| Hotline: 0983.970.780

Như ta đây, Mai Xá Chánh!

Thứ Hai 13/09/2010 , 10:04 (GMT+7)

Người dân làng Mai Xá Chánh luôn nhận thức việc làm quan trọng nhất để thay đổi tương lai...

Người dân làng Mai Xá Chánh luôn nhận thức việc làm quan trọng nhất để thay đổi tương lai là sự cố gắng liên tục, bền vững của từng cá nhân trong cộng đồng góp phần làm cho làng quê luôn hưng thịnh, thái bình. 

Những nông dân chân lấm tay bùn đã góp phần tạo nên một hình ảnh đáng khâm phục của làng Mai Xá Chánh

Không ngồi chờ Nhà nước

Tình cờ tôi gặp các cụ lão ở làng bên đến làng Mai Xá Chánh, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, tìm hiểu cách thức xây dựng hình ảnh của làng trong mô hình nông thôn mới. Các cụ thán phục, đi đâu ở tỉnh Quảng Trị, dân làng Mai Xá Chánh cũng được người ta truyền tụng tiếng thơm. Kinh tế của làng chủ yếu làm nông, đời sống người dân chưa phải là giàu có, sung túc, nhưng họ sống luôn có trách nhiệm và sẳn lòng sẽ chia với nước nhà trong mọi hoàn cảnh. Mới đây, trong ngày khánh thành công trình tôn tạo “Di tích lịch sử - văn hoá Đình làng Mai Xá Chánh”, một vị lãnh đạo ngành Văn hoá tỉnh Quảng Trị, khi lên phát biểu ông đã bày tỏ sự ngưỡng mộ dân làng. Lần đầu tiên, người dân tự nguyên góp công sức giúp Nhà nước tôn tạo di tích lịch sử - văn hoá, đúng là chuyện có một không hai.

Sử sách cũ ghi lại, đình làng Mai Xá Chánh được xây dựng gần một ngàn năm nay, từ khi những người Việt đầu tiên theo nhà Lý, vào châu Minh Linh (nay là huyện Vĩnh Linh và Gio Linh) khai khẩn đất đai, lập nên làng xã. Trải qua bao thăng trầm của các triều đại phong kiến, ngôi đình cũng có bấy nhiêu lần tan hoang. Rồi cách nay gần 300 năm, đình làng Mai Xá Chánh được con cháu của làng xây dựng lại bề thế, gồm ngôi nhà bằng gỗ mít có 4 mái, 5 gian, là địa chỉ văn hoá - lịch sử, gắn liền với các sự kiện chính trị của đất nước. Song dân làng không bao giờ quên được một ngày đau thương đầu năm 1967, đình làng Mai Xá Chánh bị giặc Mỹ xoá sổ, khi phát hiện ngôi đình là nhà kho chứa vũ khi cách mạng.

Sau ngày đất nước giải phóng, dân làng cùng nhau dựng lại ngôi đình để làm nơi sinh hoạt văn hoá - tâm linh. Nhưng rồi một lần nữa cơn bão năm 1985 làm đình đổ nát. Ông Bùi Văn Bỉ, trưởng làng Mai Xá Chánh, kể: "Mỗi ngày đi qua thấy đi tích đình xiêu vẹo mà ngậm ngùi. Không thể ngồi chờ Nhà nước cấp kinh phí để tôn tạo, năm 2005, Hội đồng tộc trưởng của làng đã kêu gọi con em dân làng chung tay góp sức xây dựng lại đình làng Mai Xá Chánh để khỏi hỗ thẹn với tổ tiên". 

Di tích Đình làng Mai Xá Chánh được xây dựng hoàn toàn bằng kinh phí do con em đóng góp

Ai cũng muốn có một phần trách nhiệm

Cho đến nay, khi công cuộc tái thiết di tích đình làng hoàn thành ngoài mong đợi, nhìn lại cái cách mà làng Mai Xá Chánh đã làm để vận động con em “xắn tay” giúp làng ai cũng kính nể. Làng lập ra ban điều hành có 6 người, đầy đủ trưởng và phó ban. Ngoài vận động nội lực ở làng, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, ban vận động cũng được lập ra các “phó làng thường trú”, có nhiệm vụ mang thông điệp của làng quê đến với con em trong việc xây dựng ngôi đình. Những bức tâm thư, những lời nhắn nhủ của các “linh hồn làng” Bùi Văn Bỉ, Lê Đàn, Trương Quang Giáo... gửi đi đều được con cháu tích cực hưởng ứng.

Người dân ở làng thì đóng góp một hay vài tạ thóc, con cháu công tác ở xa có người góp vài triệu rồi đến vài trăm triệu đồng. Các cụ tự hào, chủ trương chung tay tôn tạo di tích lịch sử - văn hoá đình làng được con em hưởng ứng nhiệt tình, ai cũng nói đây là dịp thể hiện tinh thần xây dựng quê hương ,đất nước trong thời buổi hội nhập, đổi mới. Nhiều gia đình có đời sống kinh tế khó khăn, Ban vận động không gửi thư ngõ, mà họ vẫn đến xin để được đóng góp, xem đó như một phần trách nhiệm.

Sau gần hai năm xây dựng, di tích Đình làng Mai Xá Chánh được tôn tạo hoàn thành với quy mô, cấu trúc như ngôi đình cổ của Việt Nam. Đình được làm theo kiểu 4 mái, 5 gian, toạ lạc trên gò đất cao phía đầu làng, phía trước đình có bình phong, lối tam quan vào cổng đình oai vệ. Bên trong đình mang phong cách kiến trúc cổ, có 8 cột nhất, 14 cột nhì, 6 cột hàng ba, các vì kèo, xuyên, trếng, dấm, cột đội... đựợc chạm trỗ tinh vi. Toàn bộ kinh phí xây dựng đình đến 3 tỷ đồng, đều được con em của làng tự nguyện đóng góp. Du khách tứ phương qua lại đường xuyên Á, lên về cảng Cửa Việt thấy đình sừng sững, uy nghi ai cũng thán phục. Song dân làng vẫn chưa thoả mãn vì con rùa vàng linh thiêng được thờ trong đình đã thất lạc do chiến tranh, không tìm lại được.

Rồi một câu chuyện tình cờ xuất hiện như sự sắp đặt của trời đất, trong đoàn du khách ghé về tham quan đình làng hôm ấy có một cựu binh Mỹ. Ông ta nán lại nói chuyện với các bô lão và run run lấy trong va-li ra một hộp nhỏ trong đó đựng con rùa làm bằng gỗ, lớp sơn son thiếp vàng bên ngoài đã ố màu, rồi đặt lên bàn thờ, chắp tay cụi lạy: “Xin tha thứ cho những lỗi lầm của tôi”. 

Ông Bùi Văn Bỉ cầm rùa vàng được cựu binh Mỹ trả lại cho làng

Thì ra, người cựu binh Mỹ ấy chính là Trung tướng William Weise. Hơn bốn mươi năm trước, năm 1967, lúc ấy William Weise với cấp bậc đại uý, chỉ huy đơn vị lính Mỹ vào càn quét làng Mai Xá Chánh. Sau khi san phẳng đình làng, William Weise thấy trên nền ngôi đình đổ nát có một con rùa vàng làm bằng gỗ nên giữ lại làm kỷ vật. Nhưng hơn bốn mươi năm qua, ám ảnh về những trận chiến ở Quảng Trị luôn làm William Weise day dứt. Nhiều đêm ông không ngủ được, một mình đối thoại với con rùa gỗ ở đình làng Mai Xá Chánh.

Cuối cùng, William Weise quyết định tìm về làng Mai Xá Chánh, xin đuợc trả lại con rùa gỗ, bảo vật linh thiêng cho đình làng, nơi hơn bốn mươi năm trước chính ông đã lệnh cho quân lính san phẳng ngôi đình. Hôm đó, William Weise nói chuyện rất nhiều với dân làng và xin được bà con tha thứ cho nỗi đau mà chính ông gây ra. William Weise nói ông cũng muốn được có một sự “đóng góp” trong việc xây dựng lại ngôi đình như thần dân của làng.

Lớn lên từ những hạt gạo khó nhọc

Làng Mai Xá Chánh không chỉ nổi tiếng với việc giúp Nhà nước tôn tạo lại di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh, xây dựng con đường, trường học, nhà ở cho người nghèo, mà từ xưa nay truyền thống, tiếng tăm của làng đã lẫy lừng. Thuở đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, vua Duy Tân ra Cửa Tùng lấy cớ nghỉ mát để che mắt giặc, kỳ thực vua tìm người thân tín họp bàn việc Cần Vương, cứu nước. Lúc ấy ở Quảng Trị đã mọc nên sáu vườn đào tụ nghĩa.

Ông Trương Hữu Trường, nguời viết sử làng Mai Xá Chánh, lý giải cái sự tự hào luôn ngời ngời trên nét mặt của mỗi dân làng: “Mảnh đất từng hun đúc nên nghĩa khí Cần vương lúc đất nước lâm nguy cũng chính là nơi luôn sản sinh những hạt giống tốt cho quê hương. Làng Mai Xá Chánh hiện chỉ có 3.700 nhân khẩu, hơn 700 hộ gia đình, nhưng đã có hơn 800 con , em là cán bộ các cấp, ngành có trình độ đại học và trên đại học, trong đó có 22 tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư, 12 vị cấp tá trong quân đội... Hạt gạo khó nhọc của đất làng Mai đã nuôi dưỡng nên những người con có tâm hồn và đầy trách nhiệm”.

Vườn đào Mai Xá, huyện Gio Linh của cụ tú tài Trương Quang Cung. Môn đệ vườn đào Mai Xá họp mặt, khi ở bến đục Hà Trung, Gio Linh, khi ở lòi Mai Xá (lòi: rừng cấm). Mỗi độ xuân về, lòi Mai Xá cây xanh, cát trắng bỗng thắm vàng trong sắc mai rừng nở, vì thế, vườn đào Mai Xá được gọi tên “Mai vàng tụ nghĩa Cần Vương”. Trong những lần họp mặt, các vị tụ nghĩa Cần Vương đã truyền cho nhau những lời hiệu triệu thống thiết: “Thế nước như trứng chồng, chỉ có hợp quần sức mạnh mới lên!”.

Dâng làng còn nhớ, làng Mai Xá Chánh bấy giờ có cụ Trương Quang Đông đi lính Cần Vương, được phong hàm bát phẩm. Đêm nào, ở nhà cụ Đông xuất hiện một vị khách giả dạng thầy đồ, hoặc thầy bói, hoặc lính lệ Nam triều đến nhỏ to mưu sự với cụ thì ngay đêm đó, những người phụ nữ phải lo nấu từ hai đến ba nồi bung cơm vắt, từng vắt ở giữa có muối mè rồi có người đến lấy, gánh ra đình làng phân phát cho những người đợi sẵn. Người dân làng Mai Xá Chánh đã nuôi những người đi đánh giặc bằng nắm cơm vắt ấm nồng vậy đó. Rồi sau này đến thời Tây Sơn, hai vị quan võ con em của làng là Bùi Văn Hịch và Bùi Văn Huy có công lớn trong việc xây dựng nước nhà, được vua Quang Trung, ban tặng: “Giữ ngôi tiên chỉ, giàu có vạn tiền, ruộng liền một dải”.

Ông Bùi Văn Bỉ, đúc kết: “Dân làng luôn nhận thức việc làm quan trọng nhất để thay đổi tương lai là sự cố gắng liên tục, bền vững của từng cá nhân trong cộng đồng góp phần làm cho làng quê luôn hưng thịnh, thái bình.Nên dù có đi đâu, ở đâu chúng tôi luôn ngẩng cao đầu: như ta đây, dân làng Mai Xá Chánh”.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất