| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 16/09/2014 , 09:15 (GMT+7)

09:15 - 16/09/2014

Nhỏ và to

Không đủ khả năng tham gia vào dây chuyền sản xuất của thế giới, nghĩa là không phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ, chúng ta đang bị thiệt thòi rất nhiều.

Trong một đất nước đang gồng mình để công nghiệp hóa như nước ta, thì ngành công nghiệp phụ trợ (sản xuất và cung ứng linh kiện, phụ tùng… cho các hãng sản xuất lớn của thế giới) đóng một vai trò rất quan trọng.

Nhưng ở ta, cho đến nay, ngành công nghiệp đó vẫn chưa được chú ý đầu tư một cách thích đáng, nếu không nói là gần như bị bỏ quên.

Chỉ đến khi tập đoàn Samsung đưa vào sản xuất hai nhà máy thiết bị điện tử với quy mô và tầm cỡ thế giới, một ở Bắc Ninh, một ở Thái Nguyên, và trong buổi tiếp xúc với các doanh nghiệp Việt Nam do họ tổ chức tại Hà Nội mới rồi, chúng ta mới nhìn lại, và mới giật mình thấy ta đang ở đâu.

Bởi trong số 93 nhà cung cấp cho Samsung, thì chỉ có 7 doanh nghiệp của Việt Nam, mà cũng chỉ cung cấp được phần… bao bì. Còn thì từ những cái nhỏ nhất như con ốc, cái vít… chúng ta cũng chưa làm nổi.

Thậm chí một thứ cực kỳ đơn giản như cái dây sạc pin điện thoại, mỗi năm họ cần tới 400 triệu dây, có giá trị 200 triệu USD (0,5 USD/dây), thế mà họ vẫn phải nhập từ nước khác, vì các doanh nghiệp Việt Nam đều “bó tay chấm com”.

Chúng ta đã thua trắng ngay trên sân nhà. Chỉ tính trong năm 2013, Samsung đã phải bỏ ra tới 19,8 tỷ USD để mua các thiết bị linh kiện. Chỉ cần đáp ứng được 20% số đó thôi, thì chúng ta đã thu về được 3,96 tỷ USD.

Và nếu gạo của Việt Nam xuất khẩu được với giá 500 USD một tấn (thực tế gạo của ta ít khi đạt được giá đó), thì giá trị đó đã tương đương với gần 8 triệu tấn gạo rồi. Đó là chưa kể nếu đáp ứng được nhu cầu đó của họ, thì chúng ta sẽ còn tạo ra được hàng chục ngàn việc làm.

Nhìn sang nhiều lĩnh vực khác, như công nghiệp phụ trợ cho ngành ô tô chẳng hạn, cũng chẳng hơn gì. Mục tiêu nội địa hóa 40% đã hoàn toàn thất bại, vì chúng ta không sản xuất được những phụ tùng đơn giản nhất.

Thời đại hội nhập, toàn cầu hóa đã biến cả thế giới thành một dây chuyền sản xuất, phụ thuộc lẫn nhau. Bởi không một nhà sản xuất nào lại dại dột mà tự mình sản xuất hết những linh kiện, phụ tùng cho một thiết bị mà họ chế tạo, vì bài toán kinh tế.

Không đủ khả năng tham gia vào dây chuyền sản xuất đó của thế giới, nghĩa là không phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ, chúng ta đang bị thiệt thòi rất nhiều, chỉ còn được hưởng phần bèo bọt nhất là tiền công lắp ráp. Và trên thực tế, chúng ta đang trở thành nước xuất khẩu hộ cho nước ngoài.

Và trong khi chưa thể làm nổi đến cả những con ốc, cái vít chỉ nhỉnh hơn cái đầu tăm, thì chúng ta lại rất khoái trưng ra những cái “nhất” rất… hoành tráng của mình.

Nào ta là nước xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới (trong khi giá gạo XK còn khá rẻ) với 6- 7 triệu tấn mỗi năm. Nào ngôi chùa, bức tượng đồng, quả chuông đồng to nhất Đông Nam Á. Nào cái bánh chưng, bánh dầy lớn nhất, bát miến, chai rượu, cái đèn lồng… lớn nhất, được ghi vào sách Guinness Việt Nam.

Những thứ đó để làm gì nhỉ? Và bao giờ cái nghịch lý nhỏ - to này mới chấm dứt?

Bình luận mới nhất