| Hotline: 0983.970.780

Những cánh đồng dưa hấu... đắng

Thứ Hai 18/04/2011 , 08:32 (GMT+7)

Nếu như Quảng Trị, một tỉnh Bắc Trung bộ đang nguy cơ mất mùa nhiều cây trồng vụ đông xuân thì phía trong đèo Hải Vân, sản xuất nông nghiệp cũng bị thiệt hại nghiêm trọng do mưa lạnh bất thường.

Nếu như Quảng Trị, một tỉnh Bắc Trung bộ đang nguy cơ mất mùa nhiều cây trồng vụ đông xuân thì phía trong đèo Hải Vân, sản xuất nông nghiệp cũng bị thiệt hại nghiêm trọng do mưa lạnh bất thường.

Với nông dân Quảng Nam, vụ dưa đông xuân này thật… đắng! Mệt mỏi nhổ từng dây dưa hấu xanh um chất thành những đống cao ngất, giọng ông Ngô Thanh Dũng (thôn Bích Nam, xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành) buồn bã: “Ông trời thiệt là ác, cuối tháng 3, đúng vào thời điểm cây dưa hấu ra hoa rộ thì không khí lạnh bất ngờ ập tới, mưa dầm suốt mười ngày liền khiến ruộng dưa không đậu quả, dù chỉ một trái. Để nó tồn tại cũng vô ích, mấy ngày nay vợ chồng tui phải ngậm ngùi phá bỏ. Hơn 12 triệu đồng trút vào đây giờ đã tiêu tan rồi, khổ hết biết”.

Ông Dũng có 10 sào đất màu, trước đây chủ yếu chuyên canh đậu phụng. Đầu vụ đông xuân năm nay, vợ chồng ông quyết định chuyển toàn bộ diện tích sang trồng cây dưa hấu, những mong kiếm được nguồn thu nhập khá hơn. Nào ngờ, ngay lần đầu tiên làm quen với loại cây ấy, người nông dân nghèo khó này đã phải… ôm nợ. Không riêng gì ông Dũng, cả trăm gia đình khác ở xã Tam Xuân 2 cũng cùng chung cảnh ngộ. Theo ngành nông nghiệp Núi Thành, hiện nay tại địa phương có ít nhất 45 ha đất trồng dưa hấu Hắc Mỹ Nhân (chủ yếu chuyển đổi từ cây đậu phụng qua) bị hư hại nghiêm trọng vì mưa lạnh, trong đó gần hai phần ba diện tích mất trắng hoàn toàn.

Tam Xuân 2 không là cá biệt. Hôm qua 17/4, lội khắp đồng đất huyện Phú Ninh, đâu cũng thấy cảnh nông dân rầu lòng bên những ruộng dưa hấu chỉ toàn là… dây và lá. Khoanh tay đứng nhìn 3 sào dưa của mình, ông Huỳnh Văn Đáng (thôn Cẩm Khê, xã Tam Phước) lắc đầu: “Mưa lạnh kéo dài, bây giờ hoa đã ra đến đợt thứ 3 rồi mà dưa vẫn chưa có trái. Kiểu ni, không chỉ mất đứt gần 3 tháng công chăm sóc mà 5 triệu đồng vốn đầu tư chắc cũng bay luôn”.

Đâu chỉ mình vợ chồng ông Đáng khốn đốn, hàng trăm hộ dân trồng dưa trên địa bàn Phú Ninh cũng đang khóc dở, mếu dở. Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Văn Kỉnh – Trưởng trạm Khuyến nông Phú Ninh cho biết, vụ đông xuân này, nông dân toàn huyện tổ chức sản xuất khoảng 630 ha dưa hấu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng trực tiếp bởi 2 đợt không khí lạnh tăng cường hồi giữa và cuối tháng 3 nên hơn 65% diện tích đã xảy ra hiện tượng có bông nhưng không đậu quả.

Trưa qua 17/4, ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN- PTNT Quảng Nam cho biết, vụ này, nông dân trên địa bàn tỉnh trồng tổng cộng 1.650 ha dưa hấu. Do mưa lạnh kéo dài và dịch bệnh bùng phát đã khiến gần 800 ha bị mất mùa nghiêm trọng, tập trung chủ yếu tại Tam Kỳ, Núi Thành, Duy Xuyên, Điện Bàn, Phú Ninh...

Tại những vùng chuyên canh dưa hấu nổi tiếng ở xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ, xem ra tình hình cũng không sáng sủa mấy. Theo thống kê mới nhất, trong số gần 130 ha đất trồng dưa hấu của khoảng 210 hộ dân nơi đây thì đã có hơn một nửa bị thất thu nghiêm trọng.

Không chỉ lao đao vì những đợt mưa dầm dề, lạnh tái tê, người trồng dưa hấu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn khổ sở với tình trạng các loại dịch bệnh nguy hiểm gây hại trên diện rộng. Chỉ tay về phía 2 sào dưa hấu úa vàng của mình, bà Lê Thị Hường (thôn Thanh Châu, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên) ngao ngán: “Ruộng dưa đang ra trái rộ thì đùng một cái bệnh sương mai và thán thư bùng phát mạnh khiến cả thảy đều bị cháy lá, dây khô héo dần. Để cứu nó, gần nửa tháng nay tui phun mấy lần thuốc rồi mà vẫn chưa diệt được nấm bệnh. Giá dưa trên thị trường đang cao ngất ngưởng mà trái nào cũng teo tóp, mần răng cân bán”.

Dịch lở mồm long móng trên gia súc vừa tạm lắng thì đến lượt lúa không ngậm sữa, rồi dưa hấu mất mùa, không biết bao giờ cái vòng rủi ro ấy mới thôi đeo bám người nông dân xứ Quảng?

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Thủ phủ cam Cao Phong tái canh để cứu cây đặc sản

Cao Phong, Hòa Bình từng là thủ phủ cam nổi tiếng của miền Bắc nhưng khi giá bán hạ, bệnh phát sinh khiến địa phương này phải tính đến bài toán tái canh.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.