| Hotline: 0983.970.780

Những bệnh nhân sống lay lắt cùng số ca 'chết đuối trên cạn' gia tăng ở nông thôn

Thứ Năm 29/12/2016 , 14:35 (GMT+7)

Tuổi thọ cao hơn của người dân nông thôn ngày nay chưa hẳn đồng nghĩa với chất lượng sống cao hơn mà chỉ có ý nghĩa là phương tiện máy móc thiết bị y tế ngày càng hiện đại giúp cho con người kéo dài sự sống hơn.

14-34-46_dsc_6759
Cảnh ô nhiễm ở một ngôi làng tại Văn Giang
 

Bởi thế ngày nay thọ hơn ngày xưa nhưng đồng nghĩa với việc phải sống trong những ngày tháng tật bệnh lay lắt dài hơn, ít khỏe mạnh, hạnh phúc hơn.
 

Tồn tại chứ không phải sống lâu hơn

Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn - Trạm trưởng Trạm y tế thị trấn Văn Giang (Hưng Yên) bảo với tôi rằng đời sống con người mỗi lúc một đi lên đã hết cái thời ăn no mặc ấm mà sang ăn ngon mặc đẹp. Trước ăn xong là chân xoa vào nhau ngồi phệt xuống chiếu, xuống phản uống ấm nước chè là xong giờ không có hoa quả là nhạt mồm, nhạt miệng. Thôi thì mùa nào thức ấy nên sinh ra cả “núi rác” thải sinh hoạt kèm theo.

Mà đặc tính phổ biến của người Việt Nam là cứ sạch ngõ, sạch nhà mình là được còn ngõ nhà người khác vứt bẩn thoải mái. Thị trấn Văn Giang có 10.868 dân, mỗi ngày thải ra không biết bao nhiêu tấn rác? Bức xúc vì tình trạng ô nhiễm ấy nên trong nhiều cuộc họp bác sĩ Tuấn bao giờ cũng đưa ra ý kiến rằng mỗi gia đình có vườn ở nông thôn nên làm một hố rác cá nhân kiểu hố ủ phân xanh để bỏ tất cả các rác hữu cơ tiêu hủy được (rau dưa, vỏ hoa quả…) mà tự hủy.

Việc làm đơn giản đó vừa tốt cho môi trường vì giảm được khoảng ¾ khối lượng rác thải lại vừa tốt cho cây trồng vì có phân xanh bồi bổ thường xuyên. Ngược lại, như hiện nay tất cả rác thải hữu cơ, vô cơ đều bị nhét vào túi bóng chỉ một hai ngày là tự phân hủy, chuyển màu, bốc mùi, nước đen rỉ ra từ xe chở rác rải khắp đường làng ngõ xóm thành ra ô nhiễm. Nhưng bao giờ ông Tuấn cũng thành kẻ đơn độc trong các cuộc họp như vậy.

14-34-46_dsc_6761
Ô nhiễm ở một ngôi làng tại Văn Giang
 

Tiếng là thị trấn nhưng Văn Giang chỉ có một phố còn có tới ba thôn là Công Luận I, Công Luận II và Đan Nhiễm, chất đồng quê còn khá đậm đặc. Công Luận I từng rất thịnh nghề mây tre đan xuất khẩu với việc dùng xút, oxy già để tẩy trắng và lưu huỳnh làm mềm, khí thải tức ngực tưởng như phát nghẹn, nước thải chảy ra nửa đen nửa lờ lờ. Giờ nghề đã mai một nhưng ô nhiễm đã đủ thời gian tích lũy để phát tác.

Cộng hưởng thêm vào đó là nghề chăn nuôi, nghề trồng hoa cây cảnh đang rất phát triển ở thôn Công Luận II sử dụng rất nhiều phân hóa học, thuốc trừ sâu gây nguy cơ ô nhiễm môi trường. Không biết có mối liên hệ nào giữa môi trường xuống cấp, thực phẩm tồn dư hóa chất độc hại với tình trạng bệnh ung thư ở các làng quê hiện nay ngày càng nhiều, càng trẻ hóa không?

Dò từng cái tên trong quyển sổ tử, bác sĩ Tuấn thống kê cho tôi tỷ lệ chết do ung thư qua các năm của thị trấn Văn Giang như sau: Năm 2013 có 13/47 người chết chiếm 27,6%, năm 2014 có 14/47 chiếm 29,8%, năm 2015 có 17/51 chiếm 33,3%, năm 2016 có 14/60 chiếm 23,3%.

Giải thích về tỷ lệ bệnh ung thư 10 năm nay tăng nhanh, ông bảo rằng có hai lý do: Trước khoa học chưa phát triển, đời sống chưa cao nên chết vì ung thư người ta cũng nghĩ là chết già, chết bệnh, giờ đi khám nhiều mới biết. Thứ nữa là do môi trường, ăn uống, khí thở đã bị ô nhiễm nên mắc bệnh.

Không chỉ chết nhiều về ung thư, ngày nay các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp (chỉ dấu của ô nhiễm không khí) như viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản rất sẵn. Ảnh hưởng chính ở lứa tuổi trẻ em, thanh niên nhưng họ không chết vì còn sức đề kháng, vì còn sử dụng được thuốc kháng sinh chứ người già, sức khỏe đã suy kiệt thì rất dễ bị chết bởi bệnh COPD (phổi tắc nghẽn mãn tính) hay còn gọi là “chết đuối trên cạn”. Đang bình thường bệnh nhân bỗng khó thở, tức ngực rồi gục xuống mà chết. Năm 2015 thị trấn Văn Giang có 9/51 cái chết còn năm 2016 có 8/60 cái chết là do “chết đuối trên cạn” như vậy.

Tôi cùng cán bộ y tế của Trạm y tế Văn Giang xuống nhà chị Hoàng Thị Khiếu ở thôn Công Luận II khi bát hương trên bàn thờ của anh Nguyễn Văn Quyền chồng chị vẫn còn nghi ngút khói. Anh vừa qua đời bởi chứng ưng thư gan bỏ lại hai con bò gầy, bỏ lại một căn nhà nát cho vợ con, gia cảnh đã nghèo lại càng thêm gieo neo.

Khi tôi đến chị Khiếu đang ngồi dưới mái hiên nhà thấp tè tè để nhặt từng cái vỏ bao xốp cũ dùng để bọc cho đám quả ổi trong vườn. Vết thương lòng của chị vẫn hở toác, đớn đau. Bốn năm anh bị bệnh nan y là chừng đó thời gian cả gia đình làm ra đồng nào là hết đồng ấy. Kinh tế không thể nào ngóc lên được mà tinh thần thì suy sụp thấy rõ. Lúc gần mất, anh cứ nhìn trân trân vào mặt vợ con mà không thể mở miệng, trăn trối nổi đôi lời.


Phun thuốc bằng bình thủ công giờ rất hiếm
 

Chị Văn (đã đổi tên) ở thôn Công Luận I thì sụt sùi khi kể với tôi về trường hợp của người con dâu, cháu nội rồi bố con dâu, cô ruột con dâu, anh trai con dâu đều mắc bệnh ung thư. Lúc con dâu phát hiện bệnh, đang mang trong bụng mình cái bào thai 6 tháng. Chị đã hết mực động viên bỏ cái thai ấy đi để cứu lấy mạng của mẹ nhưng nó nhất định không chịu.

Sinh con được 3 tháng thì mẹ ốm nặng. Trước khi mất người con dâu bị u chạy chèn lên các dây thần kinh khiến thị giác bị loạn lên, cứ luôn mồm kêu thảng thốt: “Mẹ ơi, sao con nhìn một mẹ lại thành ra hai mẹ thế này?”. Cũng còn may là đứa con thứ hai mới sinh không bị ung thư, phải lay lắt sống như ngọn nến sắp tàn giống người anh nó.

Sở dĩ chị Văn nằng nặc xin được đổi tên thật của mình bởi người chết thì đã chết rồi, người sống còn nhìn mặt nhau, nếu nói ra chuyện cả gia đình đằng ngoại của con dâu bị ung thư thì sẽ mất nốt tình thông gia… Bởi nhà có nhiều người mắc bệnh ung thư quá làm cho chính chị cũng bàng hoàng, hoang mang, đi nhiều nơi để dò nguyên nhân. Một GS ở Hà Nội sau khi nghe câu chuyện của chị liền hỏi nhà có ở gần khu giết mổ trâu bò, gần khu công nghiệp hay kho thuốc sâu nào không. Nhưng giờ ở nông thôn đâu đâu chẳng cận kề các khu vực không an toàn như vậy? Thậm chí người dân nông thôn còn đang sống trên “kho thuốc sâu” do chính mình tạo ra ngày ngày trên các cánh đồng, mảnh vườn mù mịt khói hóa chất.
 

Ngồi với cháu đây, lúc nữa bác có thể chết

Ông Chu Văn Quyết - 68 tuổi ở thôn Công Luận bị viêm phế quản mãn tính, cứ 1-2 tháng phải nằm viện một lần, mỗi lần 15-20 ngày, toàn là chọc thẳng kháng sinh liều cao vào mạch máu. Cơ thể người thương binh mất 61% sức khỏe này trở nên nhạy cảm với mọi thứ ô nhiễm hay đổi mùa. Nhà ông trồng cây công trình ít phải dùng đến thuốc BVTV nhưng những khi ruộng cam Canh, bưởi Diễn, quất cảnh kề bên rải hóa chất ào ào là phải vội vã ôm ngực, tháo lui vì đường thở bị bít gần hết, không thể chịu nổi.

Cũng là dạng dễ bị “chết đuối trên cạn” nhưng trường hợp của ông Đào Xuân Mích-72 tuổi người cùng thôn còn nặng đến mức đã nhiều năm nay ông phải thuộc lòng khẩu quyết đi nhẹ, nói ít và không dám đi ăn cỗ vì chỉ sợ cấp cứu không kịp thời. Hơn 20 năm sống chung với bệnh tắc nghẽn đường hô hấp, ngày 22/10/2014 ông là một trong những người đầu tiên trong cả nước được thử nghiệm đặt van một chiều ở phế quản.


Ông Mích: “Ngồi đây với cháu nhưng tí nữa chết cũng không chừng”
 

Nhờ đó, trước 1 năm quãng 10 lần đi viện thì giờ chỉ còn 3 lần nhưng ngồi nói chuyện với tôi ông vẫn cảnh báo: “Bác ngồi đây chơi với cháu nhưng tí nữa chết cũng không chừng đâu. Tư tưởng luôn xác định rõ như thế cho nó nhẹ nhàng cháu ạ!”.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm