| Hotline: 0983.970.780

Nhớ quê: Nhà ngoại giao nặng lòng nông nghiệp

Chủ Nhật 15/02/2015 , 06:15 (GMT+7)

Hình ảnh nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh rất quen thuộc với cộng đồng. Cuộc đời và sự nghiệp làm công tác ngoại giao của bà có thể viết thành một cuốn sách hấp dẫn.

Thế nhưng, thật ngạc nhiên, từ khi về hưu đến nay bà lại dành không ít thời gian để quan tâm đến nông nghiệp với tư cách Chủ tịch Quỹ hòa bình và Phát triển TP. HCM kiêm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu xã hội và giáo dục Trí Việt.

Tại nhà riêng của Tôn Nữ Thị Ninh trong một buổi chiều Sài Gòn cận Tết Ất Mùi, chúng tôi được nghe bà chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị về lĩnh vực mà nhiều người ngỡ rằng khá xa lạ với bà!

Vẫn phong cách thường thấy của Tôn Nữ Thị Ninh (ảnh), nhẹ nhàng và mềm mỏng nhưng lại đầy tự tin và mạch lạc!

09-36-25_ton-nu-thi-ninh

Thưa nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh! Việc bà đứng ra tổ chức và làm chủ tọa một cuộc tọa đàm qui mô về tam nông vào tháng 9/2014 tại Đồng Tháp khiến nhiều người cảm thấy… khó tin.

Phải chăng, đây là một biểu hiện như bà bộc bạch “tôi muốn là người tạo động lực” đối với cộng đồng nói chung và với ngành nông nghiệp nói riêng?

Dĩ nhiên điều ấy xuất phát từ tâm huyết của tôi với lĩnh vực nông nghiệp. Tôi nghĩ Việt Nam đang cần một đổi mới thứ hai, nghĩa là đổi mới thứ nhất của chúng ta - từ khoán 10 đến bây giờ đã phát huy gần hết tác dụng rồi, nếu chúng ta cứ tiếp tục đại thể như vậy thì chúng ta không thể tiến xa và tiến tới đích mà chúng ta mong muốn!

Từ kết quả tọa đàm tương đối thành công đó, bà suy nghiệm được điều gì cho những hoạt động tiếp theo?

Năm 2015, với khả năng của mình, chúng tôi tiếp tục đào sâu vào hai vấn đề.

 Thứ nhất, là vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản. Qua tổng kết, chúng ta có được những con số nghe rất oai, nhưng cần thấy giá trị thực tế hơn nữa. Nếu có thương hiệu nông sản, chúng ta không cần xuất khẩu thô nhiều như vậy mà vẫn thu được khoản lợi nhuận tương đương, thậm chí lớn hơn.

Thứ hai, là vấn đề giống và biến đổi gien. Rất tốt khi chúng ta nhập những giống cây trồng và vật nuôi tiên tiến của nước ngoài, nhưng nếu để bị lệ thuộc và chi phối quá lớn thì sẽ làm xói mòn tự chủ kinh tế nông nghiệp của chúng ta.

Nghĩa là chúng ta cần kiềm chế sự hưng phấn triền miên về những thành tựu đang đạt được trong vài năm gần đây?

Chính xác hơn là chúng ta đừng có tâm lý ỷ lại vào những sản phẩm nông nghiệp giá rẻ.

Tại buổi giao lưu với Đại học Đồng Tháp, tôi và nhiều chuyên gia nông nghiệp đã rất lúng túng trước câu hỏi của một sinh viên: “Tại sao Campuchia đã xuất khẩu gạo chất lượng cao sang Nhật, mà Việt Nam chưa làm được?”. Đấy, chúng ta phải học tập kinh nghiệm của các quốc gia và lãnh thổ khác, như Israel hoặc Đài Loan…

Bà đã từng là Đại sứ Việt Nam bên cạnh EU và Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ trước khi làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội khóa 11. Xin hỏi, khoảng thời gian ấy, bà có để ý đến nông sản Việt Nam trên trường quốc tế không?

Tôi đã từng đến thăm một cơ sở thu mua cà phê lớn nhất châu Âu. Họ dẫn tôi thăm kho hàng có hàng chục loại cà phê từ khắp thế giới và chỉ cho tôi thấy ngăn chứa cà phê Việt Nam.

Thú thật, so với cà phê hạt nào cũng đều tăm tắp của các nước khác, thì cà phê của chúng ta hạt thì to hạt thì bé, hạt thì tròn hạt thì méo… Rõ ràng, cà phê của chúng ta chưa hoàn thiện về giống.

Những năm ở Bỉ, tôi cũng có tiếp xúc với nhiều chuyên gia ẩm thực quốc tế, và nhận thấy rằng cà phê Việt Nam chỉ mới được biết đến như một nguồn nguyên liệu chứ chưa có dấu ấn của một sản phẩm đặc thù có thương hiệu và xuất xứ.

Đã có khi nào bà thử làm đại sứ nông sản cho Việt Nam chưa?

Có chứ! Tôi từng mời nhiều người bạn là những nhà ngoại giao của các nước, thử dùng cà phê Việt Nam, và ai cũng khen ngon. Có người bạn đã nói với tôi rằng, sau khi được giới thiệu thì tuần nào chị ta cũng đến cửa hàng người Việt để mua cà phê sữa đá vì hương vị của nó rất độc đáo.

09-36-25_tonnuthininh-2
Cuộc đời và sự nghiệp làm công tác ngoại giao của bà Tôn Nữ Thị Ninh có thể viết thành một cuốn sách hấp dẫn

Trong hành trình nhiều trải nghiệm của bà trên thế giới, thì những sản phẩm từ nền nông nghiệp của Việt Nam đang được tồn tại như thế nào?

Ở Pháp hoặc ở Đức đều có rất nhiều tiệm bán phở, bán bánh mì kẹp thịt, hoặc bán nem rán… của Việt Nam, thu hút rất đông khách nước ngoài.

Việt Nam cũng là một quốc gia có ưu điểm về trái cây nhiệt đới đấy chứ, thưa bà?

Về trái cây, chúng ta đã chậm chân hơn Thái Lan. Ví dụ, trái nhãn của Việt Nam rất được ưa chuộng, nhưng lại không thể tìm thấy trong các siêu thị lớn ở châu Âu.

Nếu áp dụng kỹ nghệ tiếp thị, thì vị trí của trái cây Việt Nam liệu có được cải thiện chăng?

Đúng, cần vai trò của các hiệp hội. Tại sao chúng ta không quảng bá trái cây Việt Nam như quảng bá chiếc áo dài? Ở đây rất cần có sự phối hợp giữa thương mại và du lịch.

Chẳng hạn, tại Tuần lễ văn hóa Việt Nam ở quốc gia nào đó, chúng ta có một quầy giới thiệu trái cây Việt Nam và không có gì e ngại kêu gọi “Sang Việt Nam, thưởng thức trái cây nhiệt đới”.

Một khi đã nói đến nông nghiệp thì không thể không nói đến yếu tố trung tâm là người cấy lúa, người làm vườn. Từ quan sát của riêng bà, nông dân Việt Nam so với nông dân các nước khác, có gì đáng băn khoăn?

Sự thiệt thòi về mức sống của nông dân Việt Nam thì không có gì phải bàn cãi nữa. Tuy nhiên, điều khiến tôi day dứt là ở các nước phát triển thì khoảng cách giữa đô thị và nông thông không xa như ở Việt Nam.

 Nông dân của chúng ta vẫn còn quá ít cơ hội để mở mang về tri thức và văn hóa. Vì những hạn chế ấy, mà nông dân Việt Nam bị những nhà trung gian chèn ép nhiều quá. Phải nói thẳng rằng, nông dân Việt Nam chưa có điều kiện đầy đủ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Với uy tín nhiều năm đã làm một nhà ngoại giao trứ danh cũng như vị trí hiện tại của bà ở Quỹ hòa bình và Phát triển cũng như ở Trung tâm nghiên cứu xã hội và giáo dục, bà đang có ấp ủ dự định gì cho nông dân Việt Nam?

Tôi mong muốn vận động xây dựng một doanh nghiệp xã hội cho nông dân. Một mô hình doanh nghiệp không đặt tiêu chí lợi nhuận lên trên hết, mà chủ yếu cung cấp vốn ban đầu một cách thiện chí cho nông dân nhằm thúc đẩy mở rộng qui mô sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật.

Xin cảm ơn những sẻ chia chân thành của bà. Kính chúc bà năm mới nhiều sức khỏe để tiếp tục quan tâm và cổ vũ cho công cuộc đổi mới nông nghiệp Việt Nam!

Bà Tôn Nữ Thị Ninh (sinh năm 1947) từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Liên minh Châu Âu (EU) và một số quốc gia như Bỉ, Hà Lan, v.v... Bà cũng từng là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam.

Tôn Nữ Thị Ninh sinh ra tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế, là hậu duệ của hoàng tộc nhà Nguyễn. Năm 1950 bà theo gia đình sang Pháp và sau đó lại cùng gia đình trở về Sài Gòn. Bà học trung học tại trường Marie Curie tại Sài Gòn. Vào năm 1964, bà sang Pháp du học ở Đại học Paris (Pháp) và Đại học Cambridge (Anh).

Bà đã tham gia hoạt động với Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam với vai trò là người trợ giúp vòng ngoài cho Phái đoàn đàm phán của Việt Nam tại Paris trong những năm 1968 - 1973. Bà còn dạy Anh văn và văn học Anh ở Đại học Paris 1, École Normale Supérieure, Fontenay-aux-Roses...

Bà từng làm phiên dịch cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Xuân Thuỷ, ông Nguyễn Cơ Thạch...

 

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất