| Hotline: 0983.970.780

Nhức nhối nạn "khai hoang" rừng phòng hộ Dầu Tiếng

Thứ Sáu 15/11/2013 , 10:10 (GMT+7)

Với diện tích hơn 29.500ha, rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Dầu Tiếng (trên địa bàn 2 huyện Tân Châu, Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh), có ý nghĩa quan trọng về sinh thái, môi trường... Thế nhưng, diện tích rừng đang giảm từng ngày do người dân vào xâm lấn, “khai hoang” làm rẫy.

Với diện tích hơn 29.500ha, rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Dầu Tiếng (trên địa bàn 2 huyện Tân Châu, Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh), có ý nghĩa quan trọng về sinh thái, môi trường cho các địa phương Tây Ninh, Bình Dương, TP.HCM... Thế nhưng, diện tích rừng đang giảm từng ngày do người dân vào xâm lấn, “khai hoang” làm rẫy.

NHƯ VẾT DẦU LOANG

Chúng tôi vào chốt bảo vệ rừng mới lập, đối diện con đường rừng dẫn vào tiểu khu 48, đề nghị được đi cùng anh em tuần tra rừng, anh bảo vệ rừng Phùng Văn Mết lắc đầu: “Đi hiên ngang thế này làm sao thấy lâm tặc? Các anh đặt chân đến cửa rừng là có người biết rồi”.

Nhưng rồi anh Mết và anh Lý Minh Hiệp, nhân viên hạt kiểm lâm Tân Châu (tăng cường cho chốt) vẫn lên xe đưa chúng tôi đi, hai chiếc xe máy ì ạch bò qua những đoạn đường lầy lội. Gần đến lõi rừng, khi chiếc điện thoại bắt đầu chập chờn mất sóng, cũng là lúc chúng tôi nghe tiếng máy cày gầm rú giữa rừng. Chợt, một chiếc xe “cào cào” từ phía sau rú ga ào đến rồi qua mặt chúng tôi, mất hút. Chỉ vài phút sau, tiếng máy cày đã nhường chỗ cho gió rừng rì rào.

Vào đến tiểu khu 43, thấy những mảng rẫy mì xanh mướt giữa rừng. Có những rẫy rộng trên dưới 2 ha. Cạnh một căn chòi tạm là chiếc máy cày, bánh xe còn ướt đất, ít phút trước nó còn hung hãn gầm rú cày xới, giờ đã nằm im lìm và đơn độc như một đống sắt, không thấy chủ nhân nó đâu. Rải rác quanh rẫy mì là những thân cây bị đốn đã khô nằm ngổn ngang. Lẫn trong những rẫy mì mới trồng, có nhiều gốc cây lớn, đường kính 30, 40cm bị khoanh vỏ, đang chết từ từ, một số cây khác bị khoanh vỏ chưa lâu, nhựa cây ứa ra ướt gốc.



Rẫy mì, ruộng lúa trong rừng phòng hộ Dầu Tiếng

“Họ đốn cây, khoanh vỏ vào lúc nào?”, tôi hỏi. “Chủ yếu ban đêm và thường đi thành nhóm rất đông để làm rẫy theo kiểu đổi công và cần thiết thì “đối phó” với lực lượng bảo vệ, chỉ cần một “hiệu lệnh” từ người cảnh giới, tất cả lại tản vào rừng”, anh Mết đáp.



Những cây to thì bị khoanh vỏ và đốt dưới gốc cho chết từ từ

Trong các tiểu khu 37, 44, 47, 48, 49, 522, tình trạng diễn ra tương tự. Nhiều khoảnh rừng vừa được dọn sạch để trồng mì. Điều lạ là dù dấu vết cày xới còn mới tinh, nhưng khi chúng tôi đến, không thấy một bóng người.

Theo anh Mết, những rẫy mì, ruộng lúa “khai hoang” giữa rừng phòng hộ đều là của người dân tộc Khmer. “Khó khăn rất lớn là trong rừng có nhiều rẫy cũ của người dân. Họ vào canh tác rồi “lấn” dần vào rừng bằng cách khoanh vỏ cây, rong nhánh, làm cây chết dần. Khi cây chết khô, họ mới đốn hạ, bứng gốc, san bằng, xóa dấu tích và trồng mì lan ra. Khi có cơ hội, họ lại “khai hoang” rẫy mới, có nhiều khoảnh họ lấn mới, diện tích rộng tới hơn 1ha.

Do tập quán du canh du cư lâu đời của người dân tộc, có những người đã làm rẫy ở đây trước khi thành lập rừng phòng hộ (năm 1986), nên các ngành chức năng huyện Tân Châu khó xử lý dứt điểm các vụ lấn chiếm đất rừng”, anh Mết nói.

CHƯA CÓ GIẢI PHÁP

Nói về những khó khăn của lực lượng bảo vệ rừng, anh Mết cho biết, để xử lý được các vụ phá rừng, phải bắt quả tang. Nhưng lâm tặc rất đông, mỗi lần họ vào rừng, đều cắt cử người theo dõi các chốt bảo vệ, mọi hoạt động trong chốt không qua được “tai mắt” của chúng.

“Để đến được chỗ lâm tặc đang xâm lấn rừng mà không bị phát hiện, anh em bảo vệ phải đi đường vòng, đường tắt, đi những đường đất nhỏ, lầy lội. Thậm chí vạch lá xuyên rừng đi chứ chẳng có đường. Vậy mà vẫn không giữ bí mật được. Nhiều khi, đi nửa đường phải khiêng xe trở ra vì “dính” bẫy đinh. Hoặc đã vào được tới rẫy, bắt quả tang được một số đối tượng, lúc quay ra thì vỏ xe, ruột xe đã bị cắt tan nát.

Có lần, xe của anh em bảo vệ “tự nhiên” bốc cháy. Cũng có khi lâm tặc quá đông, lên đến vài chục người, lăm lăm dao rựa, cuốc trong tay, 2 anh bảo vệ đành quay lại để “bảo toàn lực lượng” và nhờ hỗ trợ. Nhưng khi lực lượng hỗ trợ vào tới nơi thì tất cả đã rút hết”, anh Mết kể.




Rất nhiều cây nhỏ hơn không cần khoanh vỏ mà bị “hạ” ngay

Lực lượng bảo vệ khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng này có Hạt kiểm lâm của rừng phòng hộ, Hạt kiểm lâm Tân Châu và lực lượng bảo vệ rừng. Vậy nhưng, diện tích bị lấn chiếm vẫn cứ loang rộng dần. Từ đầu năm đến nay, đã có 106 vụ lấn chiếm đất rừng với diện tích trên 61ha. Đến nay, tổng diện tích bị lấn chiếm đã lên tới hơn 230 ha (số liệu báo cáo của BQL rừng).

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Liêm, trưởng ấp Con Trăn (xã Tân Hòa, huyện Tân Châu) cho biết: “Hơn 90% trong tổng số 134 hộ người Khmer của ấp có truyền thống làm rẫy trái phép trong rừng. Xã, ấp đã đến từng nhà vận động bà con không phá rừng, tuyên truyền trên loa phát thanh hàng ngày, nhưng không ăn thua. Họ thường rủ nhau đi làm đổi công, một lực lượng hùng hậu vài chục người, trong một đêm đã xử lý xong 1ha rừng!”.

Theo ông Liêm, người dân địa phương trước giờ sống dựa vào rừng, nên nếu xử lý mạnh tay, chưa biết sẽ ổn định cuộc sống của họ như thế nào. Đó là chưa kể, có muốn ngăn chặn cũng không được, vì họ rất đông, trong khi ở xã Tân Hòa chỉ có 4 chốt bảo vệ rừng, lực lượng lại quá mỏng (mỗi chốt có từ 4 đến 10 nhân viên). Lực lượng kiểm lâm được tăng cường cho các chốt để tuần tra, bảo vệ cũng chỉ 1 đến 2 người/chốt, không thể kiểm soát nổi số người vào rừng hàng ngày.

Được biết, mỗi nhân viên bảo vệ rừng quản lý hàng chục ha rừng, trong khi đó, công khoán bảo vệ rừng chỉ… 200.000 đồng/ha/năm. Thu nhập quá thấp, địa bàn rộng, lại không có công cụ hỗ trợ, đội bảo vệ rừng gặp không ít khó khăn khi làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, rừng tự nhiên và rừng trồng đan xen kiểu da beo, nên không thể cấm người dân vào rừng. Đây chính là trở ngại lớn nhất đối với lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng.


Chiếc máy cày vừa gầm rú, khi có “động”, nó nằm im lìm, vô chủ

Năm 2011, tỉnh Tây Ninh chủ trương giao cho các hộ Khmer trồng rừng, để giải quyết việc làm và vận động họ không phá rừng. Nhưng, nhiều hộ dân sau khi hợp đồng trồng rừng đã không giữ mà khai phá lấy đất trống trồng khoai mì, cao su. Nhiều người khác cũng theo vào rừng để chặt cây, lấn chiếm đất. Nhưng hễ bảo vệ rừng đi tuần tra, họ lại tản đi hoặc “tạm trú” ở các khu rừng trồng.

+ “9 tháng đầu năm nay, diện tích rừng bị lấn chiếm đã giảm đáng kể so với cùng kỳ, chỉ hơn 60ha. Bắt quả tang người dân phá rừng đã khó, khi đã bắt quả tang, việc xử lý cũng không dễ. Thường thì họ chỉ bị xử phạt hành chính.

Còn nếu nhổ bỏ mì trên đất lấn chiếm, phải thành lập đoàn cưỡng chế với đầy đủ các cơ quan chức năng: UBND huyện, hạt kiểm lâm, BQL rừng… Trong khi thủ tục để cưỡng chế không đơn giản, lại kéo dài. Vì vậy, những rẫy cũ chưa xử lý xong, nhiều ruộng rẫy mới đã xuất hiện”, một lãnh đạo BQL rừng Phòng hộ Dầu Tiếng.

+ Theo số liệu của BQL khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, trước năm 2007, rừng ở đây có diện tích hơn 34.359ha. Tuy nhiên, theo số liệu về quy hoạch rừng của UBND tỉnh Tây Ninh (tháng 9/2012) thì rừng phòng hộ Dầu Tiếng đã giảm 4.800ha, chỉ còn 29.555ha.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất