| Hotline: 0983.970.780

Những người chở đò thuê ở suối Yến

Thứ Tư 27/04/2011 , 15:29 (GMT+7)

"Tám triệu một mùa hội, tưởng là to, nhưng mang về nhà chẳng được mấy đâu bác ạ". Đó là tâm sự của anh Hòa, một người làm nghề chở đò thuê ở suối Yến...

"Tám triệu một mùa hội, tưởng là to, nhưng mang về nhà chẳng được mấy đâu bác ạ". Đó là tâm sự của anh Hòa, một người làm nghề chở đò thuê ở suối Yến (chùa Hương, Hà Nội) đã 5 năm nay.

Anh Hòa giải thích: Mùa hội 3 tháng, tức là 90 ngày, công được 8 triệu, tính ra không nổi 100 ngàn một ngày. Chủ đò bao ăn trưa và chiều, còn sáng thì người làm thuê tự lo. Ở cái nơi được gọi là “chín tháng mài dao, ba ngày chém” này, chẳng nói bác cũng rõ. Mùa hội, miếng ăn cứ như miếng nhân sâm. Bát phở ba mươi ngàn, cái bánh mỳ với vài lát pa - tê mười hai ngàn. Mà bát phở hay cái bánh mỳ đối với dân chèo đò như chúng em thì thấm gì. Ăn hai cái bánh mỳ rồi mà vẫn cảm giác như chưa ăn, rồi còn điếu thuốc chén nước…Bác thử tính hộ xem, mỗi ngày công còn lại bao nhiêu?

Từ nhiều năm nay, lượng khách hành hương về chốn “bầu trời, cảnh bụt”, tức chùa Hương, mỗi mùa hội cứ năm sau cao hơn năm trước. Số lượng đò chở khách trên suối Yến, vì vậy năm sau cũng nhiều hơn năm trước. Từ chỗ sắm đò rồi tự mình chở khách trên suối, rất nhiều người dân sở tại đã chuyển sang kinh doanh đò: bỏ vốn đóng liền một lúc mấy con đò rồi thuê người chở. Hiện tại, nhiều nhà có đến chục con đò, đò to có thể chở ba, bốn chục người, đò nhỏ nhất cũng năm người, thường thường bậc trung là những hộ có bốn, năm đò. Vào hội, đò được giao cho người chở thuê, đò to 2 người, đò nhỏ 1 người, còn chủ đò làm nhiệm vụ… tổ chức, tức là đón khách, chèo kéo khách.

Người chèo đò thuê từ đủ các nơi đến: Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương… Để làm được nghề này, người chèo cần phải có hai điều kiện. Điều thứ nhất, dĩ nhiên, là phải biết chèo đò, chèo thuộc loại giỏi. Những ngày đầu hội (mùng Sáu tháng Giêng âm lịch) cho đến hết tháng Hai âm lịch, nhất là vào những ngày cuối tuần của hai tháng đó, đò trên suối Yến nhiều như trấu rắc, có ngày “tắc suối” còn hơn cả tắc đường Hà Nội hay Sài Gòn, công an phải nhảy cả xuống suối…phân luồng đò. Không chèo đò giỏi không thể luồn, không thể len lách được. Suối Yến tuy “không có sóng cả” nhưng nếu không giỏi, chỉ cần “ngã tay chèo” một chút, hất mấy ông khách bà khách xuống nước thì lôi thôi không biết chừng nào.

 Và điều thứ hai là phải có sức khỏe. Không có sức khỏe, đừng hòng trụ nổi với cái nghề vô cùng cực nhọc này. Anh Thái - chị Tươi, cặp vợ chồng ở “xóm lưỡng cư” (xóm gồm hơn bẩy chục hộ, sống bằng nghề chài lưới, đêm ngủ ở nhà sáng lại xuống thuyền lang thang trên khắp các dòng sông, không ai có một tấc đất canh tác nào) thôn Lê Lợi, xã Phù Vân (TP Phủ Lý, Hà Nam), có thâm niên chèo đò thuê đã gần chục năm, cứ mùng ba Tết là gửi con cho ông bà, vợ chồng dắt díu nhau lên đây, bảo:

- Bây giờ là cuối hội nên mới có lúc được ngồi mà thở thế này, chứ những ngày đầu hội thì…kinh khủng. Mỗi ngày có hàng vạn lượt khách vào ra, ngày cuối tuần còn gấp mấy lần như thế. Có ngày chúng tôi phải chèo đưa khách cả vào lẫn ra đến tám lượt. Có hôm tám chín giờ đêm vẫn có khách vào chùa, rồi hai giờ sáng khách đã vào…nghĩa là chủ gọi lúc nào mình phải đi lúc đó. Có hôm mười giờ đêm mới được ăn cơm chiều, vừa nằm được một tý, ba giờ sáng đã phải dậy lên đò. Trời rét như cắt ruột, trên mặt suối càng rét hơn, mà người cứ vã cả mồ hôi ra…

Anh Hoàng, một người dân Nam Định, cũng từng gắn bó với sông nước trên dòng Ninh Cơ, kể:

- Con suối Yến rất đẹp, những con đò lững lờ trôi, dưới mắt du khách thì rất thơ mộng. Nhưng với những người làm thuê như chúng em thì lại khác. Suốt ngày hai tay cứ phải nắm chặt gốc mái chèo, lấy chân làm trụ rồi gồng mình lên mà đẩy, khỏe đến đâu thì mấy ngày đầu, đêm về hai bắp tay, hai bắp chân cũng mỏi nhừ ra, phải mất hàng tuần mới quen…

- Sao không chèo chân cho khỏe?

Anh Hoàng cười:

- Bác tính, chèo chân thì còn ai giỏi bằng dân hạ bạc chúng em nữa. Nhưng mà đây là hội. Du khách vào đây là đi du lịch, đi trẩy hội, nên người ta không cho chèo bằng chân, sợ nó mất mỹ quan…

Hết mùa hội, một chủ đò loại thường cũng có thể kiếm dăm chục triệu, có chủ đò lớn kiếm cả trăm triệu. Nói mang về được dăm triệu là nói những anh đã nặng gánh gia đình, còn với cánh thanh niên chở đò thuê thì khác. Tiền do chủ ứng cho để ăn sáng và tiêu vặt trong cả mùa hội có khi chỉ một tuần, thậm chí vài ngày đã hết veo, lại phải vay. Nếu anh nào có tính rượu chè hay máu cờ bạc thì có khi hết hội hết tiền, có anh còn… âm nữa là khác.

Do tiền công có ngữ, mà giá cả mùa hội lại cao, nên cánh chèo đò thuê luôn nghĩ ra cách tiết kiệm, cốt sao phải chi phí ít nhất, mong dành được chút tiền bọc về sau khi tan hội. Anh Lưu ở Thái Bình, đầu hội khi lên đã mang theo một chục cái bánh chưng gửi vào tủ lạnh của nhà chủ, được cái năm nay lạnh nhiều, kể cả không có tủ lạnh thì bánh chưng để cả tháng cũng không sao:

- Trưa tối thì chủ đò đã bao rồi. Mỗi sáng làm nửa chiếc bánh chưng, vừa chắc dạ lại vừa đủ chất, chứ ra hàng thì không biết bao nhiêu cho vừa. Chục cái bánh chưng ấy, được hai chục bữa sáng, gần hết lại nhắn vợ luộc cho chục cái khác mang lên…

Cũng có nhóm hai, ba hay bốn người, thường là cùng một địa phương lên đây, bảo nhau mang theo gạo, rồi thì thay phiên nhau dậy sớm thổi cơm sáng. Cơm bắc ra, chỉ cần thêm tý ruốc thịt hay mấy con cá khô, cũng đều là làm sẵn ở nhà mang theo, thêm mớ rau tươi nữa là ổn. Chắt chiu thế, mà hết hội, người nhiều nhất cũng chỉ mang về cho vợ được dăm triệu hay hơn một chút, trong khi các chủ đò kiếm bẫm. Tiền đò một khách cả vào lẫn ra hai mươi lăm ngàn, họ chỉ phải nộp cho ban tổ chức năm ngàn. Một chuyến đò lớn chở ba chục người (chỉ mất một tiếng chở vào và một tiếng chở ra), họ đã có sáu trăm ngàn, đó là chưa kể họ còn nài nỉ xin khách “bồi dưỡng” thêm.

Hội chùa Hương là nơi người ta đốt tiền, rắc tiền và khoe tiền. Nhưng đối với những người gánh hàng thuê hay những người chở đò thuê này, thì hội là nơi đổ mồ hôi để kiếm từng đồng tiền lẻ.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.