| Hotline: 0983.970.780

Nhọc nhằn sĩ tử quê

Thứ Hai 04/07/2011 , 10:27 (GMT+7)

Họ không tiếc tiền. Không kêu than. Nhưng nhìn cái cảnh cha con lếch thếch lai kinh ứng thí, lại phải đối chọi với bao cạm bẫy phố phường mà thấy xót lòng...

Nông dân cho con đi thi đại học được ví von như một “kênh đầu tư” và cũng là để mở mày mở mặt với xóm làng. Họ không tiếc tiền. Không kêu than. Nhưng nhìn cái cảnh cha con lếch thếch lai kinh ứng thí, lại phải đối chọi với bao cạm bẫy phố phường mà thấy xót lòng. Bao giờ hết cảnh ấy? Câu hỏi đã được đặt ra nhiều năm nhưng câu trả lời thì vẫn ở nơi đâu xa lắm!

MẸ CHA NAI LƯNG CHO CON LAI KINH

3 ngày thi 3 tạ thóc

Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) trước ngày thi đại học đợt I hai hôm nắng hè như đổ lửa. Một người đàn ông mặc áo lính xách ba lô đứng xếp hàng chờ gặp sinh viên tình nguyện để nhờ tìm chỗ ở. Có điều lạ là cứ lân la hỏi ông lại kiếm cớ lờ đi. Gạn mãi mới biết có thái độ ấy là vì ông sợ. Sự sợ hãi của những người lần đầu đưa con lên phố ứng thi.

Quê ở Yên Định (Thanh Hóa), lần đầu đưa con đi thi cũng là lần đầu ông Vũ Văn Nam xa ruộng đồng ra Hà Nội. Trước lúc lên đường, ông đã cẩn thận dò hỏi mấy người trong xóm từng đưa con đi thi nhằm lận lưng ít kinh nghiệm phòng thân nơi đất khách. Những người có kinh nghiệm ấy nói với ông rằng, đặt chân lên Hà Nội điều đầu tiên là phải im lặng. Im lặng để phòng trường hợp làm “gà” cho cánh xe ôm, cò phòng trọ, quán cơm nhan nhản ở các bến xe lôi ra “thịt”. Nghe sao biết vậy, thành thử vừa xuống xe ai hỏi gì ông cũng lắc đầu rồi kéo tay con bé lẩn ra nơi khác. Hơn nữa, bố con ông vừa trải qua một chặng đường mà con bé một mực phàn nàn chẳng khác nào một cuộc hành xác quá cực nhọc. Quãng đường khiến đôi chân Hoa sưng tấy. Nắng nóng, hơi người trong lần đầu tiên đi xe khách làm con bé nôn thốc nôn tháo, da dẻ xanh lét như tàu lá chuối. “Xe thì chất đống chẳng có ghế mà ngồi. Thanh Hóa - Hà Nội 150 km thì chừng ấy quãng đường bố con tôi chỉ biết chen chúc đứng. Khổ sở, tiền lại tăng gần gấp đôi nhưng vẫn phải cố mà đi. Nhà nông ai cũng tính toán sát ngày thi mới lên để giảm bớt chi phí đi lại, ăn ở nên nhà xe ra sức nhồi nhét. Xe 30 chỗ nhưng dễ chừng cũng phải gần đến 60 hành khách. Tôi khổ mấy cũng chẳng sao, chỉ thương cháu nó, không biết có còn đủ sức lực mà thi với cử nữa không”. Ông Nam phàn nàn.

Cái Hoa nhà ông Nam năm nay thi ở Đại học sư phạm Hà Nội. Ông bảo rằng tốn kém bao nhiêu cũng phải cố đầu tư để hi vọng con bé đỗ được đại học. Nhà nông chỉ đẻ kế hoạch hai đứa con như gia đình ông cũng được xếp vào hàng “dễ thở”. Vậy mà đứa đầu ông bà đành cắn răng để nó nghỉ học từ cấp ba vào Sài Gòn làm công nhân, nhường suất học lại cho em vì gia cảnh khó khăn quá. Ở quê gia đình ông trông cả vào 5 sào ruộng. Lúc đầu vợ chồng bàn bạc để bà nhà đưa con đi thi còn ông ở lại lo việc đống áng nhưng sát ngày vợ ông đột nhiên chân tay co giật thế nên đồng áng cũng bỏ nốt.

Tiền tích cóp chẳng có, không biết vay mượn ai, cuối cùng ông Nam kêu thương lái đến nhà xúc lúa. Bán 3 tạ được 1,5 triệu đồng làm lộ phí hai bố con “trẩy kinh ứng thí” ông cũng biết là chật vật nhưng khổ nỗi nếu bán thêm thì thi xong về chẳng biết lấy gì mà ăn. Mới chỉ đặt chân đến Hà Nội, số tiền ấy đã bay mất 1/5 chỉ riêng khoản xe cộ từ quê lên. Cộng thêm vào, “thông tin” mà ông nắm được từ đội ngũ xe ôm ở bến xe này thì giá phòng trọ quanh trường sư phạm bây giờ rẻ nhất cũng đã 100 ngàn/người/ đêm. Tính ra, hai bố con mỗi đêm mất 200 ngàn tiền ngủ, 3 đêm mất phân nửa khoản tiền mang theo. Càng tính càng hoảng, đến mức lão nông này bảo không khéo phải để con bé lại thi một mình còn ông về quê sớm.

Vạ vật, khổ sở, chặt chém

Nhà nghỉ, phòng trọ quá tải, giá cả đắt đỏ khiến nhiều bậc phụ huynh như ông Nam chỉ lo được chỗ ngủ cho con, còn bản thân bạ đâu ngủ đấy.

Mấy gốc cây, hành lang ở Bảo tàng Hà Nội (Mỹ Đình) mấy hôm nay trở thành nơi các sĩ tử ôn thi và những bậc phụ huynh nằm ngủ. Một phụ huynh tên Đỗ Thị Nhung quê mãi tận Hà Giang đưa con trai xuống thi vào Trường Đại học Giao thông – Vận tải nằm vạ vật ở một gốc cây ngủ bù sau một đêm thức trắng.

Lang thang tìm hiểu chuyện nhà nông đưa con lên Hà Nội thi đại học tôi được nghe câu chuyện quá xót xa. Một người đàn ông quê ở Hà Giang đưa con xuống thi nhưng bị kẻ gian cuỗm sạch hành lý, giấy tờ ở trên xe khách. Muốn ở lại thi cũng chẳng được, hai bố con đành phải vạ vật đi xin ổ bánh mỳ, chai nước và tiền xe để về quê chờ sang năm thi tiếp.

Thực ra mẹ con bà Nhung cũng đã thuê được phòng. Nhưng đó là một căn phòng chỉ rộng chừng 10m2 lại phải chứa đến 6 người cùng thuê. Chiếc giường ngủ phải dựng ngược lên lấy chỗ kê sạp vào ngủ tập thể. Nắng nóng vã mồ hôi nhưng chỉ có một chiếc quạt cây nên ban đêm bà phải thức quạt tay cho con trai ngủ để còn lấy sức mà thi. Vì đều là những người lạ mặt nên dù chẳng nói ra nhưng người này nhìn người kia cảnh giác. Người nào người nấy gối tiền bạc, hành lý lên đầu chẳng dám ngủ vì lo mất cắp. Ban ngày đám sĩ tử, đứa ôn bài tại phòng, đứa ra công viên cho đỡ nóng nực. Còn các bậc phụ huynh kéo nhau tản đi tìm chỗ ngủ.

Nói về chuyến trẩy kinh lần này bà Nhung chỉ gọn lỏn một từ: Ngán. Bà bảo rằng ngán là vì vừa xuống xe mẹ con bà đã “dính” ngay bài học nơi phố thị. Vì Hà Nội lắm cạm bẫy hơn những gì bà tưởng tượng. Từ bến xe Mỹ Đình về Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) bình thường đi xe ôm chỉ 10 ngàn nhưng mẹ con bà bị tay lái xe ôm “chém” tới 50 ngàn. Thấy mới chạy vèo tý đã đến nơi, thằng con bà thắc mắc liền “ăn” ngay mấy lời văng tục từ tay lái xe ôm. Thành thử bây giờ, từ ăn cơm, uống nước đến vật dụng sinh hoạt hàng ngày bà đều phải hỏi giá kỹ càng.

Lần đầu tiên đưa con đi thi đại học bà Nhung không ngờ rằng cuộc sống ở Hà Nội lại đắt đỏ đến thế. “Cái gì cũng đắt, ở quê tôi nước chè uống thoải mái chứ lên đây một cốc nước trà phải mua 3 nghìn đồng. Hai mẹ con tôi ở đây ba ngày tiêu hết số tiền bằng hai tháng chồng tôi đi làm thuê cho người ta”.

Cũng chuyện tiền bạc, bà Nhung hùi hụi tiếc vì phải cắn răng bán con lợn nái sắp đẻ lấy tiền đưa con đi thi. "Lợn nái hơn tạ nhưng chỉ bán được khoảng 5 triệu bạc. Biết là rẻ nhưng trong nhà chẳng có thứ gì đáng giá hơn để bán cho cháu nó đi thi. Con lợn ấy nếu chờ được đến ngày đẻ thì chỉ tiền lợn con thôi cũng đủ 5-6 triệu rồi. Nhưng chẳng còn cách nào khác”.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất