| Hotline: 0983.970.780

Những giải pháp phòng chống bệnh héo ngọn sầu riêng

Thứ Sáu 24/03/2017 , 07:20 (GMT+7)

Trong khi đợi kết quả giám định chính xác tác nhân gây bệnh, trên cơ sở tập hợp thông tin, kết quả nghiên cứu và các ý kiến tư vấn của các chuyên gia, dưới đây là một số biện pháp cần áp dụng ngay để hạn chế tác hại của bệnh...

Các giải pháp phòng chống

Trong khi đợi kết quả giám định chính xác tác nhân gây bệnh, trên cơ sở tập hợp thông tin, kết quả nghiên cứu và các ý kiến tư vấn của các chuyên gia các cơ quan Viện Bảo vệ thực vật, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Đăk Lăk… chúng tôi khuyến cáo một số biện pháp cần áp dụng ngay để hạn chế tác hại của bệnh như sau:

surieng121407274
Sử dung cây giống sạch bệnh là yếu tố giảm dịch bệnh trên sầu riêng
 

* Biện pháp canh tác tổng hợp

- Sử dụng cây giống sạch bệnh, khoẻ mạnh, chống chịu bệnh.

- Không nên trồng xen hồ tiêu, dứa… trên và xung quanh và trong vườn sầu riêng.

- Bón phân thích hợp, cân đối, chú ý bổ sung phân hữu cơ, tăng cường bón vôi cải thiện pH đất.

- Thoát nước tốt cho vườn cây.

- Tỉa cành tạo tán thích hợp để vườn cây thông thoáng.

- Phủ gốc trong mùa khô giảm nóng và bốc thoát nước.

- Tránh gây vết thương cho cây trong quá trình chăm sóc.

- Thu gom và tiêu hủy các tàn dư cây bị bệnh trên vườn.

- Thường xuyên theo dõi tình hình phát sinh và phát triển bệnh trên vườn.

- Hạn chế tưới nước, bón phân hóa học, phân bón lá và các chất kích thích ra hoa, đậu quả đối với những cây đã bị nhiễm bệnh.

* Biện pháp sinh học

- Sử dụng vi sinh vật đối kháng như chế phẩm chứa nấm Trichoderma spp., xạ khuẩn Steptomyces spp. chế phẩm EM. Tưới vào quanh gốc và vùng rễ cây để hạn chế sự phát triển của nấm Phytophthora spp. trong đất.

- Sử dụng chế phẩm sinh học đa chủng Phyto - M (có chứa các vi sinh vật đối kháng Trichiderma harzianum, Bacillus methylotrophicus và Streptomyces misionensis), liều lượng bón (0,4 tấn/ha) vào thời điểm trước mùa mưa có khả năng hạn chế nguồn nấm Phytophthora sp., nấm Fusarium sp., Verticillium sp., tồn tại trong đất trên vườn trồng sầu riêng.

* Biện pháp hóa học

- Quét gốc: Hàng năm nên tiến hành quét vôi quanh gốc, cao từ 70 - 90cm để hạn chế sự lây nhiễm nấm Phytophthora spp. từ đất lên thân cây sầu riêng. Hoặc quét nước thuốc Bordeaux 5% trước mùa mưa.

- Phun thuốc: Mỗi năm có thể phun tán 3 - 4 lần với Bordeaux 1% hoặc các loại thuốc gốc đồng luân phiên với các thuốc hóa học có hoạt chất Metalaxyl, Mancozeb, Phosphonate, Fosetyl aluminium, Cymoxanil + Fosetyl aluminium để phòng bệnh. Nồng độ sử dụng theo hướng dẫn của sản phẩm.

- Tiêm thuốc: Mỗi cây trưởng thành tiêm 3 - 5 ống tiêm Chemjet 20ml với thuốc có hoạt chất Phosphonate nồng độ 20%, mỗi năm tiêm 1 - 2 lần sau mỗi đợt chồi non để phòng bệnh. Đối với cây đã bị nhiễm bệnh trên thân, cành, có những vết thâm đen các bó mạch dẫn thì không sử dụng biện pháp này vì đây là hoạt chất kích kháng chỉ có tác dụng trên cây chưa bị bệnh.

- Bôi thuốc: Đối với những cây có vết bệnh còn nhỏ thâm đen và chảy gôm trên thân, cành. Dùng dao bén cao bỏ phần mô chết, bôi lên mặt cắt và xung quanh dung dịch thuốc có hoạt chất Metalaxyl, Mancozeb, Fosetyl aluminium, pha tỷ lệ 1%. Tiến hành vào lúc trời khô ráo hay không mưa. Nồng độ sử dụng theo hướng dẫn của sản phẩm.

- Cưa bỏ và tiêu hủy: Đối với những cây bị nhiễm bệnh nặng, thân chính và các cành trên cây đều bị những vết thâm đen, cây rụng lá không có khả năng phụ hồi thì tiến hành cưa cây và nhổ bỏ rễ đem tiêu hủy để tránh lây lan nguồn bệnh. Xử lý hố bằng các loại thuốc hóa học có hoạt chất Metalaxyl, Mancozeb, Fosetyl aluminium, Cymoxanil + Fosetyl aluminium để tiêu diệt nguồn bệnh. Nồng độ sử dụng theo hướng dẫn của sản phẩm.

Xem thêm
Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.