| Hotline: 0983.970.780

Thú vị nhà cổ đất võ

Những căn nhà vô giá

Thứ Tư 26/03/2014 , 07:00 (GMT+7)

Do sử dụng toàn là gỗ quý, lại được chạm khắc rất công phu nên hiện nay có nhiều ngôi nhà trở nên vô giá.

Vật liệu để làm một căn nhà của ông bà xưa ngoài tre, tranh, đất; phần nội thất hầu như sử dụng toàn bằng gỗ. Do sử dụng toàn là gỗ quý, lại được chạm khắc rất công phu nên hiện nay có nhiều ngôi nhà trở nên vô giá.

Ba năm mới làm xong một nhà

Một lần gặp cụ Bốn Kỉnh, người thợ già chuyên làm nhà lá mái ở thôn Kiều Uyên, xã Cát Tân (Phù Cát, Bình Định), tôi được nghe câu chuyện thú vị: “Lúc tôi còn học nghề, thầy bảo ngày xưa làm một ngôi nhà lá mái ít nhất phải mất 3 - 4 năm. Cả hiệp (nhóm) thợ hàng mấy chục người ăn ở ngay tại nhà chủ, làm cho đến khi xong cái nhà. Nhiều anh thợ trẻ vừa cưới vợ, gặp vợ mắn đẻ sinh năm một, làm xong cái nhà đã kịp có 3 đứa con”.

Theo ông Đặng Mộng Huỳnh (SN 1937), người đang trông coi nhà từ đường của họ Đặng ở thôn Mỹ Thuận, xã Tây Bình (Tây Sơn), cho hay, từ đường của họ Đặng được xây dựng trên diện tích rộng đến 2 sào đất, cách đây đã gần 200 năm. Căn nhà được xây dựng hình chữ “môn”, nhà giữa gồm 3 gian bàn pha, phía trước là 3 gian cửa cổng, chái mái, kèo lưng lận; trong nhà ngạch ngưỡng.

"Bốn cái trụ gỗ giữa nhà được làm bằng cây sơn và xay, lúc tôi đã 17 tuổi vòng tay ôm mới hết một trụ. Những đồ trang trí nội thất trong nhà như những con rồng, két, dơi hoặc quả lựu… đều làm bằng gỗ quý như trắc, thò đo, và được chạm khắc rất đẹp. Riêng hai đầu kèo được chạm hai đầu rồng to tướng. Với ba gian thờ, thợ chạm có tay nghề cao ở Kiều Uyên (Phù Cát) phải làm đến 2 năm mới xong. Mỗi sáng sớm bà cố tôi phải nấu cơm cho hiệp thợ 24 người ăn, hơn 3 năm mới hoàn thành căn nhà”, ông Huỳnh nói.

Quan sát phần gỗ trong những căn nhà xưa, tôi thấy hầu như được làm giống nhau. Dàn cửa chính được làm theo kiểu thượng song hạ bản, trên là những song tiện, dưới là những bản gỗ được xoi chỉ rãnh, chạm khắc cỏ cây hoa lá công phu. Vùng nhiều trộm cướp, cửa được làm bằng gỗ sung, thứ gỗ có đặc tính rìu chặt không tách, búa đánh không vỡ.

Giàn cột, kèo, xiên… đều sử dụng gỗ tốt: lim, sơn, sầm ná, xay, mít… Trừ những cây cột được bào nhẵn, tất cả những thành phần khác bằng cây gỗ đều được xoi, chạm hoa lá, chim, nai, sóc, dơi, cây đàn… rất công phu. Một số nhà đầu kèo mái trước còn tạc hình đầu rồng. Các đường diềm ba khám trên cao, các hàng bạo xổ hai bên cột được chạm thủng khiến những gian thờ cúng với các tủ thờ, án thờ tạo nên vẻ đẹp vừa trang nghiêm vừa nhẹ nhàng thanh thoát.

Bao nhiêu tỷ cũng không bán

Trở lại Quách Trọng đường, một trong bốn từ đường của dòng họ Quách ở làng Thuận Nghĩa (Tây Sơn, Bình Định), căn nhà được phái đoàn Nhật Bản đánh giá là được bảo quản khá tốt, và được họ đưa vào danh sách những ngôi nhà cổ ở Bình Định được hỗ trợ cho việc bảo tồn.

Ông Quách Thanh Tâm, thừa tự từ đường nói trên, cho biết: “Trong những năm qua, đã có rất nhiều phái đoàn gồm các nhà nghiên cứu trong nước về khảo sát 4 căn nhà từ đường của dòng họ Quách. Mới đây nhất, vào ngày 31/8/2011, trong lần phái đoàn chuyên gia người Nhật Bản đi thăm những căn nhà cổ ở TX. An Nhơn và huyện Tây Sơn có ghé đến đây. Mặc dù Quách Trọng đường chỉ được làm 3 gian 2 chái, quy mô không bằng từ đường chính của dòng họ Quách (5 gian 2 chái) nhưng nhờ còn giữ được khá nhiều nguyên bản nên được phái đoàn Nhật Bản đưa vào danh sách hỗ trợ bảo tồn”.

14-28-48_anh-2
Quách Trọng đường được bảo tồn khá nguyên vẹn

“Những ngôi nhà xưa thuộc quyền sở hữu tư nhân nên lâu nay việc bảo tồn đều do từng gia đình đảm nhiệm. Mặc dù có quy mô nhỏ và có ảnh hưởng không lớn, nhưng số lượng nhà xưa được gìn giữ đến ngày nay còn lại khá nhiều. Chính sự hiện diện của những ngôi nhà lá mái đã tạo cho làng quê Bình Định một diện mạo, một sắc thái rất riêng”, ông Nguyễn Thanh Quang, Trưởng phòng nghiệp vụ
Ban Quản lý di tích tỉnh Bình Định.

Theo ông Tâm, nhà từ đường ông đang thừa tự còn giữ được những cánh cửa sổ được làm từ khi xây dựng nhà; tường phía sau nhà còn giữ được tường đất; chân tường còn những hàng đá ong nhằm chống “đạo chích” đào ngạch vào trộm.

“Trước đây, có người đến đặt vấn đề với gia đình về việc xin chuyển căn nhà này lên đặt ở Bảo tàng Quang Trung để khách quốc tế thăm bảo tàng được thưởng lãm những nét tinh tế của căn nhà cổ của Việt Nam. Họ đưa ra 2 điều kiện, một là đưa hết bàn thờ ông bà lên đó để thờ, tôi cũng lên theo trông coi hương khói; hai là để họ dời nhà đi, bù lại họ sẽ cất cho tôi một căn nhà hiện đại với quy mô… tùy ý chủ nhà. Thế nhưng tôi lắc đầu, bởi đây là di tích của tổ tiên, trong từng cây cột, thanh gỗ chứa đầy hơi thở, cuộc sống của tổ tiên ông bà nên dù có giá hàng bao nhiêu tỷ đồng tôi cũng không thể bán”, ông Tâm trải lòng.

Ngoài 4 căn nhà từ đường của dòng họ Quách ở làng Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong (Tây Sơn) còn được giữ khá nguyên vẹn; ở Bình Định còn rất nhiều ngôi nhà cổ khác nằm ở các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ và đặc biệt là tại phường Nhơn Thành (TX. An Nhơn), vùng đất nằm sát nách kinh thành Hoàng Đế xưa; tuy nhiên hầu hết đã hư hỏng nặng.

Theo tài liệu khảo sát và thống kê nhà ở dân gian truyền thống năm 2004 của Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bình Định, những ngôi nhà cổ nhất hiện còn, có niên đại khoảng trên dưới 200 năm. Và hiện nay toàn Bình Định chỉ còn vài nhà cổ còn lợp tranh hoặc rạ đang trong tình trạng hư hỏng nặng, hàng trăm nhà lá mái khác được thay thế mái lá bằng mái ngói hoặc mái tôn. Đa phần nhà lá mái chỉ còn giữ lại nhà chính (3 gian 2 chái). Để chống mối, một số gia chủ không những thay vách đất bằng gạch mà còn tháo dỡ cả mái đất chỉ để lại lớp trần sìa.

Trước đây, phần lớn những ngôi nhà xưa ở Bình Định được gìn giữ với ý thức giữ lại di tích của tổ tiên lưu truyền. Về sau, chủ nhân các ngôi nhà hiểu ra rằng: Ngoài giá trị tình cảm thiêng liêng của dòng tộc, còn có một giá trị khác là giá trị văn hóa. Đặc biệt, từ sau đợt điều tra kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống tỉnh Bình Định lần thứ nhất vào năm 2004, đã làm tăng nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và nhân dân bảo vệ di sản văn hóa tại địa phương nói chung và nhà lá mái nói riêng.

“Từ khi được tiếp đón các vị khách là những thành viên tham gia dự án nghiên cứu, đo vẽ, chụp ảnh, ghi chép, phỏng vấn về từ đường, tôi càng hiểu thêm giá trị ngôi nhà mình ở. Ngôi nhà không chỉ là tài sản riêng của dòng họ, mà cao hơn thế, nó còn được xem như là tài sản văn hóa chung của cộng đồng", cụ Quách Văn Bôm, đời thứ 10 của dòng họ Quách, tâm sự.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.