu lý do, ông đã thất bại trong việc xây dựng Sohafood “thành một chuỗi sản xuất và tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu” vì “lực bất tòng tâm” và xét thấy “bản thân tôi xem như không còn gì”.


Dây chuyền chế biến cá tra của Sohafood dừng hoạt động

Cho dù có những con số nhảy múa trong các cuộc họp thì đến đây, ông Long đã thừa nhận một sự thật: Chuỗi giá trị trong Sohafood bất ổn. Vấn đề này, tại cuộc họp HĐQT ngày 22/6/2013, nhiều ý kiến của các thành viên HĐQT cũng đã nêu lên. Chuỗi giá trị trong Sohafood có quá nhiều trung gian, làm chi phí bán hàng năm 2012 tăng hơn 200% so với năm 2011. Tồn kho cũng tăng nhanh, năm 2011 chỉ khoảng 25,5 tỷ đồng nhưng đến giữa năm 2013 là 82 tỷ đồng.

Ông Long có giải thích, hàng mua về gồm “nguyên liệu hoặc thành phẩm để xử lý trong quá trình kinh doanh” và ông khẳng định: “Bản chất kinh doanh là ổn, tốt”. Các thành viên HĐQT cần câu giải thích rõ ràng hơn, tại sao có nhà máy chế biến mà mua thành phẩm về để nằm trong kho, lại trong tình hình thiếu vốn? Tại sao giá trị hàng tồn kho trên sổ sách lớn hơn thực tế?

Sau ngày 1/8/2013 ông Long được chấp nhận từ nhiệm, bà Sương về phát hiện số lỗ gấp chục lần báo cáo và còn phát hiện thêm “việc mua bán lòng vòng bất lợi cho Sohafood”. Chính là việc mua bán giữa Sohafood với 3 doanh nghiệp của ông Nguyễn Tấn Thanh. Sohafood bán gần 115 tỷ đồng và mua lại hơn 81 tỷ đồng, trong lúc đó ông Thanh làm Giám đốc Sohafood.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm