| Hotline: 0983.970.780

Những góa phụ ở Khánh Hội có niềm tin chồng trở về, giúp họ kiên cường hơn

Thứ Năm 08/03/2018 , 14:30 (GMT+7)

Nhiều phụ nữ ở Khánh Hội, Cà Mau, vẫn đau đáu lòng tin, một ngày nào đó, chồng họ sẽ trở về. Lòng tin ấy giúp họ vượt qua nỗi đau, khiến họ kiên cường hơn.

Hy vọng

Mấy mươi năm trước, bà Trần Thị Lăng, năm nay gần 60 tuổi, ở Ấp 4, xã Khánh Hội, huyện U Minh, Cà Mau, được coi là hoa khôi trong xã. Khi lập gia đình, vợ chồng bà là một trong những gia đình khá giả với hai chiếc ghe lớn. Giữa tháng 10/1997, chồng và con trai lớn của bà là Trần Văn Húng ra khơi. Đó là lần cuối cùng bà nhìn thấy chồng bà và hai chiếc ghe.

Bão tan, bà đi khắp các cửa biển và cả những hòn đảo xa tìm chồng. Nghe ở đâu vớt được xác, bà lại tìm đến bằng được để nhận dạng, rồi thất vọng quay về. “Có lẽ, ông trời còn thương tôi, khi một tuần sau, thằng Húng nó về. Mẹ con vừa nhìn thấy nhau, ai cũng ngất xỉu, phần vì kiệt sức, phần xúc động”, bà Lăng bồi hồi nhớ lại. Những ngày sau đó, bà vẫn tiếp tục hành trình tìm chồng thêm nhiều năm nữa. Bà chỉ thôi tìm kiếm khi nhận ra các con bà đã mất cha, giờ cũng đang rất cần sự quan tâm, chăm sóc của mẹ. Thế là bà về nhang khói cho chồng và lao đầu vào công việc kiếm tiền nuôi con. 

“Tôi chưa bao giờ nghĩ ông ấy đã chết, vẫn chờ một ngày nào đó ông ấy sẽ trở về”, bà Lăng nói. Bây giờ, kinh tế gia đình đã ổn, 3 con trai bà đều theo nghề biển, đã có gia đình, con cái đủ đầy.

11-09-15_nh-1
11-09-15_nh-2
11-09-15_nh-3
Bà Lăng, chị Xíu và Bảy Ruộng là 3 trong số những phụ nữ goá kiên cường, vượt qua nỗi đau rất lớn để nuôi con, và thuỷ chung chờ chồng

Đa số phụ nữ ở Khánh Hội trở thành goá phụ khi tuổi còn khá trẻ, từ 30 trở xuống. Nhưng số người tái giá chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phần lớn còn lại vẫn ở vậy chờ chồng, nuôi con. Có những trường hợp chồng mất tích trong cơn bão Linda khi mới 19 tuổi như chị Trần Thị Thắm, hoặc chị Mỹ Dung, mất chồng khi mới 22 tuổi. Suốt bao năm nay, họ vẫn một lòng chờ chồng. Bà Trần Thị Diệu, năm nay 49 tuổi, em chồng bà Lăng, mất chồng khi mới 28 tuổi, con lớn nhất mới 5 tuổi, đứa thứ 2 mới 3 tuổi, và nhỏ nhất 3 tháng tuổi.

Chị Nguyễn Thị Xíu, ở ấp 4, là một trong số rất nhiều phụ nữ đã vượt lên nỗi đau mất chồng khi tuổi còn rất trẻ. “Anh ấy ra đi, để lại cho tôi mẹ già và 3 con nhỏ, đứa lớn nhất mới 6 tuổi. Căn nhà cùng toàn bộ tài sản bị bão cuốn đi. Tôi nhìn đàn con, nghĩ nếu không lo được cho chúng đàng hoàng, thì có lỗi với anh ấy. Lỡ một ngày nào đó, cha chúng trở về, biết ăn nói sao?”, chị Xíu nói. 

Vậy là, sau khi cơn bão lòng tạm lắng xuống, chị bắt đầu cuộc mưu sinh, kiếm tiền nuôi con. Cũng có người đàn ông từng đánh tiếng, muốn chung sức với chị lo cho các con, nhưng chị kiên quyết từ chối. Hiện nay, các con chị đều đã ăn học thành tài, trong đó con trai lớn là kỹ sư thuỷ sản.
 

Kiên cường

Đã 20 năm, nhưng chị Trần Thị Đào, ở xã cửa biển Khánh Hội, huyện U Minh, vẫn nhớ như in cái ngày định mệnh đã thay đổi đời chị và nhiều phụ nữ nơi đây. Chiều 3/11 năm ấy, trong cơn mưa như trút nước, chị Đào cùng 3 con nhỏ đứng dưới mái hiên nhà, nhìn về hướng biển, nơi chồng chị cùng các ngư phủ đang gồng mình chống chọi với những cơn sóng cao ngất, mâm cơm chiều đã nguội ngắt. Cả đêm ấy không thấy chồng về. Chị Đào cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác của xóm biển Khánh Hội thức trắng. 

Sáng sau, những cơn sóng lớn vẫn nối đuôi nhau xô dồn dập, chị Đào vẫn quyết gửi con, khóa cửa nhà, một mình một ghe vươn khơi tìm chồng, mặc bao người ngăn cản. 4 ngày lênh đênh trên biển, mỗi lần thấy có người nổi trên mặt biển là tấp lại, đưa lên ghe. “Nếu còn hơi thở là sơ cứu, chết rồi tôi cho nằm riêng một khoang. Lúc trở vào bờ, tổng cộng trên ghe có gần 2 chục người sống và từng ấy xác người. Nhưng không có anh ấy”, chị Đào nghẹn ngào nhớ lại.

11-09-15_nh-6
Những phụ nữ nuôi đàn con thành người và chăm sóc mẹ già sau khi chồng mất tích trên biển

Trở về nhà, chị đau thêm lần nữa khi thấy ngôi nhà đã bị bão giật sập, tan hoang. “May mắn là con tôi đã không ở trong nhà lúc sập, nếu không, biết đâu…”, chị nói tiếp rồi ngừng lại. Chị chạy đi tìm con, ôm chúng vào lòng rồi khóc ngất. Cứ mỗi lần các con nhắc đến ba là 4 mẹ con lại ôm nhau khóc. Hàng đêm, khi các con đã ngủ, chị lại một mình thẫn thờ ra cửa biển, nhìn ra mặt nước tối đen, nước mắt cạn khô. Chị thành goá phụ khi chưa đến 30 tuổi. "Không để chúng thiếu thốn tình thương, không để chúng thấy mẹ chúng yếu đuối”, chị nghĩ vậy nên nuốt nước mắt vào trong, làm việc với quyết tâm, nghị lực gấp đôi.

Sau khi căn nhà được bà con và chính quyền xã hỗ trợ, làm lại trên nền đất cũ, hàng ngày, chị dùng mấy tay lưới cũ, tài sản chồng để lại, làm “cần câu cơm”, nuôi các con ăn học. Trời chẳng phụ lòng người. Chị tích cóp đủ tiền sắm ghe, lưới, dụng cụ đi biển. Với chị, biển vẫn là máu thịt. “Biết đâu, gặp được chồng đâu đó trên biển”, chị nghĩ.

Giờ đây, các con chị đã trưởng thành, lập gia đình, có nhà riêng, sắm thêm tàu, tạo việc làm cho hàng chục ngư phủ. Chị đã thành bà ngoại. Chị vẫn tin có một ngày gặp lại chồng. “Nếu không gặp trên đời này thì sẽ gặp ở thế giới bên kia”, chị nói rồi cười.

11-09-15_nh-7
Ấp Kinh Xáng, xã Khánh Hội, một trong những nơi có nhiều người mất tích do bão Linda nhất Khánh Hội
Khánh Hội có số phụ nữ trẻ goá chồng thuộc loại nhiều nhất huyện, nhưng đa số đều ở vậy nuôi con, số tái giá rất ít. Nhờ chịu khó, gia đình những phụ nữ này ngày càng khá lên, trong đó nhiều chị cho con cái ăn học lên đến đại học. Bây giờ, cuộc sống ở Khánh Hội khá lên nhiều, tỷ lệ hộ nghèo từ 50% sau bão, giảm còn 17%; thu nhập bình quân đầu người gần 40 triệu đồng/người/năm. Nhờ nguồn vốn của chính phủ, địa phương đã đầu tư đóng mới, nâng cấp hàng trăm ghe tàu công suất lớn, có thể bám biển dài ngày”, ông Châu Minh Đảm, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Hội.

 

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất