| Hotline: 0983.970.780

Những giống lúa mới trên đồng đất Thủ đô

Thứ Năm 25/05/2017 , 08:01 (GMT+7)

Tiếng là Thủ đô của cả nước nhưng Hà Nội vẫn có hàng triệu nông dân, vẫn có một diện tích đất nông nghiệp khổng lồ 187.151ha, trong đó diện tích gieo cấy lúa hàng năm (hai vụ) khoảng hơn 200.000ha.

Tuy vậy, cơ cấu giống lúa của Hà Nội hiện tại vẫn sử dụng nhiều giống cũ, có nguồn gốc nhập nội từ Trung Quốc như Khang dân 18, Q5, Bắc thơm 7. Tuổi đời các giống này đều trên dưới 20 năm (gấp đôi, gấp ba tuổi đời lý tưởng của một giống) nên chúng đang có nhiều biểu hiện thoái hóa, mẫn cảm với một số sâu bệnh hại chính như rầy nâu, bạc lá. Thêm vào đó là năng suất, chất lượng cũng còn nhiều hạn chế.

Do vậy việc tìm ra những giống lúa mới có năng suất, chất lượng, chống chịu tốt với các điều kiện ngoại cảnh bất thuận, biến đổi khí hậu liên tục như hiện nay lại phù hợp với tập quán canh tác của các vùng sản xuất của Thủ đô là điều rất cần thiết.

Xuất phát từ thực tế đó, Sở NN-PTNT Hà Nội đã giao cho Trung tâm Phát triển cây trồng làm nhiệm vụ khảo nghiệm, thực nghiệm các giống lúa mới. Cụ thể vụ xuân năm 2017, đơn vị này đã tiến hành khảo nghiệm, sản xuất thử nghiệm tại 3 huyện Chương Mỹ, Phúc Thọ và Mê Linh - nơi đại diện cho ba vùng sinh thái đặc trưng của Hà Nội.

Giống năng suất là Kim cương 111 được đối chứng với Khang dân 18, giống chất lượng là Hương cốm 4, Lam Sơn 116 được đối chứng với Bắc thơm 7. Tất cả đều được chăm sóc theo quy trình tiêu chuẩn: Bón lót trước khi cấy với 100% phân chuồng, lân supe Lâm Thao + 40% đạm urê. Bón thúc lần 1 sau cấy 10 - 12 ngày 50% đạm urê + 50% kali clorua, kết hợp làm cỏ sục bùn, tỉa dặm lúa. Bón thúc lần 2 khi cây lúa phân hóa đòng bước 2 - 3: 10% đạm urê + 50% kali Clorua.

11-14-19_dsc_8281
Lúa Kim cương 11 khoe bông

Vụ xuân 2017, từ khi gieo mạ đến cấy thời tiết nắng ấm, nhiệt độ trung bình ngày đêm luôn trong khoảng 18 - 22oC. Giai đoạn đẻ nhánh nhiệt độ tăng cao 25 - 27oC thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng nhưng giai đoạn phân hóa đòng có 2 đợt không khí lạnh (ngày 26/3, 12/4) làm biến động nhiệt độ lớn (nhiệt độ từ 30 - 35oC giảm xuống còn 21 - 23oC) gây hiện tượng thoái hóa đầu bông trên giống mẫn cảm là Hương cốm 4.

Thời gian sinh trưởng của các giống lúa khảo nghiệm dao động từ 126 - 132 ngày, trong đó giống Hương cốm 4 có dài nhất (132 ngày), hơn đối chứng 4 ngày. Đa số các giống lúa khảo nghiệm đều có khả năng chống chịu sâu bệnh hại tương đương hoặc tốt hơn đối chứng.

Năng suất là một chỉ tiêu quan trọng nhất quyết định đến hiệu quả kinh tế. Năng suất lúa được cấu thành bởi 3 yếu tố: Số bông/khóm, số hạt chắc/bông và khối lượng 1.000 hạt. Trong điều kiện sản xuất vụ xuân 2017, các giống khảo nghiệm tại 3 vùng sinh thái đều cho năng suất cao hơn đối chứng cụ thể: Giống Kim cương 111 khảo nghiệm tại 3 vùng đều có biểu hiện sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái và cho năng suất 58 - 61 tạ/ha, cao hơn đối chứng Khang dân 18 từ 10 - 11%. Giống Lam Sơn 116 đạt từ 54 - 60 tạ/ha, cao hơn đối chứng Bắc thơm 7 từ 10 - 11%. Giống Hương cốm 4 đạt từ 50 - 52 tạ/ha cao hơn đối chứng Bắc thơm 7 từ 3 - 5%.

11-14-19_dsc_8284
Một buổi thăm đồng

Về sản xuất thử nghiệm, giống chất lượng có Thuần việt 7 được đối chứng với Bắc thơm 7 và giống năng suất ĐB 18 được đối chứng với Khang dân 18. Các giống tham gia sản xuất thử nghiệm vụ xuân 2017 có sức sống mạ tốt, đẻ nhánh, trỗ bông tập trung, cứng cây, kiểu hình thân lá đẹp. Giống Thuần việt 7 có thời gian sinh trưởng 121 - 125 ngày. Giống ĐB18 thời gian sinh trưởng từ 126 - 128 ngày. Cả 2 giống đều có thời gian sinh trưởng phù hợp với cơ cấu thâm canh 3 vụ/năm. Khả năng chống chịu sâu, bệnh hại của các giống lúa sản xuất thử nghiệm đều khá tốt. Năng suất giống Thuần việt 7 tại 3 điểm dao động từ 58 - 61 tạ/ha, trung bình đạt 60 tạ/ha. Giống ĐB 18 sản xuất tại 3 điểm đều cho năng suất cao dao động từ 61 - 62 tạ/ha, trung bình đạt 61,7 tạ/ha.

Kết quả "chung cuộc" về khảo nghiệm sản xuất, với nhóm chất lượng: Giống Lam Sơn 116 có thời gian sinh trưởng từ 128 - 130 ngày; cao cây từ 100 - 103cm; chống đổ khá; chống chịu khá bệnh khô vằn; có kiểu hình thân lá đẹp (bản lá vừa phải, lá đứng), đẻ nhánh gọn, tập trung; năng suất dao động từ 56 - 60 tạ/ha, cao hơn Bắc thơm 7 từ 6 - 7 tạ/ha; Thích hợp các chân ruộng vàn; phù hợp cơ cấu thâm canh 3 vụ. Cần cho thử chất lượng gạo để xác định giá trị sử dụng. Giống Hương cốm 4 có thời gian sinh trưởng từ 132 - 134 ngày; cao cây từ 95 - 100cm; chống chịu sâu bệnh trung bình, đẻ nhánh gọn; năng suất thực thu ước từ 50 - 51 tạ/ha, thấp hơn so với Bắc thơm 7 đối chứng, cần cho thử chất lượng gạo để xác định giá trị sử dụng.

11-14-19_dsc_8292
Trước một “rừng giống” nhà nông phải suy nghĩ kỹ khi chọn lựa

Với nhóm năng suất: Giống Kim cương 111 có thời gian sinh trưởng vụ xuân 128 - 130 ngày, cao cây từ 100 - 105cm; cứng cây, chống đổ tốt; chống chịu khá với bệnh khô vằn; kiểu hình thân lá gọn, màu xanh đậm, lá đứng, đẻ nhánh gọn, tập trung; trổ thoát cổ bông, bông to, hạt tròn dài, tỷ lệ bông hữu hiệu cao năng suất từ 60 - 64 tạ/ha, cao hơn Khang dân 18 từ 4 - 6 tạ/ha.

Về sản xuất thử nghiệm, giống Thuần việt 7 có thời gian sinh trưởng ngắn (121 - 125 ngày vụ xuân, 100 - 105 ngày vụ mùa); cao cây từ 95 - 100cm; chống đổ khá; chống chịu khá bệnh khô vằn, bạc lá, rầy nâu, có kiểu hình thân lá đẹp (bản lá vừa phải, lá đứng), đẻ nhánh gọn, tập trung; năng suất dao động từ 58 - 60 tạ/ha, cao hơn Bắc thơm 7 từ 5 - 7 tạ/ha ; thích hợp các chân ruộng vàn; phù hợp cơ cấu thâm canh 3 vụ.

Giống ĐB18 có thời gian sinh trưởng vụ xuân 126 - 128 ngày, cao cây từ 102 - 107cm; chống đổ khá; chống chịu bệnh khô vằn, bạc lá, rầy nâu. Có kiểu hình thân lá đẹp (bản lá vừa phải, lá đứng, đẻ nhánh gọn, tập trung), bông to, hạt xếp sít, hạt thon nhỏ, tỷ lệ hạt lép thấp; năng suất từ 63 - 65 tạ/ha, cao hơn Khang dân 18 từ 7 - 8 tạ/ha ; thích hợp các chân ruộng vàn, vàn trũng; phù hợp cơ cấu thâm canh 3 vụ.

Chuyện khảo nghiệm, thực nghiệm là việc làm thường xuyên của các cơ quan tham mưu hay quản lý nông nghiệp, tuy nhiên lựa chọn giống nào thì bà con lại cần phải xem xét kỹ nhiều yếu tố từ điều kiện thổ nhưỡng, tiểu khí hậu của vùng mình đến thị trường (gạo đó sản xuất ra có bán được không) để quyết định.

 

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.