| Hotline: 0983.970.780

Nhớ quê: Paris đón Tết

Thứ Tư 25/02/2015 , 08:47 (GMT+7)

Đây là Paris - tập trung người Việt đông nhất ở Pháp, quốc gia vốn có lịch sử gắn bó Việt Nam, nơi tập trung người Việt trí thức lâu đời nhất trong cộng đồng Việt kiều.

Tết, từ này làm nhiều người Việt xa Tổ quốc lâu năm lại giật mình: thế là lại thêm một cái Tết xa nhà nữa sắp đến.

Mồng một Tết, cả Việt Nam vui rộn ràng, kiêng đi làm, còn ở Pháp là ngày làm việc, học sinh vẫn đến trường. Tết là Chủ nhật, thứ Bảy, nhiều học sinh, sinh viên vẫn đi tham gia sinh hoạt ngoại khóa, thể thao, học nhạc.

Đám trẻ sinh ra ở phương Tây hầu như không có khái niệm kiêng kị ngày Tết, cũng không vội vã lo về dọn dẹp cửa nhà, vui với gia đình quây quần ngày Tết như ở Việt Nam. Nếu sống xứ người, xa cha mẹ, để hòa nhập với cuộc sống châu Âu, những nghi lễ ngày Tết mờ dần.

Chỉ có thế hệ đầu là hoài vọng về ngày Tết. Chính thế hệ này truyền lại thế hệ sau truyền thống dân tộc. Tuy nhiên, nhiều người sống cô đơn, không gia đình, thậm chí không cả bạn bè vì bất đồng ngôn ngữ. Tết xa nhà, là một triền miên nỗi nhớ. Từ lâu, từ “nhà” thành khái niệm mặc định chỉ quê hương, để nói về ngôi nhà lớn - Việt Nam.

Không kiêng kỵ, để tránh sự cô đơn, giảm bớt hoặc trốn khỏi nỗi nhớ về quê hương xa xôi, về những kỷ niệm xưa, về những cái Tết cùng cha mẹ và anh chị em, họ vẫn đi làm, lấy công việc khỏa lấp.

Đến công sở, đám đồng nghiệp cặm cụi như thường lệ, nhưng người Việt những ngày Tết Việt như thờ ơ với công việc. Họ thẫn thờ nhìn ra ngoài cửa sổ tuyết trắng xóa. Gần 18 giờ, công sở sắp tan, một số người đã tạo bất ngờ với đồng nghiệp: giới thiệu một nghi lễ Tết truyền thống dân tộc rất đẹp.

Họ chuẩn bị sẵn một số đồ ăn dân tộc mà người Pháp thích như: nem, thịt quay, bánh chưng... mời đồng nghiệp cùng chúc mừng năm mới Việt Nam. Tất cả đều bất ngờ, cười tươi, vui vẻ đến chúc mừng năm mới.

Người Pháp rất vui khi hiểu thêm một truyền thống Tết Việt Nam qua các món ăn. Họ càng ngạc nhiên khi biết một số tục lệ kiêng kị ngày Tết. Họ chỉ biết Việt Nam như một huyền thoại với trận Điện Biên Phủ đã đi vào quá khứ của thế hệ ông cha họ.

Họ đến cụng ly chờ giao thừa khi biết Việt Nam, Trung Quốc, 2 quốc gia có kiều dân sống khá đông ở Pháp. Kẻ tha hương, dịp áp Tết và trong Tết Nguyên đán, sống theo lịch bên nhà: từ việc tính giờ tương ứng, xé lịch hằng ngày, nhìn ngày âm lịch, chờ bước sang năm mới, theo giờ Việt Nam bất chấp lệch lùi 6 tiếng.

Bạn Pháp cùng tham gia đếm chờ phút giao thừa vào buổi chiều và nâng ly. Sếp thân mật nói: “Lần sau ngày Tết, bạn cứ xin nghỉ nhé và hôm sau, chỉ cần mang nem đến thôi, chúng tôi mang rượu chia vui cùng”. Có đồng nghiệp vui tính xung phong dọn dẹp để cho đồng nghiệp gốc Việt được “nhàn” cả năm, không phải rửa bát, đổ rác…

Giây phút vui vẻ qua đi nhanh chóng. Mọi người chia tay. Chỉ có người Việt mới cảm thấy cô đơn mạnh nhất lúc này. Nếu sống độc thân, phải lội tuyết ra bến xe, lòng nặng trĩu vì biết sắp trở về căn nhà đơn lạnh.

Paris đường tuyết trắng, lạnh lẽo. Xe lăn bánh, nhưng không thể chạy nhanh vì tuyết. Xe qua cầu Napoléon, tháp Eiffel mờ mờ chiếu những tia sáng nhàn nhạt, hai bên sông Seine tuyết trắng xóa.

Chị Hiền tâm sự, đang trên đường lạnh lẽo, bỗng một cuộc gọi quốc tế “Chúc mừng năm mới! Em ơi, Tết này Paris có gì lạ không em?”. Chân đang lội tuyết đi về nhà, nén tiếng nức nở, chị trả lời: “Cảm ơn anh, chúc mừng năm mới anh! Tết này Paris vẫn thế thôi anh”.

Đầu dây bên kia: “Cô đơn lắm và anh cũng thấy tủi thân, bên Mỹ cũng thế thôi em”. Chị chợt nhận ra nỗi cô đơn ngày Tết của nhiều người độc thân nơi đất khách quê người dường như giống nhau.

Anh Thành độc thân sang Pháp làm lao công vất vả, phải làm ca đêm suốt, cũng thu xếp gọi điện nói vài câu chúc mừng năm mới cho mẹ già đang nhớ cậu con trai duy nhất không về ăn Tết. Khi người mẹ hỏi con trai ăn Tết vui không, chàng ta đang chuẩn bị lái xe đi giao hàng vội vàng nói dối: “Vui lắm mẹ ơi, có đầy đủ thứ, con đang đón năm mới với mấy đứa bạn, có bánh chưng, giò lụa như ở nhà mẹ ạ, mẹ ăn Tết vui nhé, năm sau con sẽ cố gắng về”.

Tắt điện thoại, cậu ta bật khóc tức tưởi trong ô tô. Năm nào Thành cũng hứa, nhưng chưa thực hiện được vì việc làm bấp bênh, không ổn định.

Chỉ trên quê hương mới có không khí Tết quê hương. Chỉ bên cha mẹ, gia đình mới đem lại những cảm giác tình thương ấm áp thật sự trong những cái Tết.

Quận 13 thuộc trung tâm Kinh đô Ánh sáng, hội tụ đông người Việt nói riêng và cộng đồng Châu Á nói chung. Dịp trước Tết, các chợ (siêu thị) của người Hoa, nhất là Tang Frères, Paris Store, chợ Thanh Bình của người Việt Nam tấp nập nhất trong năm. Màu đỏ rực, hàng hóa ngập tràn, nói chung không thiếu thứ gì từ hoa đào, mai, cây cảnh, bánh chưng, các loại mứt. Băng rôn, pano căng đầy những dòng chữ "Chúc mừng năm mới" bằng 3 thứ tiếng Việt - Trung - Pháp.

Làm sao Tết xa xứ bằng Tết ở đất nước mình, vì vật chất chỉ là hình thức, Tết nằm ở tâm hồn, ở không khí chuẩn bị, ở liên đới khung cảnh và tâm trạng cộng hưởng thì nơi nào thay được nước mình.

Những giọt nước mắt từ từ lăn trên má kẻ cô đơn lúc nào không hay, khi họ ở xa quê hương, sống nơi tuyết đang tràn ngập, nhận được điện thoại từ Việt Nam hỏi thăm: “Paris đón Tết có gì vui không?”.

Nào chỉ giản đơn nói, viết rằng tôi đang nhớ, quá nhớ quê nhà dù năm qua đã về Hà Nội và quê nội Nghệ An gần 2 tháng, đúng mùa Thu. Hơn 20 năm xa Hà Nội, đâu chỉ gần Tết, dịp Tết mới nhớ quê. Tôi vẫn liên lạc với bạn bè Việt Nam mỗi ngày, công việc giảng dạy từ Đại học Sư phạm Hà Nội từng được tiếp tục ở Đại học Paris 7. Các công trình nghiên cứu về ngôn ngữ Việt, văn học Việt Nam, Đạo Cao Đài và thơ đã thành những cuốn sách in ở Hà Nội và Paris.

Sau thành công của việc nghiên cứu hợp tác cùng TS. Hoàng Ngọc Hiến, tôi sẽ tiếp tục những công trình, tác phẩm về văn hóa Việt Nam trên nhiều mặt. Đó là tư duy hằng ngày như việc tôi đã và vẫn dạy 4 đứa con về Tiếng Việt và tập quán Việt Nam. Tết sắp đến, tâm trí lại hướng về đất Mẹ. Đành kìm mình trong những câu thơ từ sau vẻ ngoài làm như sắc lạnh.

DỬNG DƯNG

Sống tha hương bao năm trầm cảm

Chẳng Noel, chẳng đợi Tết về

Tôi dửng dưng thờ ơ ngày hội

Chẳng đón Xuân, chẳng đợi chờ chi

Bên Paris tuyết tràn trắng xóa

Bên quê hương nhộn nhịp đón Xuân

Con đi học, mẹ thầm lặng lẽ

Uống cà phê, đọc sách vu vơ

Ba mẹ mất, không ai gọi nữa

Dửng dưng thiền nỗi nhớ quê hương…

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất