| Hotline: 0983.970.780

Nhức nhối làng quê

Thứ Hai 17/10/2011 , 10:49 (GMT+7)

Dù không muốn tin nhưng những điều trong loạt phóng sự này là sự thực; nó để lại trong chúng ta nỗi nhức nhối, day dứt.

"Quê hương chốn thanh bình/Có bầu trời xanh thắm xanh..." (nhạc sĩ Ngọc Châu). Bầu trời thì vẫn mãi thẳm xanh vậy rồi nhưng liệu làng quê bây giờ có còn thật thanh bình, trong trẻo như lời bài hát? Dù không muốn tin nhưng những điều trong loạt phóng sự này là sự thực; nó để lại trong chúng ta nỗi nhức nhối, day dứt.

Sống ở quê bây giờ sợ lắm

Tiếp xúc cử tri dân bức xúc lắm. Họ cứ kêu rằng nếu thế này thì có còn yên tâm để mà sản xuất. Mỗi làng có vài con nghiện đã nhức nhối lắm rồi, vậy mà xã có đến hàng trăm. Người ta bảo “dữ như chó đẻ”, nhưng ở đây bây giờ chó đẻ cũng bị chúng bắt luôn thì ai mà không sợ...

Sểnh ra là mất 

Đó là câu nói cửa miệng của người dân ở rất nhiều ngôi làng khi tôi nhắc đến những vấn đề nhức nhối ở quê bây giờ. Hơi xót xa nhưng là sự thật bởi khi làm trắc nghiệm nhỏ về cuộc sống làng quê với 5 cụ già ở 5 ngôi làng khác nhau ở các tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định và Hà Nội tôi đều có chung một đáp án: Sống ở quê bây giờ sợ lắm.  

Như bao làng quê  khác ở đồng bằng Bắc bộ, xã Ngọc Lũ (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) mang vẻ ngoài khá tĩnh lặng. Một phần vì đặc thù của xã  thuần nông nhưng cái chính có lẽ là do phần lớn nông dân trong độ tuổi lao động đã rời làng mưu sinh. Ẩn sau vẻ yên bình của ngôi làng dường như chỉ có người già, phụ nữ và trẻ em này hóa ra là một cuộc sống chẳng yên bình chút nào.

Những cụ già cho rằng: Sống ở quê bây giờ sợ lắm!

Ngọc Lũ đang ở thời điểm nóng chuyện trộm cắp. Sống ở quê mà đài truyền thanh cứ ra rả kêu gọi người dân cảnh giác, thành ra cứ chập tối nhà có việc mới để cửa, còn lại đều kín cổng cao tường. Cẩn thận là thế, vậy mà ở nhiều thôn trộm cắp như cơm bữa. Còn nếu tính chung cả xã trong vòng có một tháng, số vụ trộm đã lên hàng trăm. Lớn thì xe máy, con trâu, con bò, lặt vặt thì con gà, nải chuối… nhưng phổ biến nhất là trộm chó.

Dân Ngọc Lũ bảo rằng ở nơi này, thời điểm này bọn trộm chó là  giỏi nhất. Chúng ngang nhiên mang cả súng vào tận từng nhà bắt chó, sẵn sàng bắn hơi cay hoặc cầm kiếm xả những người truy đuổi. Dân làng sợ xanh mặt đã đành, đến như  mười mấy ông công an viên của xã tuần canh đêm đêm cũng bất lực nốt.

Trộm cắp nhiều đến nỗi cuộc họp giao ban trưởng thôn của 12 thôn đội ở Ngọc Lũ diễn ra vào ngày mồng một hàng tháng lúc nào cũng chủ yếu xoay quanh vấn đề an ninh trật tự địa phương. Tôi gặp 2 trong số 12 ông trưởng thôn ấy, họ đều khẳng định: Lỡ làm rồi thì phải gánh chứ thực tâm muốn bỏ lâu lắm rồi. Không phải họ hết nhiệt huyết với làng với xóm mà là vì họ sợ. Sợ phải đối mặt với những tệ nạn  đang ầm ập kéo về làng và sợ vợ  con chửi mỗi khi có người trong làng đến nhà gọi cửa kêu ca mất trộm.   

Ông Lê Hồng Đức trưởng thôn 3 đã xấp xỉ 60 tuổi. Sống ở Ngọc Lũ gần trọn đời người nhưng chưa bao giờ ông thấy lo lắng, buồn não như lúc này. Những con số thống kê đủ để lý giải vì sao ông Đức lại sợ phải làm trưởng thôn đến thế: Thôn 3 có 100 hộ, 700 khẩu, dân chán ruộng bỏ quê tha phương cầu thực xấp xỉ gần một nửa. Bà vợ ông ra rả cả ngày buộc ông bỏ chức trưởng thôn ngay đi, nhưng khổ nỗi giờ trả có ai chịu nhận cho đâu.

Trưởng thôn Đức vừa buồn vừa lo lắng cho quê mình

Dẫn tôi đi một vòng quanh thôn, ông Đức vừa buồn vừa ngại. Buồn vì cái nghèo vẫn còn đeo bám, ngại vì tiếng là quê nhưng “làng giờ cứ như một mớ hỗn độn”. Gần một trăm gia đình thì 70%  hàng rào bằng mảnh chai, cổng sắt nhọn hoắt lúc nào cũng đóng im ỉm, kể cả khi có người ở nhà. 23 gia đình còn lại vị trưởng thôn này bảo rằng vì nhà người ta nghèo quá, không có gì cho bọn trộm lấy cũng chẳng có tiền làm cổng nên mới để tênh hênh ra thế.

Và, cứ khoảng vài chục bước chân ông lại chỉ ra một gia đình có người bập vào tệ nạn. Gia đình bà Th có hai ông con trai chết vì nhiễm HIV. Cạnh đó, đôi vợ chồng tên H và T, chồng chết được vài ngày thì vợ cũng phát bệnh chết theo. Hai đứa con giờ chia cho nội ngoại hai bên nuôi nấng…

Từ năm ông Đức làm trưởng thôn đến nay, 9 trường hợp chết trẻ liên quan đến ma túy, 2 đối tượng đang nằm trong trại, còn thanh niên làng nghiện ngập thì không tính xuể.  Ma túy nhiều sinh trộm cắp, đánh nhau. Chỉ trong vòng có một đêm mà cả 4 ngõ cạnh nhà trưởng thôn đều kêu mất chó, mất gà. Thậm chí đến bây giờ chuối trong vườn cũng phải thường xuyên để mắt. Sểnh ra cái chưa kịp chặt xuống đã có bọn trộm chặt thay cho rồi.

“Tiếp xúc cử tri dân bức xúc lắm. Họ cứ kêu rằng nếu thế này thì có còn yên tâm để mà sản xuất. Mỗi làng có vài con nghiện đã nhức nhối lắm rồi, vậy mà xã Ngọc Lũ có đến hàng trăm. Người ta bảo “dữ như chó đẻ”, nhưng ở đây bây giờ chó đẻ cũng bị chúng bắt luôn thì ai mà không sợ”, ông Đức than.

Thử nhờ trưởng thôn lý giải, ông bảo rằng: “Chung quy cũng tại vì  nghèo mà ra cả. Người ta bảo có tiền mới hư  chứ như dân tôi đói nghèo sinh ra tệ nạn. Ngày xưa dân Ngọc Lũ cũng lành lắm chứ. Nhưng ruộng đất ít quá, mỗi người có được một sào nên thanh niên trong làng kéo nhau đi làm ăn tứ chiếng. Học hay thì ít học dở thì nhiều, ma túy, trộm cắp, thói giang hồ cũng từ đó mà kéo về Ngọc Lũ tự lúc nào không biết. Dân đâm ra lưu manh nên làng ngày càng loạn. Như hôm rồi, ngay cạnh nhà ông Chủ tịch xã, kẻ gian cạy cửa lấy tiền của đôi vợ chồng nọ ngay khi họ đang ngủ trong nhà. Chuyện xưa nay chẳng ai dám nghĩ tới”.

Chỉ cán bộ mới thấy bình thường

Có một điều lạ ở những làng quê tôi đến, người dân hoang mang, lo lắng cho cuộc sống làng quê, cho con cái, cho tương lai họ lắm nhưng cán bộ địa phương lại xem đó là chuyện bình thường. Nhức nhối như ở Ngọc Lũ vậy mà Chủ tịch xã Bùi Xuân Hùng vẫn tự tin: Tình hình đang trong tầm kiểm soát của chúng tôi.

Cho dù chắc chắn một điều vị chủ tịch xã này thừa biết cuộc giao ban trưởng thôn nào cũng kêu ra rả, cuộc tiếp xúc cử tri nào dân cũng phàn nàn thì không bình thường chút nào. Tương tự, ở xã Thanh Nghị (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam), nơi mà dân địa phương bảo bây giờ tệ nạn xã hội chỉ thua có mỗi TP Phủ Lý thì Phó Chủ tịch xã Đinh Xuân Phương lại có cách nhìn rất lạc quan: "Chưa có gì bức xúc cả". Họ không sâu sát hay thừa biết thực tế địa phương nhưng lại xem đó là chuyện bình thường?

Mang câu trả lời của ông Phương tôi vào gặp người dân ở  thôn Bồng Lạng, một trong những điểm nóng từ ngày nhường đất cho 4 nhà máy xi măng hoạt động. “Nhức nhối à? Nhiều lắm chứ. Chỉ riêng chuyện nghiện ngập khiến dân tôi khổ lắm rồi. Nghiện sinh ra trộm cắp, nghiện sinh ra đám đầu gấu làng coi trời bằng vung, nghiện khiến chính quyền địa phương lẫn công an nản chí vì “bắt tù chán lại phải thả vì chẳng có cơm mà nuôi chúng”.

Ông Hậu ước gì quê mình được như ngày xưa

Đem câu chuyện “sống ở quê bây giờ sợ lắm” tham vấn Tiến sĩ Đỗ Thiên Kính (Viện Xã hội học), một người nghiên cứu sâu về nông thôn, ông Kính thừa nhận những vấn đề đặt ra quả  là mới mẻ và trước nay người ta ít quan tâm. “Nó xuất phát từ tình trạng mất đất, tình trạng bất bình đẳng giữa tầng lớp nông dân với các tầng lớp khác trong xã hội ta hiện nay. Hơn nữa, sự  bất bình đẳng này ngày càng doãng ra. Đây chính là  nguyên nhân gây ra những vấn đề nhức nhối, bất an trong nông thôn hiện nay. Nhàn cư vi bất thiện, người dân đang bị lưu manh hóa, tệ nạn từ đấy mà sinh ra cả. Nhưng nếu chúng ta cứ để nó phát triển “tự nhiên” như thế thì quả là đáng báo động”. 

Lão nông Nguyễn Hậu (60 tuổi) nói liên tục khi tôi khơi chuyện. Chỉ mới hôm trước, vợ chồng ông Hậu chứng kiến mấy thằng nghiện vào dắt chiếc xe máy của mình khi đang dựng trước hiên nhà. Tri hô mãi mới có người dám ra đuổi nhưng chẳng ăn thua vì “dao kiếm chúng múa như phim chưởng”. Người nào trộm ông biết, trộm như thế nào đã có người làm chứng nhưng chẳng làm được gì. Buồn quá ông chỉ biết than vãn rằng: Giá thôn mình được như ngày xưa thì hay biết mấy.

Chỉ độ vài năm trước thì Bồng Lạng còn là một thôn thuần nông của huyện Thanh Liêm. Ông Hậu nhớ rằng thời  điểm ấy dân quê ông nghèo nhưng yên  ổn lắm. Dạo các doanh nghiệp về lấy đất làm nhà máy, dân đổi ruộng lấy tiền đền bù. Có tiền, cộng thêm mất ruộng nên tệ nạn cứ  thế mà kéo về. Ban đầu chỉ bài bạc, sau đó nghiện ngập rồi trộm cắp. Đến bây giờ thì  nhìn vào thôn chẳng ai thấy bóng dáng làng quê đâu nữa. Nhà nào nhà nấy kín cổng cao tường. Chỉ  riêng căn nhà hai ông bà đếm sơ sơ đã hơn chục thứ khóa. Cổng nhà khóa đã  đành, xe cộ khóa đã đành, đến chuồng gà  bây giờ cũng phải khóa nốt.

Mới trưa hôm qua, bà vợ ông Hậu quên khóa một hôm đàn gà  bị kẻ gian cuỗm sạch. Bây giờ có mất trộm thứ gì ông bà nào có dám truy bởi “trong đám nghiện ngập trộm cắp kia có cả con cháu mình nên chẳng thể làm gì được”, ông Hậu thở dài. Tôi đến nhà trưởng thôn Hoàng Mạnh Cường với hi vọng tìm được một ông cán bộ gần dân nhất để xem họ trăn trở với những vấn đề nhức nhối ở quê hiện nay ra sao. Nhưng cũng giống như ông Phó Chủ tịch xã, vị trưởng thôn này phẩy tay: Phát triển thì phải chấp nhận những thói hư tật xấu là chuyện bình thường. Ở đâu cũng thế cả mà.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm