| Hotline: 0983.970.780

Những già làng miền ngược gió

Thứ Hai 20/01/2014 , 11:16 (GMT+7)

Nơi miền ngược gió Nam Đông, A Lưới (tỉnh TT- Huế) có những già làng đi từ trong chiến tranh, đứng lên chống giặc bảo vệ bản làng; thời bình lại thao thức chống lại hủ tục, sự nghèo khó của dân bản...

Nơi miền ngược gió Nam Đông, A Lưới (tỉnh TT- Huế) có những già làng đi từ trong chiến tranh, đứng lên chống giặc bảo vệ bản làng; thời bình lại thao thức chống lại hủ tục, sự nghèo khó của dân bản...

NGƯỜI CHỐNG HỦ TỤC, ĐÓI NGHÈO

Thôn dân La Vân (xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông) từ lâu đã quen với hình ảnh cụ già râu tóc bạc phơ, ngày đêm lặn lội đến từng hộ gia đình của đồng bào Cơ Tu vận động người dân bỏ hủ tục lạc hậu xây dựng đời sống mới. Đó là già làng Brinh (95 tuổi, tên thường gọi là Trần Xuân Huy).

Đi từ tăm tối...

Từ đầu ngõ, đã nghe tiếng già Brinh sang sảng. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, cụ vẫn minh mẫn, vẫn đi lại, cầm cuốc làm vườn. Trong câu chuyện bên bát nước chè ấm, cụ kể về chặng đường đưa người Cơ Tu đi từ trong quá khứ tăm tối ra “cánh đồng” của những niềm vui, no ấm bên cuộc sống mới.

Già Brinh kể, Nam Đông là căn cứ địa cách mạng của tỉnh TT- Huế. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, già gia nhập du kích địa phương, đã cùng sát cánh với dân bản chiến đấu đánh đuổi giặc thù. Sau ngày giải phóng, cũng như hầu hết những cư dân vùng cao, trải qua bao cuộc thiên di trên núi đồi, già Brinh về định cư tại thôn La Vân.

Bản làng vừa thoát khỏi lửa đạn, mỗi tấc đất, nét mặt người đều hằn lên vết đau thương, gian khổ. Cuộc sống du canh du cư, đốt nương làm rẫy lại một lần nữa khiến hàng trăm hộ đồng bào Cơ Tu phải đối diện với một thứ giặc mới: giặc đói. Những tháng ngày đi qua nương rẫy trên đồi, hạt lúa rẫy khô quắt theo từng đợt nắng khiến già Brinh trăn trở, suy nghĩ. Già bảo: "Núi đồi ri, đất đai ri đây mà đói a? Phải tìm cây gì trồng phù hợp, có lương thực trước mắt đây? Thà không biết thì thôi, chứ biết mà bế tắc, chưa tìm được câu trả lời thì càng day dứt”.


Già Brinh vẫn cần mẫn làm vườn ở tuổi xưa nay hiếm

Thế rồi già nghĩ, mình muốn dân bản tin thì trước tiên mình phải làm. Già bắt tay vào khai hoang, vỡ đất. Chọn những vùng bằng phẳng, về huyện, về thành phố chạy vạy xin giống ngô, giống lúa lên trồng để giải quyết cái đói trước mắt. Muốn làm được như thế phải có nơi ở ổn định, không còn du canh qua nhiều vùng đất. Dân bản La Vân thấy già hì hục khai hoang, trỉa cây cối, chặt cây làm nhà vẫn chưa tin lắm.

Già Brinh nhớ mãi câu chuyện với ông Trần Xuân Rài (67 tuổi, trú cùng thôn). Nghe già làng vận động bà con định canh, định cư, ông Rài đi rẫy về, quần còn xắn quá đầu gối, vào nhà hỏi chuyện. Ông Rài chất vấn: “Không đốt mùa này, mùa sau lấy đâu ra đất tốt là trỉa lúa rẫy? Mà trồng mãi trên một thứ đất, cây không mọc được thì mần răng?”.

Già Brinh bảo: “Anh cứ bình tĩnh, đốt mãi thế rừng cũng không còn, rừng không còn thì đất đai càng cằn cỗi, dân bản mình thiếu cái ăn là do cứ nay đây mai đó mãi, không “an cư” mần răng là “lạc nghiệp” được. Anh cứ đợi mùa ngô tới sẽ coi, tui khai hoang mảnh đất gần khu vực suối Ga He rồi đó”.


Trao đổi với cán bộ xã về công tác dân vận, đưa cuộc sống ấm no cho dân bản

Qua tháng ngày chăm bẵm, những a - chói (gùi) ngô đầu tiên vàng ruộm, già kêu cả dân bản đến xem, hái tặng mỗi người một ít về làm ngô giống. Từ đó dân bản La Vân mới tin ở già, tín nhiệm giao trọng trách già làng. Nhưng để SX lâu dài thì phải chọn một cây trồng chủ lực. Những năm 1993-1994, cây cao su đã bén rễ trên đất Nam Đông, già Brinh là người đầu tiên mang giống “cây lạ” này về cho dân bản trồng. Vùng đất Ga He được già khai hoang trồng 1 ha cao su đầu tiên, từ đó các ông Nguyễn Thanh Phia, Trần Xuân Rài, Hồ Văn Tin cùng bắt tay vào khai hoang vùng đồi, ươm những mầm cao su đầu tiên của dân bản.

... đến cánh đồng vui

Cũng không biết từ lúc nào, cán bộ xã Thượng Nhật gọi già Brinh với cái tên trìu mến: “Ông dân vận” của bản làng. Từ công tác tuyên truyền qua lời nói, chứng minh ở những việc làm, mấy chục năm qua, già Brinh đã dẫn dắt hàng trăm hộ gia đình đồng bào Cơ Tu từ trong tăm tối của hủ tục ra "cánh đồng" vui.

Già Brinh nhớ lại: "Giặc đói cơ bản đã diệt xong, nhưng hồi đó đồng bào mình con mê tín lắm. Cứ đau ôm là cúng quảy, trừ ma núi chứ không chịu uống thuốc. Cán bộ xã cho thuốc về, uống sợ con ma nó bắt, vì thế nhiều người tiền mất tật lại mang”.

Câu chuyện được già Brinh nhớ mãi: “Có lần, vợ thằng Hồ Rinh ở bản bên bị ốm nặng, đã thuê thầy cúng nhiều ngày vẫn không khỏi. Nghe tin, mình đến xem xét tình hình, bảo mang lên trạm xá xã cho cán bộ khám, Rinh không nghe. Rinh đi bắt gà, ngâm nếp chuẩn bị nấu làm lễ. Hắn bảo thầy cúng nói làm lễ xong ngày ni nữa là hết bệnh, con ma rừng nó ở trong bụng vẫn chưa chịu ra. Cúng đến ngày thứ 5 thì vợ nó nguy lắm rồi. Mình phải chạy lên xã, nhờ cán bộ về khuyên giải mãi nó mới chịu đem vợ đi uống thuốc. Chỉ mấy ngày sau thì lành bệnh vì vợ nó bị tiêu chảy”.

Đi tìm căn nguyên của hủ tục, già Brinh nhận ra: “Đồng bào mình bản tánh vốn thật thà, vì không biết chữ, nhiều khi chính sách của Đảng, Nhà nước đưa về, không được áp dụng. Một phần vì nếp sống bấy lâu nay, phần vì họ không hiểu”. Thế là già Brinh lại lặn lội đến từng bản làng vận động con em đến trường.


Chiến tích một thời đi săn, giờ ông vận động dân bản giao nộp vũ khí cho chính quyền

Chính bản thân già cũng phải học thêm con chữ, kiến thức từ sách báo. Trong căn phòng nhỏ, đến nay già Brinh còn giữ được những tờ báo đầu tiên được cán bộ đưa về. Màu giấy đã cũ lắm, già vẫn xếp ngăn nắp một nơi như những kỷ vật của một thời được “khai hóa” bằng con đường chữ nghĩa. Để dân bản cho con em mình đến trường là cả một chặng đường gian nan, đòi hỏi đôi chân già Brinh không được mệt mỏi. Già lặn lội về xuôi, vận động mọi người lập quỹ khuyến học để trợ giúp con em những gia đình khó khăn. Rồi khi chính quyền địa phương tuyên truyền giao nộp vũ khí dùng để đi săn, già làng cũng là người đầu tiên đi vận động bà con chấp hành…

Nói về già Brinh, bà Hồ Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Nhật, tâm sự: “Trong nhiều năm qua, đóng góp của già Brinh trong việc nâng cao nhận thức của bà con dân bản, xây dựng khối đoàn kết trong thôn là không hề nhỏ. Đặc biệt, với uy tín lớn, lời nói có sức thuyết phục, nhiều mô hình kinh tế hay được già vận động dân bản tham gia SX cho thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên”.

Toàn xã Thượng Nhật hiện có khoảng 345 ha cao su, trong đó khoảng 50% diện tích cho khai thác mủ, bình quân mỗi năm thu nhập trên 15 tỷ đồng; gần 500 ha rừng keo mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân, đặc biệt là đồng bào Cơ Tu. Để có thành tựu như ngày hôm nay, có sự góp công không nhỏ của già Brinh.

Già Brinh có nhiều năm công tác ở Mặt trận Tổ quốc huyện Nam Đông. Ghi nhận những đóng góp của già, trải qua hai cuộc kháng chiến, già được trao tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ Giải phóng và hàng chục bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương khác.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm