| Hotline: 0983.970.780

Những con lợn biết… cười

Thứ Ba 04/08/2015 , 09:38 (GMT+7)

Lũ lợn trong trại tiếp tôi bằng những cái “cười” nhệch mồm rất… lợn. Chúng “cười” là điều hiển nhiên bởi vì đã được loại bỏ gen gây ra buồn khổ.

Lực sĩ có trái tim mong manh

Kĩ sư Cao Thị Hảo - Khoa Chăn nuôi và Nuôi trồng thủy sản (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) bảo những con lợn không sợ hãi này sống rất tình cảm.

Lợn con dũi dũi mõm vào người chăn, gặm quần áo, liếm chân tay, miệng kêu ụt ịt. Vật nhau huỳnh huỵch, húc đầu vào bụng con khác rồi nhấc lên, nhảy cả vào máng cám của mẹ treo lưng chừng chuồng ngủ hay lật những tấm sàn nhựa rồi chui xuống trốn tìm, không trò gì chúng không làm.

Nhiều lúc thấy một ổ lợn hồng hào, bụ bẫm Hảo yêu quá xấn vào bế, chụp ảnh cùng rồi post ngay lên facebook.

Càng lớn lũ lợn càng bớt hiếu động, ăn rồi lại ngủ chỉ thấy người mang cám vào là nhẩy cẫng lên vui.


Lợn cười khi còn nhỏ

Cảm xúc vui buồn của người đo bằng nét mặt, cử chỉ nhưng cảm xúc vui buồn của lợn thể hiện rõ qua cái… dạ dày. Hễ ăn khỏe là chúng đang vui còn bỏ ăn là buồn hay ốm.

Theo bản năng, lợn đực rất dữ còn lợn cái khá lành. Bình thường khi đẻ lợn cái hay bị stress bởi ánh sáng, tiếng động xung quanh nên cắn chết con hoặc nằm đè vào con nhưng những bà mẹ lợn vui vẻ này thì không.

Không vì mất gen sợ hãi mà lợn ở đây bị đối xử tàn nhẫn. Nếu một số trại khi con cái chậm lên giống liền bị đánh, con đực chậm nhảy giá lấy tinh liền bị đập thì ở đây súc quyền là trên hết.

Lợn ốm được chăm sóc như người. Cũng phải thôi, mỗi con lợn cụ kị trị giá tiền trăm triệu, sao mà lỡ bỏ bẵng?

Lợn con bỏ bú là có người mua sữa về hòa cho ăn, bị rét là có người mang chăn ra đem lót ổ. Lợn nái sốt vì khó đẻ là được đo nhiệt độ, truyền nước thậm chí nhường cả quạt cá nhân. Lợn mọc nhọt được nặn chích, sưng khớp được dầu nóng mát - xa.

Có những con lợn trưởng thành bị ốm còn phải vê cám ướt nặn thành từng viên nhỏ rồi đút. Một miếng cám, một hụm nước, mất cả tiếng đồng hồ. Với những chế độ chăm sóc như thế, sao mà lại không hạnh phúc?

Những con lợn Pietrain vui vẻ ấy khác hẳn với giống lợn Pietrain cổ điển rất dễ đau khổ có xuất xứ từ làng Pietrain, vùng Wallon, Brabant thuộc vương quốc Bỉ.

Pietrain còn gọi là lợn lực sĩ bởi thể hình cơ bắp, con cái những giống lợn khác liếc mắt cái là phát mê còn con đực những giống lợn khác nhìn vào chỉ càng thêm tủi.

Thân dài, mông nở, đùi to, lưng rộng, hai cơ thăn phát triển cao hơn cả cột sống tạo ra một rãnh giữa lưng chạy suốt từ vai xuống đến gần mông.


Lợn cười lúc trưởng thành

Đẹp đẽ và căng tràn sức sống. Pietrain là một trong những giống có tỷ lệ nạc cao nhất thế giới, có thể đạt 60 - 62%.

Tuy nhiên, không có cái gì là hoàn hảo cả. Ngay cả với vị á thần Asin - chiến binh huyền thoại nhất trong thần thoại Hy Lạp với chân của người khổng lồ, tim gấu, gan sư tử, mình đồng da sắt nhưng lại có gót chân của người phàm, dễ dàng bị xuyên thủng.

Pietrain là một lực sĩ có trái tim thủy tinh, mong manh, dễ vỡ. Vỡ ở đây hoàn toàn theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Pietrain có nhược điểm lớn là rất nhạy cảm với stress. Chỉ một tiếng động mạnh như tiếng pháo nổ, tiếng còi xe ô tô là cũng lăn đùng ra chết. Mổ khám rõ ràng là bị vỡ cả tim.

Thời tiết nóng hay bị lạnh thậm chí một mũi kim tiêm phòng chạm vào da cũng ngưng ăn, ốm khặc ốm khừ. Mỗi khi bị bắt đưa đi lò mổ chúng tỏ ra rất lo lắng và đau khổ.

Chính bởi sự sợ hãi quá đáng ấy đã kích hoạt các hóc môn trong cơ thể khiến thịt bị nhão, nhạt màu, tăng tính axit khiến cho chất lượng giảm hẳn, không còn thơm ngon, ngọt ngào. Chính vì thế mà những con lợn Pietrain không được phổ biến.

Dưới con dao sắc lẹm của khoa học hiện đại, người ta đã truy tìm tận trong gen của lợn lực sĩ để tìm ra thủ phạm là gen Halothan.

Các nhà nghiên cứu ở Khoa Thú y - Trường Đại học Liège (Vương quốc Bỉ) đã khắc phục thành công nhược điểm trên khi nghiên cứu tạo ra dòng lợn Pietrain mới, kháng stress khi loại bỏ được gen gây đau khổ cho chúng.

Thành công nhất trên thế giới

Mấy chục cá thể của giống lợn hạnh phúc đáp máy bay từ Bỉ về Hà Nội với thời gian đằng đẵng 12 giờ mà không hề tỏ ra mệt mỏi gì cả. Chúng được thẳng tiến đưa về Học viện Nông nghiệp Việt Nam để nhân nuôi.

PGS.TS Bùi Hữu Đoàn - Phó trưởng khoa Chăn nuôi và Nuôi trồng thủy sản, cho biết, để thử nghiệm xem lợn có còn biểu hiện sợ hãi hay không các nhà khoa học đã mang ô tô tải đến sát chuồng bóp còi inh ỏi. Không một con nào lăn đùng ra vỡ tim mà chết.

Dưới cái rét buốt xương của mùa đông xứ Bắc lợn vẫn co chân say giấc. Dưới cái nóng như thiêu của mùa hè kỷ lục 2015 lợn vẫn táp cám như thường.

Tỉ mỉ hơn, đến chu kỳ khai thác thịt, trước và sau khi vận chuyển đến lò mổ lợn được đo nhịp tim, hô hấp, độ pH trong máu… Tất cả các chỉ số đều chứng tỏ rằng chúng không hề bị stress.

Vì vẫn có khoảng 5% lợn con sinh ra vẫn còn gen quy định sự sợ hãi nên tất cả lợn khi còn nhỏ đều được cắt cụt đuôi để lấy máu phân tích gen, truy tìm số 5% kia sau đó thì lại bỏ để lại 100% những con lợn chỉ biết có mỗi một niềm sung sướng trên đời.

60 nái, 30 đực cụ kị trong trại điềm nhiên ăn cám, điềm nhiên vui đùa, điềm nhiên sản sinh ra những cá thể lợn hạnh phúc mới.
Đàn lợn đã cho ra các thế hệ có chất lượng tốt, bước đầu cung cấp cho thị trường cả nước lợn đực giống Pietrain kháng stress, dùng để lai với lợn cái Duroc nhằm tạo ra lợn đực cuối cùng (đực PiDu) nhằm nâng cao tỷ lệ nạc và năng suất thịt mông cao (thịt Jambon).

Mỗi lần phân tích gen như thế mất trọn 3 ngày với kinh phí khoảng 600.000đ/con. Hàng vạn cái đuôi lưu trữ trong kho đông như vậy.

Bởi là giống thuần, để giữ độc quyền trại chỉ bán tinh chứ không bán lợn nái. Nếu số lượng cái sinh ra thừa, đến kỳ giết thịt phải cử người đến tận lò mổ để xem và mang về cho bằng được đôi tai có bấm số về cất trữ.

Khi các chuyên gia Bỉ trở lại họ rất ngạc nhiên khi 5 nước được chuyển giao giống lợn không sợ hãi này chỉ Việt Nam là thành công.

Các nước khác do không có sự can thiệp của khoa học, không phân tích để loại bỏ tỷ lệ mang gen sợ hãi nên lẫn lộn hết cả, rốt cuộc lợn vẫn lăn ra vì vỡ tim khi có tiếng động mạnh.

Giống lợn lực sĩ này sau khi khắc phục yếu điểm sợ hãi vẫn còn có khiếm khuyết là chân bé. Trên những đôi chân ngọc ngà, thon gọn siêu mẫu là các anh chàng, cô nàng nặng từ 2,5- 3,5 tạ nên chúng rất hay mắc bệnh xương khớp.

Để khắc phục, từ những con đực giống Pietrain kháng stress được đem phối với lợn Duroc thuần tạo ra con lai PiDu dùng làm con đực cuối cùng lai với lợn Yorkshire hay Landrace…tạo ra con thương phẩm có tăng trọng nhanh, phẩm chất thịt tốt.

Với mỗi liều tinh giá 50.000đ cấp cho các nông hộ có thể giúp tăng thêm cho họ 1 tạ lợn hơi mỗi lứa.

Đó là về tốc độ tăng trưởng, còn về độ ngon, để kiểm nghiệm ngày Quốc tế thiếu nhi hay Tết nguyên đán, Khoa Chăn nuôi và Nuôi trồng thủy sản quay một con khao thết, ai ăn xong cũng thòm thèm.

Nếm bằng miệng có phần nào hơi chủ quan vì tâm lý bao giờ cũng “con hát mẹ khen hay” nên không gì bằng máy. Một cỗ máy tân tiến trị giá tiền tỉ được mang về để đo màu sắc, độ mất nước, độ chắc, độ pH của thịt những chú lợn vui vẻ. Tất cả đều cho những thông số đẹp.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hà Nội hỗ trợ học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT

Từ 19/4, học sinh Hà Nội có thể ôn thi tốt nghiệp THPT 2024 trên kênh H2 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, ứng dụng HANOI ON trên thiết bị thông minh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm