| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 09/02/2017 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 09/02/2017

Những lệnh cấm như 'nước đổ đầu vịt'

Như thành quy luật, cứ chừng 1-2 tháng, chúng ta lại được đọc thấy, nghe thấy trên báo đài những cụm từ mệnh lệnh quen thuộc “nghiêm cấm cán bộ”...

Như thành quy luật, cứ chừng 1-2 tháng, chúng ta lại được đọc thấy, nghe thấy trên báo đài những cụm từ mệnh lệnh quen thuộc “nghiêm cấm cán bộ”, “nghiêm cấm công chức”, “không được làm cái này, cái kia”.


Xe công đi lễ chùa (Ảnh minh họa: Báo Pháp Luật Việt Nam)
 

Nội dung của “cái này”, “cái kia” thì gần như không thay đổi, nhắc đi lặp lại như điệp khúc. Nhắm mắt cũng có thể liệt kê ra, vì năm nào mà chẳng có những lệnh “nghiêm cấm” kiểu này: “nghiêm cấm sử dụng xe công vụ vào việc riêng”, “nghiêm cấm dùng xe cơ quan đi lễ chùa”, “nghiêm cấm đi lễ hội trong giờ làm việc”, “nghiêm cấm bán hàng chặt chém”, “nghiêm cấm lấn chiếm vỉa hè, chiếm dụng lòng đường”, “nghiêm cấm đi Tết biếu xén, quà cáp cấp trên”, “nghiêm cấm uống rượu bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa”…

Và nghiêm cấm cán bộ, công chức gây nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Rồi nghiêm cấm việc lợi dụng tổ chức giao lưu, liên hoan, gặp mặt, chúc mừng trước, trong và sau mỗi kỳ đại hội, hội nghị, kỳ họp hoặc các dịp mít tinh, kỷ niệm ngày truyền thống, khai giảng, bế giảng hoặc khi cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm, luân chuyển, thuyên chuyển công tác... để ăn uống, tiệc tùng, tặng, nhận quà, với động cơ vụ lợi.

Và sau những “nghiêm cấm” này, đều nhấn mạnh “năm nay sẽ làm rất triệt để và nghiêm túc” (!).
Những lệnh “nghiêm cấm” bằng văn bản này là những chỉ thị, công điện của hầu khắp các cơ quan từ Trung ương đến địa phương ban hành: cơ quan Đảng, Chính phủ, các bộ ngành, ủy ban nhân dân các cấp…

Nội dung của những mệnh lệnh đó thì không cần bàn nữa. Vì nó đúng và ai cũng biết là nó đúng.

Nhưng tại sao mà cứ phải rền rĩ lặp đi lặp lại hằng năm, thậm chí lặp lại chỉ sau vài tháng? Đơn giản, đó là do cái sự “chỉ nói mà không làm”, vì quan liêu, nể nang, bao che nhau, mà thực hiện chưa nghiêm, vì tuy là lệnh từ cấp trên nhưng chưa có biện pháp để quy trách nhiệm cho đối tượng cụ thể, vì chưa xây dựng chế tài đủ mạnh để xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Thành ra “nhờn” lệnh và “nhờn” cả luật.

Đó là một phần biểu hiện nhìn thấy được và rất dễ để nhìn thấy, của tình trạng “trên bảo, dưới không nghe” lâu nay đang diễn ra phổ biến, gần như thành thói quen ở các cơ quan Việt Nam, nhưng ít bị xử lý trách nhiệm. Nó cho chúng ta thấy một điều đáng buồn rằng kỷ cương phép nước bị buông lỏng.

Thậm chí, không ít kết luận, chỉ thị, công điện của người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng, được thực thi không nhiều. Và nếu có được thực thi thì cũng chỉ là đối phó, hình thức, không triệt để, rốt ráo. Những ban bệ cấp dưới cũng lại vô cảm thảo công văn chỉ thị xuống những đơn vị cấp dưới nữa, mà thiếu đi sự đôn đốc, kiểm soát xem chỉ thị đó có được thực thi hay không? Nếu có thực thi thì kết quả cụ thể ra sao?

Như mọi năm, đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ, nhiều tỉnh thành, nhiều bộ ngành, đã ban hành công điện nghiêm cấm cán bộ, công chức đi lễ hội trong giờ hành chính và sử dụng xe công đi hội. Đó là một mệnh lệnh của cấp trên mà cán bộ cấp dưới dễ thực hiện và dễ kiểm soát, vì dễ phát hiện những vi phạm, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua nhân dân.

Vấn đề là họ có ý định vâng lệnh hay không thôi. Chứ không thì lại như “nước đổ đầu vịt”.

Bình luận mới nhất