| Hotline: 0983.970.780

Những ngôi làng mang 'sứ giả mùa xuân': Theo dấu chân người tìm chốn ở

Thứ Sáu 12/02/2016 , 08:35 (GMT+7)

Nơi ấy, con người và loài chim cùng sống dưới một mái nhà. Nơi ấy, hàng ngàn “sứ giả mùa xuân” đã ra đời. Và ở nơi ấy, có một “sự tích cây khế” giữa đời thường.


Đường vào Nặm Đăm bạt ngàn hoa thơm

Khi màu tím của những bông hoa bạc hà mọc hoang hoải trên cao nguyên đá tàn phai báo hiệu mùa đông kết thúc, đôi mắt của hơn 200 con người ở bản Nặm Đăm lại hướng lên cổng trời Quản Bạ kiếm tìm những cánh én, giống như ngóng đợi người thân xa quê trở về. Với họ, chim én là hiện thân của mùa xuân, là “sứ giả” mang phước lộc ban tặng con người. Thế nên, năm nào én không về xây tổ dưới hiên nhà, tâm can gia chủ lại như lửa đốt vì dự cảm sẽ gặp sự chẳng lành.

Chẳng ai biết tình bạn tri kỷ giữa loài chim én và người Dao ở bản Nặm Đăm (xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, Hà Giang) có từ bao giờ. Chỉ biết rằng trẻ con từ lúc tập đi đã trông thấy cánh én chao nghiêng, líu ríu gọi bầy bên chiếc tổ đất hình nửa chiếc bát đính vào tường nhà. Tuy bất đồng ngôn ngữ, khác biệt tập tính, nhưng loài người và loài én đã sống quấn quýt bên nhau qua nhiều thập kỷ trong mối quan hệ tương sinh.

Ông Lý Đại Thông, Bí thư Chi bộ bản Nặm Đăm, khẳng định như đinh đóng cột với tôi rằng: “Nếu anh vào bất cứ ngôi nhà nào trong số 51 hộ dân của bản mà không nhìn thấy tổ chim én thì từ nay tôi không đi bằng chân mà di chuyển bằng đầu gối”.

08-36-25_nh-8
Đối với người Nặm Đăm, chim én như "sứ giả" của phước lộc, là hiện thân của mùa xuân

Những con chim én xuất hiện vào tiết lập xuân (khi kết thúc tiết đại hàn) với chiếc áo lông nửa đen nửa trắng óng mượt. Chúng đến đây để tắm những tia nắng ấm đầu tiên của năm mới và thực hiện thiên chức sinh sôi giống nòi.

Chim én sợ nỗi cô đơn nên bao giờ cũng bay theo đàn hoặc bắt cặp với bạn tình như hình với bóng. Khi tìm “đất lành” xây tổ và đẻ trứng, chúng bay lượn khắp bản làng. Chỉ những ngôi nhà có người ở mới lọt vào tầm ngắm của “sứ giả”. Và, vị trí đắc địa nhất để chúng trú ngụ là bức tường hoặc mái hiên gần cửa chính của ngôi nhà - nơi có người qua lại thường xuyên, cũng là nơi chuột, mèo không bao giờ xâm phạm được.

Ở nhiều nơi, người ta dùng bẫy để tận diệt chim trời. Thế nên, hiện tượng chim én theo dấu chân người tìm chốn ở trở thành câu chuyện kỳ lạ đối với bất cứ ai đến thăm Nặm Đăm.

Trưởng bản Lý Tà Dân lý giải, tuy xây tổ bằng bùn đất và rơm cỏ, nhưng én là loài chim ăn ở vô cùng sạch sẽ. Chúng chọn ngôi nhà có người sinh sống vì đó là nơi rất vệ sinh. Ngược lại, những nơi hôi thối, bẩn thỉu như chuồng trâu, chuồng lợn chúng không bao giờ bén mảng. Khi chim non chào đời, bài học đầu tiên én bố, én mẹ dạy con là bài tiết ngoài tổ. Thế nên, tổ chim bao giờ cũng rất sạch sẽ.

Khi chim non ra ràng, chúng sẽ được tập bay. Mỗi lần đuối sức, lưng chim mẹ sẽ trở thành “bến đỗ” trên không của chim non, còn chim bố đảm nhận vai trò dẫn đường chỉ lối và cảnh giới. Mỗi ngày, chim non rời tổ “cưỡi gió” khoảng 3 - 4 lần cho đến khi đôi cánh có thể vút cao hơn đỉnh trời Quản Bạ. Vì chúng vừa bay vừa săn mồi nên đôi chân gần như không bao giờ chạm đất. Khi cánh mỏi rã rời, “sứ giả mùa xuân” sẽ đậu vắt vẻo trên cành cây cao hoặc dây điện… để dưỡng sức.

Bác sĩ cứu hộ bất đắc dĩ

Dù được bố mẹ hộ tống cẩn thận, nhưng tai họa có thể “hỏi thăm” chim non bất cứ lúc nào. Khi gặp gió mạnh, chúng có thể bị cuốn đi vài chục mét rồi rơi bộp xuống đất. Những đôi chân “xương thủy tinh” không thể đứng vững, làm bàn đẩy để vỗ cánh tung bay. Bố mẹ chúng chỉ biết nhìn con bất lực, bởi đôi cánh én nhỏ không đủ sức kéo đứa con mình về tổ. Đã rất nhiều lần những sinh linh bé nhỏ xấu số ấy đã được dân bản Nặm Đăm cứu sống trước họng tử thần.

Bà Lý Thị Sinh (66 tuổi), chủ một ngôi nhà ở bản Nặm Đăm (nơi đang có 5 cặp chim én xây tổ) vẫn nhớ như in kỷ niệm “cứu hộ” những con chim én xấu số vào đúng ngày mùng 3 Tết Mậu Tý (2008). Đang đêm hôm khuya khoắt bỗng phát ra tiếng bộp như có vật thể rơi ngoài thềm. Thấy tâm trạng bất an, bà dựng dậy khỏi giường thắp đèn soi xét. Cánh cửa cót két hé mở, đập vào đôi mắt người phụ nữ phúc hậu là 4 con chim non đang nhớn nhác quẫy đạp bên chiếc tổ đất vỡ vụn.

Bà lão hốt hoảng như nhà phát hỏa, la ó các thành viên trong gia đình cứu hộ những con én non. Anh con trai Lý Tà Đạt chạy vào bếp lấy cái bát loa sứ, sau đó nhặt lại rơm, cỏ đặt lót lòng bát làm tổ nhân tạo cho chim. Trong khi đó, ông Lý Đại Duyên (chồng bà Sinh) đi kiếm đinh, búa để đóng một mảnh gỗ vuông góc với khung mè mái ngói và đặt tổ lên đó.

Thoạt đầu, chim bố, mẹ sợ cái tổ khổng lồ ấy nên chỉ bay lởn vởn xung quanh. Những người phía dưới nấp vào chỗ kín nín thở dõi theo, và quả tim chỉ đập đúng nhịp khi cả gia đình nhà én đã chui vào tổ ấm mới. “Trận ấy sợ lắm! Nếu chúng có mệnh hệ gì thì dông cả năm”, bà Sinh nhớ lại.

Hương ước bảo vệ én

Bí thư Chi bộ Lý Đại Thông kể rằng, sách cổ của người Dao viết: “Chim én bay từ hướng đông nam về, mang phúc lộc cho mỗi gia đình. Chúng làm tổ cùng nơi ở của con người, vì thế chúng là bạn ta. Không ai được đánh nó, bắt nó ăn thịt vì nó giúp ta bắt sâu bọ phá hại mùa màng, để người bản ta có cuộc sống no ấm”.

Nói đoạn, ông rít một điếu thuốc lào thật sâu rồi ngẫu hứng ca một câu hát đối quen thuộc của người Dao: “Mùng piến tử sàng in thấy niều, chiếng ỏ chà xòong ban tối ỏn” (tạm dịch là: “Muốn như con chim én, xây tổ trong nhà không bị gió mưa, được dân bản che chở an toàn).

08-36-25_nh-6
Cuộc sống thường nhật của người Dao ở bản Nặm Đăm

Để bảo vệ “sứ giả mùa xuân”, hương ước bản Nặm Đăm quy định: “Người có hành vi xâm hại đến tính mạng của loài chim én, hoặc có hành vi xua đuổi loài chim én ra khỏi bản sẽ bị phạt 100.000 đồng. Đồng thời phải xin lỗi trước toàn thể dân làng”. Quy định ấy có sức răn đe rất mạnh mẽ, không ai trong làng dám vi phạm.

Nhưng vào tháng 4/2015, có một tình huống hi hữu đã xảy ra tại ngôi nhà của anh Lý Tà Hàn. Do không biết quy định của bản, khi phát hiện những tổ chim én ngay trước cửa ra vào, hai khách du lịch quốc tịch Canada nghỉ trọ đã tự ý nhấc 3 chú chim non khỏi tổ để chơi đùa, chụp ảnh cho thỏa tính hiếu kỳ.

Nhìn thấy cảnh tượng ấy, mặt anh Hàn tái mét, lập tức gọi lãnh đạo bản đến phân xử. Sau khi được giải thích “lệ làng” bằng tiếng Anh, những vị khách cúi gằm mặt, miệng liên tục lẩm bẩm từ “sorry” (xin lỗi) và vui vẻ nộp phạt.

“Sự tích cây khế” giữa đời thường

Trước khi người Dao xuất hiện ở Nặm Đăm, người Tày đã thống trị lâu đời vùng đất này. “Nặm Đăm” dịch theo tiếng Tày là “Nước Đen”. Già làng kể rằng, xưa kia nơi đây có con quái vật tác oai tác khiến dân bản hoảng sợ, có vị anh hùng tráng kiệt đã diệt trừ nó. Chỗ con quái thú giãy giụa hoá thành cái ao đen ngòm không bao giờ cạn nước (ngày nay, nó được con người cải tạo lại, trở thành hồ sinh thái nước quanh năm trong mát giữa không gian tứ bề núi đá, ai đến đây cũng trầm trồ trước vẻ đẹp tuyệt bích như bức tranh sơn thủy hữu tình).

Về sau, khi “nàng tiên nâu” ầm ập kéo về Nặm Đăm, bản người Tày nghiện ngập nhiều vô số. Lúc đói thuốc, người ta cắt từng mảnh ruộng bán cho người Dao ở bản Trúc Sơn (cách đó 1.500 m) và di cư sang khu vực Nà Phìn ngày nay để sinh sống.

Năm 1992, một trận lửa lớn đã thiêu cháy 34 ngôi nhà ở bản Trúc Sơn. Phần lớn người Dao đã chuyển xuống bản Nặm Đăm để xây dựng nhà cửa, bắt đầu một cuộc sống mới.

Ngày mới lập bản, mười nóc nhà thì chín hộ thuộc diện nghèo đói. Những đôi tay cần lao đã bắt từng hạt đất phải cựa quậy từng giờ. Mưa xuân vừa rơi xuống, nhà nhà lại mang lễ cúng ra đồng bắt đầu mùa vụ mới. Diện tích đất tự nhiên toàn bản áng chừng 400 ha, đa phần là đá. Những mảnh ruộng bậc thang và những vạt nương bám vào sườn núi, leo dần lên tận đỉnh trời.

08-36-25_nh-4
Những ngôi nhà của người Dao được phân định bằng những hàng rào tre, tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên

Mỗi lúc lên nương, họ như hóa thân thành những người diễn xiếc. Trên đầu là mây, dưới chân là vực thẳm. Chỉ cần lơ đễnh phút chốc sẽ trượt chân lăn như quả bóng xuống dưới. Vậy mà các chàng trai, cô gái vẫn thoăn thoắt tra hạt như thửa ruộng đồng bằng.

Mùa thu hoạch, những ngôi nhà vách đất rộng năm gian lúc nào cũng đỏ lửa trong bếp và bên cối xay luôn ăm ắp những nong ngô mẩy vàng. Ngoài vườn, những cọng rơm khô quắt queo được đánh thành cây như những cái chuông khổng lồ đặt trên giá gỗ. Chúng dùng để làm thức ăn dự trữ cho hàng trăm con gia súc lớn những ngày đông giá. Nặm Đăm là “thủ phủ” ngựa khu cổng trời Quản Bạ. Nhưng người Dao chưa bao giờ sát hại chúng. Hỏi nguyên do, Bí thư Chi bộ Lý Đại Thông vừa cười vừa đáp cụt lủn: “Các cụ chỉ bảo không được sát hại chúng”.

Nhờ kinh tế phát triển, nhân dân cùng nhau xây dựng một xứ sở mộng mơ trên cao nguyên đá. 51 ngôi nhà giống hệt nhau ở những bức tường đắp đất. Mọi cánh cổng nhà đều không khép như đón đợi khách đến ngả lưng. Từ những lối mòn, mảnh sân đến góc vườn đều sạch sẽ, bởi mọi thứ ô uế đã được tống khứ vào trong thùng nhựa đựng rác chuyên dụng. Tôi ngẫu hứng đeo máy ảnh rảo bộ khắp bản, đâu đâu cũng tràn đầy hoa thơm, cỏ lạ. Người giáp mặt người là nở nụ cười như tỏa nắng, mời mọc nhau chén rượu thơm nồng.

08-36-25_nh-5
Tuy tiếp xúc với khách du lịch ngoại quốc hằng ngày, nhưng người Dao ở bản Nặm Đăm luôn giữ gìn cẩn thận bản sắc văn hóa truyền thống

Nhiều năm phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng, nhưng hàng ngàn lượt khách Tây nói tiếng xì xồ chẳng thể phá vỡ nét văn hóa độc đáo của người Dao vùng cao nguyên đá.

Trước cổng mỗi ngôi nhà luôn được dán tờ giấy thông báo những điều buộc phải làm khi tham quan bản: Không chụp ảnh trẻ sơ sinh; không thể hiện cử chỉ “âu yếm” trước mặt dân bản; không đưa tiền hoặc cho kẹo trẻ em dân bản, nếu muốn tặng quà thì vui lòng đưa cho người lớn tuổi; không được nấu thịt chó, mèo trong bếp của gia đình người Dao; khi vào nhà khách không được sờ vào bàn thờ tổ tiên của gia đình; không được phơi quần áo lót ở trong bếp gia đình dân tộc Dao; không được đội nón hoặc đi giầy dép vào trong nhà; không được để hành lý trước bàn thờ tổ tiên; không được đứng, ngồi ở giữa cửa ra vào; trai gái không được ngủ với nhau trong nhà không có phòng riêng và khi thấy trước cổng gia đình có cắm cây nêu thì không được vào vì khi đó trong nhà đang có việc…

Điều đặc biệt, cả hai bản của người Dao ở Quản Bạ là Trúc Sơn và Nặm Đăm đều có chim én bay về làm tổ (trong khi những bản làng nằm gần kề không hề thấy xuất hiện bóng dáng tổ chim én). Thế nên, người ta càng tin tưởng rằng, có một sợi dây vô hình kết nối giữa người Dao với thế giới của loài chim én. Và, chính nhờ “phúc lộc” của những “sứ giả may mắn” mang tới, chỉ sau 13 năm hình thành và phát triển, Nặm Đăm đã trở thành “cụm công nghiệp không khói” điển hình của tỉnh Hà Giang.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Sáng 29/3, giông lốc cuốn bay nhiều mái nhà, 1 người phải đi cấp cứu

LÀO CAI Giông lốc, mưa đá vào rạng sáng nay đã gây thiệt hại tài sản của người dân trên địa bàn huyện Bát Xát.

Bình luận mới nhất