| Hotline: 0983.970.780

Nhớ giàn mướp của mẹ

Thứ Ba 25/04/2017 , 13:15 (GMT+7)

Vào một ngày đất trời ấm áp, mẹ tôi dỡ xuống trái mướp giống treo trên chái bếp ngót năm nay, rồi cẩn thận phủi sạch lớp bồ hóng đen nhánh. 

Mẹ cắt bỏ đầu và cuối trái, lấy ra từng nắm hạt đem gieo.

Ngày ngày cây mướp hút chất dinh dưỡng từ đất, uống từng ngụm nước ngọt lành từ bàn tay chăm bẵm của mẹ mà sinh sôi, tươi tốt. Khi cái ngọn chính mập mạp, căng đầy nhựa sống mọc râu quắn, mướp bấu chặt vào cọc cứ thế leo lên giàn.

Không giống với những cây leo khác, mướp là loài cây ưa thích nằm giàn, nhất là mấy chiếc giàn bắc ngay cạnh cầu ao. Mỗi một đêm trôi qua, sáng dậy đã thấy ngọn mướp cách cái vạch vừa làm dấu hôm trước tới cả mét.

Hai dây mướp trái góc, ngọn chính, ngọn phụ chạy dọc chạy ngang chẳng mấy chốc đã bò lan, phủ kín cả giàn tre dạo trước vẫn còn xương xương. Phiến lá hình tim rộng gắn trên một cọng dài đan cài cả một lối. Tôi bước chậm qua giàn nghe hồn tắm mát...

Cái giàn mướp ấy vẫn im lìm cho tới một ngày những bông hoa vàng chanh thi nhau bung nở, rạo rực đón "tin yêu". Khoảng xanh trước nhà dập dờn ong bướm, chúng rối rít bay vào bay ra cả ngày như say mật. Cũng từ sau cái lần "yêu" ấy, cánh hoa mỏng manh để mặc cho nắng và gió làm cho héo úa.

Trái mướp non vừa nhú ra ngay trong mình nó. Thoạt đầu chỉ trông như cái đầu đũa, đôi ba ngày đã bằng cổ tay em bé, rồi chẳng mấy chốc quả mướp đã bằng cẳng chân người lớn. Trái mướp đầu tiên đã chào đời như thế. Nó ngày càng to, càng đẹp và được mẹ tôi che chắn cẩn thận để làm giống cho những mùa sau.

Cái giống mướp lạ thật, trái nào cũng chẳng chịu nằm yên mà cứ phải lọt thỏm xuống giàn, đong đưa, chới với trong không trung. Trời càng nắng nóng hơi nước phả lên từ mặt ao mát lạnh, mướp càng trĩu quả, sõng soài như đàn lợn con ngậm bầu sữa mẹ. Những quả mướp non lì lợm, chẳng chịu buông cuống rốn vẫn vụt lớn nhanh như thổi. Mướp trâu mình to, tròn, uốn cong như cái sừng trâu. Mướp hương thon, nhỏ hơn nhưng có mùi thơm đúng như cái tên.

Thích nhất là mỗi lần được cùng mẹ dong thuyền ra ao hái mướp. Cảm giác khi ngồi trên chiếc thuyền con chầm chậm bước vào “mê cung” của mướp thật tuyệt. Nó trông giống như một cái hang, ở đâu cũng có thể chạm tay vào mướp.

Mướp chi chít trên đầu, mướp lúc lỉu soi bóng dưới ao. Trái nào trái nấy tươi xanh, chĩa ra mời mọc bàn tay quen thuộc đến hái mang đi. Nhưng mẹ tôi chỉ chọn những trái mướp đẫy mình, còn trái nhỏ hơn thì để dành đó nhưng cứ phải ngó luôn vì mướp nhanh già lắm.

Mướp đầu mùa mẹ hái xuống chia cho cả xóm, cô, dì, chú, bác... ai cũng có phần, và cả nhà lại được mẹ đãi cho những món ngon nhớ đời. Ngọn và hoa mướp mẹ đem xào tỏi hay nấu canh cua đồng. Còn quả mướp non thì mẹ đem cạo vỏ, cắt lát nấu canh cùng các thứ rau rợ trong vườn, khi với tôm, tép, khi lại với hến hoặc nghêu, hàu...

Vẫn là mướp thôi nhưng kiểu nào mướp cũng vừa chín tới, xanh ngon, ngọt, mềm, ăn rất thấm. Đặc biệt mùi hương thoang thoảng của mướp thì chẳng lẫn vào đâu được. Nó làm dịu lại cái nóng oi ả của ngày hè nảy lửa.

Mướp ăn không hết mẹ lại hái mang bán, quang gánh nặng trĩu mà đường thì xa ngái. Mỗi sớm mai, gánh được mướp thấu chợ vạt áo mẹ đã ướt đẫm mồ hôi. Gặp bữa đắt khách kẻ chợ vòng trong, vòng ngoài vây lấy gánh hàng của mẹ. Không cần đến cái cân mà người mua, người bán chỉ khẽ nâng trái mướp lên, nảy nảy rồi ang áng và trả tiền. Chẳng được là bao nhưng gánh mướp vườn nhà cũng giúp mẹ khéo vén mà thêm đồng cau trầu, mắm muối.

Rồi một ngày cây mướp úa tàn. Vỏ quả giống chuyển màu vàng, hoá gỗ. Mẹ lặng lẽ dong thuyền ra ao, cầm con dao nhỏ khứa vào cuống quả. Tôi biết mướp lại được treo vào bếp, một ngày đẹp trời mẹ lấy hạt đem gieo!

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?