| Hotline: 0983.970.780

Những mùa văn bội thu

Thứ Năm 02/06/2011 , 11:20 (GMT+7)

Bộ NN - PTNT hợp tác với Hội Nhà văn Việt Nam mở cuộc vận động viết về đề tài tam nông: Nông dân, nông nghiệp và nông thôn, để xét thưởng những tác phẩm ưu tú như là có tiền duyên. 

Sau 30 năm nỗ lực đẩy lùi cái đói lưu cữu và hãi hùng để có thể dư thừa thóc gạo thịt cá xuất khẩu, cán bộ ngành Nông nghiệp chăm sóc đến đời sống tâm hồn nhà nông. Cũng là để kêu gọi những nỗ lực ngoài ngành cùng tìm kiếm những kiến giải cho các vấn đề bức xúc đặt ra giữa công nghiệp hóa với nông nghiệp nông thôn, giữa truyền thống với hiện đại đang ngày càng gay gắt.  

Về phía mình, Hội Nhà văn cũng cần một nhịp cầu để những thành tựu xuất sắc của văn học thêm nhiều không gian để phụng sự, thoát khỏi cái thị phần đọc bị gần như là khu biệt trong các thành phố, thị xã. Đằng khác, là những người được thiên bẩm nhạy cảm, các nhà văn thường phát hiện những mâu thuẫn nghịch lý trong quá trình phát triển rất sớm, nhiều khi tác phẩm của họ là tiên tri: Đi bước nữa của Nguyễn Thế Phương, Tầm nhìn xa của Nguyễn Khải, Nỗi riêng khép mở của Ngô Ngọc Bội …Họ có thể trở thành cố vấn đặc biệt hoặc là nhà phản biện của những mô hình nông thôn mới mà Đảng và Nhà nước đang tổ hợp. 

Vậy là sự kết hợp “mạ già ruộng ngấu” đã nhanh chóng cho mùa gặt bội thu. Bài viết này nói về những thửa ruộng, những bông chín mẩy nhất trên cánh đồng văn ấy. Có lẽ khỏi cần nói về cái hay chung của Thời xa vắng (Lê Lựu, 1986), chỉ xin nói một băn khoăn: Cuộc xét tuyển có tôn chỉ mục đích và thể lệ rất rõ ràng: Chỉ tôn vinh những tác phẩm lấy nông thôn, nông nghiệp và nông dân làm chủ đề sáng tác; là những tác phẩm viết từ Đổi mới (của ngành Nông nghiệp, tính từ Chỉ thị 100, năm 1981) đến nay và chỉ dành cho các tác giả sẽ còn viết về đề tài này.  

Mà “thì hiện tại” của Thời xa vắng lại diễn ra ở doanh trại quân đội trong chiến tranh hoặc ngoài đường phố, dù những trang viết về nông thôn của nó là hay, rất hay. Nhưng có ý kiến khác lập tức thuyết phục: Cái anh Giang Minh Sài dù nó ở đâu, nó làm gì đều đặc sệt nông dân; cái anh nông dân vừa đáng yêu vừa đáng giận. Sài còn là nạn nhân của tính cách gia trưởng nông dân một khi được thời thế đã xa cấp cho cái chứng chỉ lập trường giai cấp. 

Ma Văn Kháng là nhà văn của giáo giới, chính giới và đồng bào dân tộc thiểu số, cái đó cùng với những tác phẩm gây ồn ào nhưng chưa hẳn đã hay làm khuất đi của anh cuốn Mưa mùa hạ (1983) viết về những kỹ sư thủy lợi tìm diệt các tổ mối đã khoét rỗng thân đê trong khi lũ từ thượng nguồn đang cuồn cuộn đổ về. Mấy năm sau, vào năm 1986 người ta công khai nói đến nguy cơ đất nước bên bờ vực, nhưng Mưa mùa hạ đã cảnh báo với một giọng văn trầm tĩnh đến xót xa cách đó ba năm; nó còn cho phép liên tưởng xa hơn: Cho đến bây giờ, sự hưng suy của nông nghiệp nông dân vẫn là quốc tộ.  

Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường, 1990) và Bến không chồng (Dương Hướng, 1990) bây giờ đọc lại bộc lộ ra những khiếm khuyết, ở đây là sự thiếu tiết chế khiến đoạn cuối bị tãi ra, ở kia thì còn lổn nhổn những dễ dãi, tạo nên những cú “vấp” rải trên đường tác phẩm đi vào lòng người. Nhưng các vấn đề cốt lõi ở nông thôn mấy mươi năm bao cấp đã được tái tạo thật sống động: Vây cánh dòng họ phe giáp cùng những mẹo mực vặt của nông dân được ẩn danh dưới các khái niệm hợp thời, tạo ra một môi sinh biến đổi gien, thiện ác khó nhận (Mảnh đất lắm người nhiều ma). Những hiểu biết hạn chế của nông dân một khi nhiễm vào thói kiêu ngạo của một Nguyễn Vạn bước ra từ chiến thắng đã khiến anh ta không những không tự tìm kiếm nổi cho mình hạnh phúc mà còn, dẫu đầy thiện ý, nhưng hễ động vào ai, người ấy bất hạnh (Bến không chồng).   

Không hẹn mà gặp, các nhà văn Trần Kim Trắc, Nguyễn Hữu Nhàn, Đoàn Ngọc Hà, Trần Văn Thước đều có những Truyện ngắn chọn lọc giầu tính phồn thực như phù sa, như đất đai. Bút pháp hồn nhiên của họ ánh lên sắc thái hồn hậu, nét căn bản của người nông dân khi họ ấm no cả ở nghĩa no vợ đủ chồng, dù đó là Ông Tư Nhiều (Trần Kim Trắc) làm cái gì cũng ghê gớm: Ăn nằm với bà góa thì rung sàn xiêu cột lán, trồng cam thì lúc lỉu và vàng suộm cả mấy cánh đồi hay một lão phu trung du muốn tỏ ra “lên đời” bèn xây ngay gian giữa cái toa lét cả chục triệu bằng tiền bán đất hay cậu người Dao hăm hở đi “ngủ thăm” kiếm vợ (Nguyễn Hữu Nhàn).  

Hỡi ôi, với người nông dân, trồng cây gì, nuôi con gì chẳng là “ngủ thăm” với đất đai mưa nắng? Còn nông dân châu thổ sông Hồng thì hiện ra chân chỉ hạt bột hơn ở Đoàn Ngọc Hà và Trần Văn Thước. Tôi trộm nghĩ, ai muốn nghiên cứu về người Việt nói chung và người nông dân ở lưu vực sông Hồng nói riêng, nhất thiết cần mời hai nhà văn này cộng sự. Chỉ là trực cảm sáng tạo thôi, nhưng ở họ đầy minh triết dân gian. 

Nhắc đến Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, Những người thợ xẻ, Thương nhớ đồng quê   Những ngọn gió Hua Tát củaNguyễn Huy Thiệp hẳn không có ai không chịu là hay. Nhưng sự thực thì vẫn còn có ngần ngại đây đó: Nó cay đắng quá. May sao, chính một số cán bộ của ngành Nông nghiệp lại phát biểu: Cay đắng mà hay, khiến người ta phải ngậm ngùi nghĩ ngợi có thể còn có ích hơn khi làm người ta phấn khởi một cách hời hợt. 

Trong các bậc “lão nông văn học”, xuất hiện cùng thời với những danh sỹ như Chu Văn, Đào Vũ, Nguyễn Khải, hay với những nhà văn từng là cộng sự như Nguyễn Kiên, Vũ Thị Thường, Nguyễn Thị Ngọc Tú… chỉ Ngô Ngọc Bội còn son sắt với nông thôn. Nhà văn hơn 80 này có niềm tự hào lạ lùng: Từ Phú Thọ về Hà Nội nhưng chỉ viết một đề tài (tam nông), chỉ in một báo (Văn nghệ) và chỉ đi một xe đạp, là cái Diaman mua từ 1960 bằng tiền Giải Nhất báo Văn nghệ: Bộ quần áo mới.  

Sẽ dễ hiểu hơn về sự gắn bó ấy nếu biết một nửa gia đình ông, bà vợ tấm mẳn của ông vẫn ở tại quê nhà làm xã viên hợp tác. Mọi lo lắng về việc làm ăn chểnh mảng theo tiếng kẻng, về cái đói và về cái sự tập thể hóa những cánh rừng cọ rồi hoặc để hoang hóa hoặc bóc lột chúng đến xác xơ đều tác động trực tiếp đến gia cảnh ông; có lẽ vì vậy, nó đã để lại trong văn Ngô Ngọc Bội những dấu ấn nhói buốt. Thực ra, vấn đề dòng họ trong Chi bộ làng đã được ông đặt ra từ trước Đổi mới, trong tiểu thuyết Gió lay chầy chật mười năm mới in nổi. Cùng với kịch Đất nghịch của Hồng Phi, thiên ký sự Nỗi riêng khép mở của Ngô Ngọc Bội là tiếng sấm đầu mùa của những cơn mưa rào Đổi mới. (Còn nữa)

Xem thêm
Thí sinh Rap Việt Long Nón Lá bị ung thư

Thí sinh Rap Việt Long Nón Lá phát hiện bị ung thư từ cuối năm 2023. Thời gian qua, anh hạn chế đi diễn bởi sức khỏe không cho phép.

Nhận định Borussia Dortmund vs Atletico Madrid: Khách lấn chủ

Trận tứ kết Champions League 2023/2024 giữa Borussia Dortmund vs Atletico Madrid sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 17/4/2024 trên sân vận động Signal Iduna Park.

U23 Việt Nam đi bộ làm quen SVĐ thi đấu chuẩn World Cup

Các thành viên U23 Việt Nam hào hứng trải nghiệm chuyến thăm quan sân vận động Al Janoub trước trận gặp U23 Kuwait tại VCK U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.