| Hotline: 0983.970.780

Những con tàu móc ruột dòng sông, ai bảo kê cho tàu vàng?

Thứ Năm 14/07/2016 , 08:47 (GMT+7)

Từ nhiều năm qua, dòng sông Hồng chảy qua địa phận tỉnh Yên Bái bị hàng chục tàu đào đãi vàng sa khoáng, tàu hút cát, đào đãi cát sỏi thi nhau móc ruột dòng sông.

Sau mỗi mùa mưa hàng chục ngàn mét vuông ruộng vườn, soi bãi lở xuống sông, khiến cho hàng trăm hộ dân trở nên khốn cùng…

Ai bảo kê cho tàu vàng?

Nạn tàu đào đãi vàng sa khoáng trên sông Hồng rầm rộ nhất từ năm 2012 đến 2015. Những chiếc tàu cuốc cao to như ngôi nhà 2-3 tầng neo đậu trên khắp mặt sông, chúng đậu bất cứ chỗ nào mà chúng phát hiện có vàng sa khoáng.

Những chiếc gầu rộng gần 1m được nối với nhau bằng những giằng sắt to bằng bắp chân sục sâu xuống lòng sông từ 16-20m tải đất đá lên máng đãi. Từ đó, đất đá được bắn phá bằng những vòi nước cực mạnh, nhằm tách vàng ra khỏi đất đá rồi chảy xuống các máng lắng vàng.

Đất đá thải chất cao như những ngọn đồi nổi giữa dòng sông theo sau những tàu vàng. Những ngọn đồi nhân tạo đó đã làm thay đổi dòng chảy, nước thúc vào bờ bãi khiến hàng ngàn mét vuông đất lở ầm ầm xuống sông sau mỗi mùa lũ. Trên đoạn sông chưa đầy một cây số thuộc xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên có lúc 5 tàu vàng neo đậu, khiến nhiều người dân bất an, người ta kêu thảm thiết nhưng là tiếng kêu vô vọng.

11-03-46_1
Tàu đào vàng tại xã Đào Thịnh (ảnh chụp 18/6/2014)

 

Ngày 18/6/2014 chúng tôi có mặt tại thôn 1, xã Đào Thịnh, bà Nguyễn Thị Vinh dẫn tôi ra bờ sông sâu hoắm, bà chỉ chiếc tàu vàng đang neo đậu cách đó không xa: Thủ phạm gây ra sạt lở bờ sông là những chiếc tàu vàng kia. Ruộng nhà tôi đây có 3 sào giáp bờ sông Hồng, trước kia còn có 3 hàng chuổi chạy giáp bờ sông, nhưng đến nay thì không còn hàng chuối nào cả. Tất cả đã bị đổ xuống sông rồi. Nếu những chiếc tàu vàng kia không đuổi đi thì không chỉ gia đình tôi mà toàn bộ số gia đình có ruộng ở đây sẽ trôi tuột xuống sông…

11-03-46_2
Bà Nguyễn Thị Vinh bên chỉ bờ sông bị lở (ảnh chụp 18/6/2014)

 

Chị Vũ Thị Mến, nhà nằm ngay bên đường trông ra dòng sông, thì nhăn mặt: Khổ lắm các bác ơi, gần cả năm nay rồi chẳng đêm nào chúng tôi ở đây được ngủ ngon. Phía sau là đường tàu hỏa, trước mặt là sông, những chiếc tàu vàng chạy ầm ầm suốt ngày đêm không sao ngủ nổi. Dân kêu mãi, bây giờ chúng nghỉ ngày chạy đêm. Cứ thế này thì có ngày điên lên mất…

Làm việc với ông Đỗ Văn Thức, Chủ tịch UBND xã (nay là Bí thư Đảng ủy xã), ông bày ra trước mặt chúng tôi một số văn bản: Biên bản làm việc, Biên bản kiểm tra, Báo cáo gửi UBND huyện… ông nói: Chúng tôi chỉ có thể lập biên bản rồi báo cáo lên huyện, ít nhất cũng đã hai lần rồi. Nhưng cho đến nay huyện cũng không động tĩnh gì thì chúng tôi biết làm thế nào được?

Khi trao đổi với ông Triệu Tiến Thịnh, Bí thư Huyện ủy (nay là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh) về những bức xúc của nhân dân trước nạn hoành hành của tàu vàng. Ông Thịnh lập tức gọi điện cho lãnh đạo công an huyện, thì được trả lời: Những tàu vàng đó của cháu một vị lãnh đạo Bộ Công an, nên khó làm quá…

Không biết điều đó là thực hay hư, nhưng không loại trừ có sự mạo danh để hù dọa cơ quan chức năng bảo kê cho những tàu vàng đang hoạt động trái phép trên sông Hồng? Tôi trao đổi sự biệc với ông Phạm Duy Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái (nay là Bí thư Tỉnh ủy) lập tức ngày hôm sau những tàu vàng đó bị trục xuất ra khỏi xã Đào Thịnh. Theo người dân phản ánh, vài tháng sau chúng lại quay lại đậu rải rác giữa dòng sông, có tàu bị dân ném đá, chặt dây neo phải bỏ đi.

Ngang nhiên khai thác khoáng sản

Nạn khai thác cát sỏi trái phép dọc bờ sông Hồng đang diễn ra ngang nhiên giữa ban ngày trên nhiều đoạn sông Hồng thuộc địa phận tỉnh Yên Bái. Điều ngạc nhiên là nhân dân và các nhà báo đều nhìn thấy còn các cơ quan chức năng thì không nhìn thấy. Liệu có điều gì ẩn khuất ở đây?

11-03-46_4
Đống cát sỏi thải mọc lên sau tàu khai thác sỏi của ông Bình

 

Theo nguồn tin báo của người dân, chiều 11/7/2016, tôi đề nghị ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cử cán bộ của phòng Khoáng sản và phòng Thanh tra sở Tài nguyên - Môi trường cùng tôi lên cầu Móc Tôm, nơi tiếp giáp giữa hai xã Đào Thịnh và Báo Đáp để tận mắt thấy tàu khai thác sỏi đang hoạt động tại đây.

Xin nói thêm, đoạn sông này đã bị lở giáp đường ĐT.163 Yên Bái- Khe Sang, cách đó không xa là đường sắt. Nguy cơ đoạn đường bị dòng sông nuốt mất, năm 2009 Bộ NN-PTNT đã đầu tư gần 20 tỷ để xây kè bảo vệ bờ sông với chiều dài 300m.

Ngày 8/12/2009, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã đến tận nơi thị sát việc thi công kè. Sở Tài nguyên - Môi trường không cấp phép khai thác cát sỏi tại đây để bảo vệ kè. Nhưng từ nhiều năm nay việc khai thác sỏi tại vị trí này diễn ra thường xuyên mà các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thì không nhìn thấy.

11-03-46_5
Ông Nguyễn Duy Khanh bên những đống sỏi cao như núi mọc giữa sông

 

11-03-46_6
Những dãy núi cát sỏi thải khắp dòng sông

 

Đoàn công tác ngoài hai cán bộ của Sở Tài nguyên - Môi trường còn có đại diện phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Trấn Yên và xã Quy Mông. Khi chúng tôi đến chiếc tàu khai thác sỏi đang chạy ầm ầm. Sỏi được hút từ lòng sông lên được đổ xuống chiếc thuyền gần đó, trong lòng thuyền có khoảng hơn 20m3 sỏi.

Ba người điều hành tàu khai thác sỏi có tên là Thuật, Quân và Hiệp được chủ tàu là ông Nguyễn Văn Bình, có hộ khẩu thường trú tại tổ 8, phường Yên Ninh, TP.Yên Bái thuê. Ông Bình không trình ra được bất cứ giấy tờ gì về con tàu cũng như giấy phép khai thác khoáng sản tại đây, ông cho biết: Tôi mua chiếc tàu này từ việc hoán cải tàu vàng mới đưa lên khai thác được hai ngày nay…

Nhìn những đống sỏi thải nằm khắp bờ bãi, đủ thấy không chỉ tàu ông Bình mà nhiều tàu khác đã hoạt động nhiều ngày ở đây mà không bị ngăn cản. Ông Nguyễn Duy Khanh, Chủ tịch UBND xã Quy Mông vô cùng bức xúc chỉ những đống sỏi cao như núi mọc giữa sông: Mấy năm trước thì tàu vàng, bây giờ thì tàu khai thác sỏi đã đắp những núi sỏi ra giữa sông, làm biến đổi dòng chảy, khiến hàng ngàn mét vuông đất ở xã tôi lở xuống sông sau mỗi mùa lũ…

Nguy cơ đường ĐT.166 bị cắt đứt

Mấy năm nay hàng chục ngàn mét vuông soi bãi của thôn 2 xã Quy Mông bị lở xuống sông. Ông Vũ Đình Tiến, người dân thôn 2 dẫn tôi ra bờ sông bị sạt lở cho biết: Trước kia con đường này cách bờ sông khoảng 7-10m, sau khi những tàu vàng khai thác ở đây đã làm dòng nước thúc vào bãi màu của dân. Nhiều nhà bị mất hết cả diện tích có sổ đỏ lẫn diện tích khai phá.

11-03-46_8
Ông Vũ Đình Tiến bức xúc trước sự bất lực của chính quyền địa phương trước nạn khai thác khoáng sản trái phép diễn từ ra nhiều năm qua

 

Nói rồi ông đọc vanh vách các gia đình bị mất đất: Nhà tôi Vũ Đình Tiến mất 3 sào, ông Vũ Văn Mỹ 3 sào, Đỗ Văn Duy 1.500m2, Vũ Văn Bình 500m2, Phí Đắc Hùng 3 sào, Vũ Văn Minh 400m2… có 20 hộ dân bị thiệt hại. Ông Nguyễn Duy Khanh cho biết diện tích bị mất: Có 1.400m2 đất có sổ đỏ, ngoài ra đất chưa có sổ đỏ khoảng 4.000m2.

Lở bờ sông đã chạy sát chân đường ĐT.166, cạnh đó là con mương xây cung cấp nước cho khoảng 2ha có nguy cơ bị sập, gãy bất cứ lúc nào khi dòng nước ngàu đục đang cuồn cuộn chảy dưới chân đã khoét vào lòng đất hình miệng ếch.

11-03-46_7
Đường ĐT.166 nguy cơ bị cắt đứt bất cứ lúc nào do sạt lở bờ sông

 

Đoạn đường này dài khoảng hơn 100m nằm sát dòng sông, nguy cơ bị cắt đứt bất cứ lúc nào nên người ta phải cắm biển: Sông lở nguy hiểm. Tại chỗ sông khoét vào tận chân đường, chính quyền địa phương đã phải rào một đoạn bằng hộ lan, tránh tai nạn cho người và các phương tiện xe máy qua đây.

Để bảo đảm cuộc sống của người dân sống dọc hai bên bờ sông Hồng, tỉnh Yên Bái cần kiên quyết mạnh tay với những tàu đào đãi vàng và tàu khai thác cát sỏi trái phép đang móc ruột dòng sông, nếu không hệ lụy sẽ là khôn lường.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất