| Hotline: 0983.970.780

Nhớ quê: Thèm, nhớ âm thanh Việt

Chủ Nhật 22/02/2015 , 06:15 (GMT+7)

Đó là tâm sự của nghệ sĩ đàn tranh nổi tiếng thế giới Võ Vân Ánh. Chị vừa hoàn thành vai trò giám khảo tại vòng loại giải thưởng âm nhạc danh giá Grammy lần thứ 57, hạng mục World Music tại Mỹ.

Nhân dịp đầu năm mới, chị đã có cuộc trao đổi với NNVN trong tâm thế một nghệ sĩ ly hương.

Gốc văn hóa

Chị từng có một câu nói rất nổi tiếng: “Làm việc với nghệ sĩ quốc tế, phải khẳng định được cái gốc của mình”. Vậy “cái gốc” chị nói ở đây là gì?

Với tôi, cái gốc văn hóa chính là khởi nguồn cho mọi công việc và mối quan hệ trong cuộc sống. Đặc biệt trong môi trường nghệ thuật quốc tế thì cái gốc chính là yếu tố quyết định sống còn cho sự nghiệp của một nghệ sĩ. Đây chính là tiền đề cho sự thăng hoa của tôi trong âm nhạc.

Với không gian riêng này, tôi thoải mái thể hiện một tâm hồn Việt Nam thuần chất. Và rất may, lại được bạn bè quốc tế đón nhận với thái độ kinh ngạc và khâm phục.

Nhiều lúc tôi thử làm phép so sánh, nếu như xuất thân là một người con gái Âu châu hay bất kì một quốc gia châu Á nào khác, thì liệu có thương hiệu Vân Ánh ngày hôm nay? Rất khó!

Cái gốc mà tôi luôn tự hào nhắc đến chính là một nền văn hóa, lịch sử lâu đời của Việt Nam. Mang dòng máu con Rồng cháu Tiên nên sẵn trong tôi là những tinh túy của ông cha để lại. Nhưng cái gì cũng có thể mai một đi, huống hồ là môi trường tôi sống tiếp xúc hằng ngày với KFC, Coca Cola…

Nên mỗi dịp về Việt Nam, tôi lại tìm đến các lão nghệ nhân để truyền thụ thêm những bài nhạc cổ. Những bản nhạc này không chỉ nghe để cho “sướng lỗ tai”, mà qua đó tôi thấy hiện lên cả lịch sử, cả văn hóa và cả nhân cách con người Việt Nam.

Gốc là đấy chứ đâu!

Nhưng tôi cũng không khuyến khích tư tưởng “nệ cổ”, cố chấp giữ nguyên những sản phẩm văn hóa đã lỗi thời. Mà trong “thế giới phẳng” ngày nay, chúng ta phải biết hòa nhập linh hoạt.

Có thể sản phẩm “gốc” của chúng ta chưa hợp với việc đón nhận văn hóa của quốc tế, thì cần biết biến đổi, kết hợp để đưa về chuẩn quốc tế.

Còn trong cuộc sống, tôi vẫn là người con gái Việt 100% dù đã xa quê gần hai chục năm. Tôi vẫn ăn mắm tôm, mặc áo dài, vấn tóc đen, nói giọng thổ ngữ Hà Nội hằng ngày đấy thôi.

12-17-38_vovnnh1

Những giọt nước mắt nhớ nhà

Cuộc sống của chị thay đổi như thế nào từ một công dân Việt sang một công dân Mỹ? Khó khăn lớn nhất của sự thay đổi này là gì?

Thay đổi có chăng chỉ là tên quốc tịch trên hộ chiếu mà thôi! Tuổi trẻ của tôi liều lĩnh với nhiều khát khao khẳng định mình nên thấy đâu cũng là miền đất ngọt.

Khó khăn nhất có lẽ là những giọt nước mắt nhớ nhà! Giờ vẫn nỗi nhớ ấy, nhưng không còn nước mắt mè nheo của cô gái trẻ ngày nào, mà là sự dai dẳng, thấm thía của người đàn bà tuổi 40.

Chị xa Việt Nam đã lâu, những kí ức rõ nhất về mảnh đất này của chị là gì?

Kí ức tôi nhớ và thèm nhất đó là những âm thanh rất Việt Nam. Ví dụ như mùa này đang là mùa mưa, mưa triền miên suốt ngày nhưng tôi rất thèm được nghe tiếng mưa Việt Nam. Tiếng mưa dội lên mái nhà tôn, nền gạch hay là tiếng mưa rơi trên tàu lá chuối sau vườn nhà ngoại.

Hay là buổi sáng sớm thức giấc ở quê nội Hải Phòng nghe tiếng chim hót. Vào năm 2010, tôi về nước, sáng nào cũng đi bộ từ Hồ Tây sang khu Quảng Bá (Hà Nội) để tìm và thu âm lại một tiếng chim hót.

Cực một cái là con chim đó cứ đậu gần UBND quận Tây Hồ mà hót. Tôi trèo lên cả tường rào để thu âm thì bị bảo vệ bắt gặp. Đành lủi thủi ra về mà lòng tiếc nhớ vô hạn.

Hay như ngay lúc này đây, một tiếng gõ của gánh mỳ sực tắc trên đường khuya Hà Nội cũng có thể khiến tôi bật khóc vì nhớ.

10 phút định mệnh

Môi trường mới, cuộc sống mới đã tạo cảm hứng sáng tác cho chị như thế nào?

Phải nói rằng môi trường và cuộc sống mới cho tôi sự tự do sáng tạo nghệ thuật. Nguồn cảm hứng sáng tác vẫn là lịch sử và văn hóa dân tộc. Và chuyển dịch sang một không gian khác thì những cảm hứng đó lại kết hợp với cuộc sống mới.

12-17-38_vovnnh3

Thành phố San Fransico, nơi tôi định cư lại là cái nôi nghệ thuật nước Mỹ nên có nhiều cơ hội để trao đổi, học hỏi về văn hóa. Và ý tưởng về việc kết hợp âm nhạc đương đại trên nền nhạc cụ dân tộc cũng từ đây mà ra.

Chính vì thế, có rất nhiều bản nhạc tôi đã chuyển soạn theo hình thức nhạc giao hưởng phương Tây như “Trống cơm”, “Khổng Minh tọa lầu” nhưng chơi hoàn toàn bằng trống hay đàn bầu. Và lần đầu tiên nghe tiếng đàn bầu quê hương bay lên giữa nhà hát California, tôi đã khóc nức nở.

Thực sự miền đất mới này đã cho tôi nhiều cơ hội và cảm xúc để tạo nên một Vân Ánh quá ngọt ngào trong âm nhạc.

Chinh phục một thị trường nghe nhạc như nước Mỹ hẳn có rất nhiều khó khăn. Chị có thể chia sẻ những khó khăn đó cho người hâm mộ?

Nước Mỹ là một thị trường âm nhạc sôi động và nhiều màu sắc nhất thế giới, hợp chủng quốc mà. Rất nhiều nền văn hóa được chia sẻ trong lòng nước Mỹ, hòa hợp có, đối chọi có.

Thời gian tôi mới sang, cộng đồng nhập cư người Việt Nam rất là mới và nhỏ bé với nước Mỹ. Chính vì thế văn hóa của mình không được nhiều người biết đến, đây chính là khó khăn lớn nhất đối với những người làm nghệ thuật như tôi.

Hầu như người dân Mỹ chỉ biết đến Việt Nam qua cuộc chiến tranh đẫm máu. Và nói thật, đó không hề là cái nhìn thiện cảm. Tôi phải mất gần 5 năm để có được cái nhìn tích cực hơn của khán giả Mỹ.

Lần đầu tiên, khi mình diễn tại Lincoln Center, một trung tâm hàng đầu ở NewYork thì khán giả họ rất say sưa nghe.

Nhưng đến phần giao lưu thì không một câu hỏi hay cảm nghĩ nào của họ được chia sẻ. Họ rất giữ kẽ về việc thể hiện thái độ với bản nhạc như thế nào. Đứng như trời trồng trên sân khấu gần 10 phút, tôi đã suýt bật khóc. 10 phút định mệnh đó với tôi dài như 10 năm trời vậy.

Sau đó, tôi đã liều chơi một bản nhạc mình tự viết trên chất liệu âm nhạc "Xá thượng lên đồng" của người miền Bắc theo cách mở của nhạc Jazz. Và họ nhận thấy được điểm giống, điểm hòa chung, giao thoa giữa hai nền văn hóa. Họ đứng lên vỗ tay, nhảy theo cho đến hết chương trình.

Tôi chợt nhận ra một điều, người nước ngoài rất tôn trọng, rất yêu nhạc Việt Nam. Nhưng thời điểm đó họ không có cơ hội để nghe và hiểu.

Và, tôi chợt nhận ra sứ mệnh của mình ở giây phút đó, sứ mệnh của một người xây “chiếc cầu” văn hóa!

Cảm ơn và chúc chị năm mới vui vẻ!

Võ Vân Ánh (nghệ danh quốc tế là Vanessa Vo), là nghệ sĩ đàn tranh nổi tiếng thế giới. Chị đồng thời là nhạc sĩ của nhiều tác phẩm mang âm hưởng hiện đại trên những nhạc cụ dân tộc.

Năm 2003, Võ Vân Ánh đã được đề cử giải Oscar cho hạng mục Nhạc phim hay nhất trong bộ phim “Daughter from Danang”. Năm 2009, chị đạt giải Emmy Awards với nhạc nền cho phim “Bolinao 52”.

Năm 2013, CD “Three Moutain Pass” của chị đoạt Top 10 những CD hay nhất thể loại World music tại Mỹ và Top 50 những CD hay nhất của thế giới cùng năm.

Gần đây nhất, bộ phim tài liệu “A Village Called Versailles” với phần âm nhạc do chị đồng sáng tác đã đoạt giải Nhạc phim được yêu thích nhất trong Liên hoan phim New Orleans.

 

Xem thêm
Mỹ Tâm xin lỗi fan

Mỹ Tâm đã phải livestream xin lỗi khán giả sau khi hệ thống bán vé của concert 'My soul 1981' sập chỉ sau một vài phút mở bán.

Bayern Munich vs Arsenal: Hùm xám giành vé?

Trận tứ kết Champions League 2023/2024 giữa Bayern Munich vs Arsenal sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 18/04/2024 trên sân vận động Alianz Arena.

U23 Việt Nam thắng 3-1 U23 Kuwait: Càng đá càng hay

U23 Việt Nam đã có chiến thắng quan trọng mở màn chiến dịch VCK U23 Châu Á trước U23 Kuwait vởi tỷ số 3-1.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.