| Hotline: 0983.970.780

Nhọc nhằn Nàng Thơm Chợ Đào

Thứ Năm 05/02/2015 , 10:34 (GMT+7)

Hiện nay do gạo Nàng Thơm chỉ mềm cơm khi mới thu hoạch còn để lâu sẽ bị khô, cứng và mất thơm nên người dân chuyển sang dùng lúa Tài Nguyên.

Chuyện xưa kể rằng những bụi lúa được tưới bằng nước mắt của chàng lực điền tên Lúa khi chàng đi tìm Nàng Thơm, cô gái xinh đẹp tuẫn tiết khi bị cưỡng hôn đã đột biến nên giống lúa Nàng Thơm Chợ Đào, đặc sản nổi tiếng của Long An hàng trăm năm nay, nhưng…

Nơi thường "bẻ chĩa" hợp đồng

Ngày 26/1/2015, 26 hộ dân ấp Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước – Long An bàng hoàng nhận được thông báo tạm ngưng thu mua lúa Nàng Thơm Chợ Đào của Cty TNHH An Nông, đơn vị ký hợp đồng hợp tác trồng lúa Nàng Thơm Chợ Đào với 26 hộ nông dân trên diện tích 15 ha có sản lượng khoảng 60 T với giá 10.000 đ/kg.

Không bàng hoàng sao được vì mới hơn 4 tháng trước, tại đình Vạn Phước, cả mấy chục hộ nông dân hân hoan, khấp khởi đón ông bà chủ tập đoàn An Nông sánh bước cùng bí thư huyện, lãnh đạo xã đến để thảo luận chương trình hợp tác trồng lúa Nàng Thơm Chợ Đào, với niềm tin đổi đời từ giống lúa vô giá của ông cha để lại.

Trong thông báo tạm ngưng thu mua lúa theo hợp đồng, Cty An Nông nêu lý do, qua nấu thử thấy chất lượng không được như kỳ vọng, cơm khô, không thơm, không dẻo nên không thể làm quà biếu cho khách hàng – mục đích của các hợp đồng.

Qua điện thoại, ông Hoàng Hải, chủ tịch HĐQT tập đoàn phân trần cùng nhà báo: “Đau đầu lắm, chất lượng dở không thể tưởng được”.

Đây là lần thứ 2 người dân chợ Đào bị doanh nghiệp bẻ chĩa hợp đồng, năm 2013, Cty CP Nông trại sinh thái (Ecofarm) cũng hợp đồng sản xuất tiêu thụ 50 ha nhưng khi đến cận Tết (thời điểm thu hoạch lúa) thì doanh nghiệp lần lữa chỉ mua mỗi ha 1 tấn, số còn lại phải đợi đến tháng 4, khi liên tục chịu nhiều sức ép của giới truyền thông.

Trước đó cũng từng có một doanh nghiệp Việt Kiều ở Mỹ tính ký hợp đồng sản xuất bao tiêu nhưng khi thấy ruộng quá manh mún nên bỏ cuộc.

Không phải đến nay, mà từ nhiều năm qua người tiêu dùng đã quên dần với đặc sản này.

Khi bài báo này chuẩn bị lên khuôn thì văn phòng Cty TNHH An Nông cho biết là công ty sẽ mua trước 15 T theo hợp đồng (mỗi ha một tấn) để dùng nội bộ, số còn lại sẽ mua dần, khi An Nông tìm được kho chứa hoặc tìm được phương án tiêu thụ.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, 60 tuổi, ấp Nhà Dài, xã Tân Lân, giáp ranh với xã Mỹ Lệ cho biết, bà là con gái chợ Đào, trước khi lấy chồng về Tân Lân năm nào nhà bà cũng trồng Nàng Thơm 3 ha và ăn gạo Nàng Thơm quanh năm nhưng hiện nay do gạo Nàng Thơm chỉ mềm cơm khi mới thu hoạch còn để lâu sẽ bị khô, cứng và mất thơm nên người dân chuyển sang dùng lúa Tài Nguyên.

Tại sao

Ông Nguyễn Văn Dậy, 63 tuổi, ấp Mỹ Tân, vốn là tập đoàn trưởng hồi mới giải phóng, lại là người trực tiếp trồng lúa Nàng Thơm trong hàng chục năm qua nên hiểu biết của ông về lúa Nàng Thơm khá sâu sắc. Theo ông, việc xuống cấp của đặc sản trứ danh này có nhiều nguyên nhân từ điều kiện tự nhiên thay đổi, giống và kỹ thuật canh tác.

16-17-06_img_0594
Ông Nguyễn Văn Dậy, người hiểu biết sâu sắc và nhiều day dứt với Nàng Thơm Chợ Đào

Về điều kiện tự nhiên: Trước giải phóng, chưa có bờ bao ngăn mặn và chống lũ nên hàng năm đều có nước ngập phù sa, người dân chỉ trồng mỗi năm một vụ lúa, hầu như không cần đến phân bón, còn nay bờ bao khép kín, không còn lụt, không còn mặn nên cũng không còn phù sa, bắt buộc phải dùng đến phân hóa học.

Cũng vì tăng vụ nên thay vì xuống giống mạ vào nửa đầu tháng 7 âm lịch thì nay phải đợi đến giữa tháng 8, khi thu hoạch hè thu xong mới có đất làm mạ. Xuống giống mạ trễ nên buộc phải cấy mạ non khi mới hơn 1 tháng tuổi, trong lúc trước đây ông cha cấy mạ già trên 2 tháng tuổi.

Việc cấy mạ non không những làm bụi lúa đẻ nhiều nhánh cấp 3 vô hiệu mà còn rút ngắn thời gian sinh trưởng của giống lúa cảm quang này từ 5,5 tháng xuống chỉ còn hơn 4 tháng, không đủ thời gian để tích lũy vật chất.

Về giống: Trước đây thông thường năng suất chỉ đạt 16-17 giạ/công (3,2 – 3,4 T/ha), nhưng muốn có năng suất cao nên các nhà khoa học đã giúp nông dân phục tráng giống theo hướng ấy, năng suất đã được nâng lên 4 T/ha. Lượng tăng nên chất giảm.

Về kỹ thuật canh tác: Nàng Thơm là giống lúa dài ngày, cao cây nhưng yếu rạ nên phần lớn bị đổ ngã. Để hạn chế nhược điểm này, người dân đã sử dụng nhiều phân kali và hóa chất nên cơm bị khô và cứng.

Hy vọng

Thật bất ngờ, trong lúc cả 2 công ty danh tiếng đều thất bại thì cơ sở tư nhân Bảy Sánh lại thành công.

Người đàn ông thứ bảy tên Sánh là con rể của một chủ nhà máy xay ở ngay chợ Đào, có truyền thống lâu đời chế biến và kinh doanh lúa gạo.

Trước đây mặc dù không ký hợp đồng và bao tiêu nhưng mỗi năm Bảy Sánh vẫn mua bán khoảng 200 T lúa Nàng Thơm. Khát khao làm giàu từ danh tiếng của giống lúa càng thôi thúc khi Ecofarm tuyên bố ngưng chương trình hợp tác trồng lúa Nàng Thơm sau 2 năm thất bại.

Thế chỗ và cùng những điều khoản như Ecofarm, Bảy Sánh đã cùng HTX Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Lệ, TT Khuyến nông Long An ký kết với nông dân xây dựng cánh đồng mẫu lớn lúa Nàng Thơm 30 ha liền khoảnh tại ấp Cầu Chùa và 10 ha tại ấp Vạn Phước (liền với công ty An Nông).

Trái ngược với An Nông, Bảy Sánh cho rằng chất lượng lúa Nàng Thơm năm nay là khá nhất trong 5 năm qua và đạt đến khoảng 80% so với truyền thống.

16-17-06_img_0591
Gạo Nàng Thơm Chợ Đào được xay chà đúng cách nên giữ được phần mũi nhỏ cạnh phôi nhũ (đã bong)

Ngay tại cửa hàng, vợ Bảy Sánh lấy 1 lon gạo chỗ công nhân đang đóng bao nấu cho nhà báo nếm thử, hạt cơm trắng bông như giấy, bóng, cơm mềm nhưng không nát, vẫn giữ nguyên hình hạt gạo thon dài.

So với cảm giác lần đầu tiên được ăn cơm Nàng Thơm năm 1994 do ông Ba Dũng nguyên PGĐ Cty Lương thực Long An chiêu đãi thì hãy còn kém xa ở mùi thơm và độ ngọt nhưng đã xứng đáng xếp vào hàng gạo cao cấp.

Không để cho nông dân tự do như An Nông, Bảy Sánh cùng HTX quản lý nghiêm ngặt về quy trình sản xuất, người trồng lúa phải mua toàn bộ giống, phân lót hữu cơ, phân bón thúc từ HTX, cấm ngặt sử dụng chế phẩm Bonsai (tên thương phẩm có KNO3 dùng trong cây cảnh tác dụng làm già cây, cứng cây).

Ông Trần Văn Nhỏ, ấp trưởng ấp Cầu Chùa, nguyên bộ đội phục viên ký hợp đồng trồng 1,4 ha cho năng suất 3,8 T/ha rất phấn khởi vì sau khi trả các khoản ứng trước cho HTX vẫn có lãi ròng 30 triệu. Ông Nhỏ tin rằng, với giá bao tiêu 10.000 đ/kg thì 100% người dân ấp cầu Chùa sẽ trồng Nàng Thơm cho Bảy Sánh.

Bảy Sánh cũng cho biết với giá mua lúa 10.000 đ/kg, tỷ lệ xay xát 60%, giá bán lẻ 18.000 đ/kg thì chưa có lời, tuy nhiên giá trên sẽ điều chỉnh theo chất lượng. Để nâng cao chất lượng, năm 2015 Bảy Sánh sẽ ký hợp đồng bao tiêu cả vụ hè thu (trồng lúa Nàng Hoa ngắn ngày) để đảm bảo thời gian nghỉ ngơi cho đất trước khi vào vụ cấy Nàng Thơm, đồng thời buộc lấy giống bằng mạ từ HTX để đảm bảo thời gian sinh trưởng 5,5 tháng.

Cần bàn tay chuyên gia

Hiện có ý kiến cho rằng việc Long An để mất giống Nàng Thơm truyền thống thực thụ có phần lỗi của các nhà khoa học Viện KHKTNN Miền Nam.

Những năm thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi tiến hành phục tráng giống Nàng Thơm, các nhà khoa học Viện KHKTNN Miền Nam tuyển được 21 dòng và đưa cả 21 dòng cho nông dân và cán bộ quản lý nông nghiệp của Long An lựa chọn và họ đã chọn dòng số 5, dòng có năng suất cao và hệ lụy từ đó.


Đặc sản gạo Nàng Thơm Chợ Đào, sản phẩm liên kết giữa HTX dịch vụ NN Mỹ Lệ và cơ sở Bảy Sánh được ủy quyền sử dụng nhãn hiệu bảo hộ độc quyền

Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, việc chọn lọc dòng từ cá thể là hoàn toàn sai về mặt khoa học, bởi di truyền chất lượng những đặc sản như Nàng Thơm chợ Đào là di truyền quần thể, trong điều kiện nào đó, tín hiệu nào đó (kể cả lẫn tạp) thì có thể một gen lặn nào đấy mới phát huy (hầu hết những gen chất lượng đều thuộc gen lặn). Bởi vậy khi chọn là phải chọn theo đám, kiên trì trong nhiều vụ liền.

Ý kiến của GS.TS Bùi Chí Bửu khiến người viết nhớ lại chuyện xưa, chỉ có đám ruộng nào có nước mắt của chàng Lúa thì mới có Nàng Thơm. Các thửa ruộng chàng Lúa khóc đầm đìa vừa đi vừa gọi Thơm ơi. Thơm nằm trong 3 ấp: Rạch Đào, Cầu Chùa và Vạn Phước với tổng diện tích chỉ 200 ha, không phải 450 ha như số liệu của nhà nước.

Để tìm lại giống Nàng Thơm xưa, Long An đang có kế hoạch chọn lọc lần 2. Công việc khó khăn được nhờ vả vào các nhà khoa học Đại học Cần Thơ và nghe đâu đến vụ 2015 thì người dân Mỹ Lệ sẽ nhận được 1 kg giống để nhân. Lạy giời, sau bao nhọc nhằn con lợn xưa lại lành lặn về.

Xem thêm
Thái Lan dự kiến xuất khẩu 1 triệu tấn sầu riêng trong năm 2024

Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn sầu riêng, trị giá khoảng 130 tỷ baht, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kem Thủy Tạ ra mắt 2 vị kem mới tại Lễ hội 2024

Ngày 20/4, Công ty CP Thực phẩm Thủy Tạ tổ chức 'Lễ hội Kem Thủy Tạ 2024' tại Nhà hàng Thủy Tạ Legend, số 1 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.