| Hotline: 0983.970.780

Nhìn vào mắt người thân của mình mỗi ngày

Thứ Năm 03/09/2015 , 10:10 (GMT+7)

Hãy để máy móc ra xa tầm tay khi ngồi vào bàn, chí ít cũng là trong những giây phút quý báu hiếm hoi để nhìn vào mắt nhau trong câu chuyện, để nhìn vào tâm tư nhau trong bữa ăn sum họp duy nhất của gia đình trong ngày.

Xin lấy một quán cà phê bậc trung của thành phố làm đối tượng. Thành phố ở đây không nhất thiết phải Hà Nội hay Sài Gòn. Đà Nẵng, Huế cũng được, Hải Phòng hay Cần Thơ cũng na ná nhau. Pleiku hay Đồng Nai chắc cũng giông giống như vậy.

Người khảo sát đi nhiều, có ý thức xem xét và bỗng thấy một tình trạng không khác gì nhau. Thế mới lạ chứ!

Tạm qui ước ba góc của quán và mỗi góc có một nhóm đang ngồi. Nhóm thứ nhất gồm những người đứng tuổi. Nhóm thứ hai trẻ hơn tuổi viên chức vừa lập gia đình. Nhóm thứ ba trẻ nhất, ngôn ngữ bây giờ gọi là tuổi teen.

Cà phê là tên quán, thực ra nhóm trẻ nhất không đụng đến chất đen ấy. Chỉ vì cái quán đáng làm điểm hẹn và họ gọi nước giải khát đóng chai hoặc sinh tố.

Tuổi tác khác nhau, lý do tụ tập khác nhau và câu chuyện của ba nhóm dĩ nhiên cũng rất khác nhau. Ấy là lúc mới ngồi xuống, đưa mắt, hỏi han và gọi thức uống.

Sau đó thì, cả ba nhóm đều có những hành động giống nhau, giống nhau một cách kỳ quặc như là họ bị điều khiển từ xa vậy. Thế họ làm gì mà người khảo sát thấy họ giống nhau và bị điều khiển?

Xin thưa, trên tay mỗi người đều có chiếc điện thoại thông minh. Nhóm đứng tuổi thì moi nó từ trong túi quần, nhóm viên chức trẻ đã có sẵn nó ở tay từ bao giờ và nhóm teen thì như là chưa kịp ngồi bên nhau đã "chưng ra" để người khác chú ý hoặc là cố tình khoe.

Bàn của người đứng tuổi còn có tiếng trao đổi. Họ đang đọc cho nhau những tin tức và những lời bình từ mạng miếc nào đó, chăm chú, căng thẳng, có lúc cả nhóm còn cười phá lên.

Bàn của những người đàn ông trẻ yên lặng hơn, họ luôn có việc với nỗi bận tâm của mình trên mạng, trên tin nhắn, thi thoảng người nào đó trong nhóm đứng lên bước ra ngoài để nói chuyện điện thoại.

Bàn của những cô cậu cốm chanh thì hầu như họ đã quên lý do ngồi bên nhau, vây quanh họ là không khí lặng tờ, họ đang thả hồn, họ đang mải lang thang và có cô còn đang mải rình một cái like nào đó chắc sẽ xuất hiện trên facebook.

Có lẽ nào? Còn đâu không khí nổ như bắp rang khi con người dắt nhau vào một cái nơi thanh cảnh là quán cà phê? Còn đâu sự thong dong của người đứng tuổi để cho người ngoài nhìn thấy một hình ảnh điềm nhiên tự tại?

Còn đâu giây phút kết nối thực sự giữa những con người mới vào guồng với những lo toan, chia sẻ giống nhau mà cà phê là một trong những thú hưởng thụ thanh lịch, tao nhã?

Còn đâu những khoảnh khắc của nàng chàng tương lai hay đùa nhau bởi bộ cánh của người này hoặc mái tóc của người kia, những tiểu tiết vô nghĩa và đáng yêu của tuổi mới lớn?

Có thể hình dung những con người của ba nhóm ấy trong ngôi nhà của họ. Xem nào. Các vị đứng tuổi kia sẽ về nhà với chiếc điện thoại bất ly thân và rồi, họ sẽ cứ thế sà xuống xa- lông hoặc giường xếp hoặc bàn viết và sẽ cứ thế, không mấy khi ngẩng lên để xem vợ đã đi chợ về chưa, đang làm gì và có cần tiếp giúp chi không.

Các vị đàn ông trẻ sẽ ba chân bốn cẳng đến công sở, iphone để trên bàn để họ không phải xa tầm mắt và thế là, trừ lúc ngồi xe trên đường, họ sẽ bước vào nhà với tâm trạng bồn chồn, mạng xã hội có gì lạ, facebook của mình có mấy like và à quên, có những hình ảnh ở quán cà phê sáng nay chưa đưa lên đó.

Vợ con ư, vợ đừng có cằn nhằn, con đừng có mè nheo, để bố còn lướt web đã chứ!

Các cô cậu chíp hôi thì ngồi học như lửa đốt, ào vào nhà là mất tăm, đến khi ăn cũng không lần nào ngước lên khen mẹ nấu ngon và bố hôm nay sao về muộn?

Cứ thế, từ lúc đó đến lúc tắt đèn (chưa chắc gì tắt đèn là đi ngủ) thì bố mẹ đã nhàm chán với hình ảnh con mình ngồi nằm gì cũng chỉ chiếc điện thoại ấy trên tay, như cục sắt với nam châm, tệ hơn, như chất nghiện với con nghiện.

Mới có mấy năm mà con người thay đổi đến mức người thân của họ cũng không sao hiểu nổi. Vẫn thấy nhau đó nhưng sự câm lặng đã ngự trị. Vẫn là chồng, là cha, là con đó mà sao khoảng cách giữa các thành viên doãng ra, lạnh lẽo quá chừng.

Thấy con trong bữa ăn cũng không rời khỏi chiếc điện thoại quái quỷ ấy, người bố muốn gầm lên nhưng vừa mở miệng nhắc nhở thì người mẹ của đứa trẻ đã đế luôn một câu thấu cáy. Thấy ông chồng trẻ mê iPhone hơn mê vợ, người vợ thử ghé mắt vào, eo ơi, ông xem cái trời ơi đất hỡi gì đó ông nỡm?

Người ta đang sống ảo mà không biết, hay là có biết nhưng không muốn thừa nhận. Thời buổi bội thực thông tin, đừng quá vì chúng mà xao lãng cuộc sống thực tại của chính mình.

Và cái gì ảo thì vẫn là ảo, bạn ảo, những lời khen vung vít ảo, những con số bạn bè đông một cách quá ảo nữa và tâm trạng mong like, chờ like chẳng để làm gì.

Nên biết trong cái chợ mà con người đang mê say chen chân lên đó không thể thay thế nổi mái ấm, những giây phút thiêng liêng giữa những người trong nhà với nhau.

Hãy để máy móc ra xa tầm tay khi ngồi vào bàn, chí ít cũng là trong những giây phút quý báu hiếm hoi để nhìn vào mắt nhau trong câu chuyện, để nhìn vào tâm tư nhau trong bữa ăn sum họp duy nhất của gia đình trong ngày.

Con người dù có là con người toàn cầu hóa đi nữa thì cũng vẫn cứ là con người được sinh ra bởi bố mẹ, lớn lên dưới mái nhà, ra đời trong mong ngóng của người thân và khi đã có vợ có chồng thì qui trình thiêng liêng ấy sẽ quay lại với chính con cái mình.

Hãy trân trọng từng phút giây thực sự, thực tại và thực tâm, cẩn trọng với những tiện nghi cám dỗ, để đừng đánh mất mình, gia đình mình và người thân của mình.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm