| Hotline: 0983.970.780

Những cựu binh triệu phú ở Lực Hành

Thứ Bảy 24/09/2016 , 07:15 (GMT+7)

Về với đời thường, trên mặt trận kinh tế, họ chẳng ngại khó, ngại khổ, biến những đồi hoang rậm rạp thành vườn cây ăn quả bạt ngàn. Những CCB hai bàn tay trắng năm xưa nay đã thành triệu phú.

Kinh qua chiến tranh, bom đạn, những CCB ở xã Lực Hành, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang có được tinh thần gan dạ và một ý chí mãnh liệt. Về với đời thường, trên mặt trận kinh tế, họ chẳng ngại khó, ngại khổ, biến những đồi hoang rậm rạp thành vườn cây ăn quả bạt ngàn. Những CCB hai bàn tay trắng năm xưa nay đã thành triệu phú.

 

Người 4 lần làm nhà

Hỏi về CCB làm kinh tế giỏi, tôi được đồng chí Nguyễn Bá Thụ, Chủ tịch Hội CCB xã dẫn đến gia đình CCB Nguyễn Xuân Hòa, thôn Xóm Bến. Ông Hòa không phải là CCB có mô hình vườn cây ăn quả cho kinh tế cao nhất xã, nhưng ý chí và quyết tâm làm giàu của ông thì ai cũng nể phục.

Sinh năm 1958, năm 1982 ông tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc. Đến năm 1986 ông xuất ngũ trở về địa phương. Quanh năm lam lũ với ruộng đồng nhưng nghèo khó vẫn đeo bám. Năm 1995, ông và vợ quyết định vào khu đồi Đồng Nhự để chinh phục rừng hoang.

Ông bảo vợ: “Có đất là có vàng rồi, cứ phát cỏ, đánh gốc cây, bỏ đá, cải tạo đất sẽ tìm thấy vàng”. Mấy năm ròng khai sơn, phá thạch trồng cây ăn quả, nhưng tiền vẫn chưa thấy đâu, mà khó khăn thì cứ đeo bám. Rồi lại thêm cái đận trồng na, na chết, trồng quýt, quýt héo, khiến cái khốn khó lại càng tăng thêm gấp bội. Đã có lúc ông phải mang cả bộ quần áo bộ đội nhiều năm gắn bó ở chiến trường để đổi lấy gạo ăn. Vợ ông, bà Đỗ Thị Mai thường nói với ông: “Đã mòn và thay cả chục chiếc quốc rồi mà mãi vẫn chưa bới thấy vàng ông nhỉ?”. Rồi vợ chồng chỉ nhìn nhau cười.

Năm tháng trôi qua, bàn tay lao động và ý chí quyết tâm làm giàu của người nông dân cần cù đã được đền đáp, đất đã không phụ công người. Những gốc bưởi đầu tiên cho thu hoạch, gia đình ông đã có thu nhập. Khó khăn cũng qua đi, cuộc sống dần dần khấm khá.

Năm 2000, ông quyết định đầu tư nhân rộng 50 gốc bưởi ban đầu lên 1 ha với các giống bưởi da xanh, bưởi Soi Hà, bưởi Diễn. Do chịu khó học hỏi kỹ thuật từ các mô hình kinh tế trong và ngoài xã, vườn bưởi của gia đình ông luôn cho năng suất ổn định. Từ nghèo khó, ông Hòa đã trở thành ông chủ vườn cây ăn quả có tiếng ở Lực Hành, mỗi năm thu lãi trên 100 triệu đồng. Ngoài trồng bưởi, gia đình ông còn chăm sóc 3 con bò, 2 con trâu.

08-27-31_2
Vườn bưởi của gia đình CCB Nguyễn Xuân Hòa (bên trái), thôn Xóm Bến, xã Lực Hành mỗi năm thu lãi trên 100 triệu đồng

 

Trong câu chuyện của ông, tôi đặc biệt ấn tượng chuyện 3 lần làm nhà tạm của ông.

Đầu năm 2016, vợ chồng ông quyết định làm nhà lần thứ 4. Nhưng lần này không phải nhà tạm mà là nhà 2 tầng, mặt sàn rộng hơn 100m2. Ông Hòa chia sẻ đầy xúc động: “Giờ đã có nhà xây kiên cố rồi, mưa không còn sợ dột nữa, nhưng vợ chồng không bao giờ quên những ngày ở nhà tạm. Đó là những ký ức đẹp, đáng nhớ và ý nghĩa nhất của gia đình.”

08-27-31_3
Ngôi nhà mới xây, sắp được hoàn thiện của gia đình CCB Nguyễn Xuân Hòa, Xóm Bến, xã Lực Hành, huyện Yên Sơn

 

Mồ hôi trộn đất thành vàng

Xã Lực Hành mùa này đang vào chính vụ thu hoạch na. Những vườn bưởi, vườn na lúc lỉu quả bao quanh xóm làng và cả trên đồi cao. Những chiếc xe tải của thương lái ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nội và thành phố Tuyên Quang tấp nập về các nhà vườn thu mua quả, sôi động như những chợ đầu mối hoa quả.

Ông Nguyễn Xuân Bầu, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết, toàn xã hiện có 30 mô hình làm kinh tế giỏi, mỗi năm thu lãi trên 100 triệu đồng thì riêng Hội CCB có 10 mô hình. Họ thực sự là những tấm gương sáng, gương mẫu tiên phong trên mọi mặt trận, đặc biệt là các chi hội Minh Khai, Đồng Vàng, Đồng Mán.

Chúng tôi đến gia đình CCB Đỗ Khắc Hoạt, Chi hội trưởng CCB thôn Minh Khai. Ông Hoạt không có nhà, vợ ông bảo ông đang trên đồi thu hoạch na, nhà báo muốn phỏng vấn, quay hình thì lên đó. Hơn 10 phút phóng xe qua cung đường bê tông cua gấp khúc vắt trên sườn đồi, chúng tôi đến đồi na trĩu quả.

Ông Hoạt gắn bó với cây na, cây bưởi ở vùng này đã hơn 10 năm nay. Người ta ấn tượng về ông bởi ông là người tiên phong thực hiện kỹ thuật thụ phấn nhân tạo cho na.

Ông tâm sự, để na thụ phấn tự nhiên năng suất không ổn định, chất lượng quả không cao. Năm 2012, ông đã đi đến những vùng na nổi tiếng ở Lạng Sơn, Quảng Ninh học cách trồng na có năng suất cao, cách thụ phấn cho na. Thụ phấn hoa, người trồng có thể quyết định được số lượng quả trên 1 cây; phân được thời gian quả chín theo đợt để tránh thu hoạch ồ ạt, đặc biệt là không năm nào na bị mất mùa. Ngoài cây na, gia đình ông còn trồng 1ha bưởi diễn, bưởi da xanh. Từ cây na, cây bưởi, gia đình ông lãi gần 300 triệu đồng/năm.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Hoạt còn là Chi hội trưởng CCB gương mẫu, tích cực giúp đỡ hội viên vươn lên làm kinh tế giỏi; người tiên phong vận động nhân dân làm đường bê tông vượt đồi đến tận các vườn na, vườn bưởi thuận lợi cho việc thu hoạch, chăm sóc.

Ông Hoạt chia sẻ, tuy chi hội đã có nhiều mô hình làm kinh tế giỏi nhưng vẫn còn 3 hộ hội viên nghèo. Đây thực sự là trăn trở, chúng tôi đang tích cực vận động, giúp đỡ hộ hội viên nghèo về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả, hi vọng đây sẽ là hướng đi đúng đắn giúp họ thoát nghèo.

Đến gia đình CCB Phạm Văn Đồng, thôn Đồng Vàng, một trong những CCB trẻ tuổi nhất của xã Lực Hành làm kinh tế giỏi, người được mệnh danh là CCB làm kinh tế “liều” của xã. Bên ấm chè nóng, câu chuyện về cuộc đời anh cứ tự nhiên xoay vần. Anh Đồng là người trồng dong riềng, trồng bưởi giỏi, hiệu quả kinh tế cao, nhưng người dân ấn tượng nhất về anh đó là chuyện “liều” vay tiền mua máy xúc làm dịch vụ.

08-27-31_4-1
Vườn bưởi Soi Hà của gia đình CCB Phạm Văn Đồng (bên trái), thôn Đồng Vàng, xã Lực Hành, huyện Yên Sơn

 

Năm 2008, thấy quê mình chưa có máy xúc, trong khi nhu cầu của nhân dân lại cao, anh quyết tâm mua máy xúc về làm dịch vụ. Dồn vốn liếng bao năm tích lũy, anh chỉ có 10 lượng vàng trong khi mua máy xúc ở thời điểm đó mất 20 lượng vàng. Anh quyết liều vay thêm 10 lượng vàng nữa. Ngày mua máy xúc, giá vàng là 16 triệu/lượng, nhưng khi trả vàng lên tới 21 triệu/lượng. Sau 2 năm vay vàng, anh phải trả lãi “vàng đẻ vàng” mất hơn 1 lượng chưa kể tiền lãi.

Anh Đồng chia sẻ: “Cũng may khi mua máy xúc về, rất đông khách thuê, nhất là dịp đầu năm và cuối năm. Nên sau 2 năm, mình đã trả hết cả gốc và lãi”. Hiện tại, gia đình anh Đồng có gần 600 gốc bưởi da xanh, bưởi diễn. Từ trồng bưởi và dịch vụ máy xúc, mỗi năm gia đình anh thu lãi hơn 300 triệu đồng. Anh cho biết: “Nếu cần cù, chịu khó thì mồ hôi trộn đất sẽ cho vàng. Vàng từ đất mà ra đồng chí ạ!”

Những CCB ở Lực Hành không chỉ giàu về tiền của mà còn là những người giàu nghị lực vượt khó khăn, thử thách, giàu bởi tấm lòng vì đồng đội, vì cộng đồng. Họ thực sự là những tấm gương tô đẹp hình ảnh “Người lính Cụ Hồ”.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm