| Hotline: 0983.970.780

Nhức nhối nạn buôn người qua Trung Quốc: 3 cô gái mất tích khi đi 'tham quan nông trường'

Thứ Sáu 21/04/2017 , 15:31 (GMT+7)

Vừa bước vào tuổi mười tám đôi mươi, ở vùng đồng bào dân tộc thì mối lo lớn nhất của các cô gái chỉ biết có nương rẫy chính là việc làm. Cũng bởi vậy, những kẻ bất lương luôn nhắm tới mong muốn đó để lừa đảo. Đã có không ít cô gái “sập bẫy”, để rồi chôn vùi tuổi thanh xuân, thậm chí cả cuộc đời trong những địa ngục trần gian nơi xứ người.

Chuyến đi định mệnh

Học hết trung học phổ thông nhưng không thi đỗ vào Đại học, em Nguyễn Thị Th., SN 1997, trú tại thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng, Lào Cai đành loanh quanh ở nhà. Cả năm trời cũng chả kiếm được việc gì ưng ý, đang chán nản thì Th. nhận được điện thoại của một người bạn trai đã quen biết gần 1 năm nay tên là Lò Láo Ú, nhà ở TP Lào Cai.

Sau vài câu hỏi thăm vì đã lâu không gặp lại, Ú khoe đang làm công nhân trồng tam thất ở Trung Quốc, lương rất cao, mỗi ngày được trả 200.000 đồng, lại còn được nuôi ăn, công việc thì nhàn nhã. Nghe Th. than thở đang thất nghiệp ở nhà, chả tìm được việc gì làm, Ú lập tức hứa sẽ xin ông bà chủ cho Th. đi làm cùng. Nghe vậy, Th. rất mừng, hẹn thu xếp xong việc nhà sẽ gọi ngay cho Ú.

Ngày 16-10-2016, Th. gọi điện thoại hẹn hôm sau sẽ lên TP Lào Cai gặp Ú, nhờ anh này đón để đưa đi làm cùng. Ú bảo phải đợi chiều tối hôm sau mới hẹn được ông bà chủ ra đón. Y hẹn, chiều tối ngày 17-10-2016, Ú đón Th. tới gặp một người tự giới thiệu tên là Hải, bạn làm cùng với Ú. Sau bữa ăn tối, Ú-Hải bảo sẽ cùng đưa Th. đi xem chỗ làm, Th. vui mừng đồng ý.

Cả ba trèo lên chiếc xe máy Exciter màu xanh xám, biển số 24B1-957.15 rồi lên đường. Tới khu vực biên giới thuộc thôn Na Lốc 4, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, Ú-Hải dẫn Th. tới bờ suối Pạc Chì rồi dừng lại. Hải giới thiệu cho Th. biết bên kia bờ suối là nông trường Mã Hoàng Pao, thuộc huyện Hà Khẩu, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, là chỗ Th. sẽ tới làm. Sau đó, Ú-Hải bỏ xe bên bờ suối rồi bảo Th lội qua sang Trung Quốc.

Vừa đặt chân lên bờ, Th. thấy một người đàn ông và một phụ nữ đã tới đón bằng xe máy. Nghe Ú giới thiệu đó là ông bà chủ chỗ Ú làm ra đón, Th. yên tâm trèo lên xe theo hai người lạ, còn Ú-Hải thì chia tay về Việt Nam vì còn chút việc phải giải quyết. Cô gái trẻ vẫn chẳng mảy may nghi ngờ, trong lòng vui vẻ nghĩ tới những ngày tháng tươi đẹp phía trước mà không hề biết rằng mình đã lọt vào tay bọn buôn người, đang bị đưa sâu vào nội địa Trung Quốc chờ mối bán.

Đối tượng Ú
 
Với những cô gái trẻ, có chút nhan sắc như Th., bọn tú ông, tú bà sẽ bán thẳng vào các ổ mại dâm đang hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm sát biên giới làm nô lệ tình dục hoặc bán làm vợ những người đàn ông ở vùng sâu, vùng xa. Th. cũng không biết rằng, chỉ 4 ngày sau, gã bạn trai mới quen được “ông bà chủ” gọi sang để trả 14.000 nhân dân tệ (49 triệu đồng tiền Việt Nam) là số tiền đã bán cô đem về chia nhau.

Không chỉ có Nguyễn Thị Th., ít ngày sau, với cùng thủ đoạn tương tự, Triệu Thị Nh. (SN 1991, trú tại thôn Phú Mậu, xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn, Lào Cai) cũng rơi vào màn kịch của bọn buôn người. Nhận được tin nhắn làm quen trên Zalo của một thanh niên tự giới thiệu tên là Chung, đang lúc rảnh rỗi, Nh. cũng đáp lời.

Biết Nh. đang làm thuê tại TP Lào Cai, Chung tìm tới nơi ở của Nh. tán tỉnh rồi rủ Nh. sang Trung Quốc trồng tam thất thuê cùng anh ta. Chung khoe làm bên Trung Quốc mỗi ngày được trả 100 nhân dân tệ (khoảng hơn 300 ngàn đồng). Khoảng 1 tuần sau, Nh. đồng ý đi theo “bạn trai”. Ngày 6-11-2016, Nh. được Chung đón tại khu vực ga Lào Cai rồi đưa đi ăn cùng người bạn chung chỗ làm tên là Hải. Tối đó, cả 3 lội qua suối Pạc Chì sang Trung Quốc đợi “ông bà chủ” của Chung tới đón. Cũng từ chuyến đi định mệnh đó, không ai biết tin tức gì của Triệu Thị Nh.

Đi đêm lắm có ngày gặp ma

Cùng thời điểm Triệu Thị Nh. và Nguyễn Thị Th. mất tích, em Phàn Nảy Nh. (tên gọi khác là Mai, SN 1998, trú tại thôn Nậm Ngấn, xã Nậm Sài, huyện Sa Pa, Lào Cai) cũng nhận được điện thoại của người bạn mới quen là Lò Láo Ú. Biết Mai đang muốn tìm việc làm, Ú cũng rủ Mai đi làm công nhân trồng tam thất ở Trung Quốc và Mai lập tức đồng ý.

Nóng lòng được đi làm, ngày 19-10-2016, Mai điện thoại hẹn gặp Ú tại thị trấn Sa Pa. Đến ngày 21-10, Mai được Ú cùng người bạn làm chung tên là Hải lội suối sang khu vực Đội 4, nông trường Mã Hoàng Pao bên Trung Quốc đợi “ông bà chủ” đón sang chỗ làm. Nhưng đi mãi không thấy nông trường trồng tam thất đâu cả, cuối cùng Mai được đưa đến tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc “tập kết”.

Tại đây, Mai gặp được em Nguyễn Thị Th. và nghe Th. kể mình cũng vừa bị 2 gã này  lừa bán sang Trung Quốc. Sau đó, Mai bị bán cho một gia đình người Trung Quốc, còn Th. bị bán đi đâu không rõ. Nhưng may mắn cho Mai, khi biết em bị lừa đưa sang Trung Quốc bán chứ không phải tự nguyện đi lấy chồng, gia đình này đã tốt bụng giúp đỡ Mai trở về Việt Nam. Ngày 5-11-2016, Mai đã được trở về Việt Nam và viết đơn tố cáo Lò Láo Ú cùng tên “Hải”.

Với những tài liệu thu thập được, Cơ quan CSĐT-Công an tỉnh Lào Cai đã làm rõ, tên “Hải” chính là Lò Láo Lở (SN 1987, trú tại thôn Vù Lùng Sung, xã Trung Chải, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) và là kẻ chủ mưu trong đường dây mua bán người này.

Đối tượng Lở
 
Lở khai, khoảng tháng 9-2016, hắn gặp người đàn ông dân tộc Mông tên là Sính ở TP Lào Cai, được gã này cho số điện thoại, bảo đi tìm phụ nữ trẻ mang sang Trung Quốc bán, Sính sẽ trả 14.000 nhân dân tệ mỗi người. Gần 1 tháng sau, Lở gặp lại đứa bạn từ thưở “cởi truồng” là Lò Láo Ú (SN 1992, trú tại thôn Ú Ì Sung, xã Tả Phời, TP Lào Cai). Hai tên bàn nhau cùng tìm cách lừa các cô gái trẻ bằng cách dụ đi trồng tam thất thuê với mức lương cao, rồi giả vờ đi đưa đi tham quan nông trường để mang “con mồi” giao cho Sính.

Với 3 cô gái bị “sập bẫy” chỉ trong vòng nửa tháng, Lở-Ú đã kiếm được gần 80 triệu đồng. Thấy kiếm tiền quá dễ dàng, Lò Láo Ú vội đi “đầu tư” luôn một chiếcxe Nouvo đã cũ, giá hơn 16 triệu đồng làm “phương tiện làm ăn”. Nhưng đi đêm lắm có ngày gặp ma, ngày 15-11-2016, Ú đã bị bắt khẩn cấp và 10 ngày sau, Lò Láo Lở cũng được “hội ngộ” cùng đứa bạn thủa nhỏ trong trại giam.

Ngày 21-4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lào Cai cho biết vừa chuyển hồ sơ vụ án này cho Việt KSND tỉnh Lào Cai chuẩn bị đưa ra truy tố, xét xử trong những ngày tới.

(congan.com.vn)

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Nghệ An thực hiện tốt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững

Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tạo chuyển biến căn cơ trên địa bàn Nghệ An, tỉnh này triển khai thực sự hiệu quả thông qua tỷ lệ giải ngân 100%.

Quảng Bình phạt 2,8 tỷ đồng từ các vụ vi phạm hành chính lĩnh vực lâm nghiệp

Trong quý I/2024, lực lượng kiểm lâm Quảng Bình dự kiến nộp 2,8 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước từ 272 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm