| Hotline: 0983.970.780

Nhìn từ nông nghiệp Pháp: Xây dựng chính sách và đào tạo nhân lực

Thứ Tư 08/11/2017 , 08:46 (GMT+7)

Nước Pháp được cả thế giới biết đến là một đất nước của du lịch, thời trang, nghệ thuật… nhưng ít ai biết được Pháp cũng có một nền nông nghiệp hiện đại được xây dựng bởi những chính sách và đào tạo nhân lực vô cùng khoa học.

Hướng đến nền nông nghiệp sạch cách đây 20 năm

Giữa tháng 10/2017, tại thủ đô Paris (Pháp), trong buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Lương thực Pháp, ông Alaim Clergerie chuyên viên Ban thông tin truyền thông thuộc Bộ Nông nghiệp Pháp cho biết, từ năm 2000, nước Pháp đã bắt đầu hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, sau đó đến năm 2009 thì chính sách nông nghiệp hướng đến hiệu quả kép cả về môi trường và sản phẩm. Hiện, ở Pháp có hẳn một trang Website giới thiệu chi tiết các trang trại về chăn nuôi, cây ăn quả… cùng với hơn 474 ngàn cơ sở sản xuất nông nghiệp ở trên toàn lãnh thổ Pháp.

17-09-23_buoi_lm_viec_voi_bo_nnlt_phpjpg
Buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Lương thực Pháp

Theo ông Alaim Clergerie, trong khối Châu Âu nước Pháp đứng thứ 3 về diện tích rừng, rừng rậm chiếm gần 30% diện tích toàn lãnh thổ, hiện ở EU chỉ còn một số ít nước quan tâm phát triển rừng và hỗ trợ nông nghiệp như Pháp, Tây Ban Nha, Phần Lan… Mới đây, khi bàn về hiệp định Paris khí hậu, nước Pháp cũng đồng ý giảm lượng khí thải cacbon để phục vụ cho môi trường phát triển nông nghiệp.

Một số chính sách nổi bật về nông nghiệp của Pháp gần đây là, xây dựng và thực hiện chính sách liên quan đến sức khỏe cây trồng, vật nuôi và bảo vệ động vật để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp thực phẩm nói chung. Ngoài ra, chính sách tạo giá trị, hỗ trợ mô hình sản xuất, tạo điều kiện cho người nông dân sản xuất theo đúng giá trị thị trường, hỗ trợ tuyên truyền cho người tiêu dùng biết cách dùng sản phẩm có lợi cho sức khỏe đã đạt được những kết quả khả quan.

Cụ thể, khi Bộ Nông nghiệp đưa ra chương trình hạn chế sử dụng hóa chất trong thực vật, giảm kháng sinh trong động vật, trong 5 năm ở Pháp đã giảm gần 40% lượng thuốc kháng sinh, giảm lãng phí trong sử dụng sản phẩm nông nghiệp.

Ông Jérome Languille, chuyên viên Tồng cục Lương thực (Bộ Nông nghiệp Pháp) cho biết, mỗi năm ở Pháp có khoảng 30 ngàn cuộc kiểm tra cơ sở sản xuất thực phẩm nông nghiệp liên tỉnh, 60 ngàn cuộc kiểm tra tại các siêu thị, trang trại tự bán sản phẩm của mình… và quá trình kiểm tra các cơ sở này thường là đột xuất. Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền đối với bệnh dại, các quán ăn ở khu phố đều được kiểm tra trên mạng.

Số lượng nhân viên về ATTP phụ trách theo cơ sở từng vùng, tuy nhiên người chịu trách nhiệm ATTP chính vẫn là nhà sản xuất, còn cơ quan nhà nước đưa ra quy định và giải pháp khi sự cố xảy ra. Đầu năm 2017, có một trang trại bị nhiễm cúm gia cầm, chính quyền sở tại đã ra lệnh tiêu hủy khoảng 3 triệu con vịt xung quanh khu vực nhiễm bệnh này, trường hợp này nếu không xử lý mạnh tay thì nó sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất gan ngỗng của Pháp.

Ông Alaim Clergerie cho biết thêm, trong khi khủng hoảng xảy ra, chính quyền sẽ làm việc chặt chẽ với các phóng viên để thông tin, đáp ứng những câu hỏi người tiêu dùng và bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính. Bộ Nông nghiệp có vai trò chủ đạo và phối hợp với các bộ khác khi khủng hoảng xảy ra. Đồng thời, phối hợp cùng với Bộ Kinh tế và Bộ Đoàn kết & Y tế thực hiện chính sách liên quan đến kiểm soát chất lượng an toàn của các sản phẩm thực phẩm nông nghiệp.

17-09-23_ong_lim_clergerie_trinh_by_nhung_chinh_sch_noi_bt_cu_ngnh_nong_nghiep_nuoc_phpjpg
Ông Alaim Clergerie trình bày những chính sách nổi bật của ngành nông nghiệp nước Pháp

Ngoài ra, ngành nông nghiệp Pháp cũng có riêng một tổng cục chuyên phụ trách về thủy sản. Tổng cục sẽ xác định chính sách và tài trợ cho các doanh nghiệp đánh bắt và nuôi trồng trong lĩnh vực này. Do ở Châu Âu có hạn mức về đánh cá, nên việc thực hiện chính sách trong lĩnh vực đánh bắt thủy hải sản, đặc biệt liên quan đến qui phạm và kiểm soát các hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu thủy sản được người dân thực hiện rất nghiêm túc.
 

Coi trọng ngành thú y

Trong ngành nông nghiệp của Pháp một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là xây dựng và thực thi chính sách giáo dục về nông nghiệp, đào tạo liên tục, tham gia xây dựng và triển khai chính sách nghiên cứu nông nghiệp, công nghệ sinh học và thú y.

17-09-23_buoi_hoc_thuc_te_o_truong_thu_y_quoc_gi_phpjpg
Buổi học thực tế ở trường thú y quốc gia Pháp

Bà Elise Dumesnil, chuyên viên phụ trách đào tạo nhân lực, cho biết, đào tạo nhân lực là mảng rất quan trọng trong Bộ Nông nghiệp, hệ thống đào tạo trong bộ cũng như một Bộ Giáo dục và Đào tạo thu nhỏ, với khoảng 9.000 người đào tạo các mặt về nông nghiệp. Ở Pháp các trường đào tạo về nông nghiệp đa số là trường tư còn lại 1/3 là trường công. Các trường này hầu hết đều đào tạo và thực nghiệm trong các nông trường, nghiên cứu trực tiếp các mô hình hợp lý đưa vào thực tiễn.

Một trong những nơi đào tạo về nông nghiệp hàng đầu ở Pháp là Viện Đại học nghiên cứu thực phẩm, thú y, nông học và môi trường (viết tắt VetAgro Sup). VetAgro Sup đào tạo sinh viên theo các chuyên ngành thú y và nông học (thú y, y tế cộng đồng, bảo vệ và an toàn động vật, bảo vệ môi trường, dinh dưỡng và khoa học thực phẩm), đồng thời đào tạo kỹ sư và chuyên gia thú y, nghiên cứu và hỗ trợ các tác nhân kinh tế trong lĩnh vực lương thực, thú y, nông học và môi trường.

Được thành lập từ thế kỷ 18 ở tỉnh Lyon, trường Thú y Quốc gia (ENSV) là trường trực thuộc VetAgro Sup với nhiệm vụ đào tạo nghề, nghiên cứu để thiết kế, xây dựng, thực hiện và đánh giá hoạt động tổng quát về công tác thú y công cộng và lương thực chính sách công và tư đối với toàn bộ các tác nhân công và tư.

Ông Oliver Faugere, Giám đốc trường Thú y quốc gia cho biết, trường có nhiệm vụ đặc trưng là đào tạo bác sỹ thú cho cơ quan hành chính nước Pháp, do đó đội ngũ giảng viên đều là các chuyên gia trong nghề thú y.

ENSV cũng là trường duy nhất trên thế giới về đào tạo công chức thú y. Trường đã nhận được chứng nhận của tổ chức OIE (tổ chức thú y thế giới), ngoài ra trường còn đào tạo những ngành liên quan đến ATTP như: sữa, trứng… với mô hình đại học kết hợp với thực hành, các em sinh viên vừa học vừa thực tập ngay tại chỗ.

17-09-23_sinh_vien_truong_thu_y_quoc_gi_php_xem_thuc_hnh_ti_truongjpg
Sinh viên trường thú y quốc gia Pháp xem thực hành tại trường

Ông Oliver Faugere cho biết thêm, ở Pháp có 19 triệu con bò sữa và bò thịt, năm 2016 có 13 triệu con lợn thịt và giống… nhưng có đến 1.000 bác sĩ thú y làm việc trong cơ quan nhà nước với vai trò quản lý tổ chức ngăn chặn dịch bệnh đàn gia súc, và 17 ngàn bác sĩ thú y làm việc tư như chữa bệnh gia súc, vật nuôi…

Ngành thú y có liên hệ rất mật thiết đến môi trường xung quanh, việc ngăn dịch bệnh hay hạn chế dịch bệnh lan nhanh do đều phụ thuộc vào vệ sinh môi trường chăn nuôi xung quanh. Khi xảy ra các dịch bệnh như: cúm gà, bò điên… thì 1.000 ngàn công chức thú y sẽ lãnh đạo tất cả các bác sĩ tư để chỉ định tiêu hủy.

Trường hợp dịch bệnh đã xảy ra, khi có lệnh tiêu hủy của bác sĩ thú y thì người dân sẽ phải chấp hành nghiêm, không có chuyện gia súc vẫn bị nhiễm bệnh vẫn trôi nổi trên thị trường hay người dân tiếc của mang về nấu ăn… Nếu bị phát hiện tiêu thụ sản phẩm nhiễm bệnh thì người tiêu thụ sẽ phải chịu án tù và bị cả phạt tiền chứ không chỉ phạt tiền.

Ông Oliver Faugere, Giám đốc trường Thú y quốc gia cho hay, cả nước Pháp có 4 trường thú y, mỗi trường chỉ đào tạo một năm 140 bác sĩ thú y. Để thi vào trường thú y sinh viên phải trải qua nhiều kỳ thi rất khó, có khi trở thành 1 bác sĩ thú y còn khó hơn 1 bác sĩ thông thường. Ở Pháp lương công chức thú y được trả cao hơn khi làm cho tư nhân.

Hoạt động thú y có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đàn gia súc và người tiêu dùng, nếu dùng nhiều thuốc kháng sinh cho vật nuôi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Chỉ bác sĩ thú y mới được mua thuốc kháng sinh và chỉ định cho dùng liều lượng thuốc kháng sinh như nào. Không có việc người chăn nuôi tự ý được mua thuốc kháng sinh vì rất gây nguy hiểm cho vật nuôi và người tiêu dùng.

 

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tiến Nông được bình chọn là thương hiệu mạnh ASEAN 2024

Với sự ghi nhận này, Tiến Nông tự tin vươn tầm khu vực, trở thành thương hiệu của nông dân ASEAN.