| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 09/03/2015 , 06:15 (GMT+7)

06:15 - 09/03/2015

Những hành vi giết người đích thực

Hiện tượng xe ô tô lưu thông trên đường, đã va chạm với người đi bộ hoặc đi xe máy, nhưng sau đó không dừng lại mà vẫn cố tình cán tiếp nạn nhân cho đến chết, đang xảy ra ngày càng nhiều.

Vụ mới nhất, hồi 12 giờ 10 phút ngày 6/3/2015, tại địa bàn thôn An Hòa, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Xe ô tô BKS 85C 00700 kéo theo rơ moóc mang BKS 51R 3819 đi hướng từ xã Xuân Hải lên xã Phước Trung, đã đâm vào xe mô tô BKS 85 E1 06002 do một nam học sinh lớp 12 điều khiển, đi cùng chiều.

Nhiều nhân chứng chứng kiến vụ tai nạn bức xúc kể lại: Sau khi đâm vào nam sinh trên, chiếc xe tải không dừng lại mà lái xe đã cho xe lùi lại, sau đó lại chạy lên, cán tiếp vào người em học sinh, khiến em chết tại chỗ.

Trước đó, vào chiều ngày 1/3/2015, một thiếu nữ rất trẻ mặc áo trắng, đi xe đạp điện theo hướng từ Cầu Giấy đến Cầu Diễn (TP Hà Nội). Cùng lúc, chiếc xe tải chở đất mang BKS 30U 0517 đi cùng chiều, đến ngõ 136 đường Hồ Tùng Mậu thì bất ngờ rẽ phải với tốc độ cao, cuốn cả xe đạp điện và cô gái vào gầm xe.

Mặc cô gái kêu cứu thảm thiết, nhưng chiếc xe tải không dừng mà vẫn cố tình kéo nạn nhân thêm hàng chục mét nữa, khiến nạn nhân tử vong.

Hành vi của những kẻ lái xe đó là quá nhẫn tâm, nhẫn tâm đến mức mất hết cả tính người. Chỉ cần sau khi trót va chạm, họ kịp thời phanh xe lại, là một con người được sống.

Nhưng không, họ cho xe lùi lại để rồi cố tình cho xe trườn tiếp lên người nạn nhân, khiến nạn nhân chết hẳn mới thôi. Vì sao lại có những hành vi cố tình tước đoạt mạng người trong một vụ tai nạn giao thông như vậy?

Theo nhận định của một số lái xe, thì ý nghĩ của những kẻ mất hết tính người lúc đó là: Đằng nào thì tai nạn cũng đã xảy ra rồi. Kể cả tai nạn có làm chết người chăng nữa, thì họ cũng không bị khởi tố, truy tố về hành vi “giết người” theo quy định tại điều 93 Bộ luật Hình sự, mà chỉ bị khởi tố, truy tố về hành vi “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, được quy định tại điều 202 Bộ luật Hình sự thôi.

Điều luật này, nếu vào khoản 1, thì mức phạt chỉ là 5 triệu đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc có tù thì cũng chỉ từ 6 tháng đến 5 năm, trong trường hợp gây thiệt hại đến tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người khác. Trong khi khoản 1 điều 93, hình phạt là tù từ 12 đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Vậy thì khi xảy ra tai nạn, hãy để nạn nhân chết hẳn đi. Còn nếu để họ sống mà bị tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe chẳng hạn, thì sẽ phát sinh nhiều hệ lụy khác trong quá trình giải quyết vụ việc. Như gia đình người bị nạn có thể đeo bám, đòi hỏi phải cấp dưỡng, phải chu cấp cho họ suốt đời. Để họ chết đi, sau khi thụ án xong mấy năm tù, là mọi việc kết thúc.

Nếu nhận định của những người lái xe kia là đúng, thì những “tính toán” của những kẻ nói trên, quả là những “tính toán” khiến xã hội phải nổi da gà.

Nhưng lợi dụng một vụ tai nạn giao thông để cố tình tước đoạt đến cùng mạng sống của một con người hay của nhiều người, là hành vi “giết người” đích thực.

Những kẻ đó cần bị khởi tố và truy tố trước tòa án về hành vi “giết người” mới đúng với bản chất tội ác mà chúng gây ra.

Bình luận mới nhất