| Hotline: 0983.970.780

Những chuyến đi không ngừng nghỉ

Thứ Năm 21/06/2012 , 22:34 (GMT+7)

Làm báo Nông nghiệp nghĩa là đến với nông dân. Những chuyến đi để Đến với nông dân của anh em phóng viên chúng tôi triền miên hết ngày này đến tháng khác. Càng đi, tôi càng cảm nhận được sâu sắc một điều: Bà con nông dân mình khổ quá.

Làm báo Nông nghiệp nghĩa là đến với nông dân. Những chuyến đi để Đến với nông dân của anh em phóng viên chúng tôi triền miên hết ngày này đến tháng khác. Đi theo một lá thư, một cú điện thoại gọi khẩn cấp, đi theo một tờ “đơn kêu cứu” hay “đơn tố cáo”, và đi mỗi khi phát hiện một vấn đề mới nẩy sinh ở nông thôn…

Càng đi, tôi càng cảm nhận được sâu sắc một điều: Bà con nông dân mình khổ quá. Không biết trên đời này có còn ai khổ như những người nông dân? Đời này qua kiếp khác, những người nông dân chỉ biết “ăn của đất, uống của trời” thôi chứ nào có cướp đoạt của ai đâu. Thế mà từ hàng chục năm nay, nỗi lo mất đất gần như bao phủ khắp mọi miền quê. Mỗi khi giặc đến, người nông dân không bao giờ khóc, nhưng không biết bao nhiêu người nông dân đã bật khóc trong hòa bình (được đổi bằng máu xương hàng triệu con em của họ) khi buộc phải cầm số tiền “đền bù” chỉ 19.300 đồng cho một mét vuông đất bờ xôi ruộng mật để rồi sau đó bị mất đất vĩnh viễn. 19.300 đồng một mét vuông? Không ai có thể trả lời được là số tiền đó được tính toán, hình thành trên cơ sở nào? Không biết bao nhiêu đêm tôi đã thức trắng cùng họ bên cánh đồng để “chia tay với đất”. Những cuộc chia tay đầy ứ nỗi đắng cay, bởi nó đồng nghĩa với việc họ bị đẩy bật ra khỏi cái mạch sống ngàn đời trên những mảnh ruộng để rồi phải tự mình xoay xở mà chẳng trông chờ được vào bất cứ sự giúp đỡ nào. Sáng ngày mai. Vâng, chỉ sáng ngày mai thôi. Một lực lượng hùng hậu sẽ kéo tới để bảo vệ cho hàng chục chiếc xe ben lớn không biết từ đâu ào ào lao tới, trút không thương tiếc những đất cùng đá xuống cánh đồng, vùi lấp không thương tiếc cỏ cây. Và tiếp theo là hàng đàn máy ủi, máy gạt tràn tới đầm nén, chà xát…


Nhà báo Vũ Hữu Sự trăn trở trước tình trạng nông dân mất đất

Đầu tháng 6 này tôi trở lại Tiên Lãng (Hải Phòng). Người đầu tiên tôi gặp là ông Lương Văn Trong, một nông dân ở làng Thủy Hưng, xã Đông Hưng. Đầm nuôi thủy sản hơn 6 ha của ông mới được thả tôm trở lại vài tháng nay, con tôm mới chỉ nhỉnh hơn cái ruột rơm một chút. Ông bảo:

- Thực ra cái lệnh dừng đầu tư vào đầm và quyết định thu hồi đầm của UBND huyện Tiên Lãng đối với tôi cũng như một số bà con khác vẫn chưa bị cấp nào hủy. Nhưng dựa vào những lời phán quyết của Thủ tướng, chúng tôi cứ liều mà đầu tư thả tôm giống, cá giống thôi.

Cùng ông lang thang trên khu đầm, tôi lạnh người khi nghĩ đến công sức và nỗi nhọc nhằn mà những người nông dân như ông đã bỏ ra để biến một vùng biển trở thành đầm nuôi trồng thủy sản. Vợ ông, một bà nông dân dáng dấp rất lam lũ, kể:

- Từ thắt lưng trở xuống dầm trong nước biển. Còn từ thắt lưng trở lên là dầm trong mồ hôi. Mồ hôi và nước biển không biết thứ nào mặn hơn thứ nào, bác ạ. Mấy sào ruộng cấy vụ nào cũng bán non để lấy tiền đổ xuống biển. Mùa đến, người mua sợ mình ăn mất thóc nên gặt khỏi ruộng là họ đến thu không đợi đến lúc phơi già. Đắp được một đoạn hôm nay, đêm nước lên hay dông gió, sáng mai ra đã mất tăm mất tích rồi. Nhìn chồng con lại đầm mình dưới biển, vỏ trai vỏ hà cứa vào tay vào chân túa máu ròng ròng, đám đàn bà chúng em chỉ còn biết ôm mặt khóc…

Ngót chục năm trời vật lộn, biển mới thành đầm, vừa hồi lại được mấy năm, nợ vẫn chưa trả hết thì cuối năm 2004, hàng chục chủ đầm trong khắp huyện chết lặng đi trước thông báo: Dừng đầu tư để thực hiện kế hoạch số 58 của UBND huyện. Mà kế hoạch số 58 là gì? Không thèm đếm xỉa đến Luật đất đai, không thèm báo cáo UBND TP Hải Phòng, không cần UBND TP phê duyệt theo quy định bắt buộc tại điều 24 Luật đất đai năm 2003, UBND huyện Tiên Lãng tự cho mình cái quyền thu hồi các đầm nuôi trồng thủy sản do người dân tự bỏ của bỏ công quai đắp về giao cho UBND các xã quản lý mà không bồi thường. Tiếp sau đó là hành loạt hành vi ép dân: Buộc phải làm đơn xin giao lại đầm, buộc phải cam kết không đòi bồi thường, buộc phải ký vào các biên bản bàn giao đầm lập sẵn, có dấu sẵn của phòng TN&MT huyện…

- Đó thực sự là việc tịch thu tài sản của dân, bác ạ. Nguồn gốc sâu xa nhất của việc này, có lẽ là do một số người ở huyện tối mắt trước nguồn lợi mà những đầm nuôi trồng thủy sản này sẽ mang lại.

Không còn chữ nào có thể chính xác hơn là chữ “tối mắt” ấy. Khi người nông dân nhìn thấy tiềm năng của thiên nhiên, quyết tâm bắt thiên nhiên phải nhả ra của cải để làm giầu cho mình và cho xã hội, thì một số kẻ trong bộ máy chính quyền lại “tối mắt” trước thành quả của họ. Cách đây mươi năm, tôi đã phải chứng kiến một trường hợp y hệt như trường hợp của những người nông dân Tiên Lãng này. Thấy bãi biển Đông Nam Điền (Nghĩa Hưng, Nam Định) có thể nuôi được ngao, ông thú y Nguyễn Văn Lâm đã xin thuê hơn chục ha mặt nước để làm công việc đó. Khi còn phải bán hết nhà cửa, ruộng vườn cho đến con bò giống để đổ xuống biển, và mấy lần bị biển vật cho trắng tay thì Lâm là “người anh hùng” là “tấm gương sáng” chinh phục biển để mọi người noi theo, đài huyện không mấy ngày không nhắc đến tên ông kèm những lời ca ngợi. Nhưng khi những xe ngao của Lâm bắt đầu lên đường xuất sang Trung Quốc thì ông bỗng biến thành kẻ… lấn chiếm đất công (bãi biển).

Chờ đúng lúc ông vừa thả ngao giống, người ta thu hồi mặt nước đem đấu giá. Đấu giá mặt nước nhưng kỳ thực là “đấu” hàng tỷ đồng ngao giống bên dưới. Khi về Đông Nam Điền theo phân công của tòa soạn báo NNVN để thực hiện loạt bài điều tra về nỗi bất công mà ông Lâm phải chịu, tôi đã bị đồn biên phòng bắt giữ từ 9 giờ sáng vì những lý do… chẳng liên quan gì đến biên phòng. Thấy tôi bị bắt, mấy chục bà con đã kéo đến đồn đòi phải thả tôi. Nhưng chỉ đến khi nhà báo Trần Mạnh Sỹ (Đài PT&TH Nam Định) chạy đến đập cửa phòng Bí thư Tỉnh ủy làm ầm lên, thì tôi mới thoát. Lúc đó đã 2 giờ chiều. Mãi sau mới biết, chuyện Nguyễn Văn Lâm mất bãi cũng chỉ vì một số người có chức có quyền ở huyện “tối mắt”.


Nông dân xã Tề Lỗ (Yên Lạc - Vĩnh Phúc) kể về những bất công trong thu hồi đất

Những kẻ “tối mắt” ấy, tiếc thay, lại có khá nhiều ở các cấp chính quyền. Và chính những kẻ đó, đang họp thành một “bầy sâu” (lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang) càng ngày càng đông thêm, chứ không phải ai khác, đã đẩy không biết bao nhiêu người nông dân vào cảnh tan cửa nát nhà, tạo nên một lớp “dân oan” càng ngày càng đông đảo. Đến với những người nông dân đang phải chịu ngàn vạn nỗi bất công ấy, chúng tôi chẳng còn biết làm gì hơn là chia sẻ với họ, nói lên một sự thật trên công luận. Nhưng buồn thay, sự thật đó nào có ích gì, khi “bầy sâu” không còn đơn lẻ nữa mà đã kết thành bè thành mảng để tiêu diệt sự thật, vùi dập công lý?

Nói đến “dân Việt” là nói đến nông dân. Chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân. Nếu không đất nước sẽ như một cánh đồng cỏ khô. Thêm một người dân phải chịu sự bất công là thêm một đốm lửa ném vào cánh đồng chực cháy... 

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm