| Hotline: 0983.970.780

Những ngày 0 độ C trên cao nguyên đá

Thứ Ba 13/12/2011 , 11:53 (GMT+7)

Mùa đông, PV NNVN ngược núi lên cao nguyên đá để ghi lại những điều tai nghe mắt thấy về cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở nơi quá khắc nghiệt này.

Cao nguyên đá Hà Giang bao gồm 4 huyện vùng cao nằm trong danh sách 62 huyện nghèo nhất nước: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Mùa đông, PV NNVN ngược núi lên cao nguyên đá để ghi lại những điều tai nghe mắt thấy về cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở nơi quá khắc nghiệt này.

Đói, khát, rét...

Với người dân sống trên cao nguyên đá, mùa đông là một sự khởi đầu. Sự khởi đầu mà bao đời nay họ chẳng hề mong muốn một chút nào.

Con đường có cái tên mỹ miều “đường Hạnh Phúc” hay còn gọi là QL 4C nối từ huyện Quản Bạ sang Mèo Vạc dường như đẹp hơn sau sự kiện cao nguyên đá Hà Giang được công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Nhưng vẻ đẹp của những tấm panô quảng cáo du lịch hai bên đường vẫn không thể khiến người ta bớt đi sự sợ hãi vì thực tế đây là con đường chứa đầy rủi ro với đặc thù một bên là núi, bên kia là vực.

Mùa đông, tỷ lệ “không may” lại càng lớn vì rét, vì gió. Mới đây nhất một cán bộ huyện Yên Minh trên đường đi công tác mất tay lái lao cả người lẫn xe xuống vực, phải vài ngày sau mới có người phát hiện được xác. Nghe chuyện ấy, dù có nóng lòng thì chúng tôi cũng mất nguyên một ngày đường đi hết con đường Hạnh Phúc lên vùng cao Mèo Vạc.

Mỗi năm chỉ được ăn thịt một lần

Vùng núi đá cao nhất huyện Mèo Vạc bao gồm các xã Cán Su Phìn, Lũng Pù, Khâu Vai, Giàng Su Phình. Nơi mà cả lãnh đạo huyện, xã đều nhận định: khổ sàn sàn như nhau vì xã nào cũng có trên 65% số hộ nghèo. Đã có những chính sách, nghị quyết phát triển kinh tế như “một con bò, một mái nhà, một bể nước” nhưng ở Cán Su Phìn mùa này chỉ có mèn mén.

Chuyện đứt bữa ở vùng cao đã cũ, ở cái vùng chỉ có đá tai mèo và rượu ngô là đặc sản như Cán Su Phìn lại càng cũ hơn, vậy mà chứng kiến bữa ăn mùa này của đồng bào Mông sao mà thảm quá. Người Mông trên cao nguyên đá chẳng bao giờ gọi bữa ăn của mình là bữa cơm cả. Đơn giản vì quanh năm khẩu phần ăn của họ chỉ là mèn mén với rau cải, loài cây chủ lực để xóa đói của những xã nằm trên núi đá.

Cán Su Phìn chỉ toàn núi đá

Nếu không tính những hộ giáo viên dưới xuôi lên dạy học thì Cán Su Phìn có 912 hộ, 6.212 khẩu và chỉ độc người Mông. Phó Chủ tịch UBND xã Hạ Mý Chứ còn khá trẻ, anh chẳng phân biệt được diện tích đất tự nhiên với đất nông nghiệp khác nhau thế nào, chỉ biết Cán Su Phìn có khoảng 600 ha đất trồng ngô. Như tất thảy các xã ở trên cao nguyên đá, Chứ phàn nàn rằng mùa đông Cán Su Phìn có ba vấn đề nan giải: thiếu ăn, thiếu nước sinh hoạt và không đủ ấm.

Đời sống của người dân chỉ trông vào 1 vụ ngô, nhưng năm ngoái và năm nay vụ nào cũng hỏng ăn mất một nửa vì rét quá. Lệ thường, người Mông ở đây thiếu ăn từ tết cho đến cuối năm và năm nay cũng chẳng phải là ngoại lệ. Phó Chủ tịch Chứ dẫn tôi vào các thôn Cán Lủng, Mèo Qua, Tìa Chí Lùa, Sán Sì Lủng nằm chót vót trên đỉnh núi đá mà phải mất vài giờ đi bộ mới tới nơi. Những bản mà vị cán bộ xã này ái ngại tiết lộ rằng: Một năm họ được ăn cơm thịt duy nhất một lần vào ngày tết của người Mông.

Tết người Mông năm nay cũng đã sắp đến nhưng đợt rét này buốt quá, ngô lép nhiều quá nên chẳng có dấu hiệu gì đảm bảo sẽ có tết với bữa cơm thịt mà họ đang chờ đợi cả. Hôm tôi đến, bữa ăn tối của 99 hộ dân thôn Sán Sì Lủng chỉ có duy nhất nhà Thìa Chía Xá “chơi sang” bằng một lon gạo nấu cháo cho bà vợ có dấu hiệu bị kiệt sức, còn lại 98 hộ khác đều đồng nhất mèn mén với canh cải. Trên bếp, một nồi nhỏ chỉ có một nhúm gạo còn lại phần đa là nước đang bốc khói nghi ngút.

Nồi cơm duy nhất của thôn Sán Sì Lủng

Không chỉ lũ trẻ nhà Xá mà cả mấy đứa con nhà Thồ Mý Nhì hàng xóm xúm xụm nhau quanh bếp hít lấy hít để mùi gạo mà trong năm nay chúng chưa được “thưởng thức” lần nào. Nói đáng tội, có đứa còn lén múc tý nước cơm rồi đổ vào chan với bát mèn mén khô không khốc trên tay. Có lẽ cách ăn uống lạ lùng ấy khiến nó dễ nuốt hơn.

Cả bản Sán Sì Lủng chỉ có vài người biết tiếng Kinh. Một năm ăn của người Mông gói gọn trong chạn ngô gác bếp. Thường thì cứ sau tết là chạn ngô ấy hết nhưng năm nay tết chưa qua nhiều nhà đã hết rồi. Gia đình Thồ Mý Nhì là một ví dụ. 40 tuổi, vợ chồng Nhì có đến 7 đứa con, thêm bà mẹ nữa là 10 khẩu. Nhì chẳng biết nhà mình có bao nhiêu đất ngô.

Chẳng trách được, trên núi đá bạt ngàn màu xám, chỗ nào có hốc đất là gieo giống vào đấy với lại có ai đếm được đâu mà biết bao nhiêu. Mỗi vụ ngô nhà Nhì được tầm hai chạn, nhưng năm nay rét nên chỉ được có một chạn thôi. Nếu xay tất số ngô ấy hông lên làm mèn mén thì chỉ đủ cho 10 người ăn trong vòng có 2 tháng. Thời gian hoạch định ấy đã hết, nhà Nhì phải đi vay đắp đổi rồi chờ cứu trợ.

Nơi khổ nhất cao nguyên đá

Lo ăn chưa hết lại lo uống, lo mặc. Mùa đông cũng là lúc những bể trữ nước mưa của người Mông khô hạn. Hoặc giả sử có còn sót lại chút nào thì cũng đóng băng, đập ra bắc lên bếp chẳng đủ để nấu một nồi rượu ngô thì làm sao mà sinh hoạt được. Một năm, trên cao nguyên đá này chỉ mưa nhiều trong tháng 6 và tháng 7. Ngày trước đồng bào chỉ trữ được nước để dùng trong một tháng tiếp theo. Từ ngày có chính sách xây dựng các hồ treo, thời gian có nước được kéo dài đến thời điểm ra tết. Đấy là cách tính cho những vùng trung tâm xã, còn với những bản vùng cao, nước, rét vẫn còn là vấn đề khiến những ai quan tâm đau đầu lắm.

Rời vùng núi đá Cán Su Phìn chúng tôi ngược lên các xã biên giới Thượng Phùng, Xín Cái, Sơn Vĩ. Nơi mùa đông năm ngoái có lúc nhiệt độ xuống đến âm 2 độ C và năm nay cũng đã bắt đầu hạ xuống còn 1 độ. Đường lên biên viễn chẳng khác đi lên trời. Hết đỉnh núi đá này, ngước mặt lên lại thấy đường phía trước như sợi chỉ vắt vẻo trên đỉnh núi đá kia. Gió trên cao nguyên đá cũng là loại gió khác: rất giàu nhưng keo kiệt. Gió cứ thổi ù ù suốt ngày suốt tháng vào núi đá nghe như tiếng trực thăng. Nhưng khô hanh, chẳng bao giờ mang theo hơi nước nên làn da của người Mông, người Dao, người Giấy ở vùng này đen hơn nhiều nơi khác.

Mùa đông, cả gia đình Sò chỉ có cách ngồi bên đống lửa

Trung tâm xã Xín Cái chỉ cách đất Trung Quốc có vài trăm mét. 713 hộ, 4.383 khẩu, hơn 70% hộ nghèo, tết năm nào Xín Cái cũng nằm trong diện phải cứu đói. Vậy mà đói nghèo chẳng phải là điều vùng núi đá này sợ nhất. Như bao xã khác trên cao nguyên đá, Xín Cái chỉ có hai mùa. Sự khắc nghiệt của những trận rét trong mùa đông năm nay thậm chí con ghê gớm hơn mùa tuyết rơi năm ngoái.

Chiếc khăn mặt ướt của ông Mai Quang Mạnh, cán bộ biên phòng tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Xín Cái, vừa giặt phơi được một lúc đã cứng đông thành đá. Ông Mạnh than sự xa xôi của Xín Cái khiến lắm lúc họp ngoài huyện tuần trước nhưng tuần sau xã mới nhận được giấy mời, một nửa xã đến giờ vẫn chưa có điện vì địa hình trắc trở quá.

Gặp những lãnh đạo xã có tâm huyết ở vùng cao nguyên đá họ cứ nắm chặt tay rồi nói: Không phải đồng bào các dân tộc trên này không chịu khó, không phải thiếu các chính sách đầu tư của nhà nước nhưng tại sao dân vẫn cứ đói nghèo truyền kiếp như vậy? Đá nhiều quá nên thiếu đất sản xuất, thiên nhiên quá khắc nghiệt nên không đói nghèo mới là chuyện lạ.

Đời sống người dân Xín Cái trông vào 400 ha ngô một vụ chia đều cho 19 xóm. Chỉ có cây ngô là cây lương thực sống được trong mùa đông kéo dài đến tận tháng 4 năm sau. Mùa đông năm ngoái trâu, bò, dê, lợn đều chết cả. Xã có nghị quyết trồng 10 ha rau cải dầu, ngô lai tăng năng suất nhưng chỉ qua một trận sương muối cải thì chết còn ngô cũng sống được nhưng không có hạt. Khắc nghiệt như thế nên ngay cả nhà nhiều nương như Thò Dũng Sò, một gia đình người Mông ở xóm Lùng Thúng cũng chẳng đủ ăn.

Sò bảo rằng, mùa đông năm nào gia đình cũng mất tới 3 tháng ngồi bếp lửa chẳng làm được việc gì. 8 tháng làm ngô, vụ nhiều nhất nhà Sò chỉ chất được tầm nửa chạn, ăn 5 tháng là hết sạch trơn. Tài sản duy nhất có giá là con trâu thì chết mất trong mùa đông năm ngoái. Vậy mà Sò bảo, đói không phải điều sợ nhất. “Chất đốt không có, nước không có còn khổ hơn nhiều”.

Như bao gia đình ở đây, mỗi ngày Sò đi bộ gần 7 km đến hồ treo ở trung tâm xã để lấy nước đem về đổ vào bể tự tạo để ăn dần. Sáng ra, công việc đầu tiên của anh là lấy khúc củi đập lớp băng bề mặt để vợ lấy nước đem đi nấu. Cả gia đình lên nương về bám đầy đất nhưng không dám tắm giặt. Ăn mèn mén xong phủi phủi qua rồi đi ngủ. Đám con Sò cũng vì rét quá mà đứa nào đứa nấy người cứ sắt lại như cây ngô trồng trên núi đá.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất