| Hotline: 0983.970.780

Những bông hồng ép nở

Thứ Năm 10/01/2013 , 10:21 (GMT+7)

Ngược miền tây Thanh Hoá, dọc đường đi người ta dễ dàng chứng kiến những thiếu nữ miền sơn cước ở tuổi 14-15 bồng con, đó là hậu quả của nạn tảo hôn...

Ngược miền tây Thanh Hoá, dọc đường đi người ta dễ dàng chứng kiến những thiếu nữ miền sơn cước ở tuổi 14-15 bồng con, đó là hậu quả của nạn tảo hôn vẫn còn phổ biến.

>> Dựng lều học chữ
>> Quằn quại trong ''bão trắng''
>> Dưới đỉnh Sài Khao

LẤY CHỒNG TỪ THUỞ 13

Huyện Mường Lát là nơi xa xôi nhất của tỉnh Thanh Hóa. Ở các xã như: Mường Lý, Mường Chanh, Pù Nhi… khi đường sá còn khó khăn, điện chưa về được tới bản thì nơi đây vẫn đang phổ biến nạn tảo hôn cùng với những câu chuyện cười ra nước mắt.

Từ trung tâm huyện Mường Lát, chúng tôi phải đi hơn 30 km cheo leo trên những cung đường đất. Chỉ ít hạt mưa phùn đường đã trơn trượt, lầy lội, xe máy phải lắp bánh xích mới có thể bò lên được.

 Vừa lên tới đỉnh dốc Xa Lung, bản Xa Lung (xã Mường Lý) chúng tôi bắt gặp ngay một thôn nữ đang ngồi bên ngôi nhà sàn bế đứa con nhỏ với vẻ mặt nặng trĩu lo âu. Vừa dựng chiếc xe máy hỏi thăm đường vào UBND xã, thôn nữ này đã e ngại chạy ngay vào nhà.

Trong sự đồng cảm với những bà mẹ “nhí”, chúng tôi lân la mãi mới làm quen được Hật Thị Dua. Dua năm nay mới vừa tròn 15 tuổi nhưng đã lấy chồng từ năm 13. Đứa con gái của Dua là Thầu Thị Dủa được hơn 1 tuổi, ngày nào Dua cũng cho nó bú, ăn nhưng không hề có một tiếng ru hời. Thấy người lạ, Dủa khóc thét lên. Dua gượng cười rồi ôm chặt đứa con vào lòng bẽn lẽn vén áo lên cho con bú.

Tôi hỏi, em còn đi học không? Sao lại lấy chồng sớm vậy? Dua bảo, trước khi lấy chồng cũng có đi học ở Trường THCS Mường Lý. Ngày đó, Dua cũng vô tư như những học sinh người Mông khác. Sau buổi nghỉ cuối tuần, em về nhà lấy thêm rau, gạo chuẩn bị cho tuần học mới thì bố mẹ ở nhà không cho đến trường nữa.

“Bố bảo học không ra được gạo, lấy chồng rồi thích làm gì cũng được. Em bảo chưa có ai lấy thì ngay hôm sau bố dẫn về một chàng trai hơn 1 tuổi bảo cưới”, Dua tâm sự.

Theo phong tục của người Mông vùng biên viễn, con trai, con gái chỉ ở độ tuổi 13-15 đã được dựng vợ gả chồng. Nhất là vào thời điểm sau mùa màng và tháng giáp tết được coi là mùa cưới của người Mông.

 Phong tục của người Mông khi nào cũng ăn tết trước một tháng so với tết cổ truyền của người Kinh. Trong các ngày tết Mông có nhiều hoạt động văn hoá truyền thống như chơi cù, chơi khẳng, các lễ hội khác… nhưng không thể thiếu được tục bắt vợ. Chính vì vậy mà năm nào xã Mường Lý cũng có hàng chục đôi cưới xin theo hình thức tảo hôn.

Rời nhà Dua, chúng tôi tiếp tục ghé thăm nhà Lương Thị Toạ, 16 tuổi, ở bản Ún. Toạ chỉ mới 16 tuổi nhưng đã có đến 2 đứa con. Năm 2009, trong một lần đi nương, Toạ bị đám thanh niên quây lại bắt về làm vợ. Khi về tới nhà người con trai bắt mình, đang chuẩn bị làm lễ cúng ma thì Toạ bỏ chạy ra ngoài nên lần bắt vợ đó không thành. Do nhà hoàn cảnh khó khăn, lại đông anh em nên hầu hết anh em Tọa cũng được bố mẹ “cho” lấy vợ gả chồng sớm.

Ông Đinh Công Đại, Chủ tịch UBND xã Mường Lý, cho biết, theo phong tục của người dân tộc, bắt vợ và ngủ thăm ở đây vẫn còn rất phổ biến. Tuy nhiên, để đúng tuổi lấy vợ, lấy chồng thì rất hiếm. Hầu hết các đám cưới đều dưới 18 tuổi. Theo thống kê của ông Đại, hằng năm xã Mường Lý chiếm tới 30-40% các đôi tảo hôn chủ yếu tập trung ở các bản người Mông như: bản Muống 1, Xì Lồ, bản Ún, Trung Thắng, Sài Khao.

Vừa đi học vừa lấy vợ

Ở trường THCS Mường Lý năm học nào cũng có vài trường hợp học sinh bỏ học về lấy vợ, lấy chồng. Thầy Mai Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Mường Lý, cho biết, nhà trường có 308 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9. Tính khoảng 5 năm trở lại đây cũng có tới 30-40 trường hợp nghỉ học giữa chừng, trong số này chiếm tới 80% là lấy vợ lấy chồng.

Điển hình như năm học 2012-2013, trường có tới 4 trường hợp bỏ học về lấy vợ, lấy chồng như em Vàng Pó Ly, bản Sài Khao; Thào Thị Giống, bản Muống 1; Thào Thị Xoa, bản Muống 1; Hơ A Sù, bản Muống 2.

Thầy Dũng giải thích: Người Mông thời gian ăn tết dài là lúc các đôi trai gái vui chơi thoả thích trong men rượu và tục bắt vợ nên sau khi ra tết không tránh khỏi trường hợp học sinh bỏ học.

Khi chúng tôi lên Mường Lý cũng là thời điểm cuối tuần, nhiều học sinh bán trú ở trường THCS Mường Lý đã về nhà lấy lương thực. May mắn chúng tôi gặp được Vàng Pó Ly. Ly năm nay mới 15 tuổi, học sinh lớp 9B nhưng em đã lấy vợ được một năm. Vợ của Ly Sùng Thị Dê (14 tuổi), không còn theo học nữa nên hằng ngày Dê lên nương làm rẫy cùng gia đình, còn Ly vẫn miệt mài tìm chữ.

Gặp chúng tôi Ly tỏ vẻ ngượng ngùng khi hỏi về việc lấy vợ của mình. Tôi hỏi, sao lấy vợ rồi vẫn còn đi học? Ly bảo: Đi học lấy cái chữ sau này về nhà làm cho vợ chứ. Tôi hỏi tiếp, lấy vợ do gia đình bắt ép hay theo phong tục bắt vợ? Ly cười hiền nói: “Không phải bố mẹ bắt đâu, ta yêu thật chứ, ta yêu thật ta mới cưới mà”. Một tuần về với vợ mấy lần?, tôi hỏi. "Không về đâu, khi nào hết gạo, hết rau mới về. Về nhiều vợ lại không cho đi học nữa. Lâu không thấy về nhà vợ lại mang rau, gạo lên trường". Biết mình có vợ, bạn bè trong lớp có trêu ghẹo gì không? "Quen rồi, phong tục người Mông ta không ai trêu đâu. Bằng tuổi như ta ở bản mà không còn đi học chúng nó đã có hai, ba con rồi đấy".

“Cứ bắt đầu tháng 12 dương lịch, người Mông lại ăn tết theo phong tục tập quán riêng của họ. Nhà trường đã tuyên truyền cho các em phải đi học, đến lớp đầy đủ. Nhưng năm nào thời gian ra tết học sinh cũng phải nghỉ trên dưới chục người”, thầy Dũng cho biết.

Cũng như Ly, Thào Thị Xoa, học sinh lớp 8A, bản Muống 1 cũng mới lấy chồng được gần một năm trong đợt tết bắt vợ của người Mông năm ngoái. Sau tết, Xoa vẫn lên lớp đi học bình thường, thầy cô, bạn bè không biết Xoa đã có chồng. Mãi đến khi cái bụng dần to ra, em không thể đi học được nữa thì mọi người mới tá hoả.

Nói về việc học sinh của mình lấy vợ lấy chồng sớm, thầy Dũng cho biết do phong tục tập quán của người dân tộc nên nhà trường không thể can thiệp được. Trong mỗi giờ sinh hoạt, các thầy cô giáo cũng tuyên truyền, giáo dục các em về hôn nhân gia đình nhưng dường như không thể thắng được tập tục.

Điều khiến thầy Dũng nhớ nhất trong những ngày lên lớp của mình là các câu hỏi ngây ngô, thật thà đến lạ thường của học sinh. Lần đầu tiên thầy Dũng lên công tác miền núi, một học sinh đứng lên hỏi: “Thầy đã có vợ chưa?”, thầy Dũng liền đáp, chưa. Ngay lập tức cậu học trò này buông câu xanh rờn: “Thế thì thầy thua tao rồi”. Thầy Dũng hỏi lại, sao lại thua? Cậu học sinh này đáp: “Tao có vợ rồi đấy”. Thầy Dũng hỏi tiếp: Tuổi như các em lấy vợ thì biết cái gì? Cậu học trò này đáp lại: “Thầy nói sai rồi, ta biết sướng rồi đấy".

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.