| Hotline: 0983.970.780

Nhớ quê: Thấp thỏm ngóng tin... bom

Thứ Năm 19/02/2015 , 06:15 (GMT+7)

Một niềm vui chung với anh em Đại sứ quán là kiều bào ta sinh sống ở Ai Cập tuy không nhiều nhưng cũng có đôi người mang theo chút quà đậm chất hương vị Việt Nam lên chúc Tết sứ quán.

Ngồi khóc vì nhớ nhà

Tôi đi công tác ngoại giao lần đầu tiên tháng 2/1972 tại Ai Cập, những ngày giáp Tết. Anh Trần Văn Sớ, Đại sứ lúc đó đã điện về Bộ Ngoại giao, dặn tôi trước khi rời Việt Nam chuẩn bị tổ chức Tết cho anh em Đại sứ quán.

Sang Cai-rô (thủ đô Ai Cập) giữa lúc đang chiến tranh ác liệt, không quân Mỹ ném bom đánh phá Hà Nội. Gần đến Tết thì ai cũng xao xuyến nhớ nhà. Tôi càng nhớ và lo lắng hơn, vừa phải thấp thỏm đón tin vì vợ và con trai tôi mới được 5 tuổi đang ở nhà tập thể Bộ Ngoại giao 149 Nam Bộ (nay là phố Lê Duẩn).

Khu tập thể gần ga Hà Nội, là trọng điểm bắn phá của máy bay Mỹ nên tôi càng lo lắng. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao cũng chu đáo, mỗi lần Mỹ ném Hà Nội thì Bộ đều báo sang các sứ quán ở ngoài nước tình hình gia đình để anh em yên tâm.

Xung quanh, nhân dân thủ đô Cai-rô vẫn sinh hoạt bình thường. Không khí đón Tết náo nức chỉ có riêng trong lòng anh em Đại sứ quán Việt Nam và một số nước bạn cùng chung phong tục như Trung Quốc, Mông Cổ...

Tôi sang, mang theo mấy cân gạo nếp để gói bánh chưng. Cai-rô không có lá dong, anh em phải về tận nông thôn tìm lá chuối gói bánh. Ai Cập lấy Đạo Hồi làm quốc đạo, vì thế cấm thịt lợn. Không có thịt lợn thì sẽ không có giò, thiếu đi hương vị Tết. Cuối cùng, chúng tôi vẫn tìm cách có bánh chưng, có giò. Anh em còn sáng kiến làm cành đào giả tự dán bằng giấy hồng.

Anh em vừa chuẩn bị đón Tết vừa lo lắng tình hình ở nhà, vừa theo dõi biến chuyển tại Hội nghị Paris. Tất cả những thấp thỏm, lo âu đều tạm gác lại để nhường chỗ cho cuộc thi hái hoa dân chủ có thưởng nho nhỏ và các hoạt động thể thao như bóng bàn, đánh cờ... và liên hoan văn nghệ ngày tất niên.

Múi giờ Cai-rô chậm hơn Hà Nội 5 tiếng, khi giao thừa ở Việt Nam thì bên này mới 7 giờ tối. Anh em Đại sứ quán quây quần nghe không khí đón Tết ở nhà, nghe Bác Tôn chúc Tết qua sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Không gian trầm lắng hẳn lại sau phút giao thừa thiêng liêng chào đón năm mới Nhâm Tý (1972), có anh em không nén được xúc động, đã bật khóc.

Một niềm vui chung với anh em Đại sứ quán là kiều bào ta sinh sống ở Ai Cập tuy không nhiều nhưng cũng có đôi người mang theo chút quà đậm chất hương vị Việt Nam lên chúc Tết sứ quán. Rồi đại sứ Trung Quốc, đại sứ Mông Cổ sang chúc Tết, không khí rất vui vẻ.

Ngày Tết, Đại sứ quán tổ chức cho anh em đi chơi vườn hoa, thăm các di tích nhà thờ thánh Ala, vườn hoa Donquisote, Kim tự tháp... để quên đi nỗi nhớ nhà. Nhưng cũng có anh không đi, nằm ở nhà, có anh ngồi khóc thì bị ghi âm, phát lại, khiến anh ấy phải van nài xóa đi, làm mọi người đều bật cười vui vẻ.

Nghỉ Tết cổ truyền của dân tộc nhưng chúng tôi vẫn giữ ý thức chung là vẫn làm việc, tiếp đón nếu có người đến liên hệ công việc hay xin thị thực nhập cảnh...

Rước tượng Bác Hồ từ Cai-rô về Việt Nam

Năm 1992, tôi được cử làm Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Cô-oét và Israel. Tôi sang làm Đại sứ lại là những ngày giáp Tết. Đã có kinh nghiệm, lần này tôi sang đem đủ các thứ gạo nếp, đỗ xanh, lá dong... mang sang anh em đều vui mừng. Sứ quán ta mời các bạn sứ quán Mông Cổ cùng tổ chức liên hoan đón Tết Nhâm Thân rất vui vẻ...

Trong nhiệm kỳ Đại sứ này, có một công việc làm tôi thấy rất ý nghĩa là đưa được bức tượng Bác Hồ về nước.

Nhân dân và lãnh tụ các quốc gia châu Phi đều ngưỡng mộ Bác Hồ, coi Người là tấm gương, là bó đuốc chỉ đường trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước.

 Bất cứ lúc nào có dịp gặp người Việt Nam, câu đầu tiên các bạn châu Phi nói: “Hồ Chí Minh”, với niềm hân hoan đặc biệt. Hiếm có một vị lãnh tụ nào trên thế giới được nhân dân các nước ngưỡng mộ và có cảm tình đặc biệt như đối với Bác Hồ kính yêu của chúng ta.

Vào đầu những năm 1970, tại Đại sứ quán Việt Nam ở Ai Cập có một bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh mang phong cách nghệ thuật châu Phi tạc bằng một thứ gỗ quý của địa phương, được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong Đại sứ quán.

Hỏi về nguồn gốc của bức tượng, chúng tôi được biết: Khi được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, nhân dân châu Phi vô cùng xúc động và thương tiếc. Để chia sẻ nỗi mất mát to lớn với nhân dân Việt Nam, nghệ sĩ điêu khắc người Công-gô tên là Konongo Benoit ở 13 Avenue Trois Martyrs, Brazaville, lúc đó là Cộng hoà Nhân dân Công-gô đã chọn gỗ quý và ngày đêm tạc tượng Bác Hồ.

Ông Trần Tam Giáp SN 1934 tại xã Năng Tĩnh, huyện Mỹ Lộc (nay là phường Năng Tĩnh, TP. Nam Định), tỉnh Nam Định. Nguyên Bí thư tại Đại sứ quán Ai Cập (1972-1976), Phó Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ Tây Á – Châu Phi, Thư ký Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1976-1985), Tham tán Đại Sứ quán Việt Nam tại Ai Cập (1985-1989), Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập, Siry kiêm Cô-oét và Israel (1992-1996)...

Khi hoàn thành, nghệ sĩ đã gửi bức tượng tới Đại sứ quán ta ở Ai Cập để nhờ Đại sứ quán chuyển về Việt Nam. Sự kính trọng, niềm thương tiếc của nhân dân châu Phi đối với một vĩ nhân đã được gửi gắm vào bức tượng quý và đặc biệt này

Lúc đó đất nước ta đang trong thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược cho nên việc đưa bức tượng về nước gặp khó khăn, không thể thực hiện được.

Nay nhìn bức tượng, tôi bồi hồi nhớ lại năm 1970, khi lần đầu tiên được thấy bức tượng trên. Trong tiềm thức của mình, tôi muốn đưa tượng Bác về Hà Nội, đặt ở vị trí trang trọng nhất để đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế đến chiêm ngưỡng, để đáp lại tình cảm, nguyện vọng của nhân dân châu Phi nói chung và nhà điêu khắc Konongo Benoit nói riêng đối với Bác Hồ.

Việc đưa tượng Bác về Hà Nội cũng gặp một số trở ngại nhất định: Thứ nhất là làm thế nào để bảo quản tốt bức tượng trên đường vận chuyển, thứ hai là kinh phí cho việc vận chuyển không phải ít vì bức tượng có trọng lượng khá lớn.

Khó khăn nhất vẫn là khâu bảo quản tượng, làm sao không bị sứt mẻ, nhất là “bộ râu của Bác” mà người nghệ sĩ tạc rất khéo và kỳ công, nhưng rất mỏng manh, dễ gãy.

Cuối năm 1995, tôi kết thúc nhiệm kỳ chuẩn bị về nước. Nỗi băn khoăn về bức tượng của Bác vẫn thôi thúc. Cùng thời gian đó có đoàn Thanh tra Nhà nước ta thăm Ai Cập, do đồng chí Dương Ngọc Sơn, Phó Tổng Thanh tra dẫn đầu.

Sau khi nghe tôi trao đổi bàn bạc, đồng chí Dương Ngọc Sơn đã đồng tình và nhất trí kế hoạch đưa tượng Bác về, đoàn sẽ lo liệu sắp xếp hành trang của mình sao cho khớp cước tiêu chuẩn của hàng không cho phép để không phải trả tiền quá cước đúng như tinh thần cần, kiệm của Bác.

Thế là một cuộc tắm rửa tượng Bác bằng nước sông Nin một cách trang trọng (ở Ai Cập, đất sa mạc, nên bụi cát pha khói dầu rất nhiều), anh chị em trong Đại sứ quán hồ hởi, sốt sắng tổ chức bằng mọi cách để đảm bảo an toàn trong khi vận chuyển.

Chiều cuối đông năm 1995, tượng Bác rời Cai-rô về đến Hà Nội không hề suy suyển gì. Tại sân bay Nội Bài, tôi cũng có mặt tiếp đón tượng Bác.

Khi được báo tin, đồng chí Cù Văn Chước, Giám đốc Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, cùng các cán bộ trong Viện đã hồ hởi hoan nghênh việc đưa tượng Bác về đặt ở Bảo tàng. Ngày 2/1/1996, lễ bàn giao tượng Bác đã được tổ chức trọng thể. Việc bàn giao bức tượng quý này là một trong những sự kiện quan trọng trong hoạt động của Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh.

(Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập)

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

U23 Việt Nam hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan

Các cầu thủ và ban huấn luyện U23 Việt Nam bày tỏ sự hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan tại lượt trận cuối bảng D vòng chung kết U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.