| Hotline: 0983.970.780

Những chiêu “bịt mắt bắt dê”

Thứ Hai 28/01/2013 , 10:20 (GMT+7)

Người nông dân đang bị lạc vào giữa ma trận các sản phẩm phân bón hàm lượng thấp, thậm chí cực thấp bởi sự nhập nhèm giữa hình thức in trên bao bì và chất lượng thực tế…

Người nông dân đang bị lạc vào giữa ma trận các sản phẩm phân bón hàm lượng thấp, thậm chí cực thấp bởi sự nhập nhèm giữa hình thức in trên bao bì và chất lượng thực tế…

Náo loạn thị trường

Vài năm trở lại đây, thị trường các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc xuất hiện nhiều loại phân bón hàm lượng thấp, thậm chí cực thấp mang cái mác phân trung lượng. Lợi dụng trình độ hiểu biết còn hạn chế của nhiều bà con, các loại phân này cạnh tranh mạnh mẽ với sản phẩm của các Cty lớn bằng cách “đi đêm”, đánh thẳng vào hệ thống phân phối cỡ vừa và nhỏ. Anh Nguyễn Đình Thế ở thôn Cầu Xi, xã Ngọc Châu (Tân Yên, Bắc Giang) là đại lý vật tư nông nghiệp cỡ nhỏ, mỗi vụ bán khoảng chục tấn phân bón. Xã Ngọc Châu có hàng chục đại lý như anh với đặc điểm chung là bán cả thuốc BVTV lẫn phân bón trong đó có các loại phân bón trung lượng như Nam Kinh, Đại Sơn… Mức lãi khi bán loại phân hàm lượng dinh dưỡng thấp này thường gấp đôi, gấp ba so với các chủng loại phân của các Cty lớn.

Khác với bán trực tiếp cho bà con như anh Thế, Phạm Ngọc Thịnh - đại lý cỡ lớn ở xã Ngọc Thiện (Tân Yên) chuyên đầu tư cho những đại lý nhỏ hơn. Ông Thịnh cho hay bên cạnh mặt hàng quen thuộc, có thương hiệu như NPK Lâm Thao, lân Lâm Thao, đạm Hà Bắc bán được số lượng lớn, vài năm gần đây cửa hàng còn bán dòng sản phẩm phân bón lót hàm lượng thấp (phân trung lượng - PV). Đặc điểm chung của dòng sản phẩm này là cho đại lý chịu tiền vài trăm triệu vô tư; thường ghi trên bao bì các công thức như 5-10-3, 16-12-8, 7-8-3… rất to nhưng mặt sau ghi thành phần bằng chữ rất nhỏ, nhỏ như chính thành phần thực tế của chúng.


Hàng chất đầy trong kho

Ví dụ như phân con én HP hàm lượng ghi trên bao bì N 2,5%, P 0,7%, K 1,5%, giá bán 4.000 đ/kg; phân bón Cty Sơn Trang dòng sản phẩm Nam Kinh bao bì trong veo thấy rõ cả ba loại hạt ghi can xi 5%, đạm 0,8%, lân 0,8%, giá bán 4.400 đ/kg; Sơn Trang dòng sản phẩm bao dứa giá 4.000 đ/kg. Hỏi tại sao lại bán những loại phân có hàm lượng cực thấp này, ông Thịnh phân bua: “Bán hàng thì phải chiều khách, phải đa dạng hóa sản phẩm!”.

Anh Ong Thế Thành - Phó Giám đốc Chi nhánh Tân Yên của Cty CP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Giang cho hay: “Dòng sản phẩm phân bón hàm lượng thấp xuất hiện trên thị trường ba, bốn năm nay với cái tên dân quen gọi là phân bón ba màu. Do chất lượng kém nên chúng thường thay đổi mẫu mã và tên Cty liên tục mỗi khi dân tỉnh ngộ. Bao bì của những dòng sản phẩm này chỉ ghi lập lờ phân bón trung lượng, 5-10-3 đáng là thành phần dinh dưỡng thì nay trở thành tên gọi. Lời cao do vốn không mất, do được trích hoa hồng nhiều nên nhiều đại lý đua nhau phân phối theo hình thức “bán bia kèm lạc”, nếu lấy một tấn hàng kém sẽ bán cho một tấn hàng xịn với giá thấp hơn giá thị trường vài ngàn đồng một bao”.

Rời huyện Tân Yên, chúng tôi sang huyện Yên Dũng khảo sát. Tình hình cũng rối loạn tương tự. Vợ đại lý tên Dũng ở xã Quỳnh Sơn không hề giấu diếm khi cho biết mỗi năm chị phải tiếp hàng chục đoàn tiếp thị, chào hàng các chủng loại phân bón mới (phần đa là sản phẩm của các Cty nhỏ, hàm lượng dinh dưỡng thấp): “Họ chỉ mang theo vỏ bao cùng một vài cân hàng mẫu. Cứ bỏ ra tay miết cái là biết ngay chất lượng của phân, lắm loại như toàn bùn đất. Hàng của Cty Sơn Trang chúng tôi bán được hai năm nay, loại bao dứa chất lượng kém, dùng một vụ dân bỏ, chỉ còn dòng sản phẩm bón thúc 10-10-5 dân vẫn dùng để bón thúc lúc lúa trổ đòng. Những gì mới dân chưa biết rất thích dùng thử, chúng tôi bán hàng cũng sướng vì bảo bao nhiêu dân mua bấy nhiêu mà không biết giá thực”.

Dùng tiền thật mua hàng giả

Ông Nguyễn Khang, Chủ tịch HĐQT Cty CP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Giang kể rằng chính mình đã từng nói chuyện với giám đốc một hãng phân bón loại hàm lượng cực thấp rằng: “Chú bán hàng thế là giết nông dân”. Tay giám đốc đốp lại ngay: “Đâu có, chúng em giúp nông dân tiếp cận hàng giá rẻ đó chứ. Hàng trung chuyển qua Kế (TP Bắc Giang) chỉ giá trên 3.000 đ/kg nhưng khi xuống các đại lý họ nói vống lên tới 5.000 - 7.000 đ/kg thì em cũng chịu”.

“Người nông dân thường không hạch toán kinh tế cụ thể, mua phân chất lượng kém, giá rẻ về bón thấy cây trồng lâu phát triển lại vãi thêm đạm, thêm kali để thúc vào. Tính ra một tiền gà, ba tiền thóc”.

Ông Khang càng bức xúc thêm: “Trung lượng ghi trên bao bì chẳng biết có thực là trung lượng hay không nhưng kể cả có, những trung lượng đó cũng chỉ như chất xúc tác còn muốn tăng năng suất cho cây trồng phải có đạm, lân, kali cũng như con người muốn phát triển phải có thịt, cá, trứng, sữa. Phân NPK theo luật không được dưới 18% hàm lượng tổng số của N, P, K nhưng chúng lách bằng cách thay vì ghi NPK thì ghi phân trung lượng, vi lượng nên bón dăm ba, thậm chí cả chục bao phân loại này mới bằng một bao phân xịn”.

Thời gian vừa qua, Cty CP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Giang đã kết hợp với Cty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo hướng dẫn sử dụng và chọn lựa phân bón, có ngày tới 4 cuộc. Hội thảo nào diễn giả cũng phải đem theo đống vỏ bao để giới thiệu đâu hàng xịn đâu hàng kém. Chính ông Giám đốc Cty Vật tư nông nghiệp tỉnh phải đích thân nhiều cuộc đi rình mò, điều tra tình hình dưới cơ sở để dàn binh, bố trận nhưng rốt cuộc phải chua xót mà than rằng: “Hàng giả còn bày bán lén lút chứ loại hàng này bày bán công khai, có phản ánh với các cơ quan quản lý thị trường, thanh tra Sở Nông nghiệp họ cũng bó tay vì hàng đó có vẻ không phạm luật, không biết bắt bẻ vào đâu”.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất