| Hotline: 0983.970.780

Những lời căn dặn của Bác về báo chí

Thứ Năm 20/06/2013 , 09:39 (GMT+7)

Việc học và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác, nhất là những căn dặn của Bác đối với người làm báo là việc làm cần thiết.

Hơn 50 năm hoạt động sáng tạo không ngừng, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho đất nước di sản báo chí vô cùng to lớn và phong phú. Các tác phẩm thể hiện sinh động những quan điểm, tư tưởng của Người về cách mạng, về thời đại, về nhân dân, về kinh tế, chính trị, văn hóa và các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Di sản đó cũng thể hiện bản lĩnh tuyệt vời của ngòi bút, tài năng và sức sáng tạo của một nhân cách lớn, nhà báo cách mạng lớn. Có thể nói rằng, đó chính là Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng Việt Nam. Việc học và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác, nhất là những căn dặn của Bác đối với người làm báo là việc làm cần thiết.

Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén

Với quan niệm báo chí cách mạng là mặt trận chiến đấu của cách mạng, Bác chỉ ra rằng: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Bác nói: “Bài báo là tờ hịch cách mạng”. Cho nên điều đầu tiên mà bất cứ người cầm bút nào trên mặt trận báo chí cách mạng phải hiểu rõ mục tiêu và nhiệm vụ của cách mạng là gì? Như Bác từng nói: “Bắn thì phải có bia, phải có mục tiêu”. Nghĩa là ngòi bút phải gắn với đối tượng.

Đối tượng mà Bác hướng đến ở đây là phục vụ nhân dân lao động, phục vụ CNXH, phục vụ cho thống nhất nước nhà và hòa bình thế giới. Tháng 5/1949, trong thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng đầu tiên ở chiến khu Việt Bắc, Bác chỉ rõ: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung”. 

Để thực hiện được nhiệm vụ ấy, người làm báo cách mạng trước hết phải là người chiến sỹ cách mạng. Nhiệm vụ của báo chí đòi hỏi người làm báo phải có đủ phẩm chất của người cán bộ cách mạng, không ngại gian khó, hy sinh (kể cả hy sinh tính mạng), vì nhân dân phục vụ. Người làm báo phải dùng cây bút, trang giấy làm vũ khí sắc bén chiến đấu cho mục đích vẻ vang của cách mạng.


Bác Hồ với các nhà báo năm 1960

Tại Đại hội II Hội Nhà báo Việt Nam (16/4/1959), Bác có nhận xét rằng ưu điểm của các nhà báo là cơ bản nhưng khuyết điểm thì cũng còn nhiều. Một trong những khuyết điểm đó là “nắm vấn đề chính trị không được chắc chắn”. Bác căn dặn: “Tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”.

V.I. Lê-nin đã đề ra yêu cầu đối với những người làm báo vô sản: “Tất cả các cơ quan báo chí của Đảng phải do những người vô sản đáng tin cậy, đã tỏ rõ lòng trung thành với cách mạng vô sản biên soạn”. Đứng vững trên quan điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nói đến báo chí trước hết là nói đến cán bộ báo chí”, họ là người cán bộ cách mạng, biết đặt quyền lợi của dân tộc, của nhân dân lên trên hết.

Người làm báo phải là những chiến sĩ trên mặt trận báo chí. Đây là tư tưởng bao trùm, quán xuyến của Hồ Chí Minh về người làm báo.

Rèn luyện bản lĩnh chính trị đi liền với rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp đó là trách nhiệm của các nhà báo chúng ta. Trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lớp viết báo đầu tiên Huỳnh Thúc Kháng, Người viết: “Muốn viết báo khá thì cần gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài mà học kinh nghiệm của người. Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa, là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu. Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ”. 

Gần gũi quần chúng để viết hay

Trong bài nói chuyện tại Đại hội III của Hội Nhà báo Việt Nam (8/9/1962), Bác nói: "Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc".

 Theo Bác, đó là viết những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của bạn bè ta. Đồng thời để phê bình khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, nhân dân, bộ đội. Viết cho công - nông- binh, viết cho mọi tầng lớp người Việt Nam, không phân biệt già trẻ, nam nữ, tôn giáo, đảng phái.

 Viết để làm gì? Viết để tuyên truyền, để giác ngộ, để đoàn kết, để thức tỉnh quần chúng. Viết thế nào? Viết phải gọn gàng, sáng sủa, mạch lạc, có đầu có đuôi, có nội dung". 

Bác lưu ý người cầm bút phải nắm được trình độ, tâm tư, nguyện vọng của công chúng. Hiểu và học tập lời ăn, tiếng nói của nhân dân. Người cũng nêu ra nhận thức biện chứng rằng, trình độ nhận thức của công chúng không phải là “nhất thành bất biến” mà ngày một nâng cao.

Báo chí phục vụ công chúng phải góp phần nâng  trình độ của họ ngày một cao hơn, các tác phẩm báo chí phải ngày một tăng về hàm lượng trí tuệ. Đó là cách tốt nhất để tạo nên độc giả của báo chí trong thời đại KHCN, kinh tế tri thức, hội nhập quốc tế hiện nay.

 Nhà báo trước hết là một người công dân bình đẳng với tất cả mọi người trước pháp luật, không được phép cho mình đứng cao hơn pháp luật, đứng cao hơn mọi người để phán xét. Với tư cách là một công dân thì nghĩa vụ công dân không chỉ đòi hỏi nhà báo phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp mà còn phải luôn luôn tâm niệm mục tiêu phục vụ ai để không làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân, của đất nước.

Trách nhiệm xã hội đòi hỏi nhà báo phải đấu tranh không khoan nhượng trước những luận điệu sai trái để bảo vệ Tổ quốc. Nhà báo phải biết biểu dương cái tốt, cái mới tiến bộ và tích cực đấu tranh chống cái xấu, cái sai, cái lạc hậu. Xây và chống luôn luôn là hai mặt của một vấn đề. Phải lấy xây để chống, chống để xây, trong đó xây dựng là cái cơ bản nhất.

Nghề nào cũng khó, không có nghề nào dễ. Phải có ý chí tự lập, tự cường, kém thì phải cố mà học. Chúng ta phải làm thế nào để vượt qua được khó khăn, làm tròn nhiệm vụ.

Bác căn dặn người làm báo rằng: “Người cách mạng gặp khó khăn thì phải đánh thắng khó khăn, chứ không chịu thua khó khăn. Có người chỉ muốn làm cái gì để lưu danh thiên cổ. Muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn. Cái đó cũng không đúng. Những khuyết điểm đó đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra. Họ không thấy rằng: làm việc gì có ích cho nhân dân, cho cách mạng đều là vẻ vang. Muốn tiến bộ, muốn hay thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện. Chớ tự ái tự cho mình là tuyệt rồi. Tự ái tức là tự phụ, mà tự phụ là kẻ địch dữ tợn, nó ngăn chặn con đường tiến bộ của chúng ta”.

Người làm báo cách mạng luôn khắc ghi và làm theo những lời căn dặn của Bác. Cây bút, trang giấy sẽ là vũ khí sắc bén chiến đấu cho mục đích vẻ vang của Đảng, của dân tộc và của nhân dân chứ không phải để “lưu danh thiên cổ”.

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta 2.000 bài báo các loại, gần 300 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký. Người cũng đã sáng lập ra 9 tờ báo, sử dụng khoảng 150 bút danh. Người viết báo bằng nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Hán, Việt…

+ Người nhận định: "Báo chí của ta đã có một địa vị quan trọng trong dư luận thế giới. Địch rất chú ý, bạn rất quan tâm đến báo chí ta. Cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung và cách viết".

+ Tờ báo chỉ là giấy trắng, mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng, mực đen ấy, người ta có thể viết những tối hậu thư, người ta có thể viết những bức thư yêu đương. Người cũng nói: “Ngòi bút của các bạn cũng là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất