| Hotline: 0983.970.780

Những người chống “biển ngoạm”

Thứ Hai 03/09/2012 , 14:04 (GMT+7)

Chính quyền và người dân sinh sống trong Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang đang nỗ lực tìm những giải pháp hữu hiệu để chống lại hiện tượng “biển ngoạm” đất liền.

Chính quyền và người dân sinh sống trong Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang đang nỗ lực tìm những giải pháp hữu hiệu để chống lại hiện tượng “biển ngoạm” đất liền. Đó là trồng rừng trên biển.

Trồng rừng để cứu… gia đình

Chúng tôi đã có dịp theo anh Huỳnh Hữu To, cán bộ kỹ thuật GIZ (Tổ chức Phát triển Quốc tế Đức, đơn vị đang hỗ trợ Kiên Giang về kinh phí và kỹ thuật để trồng lại rừng phòng hộ ven biển) đi kiểm tra mô hình trồng rừng ven biển. Chiếc vỏ tải bằng vật liệu composite khá to được chạy bằng động cơ xe hơi chở chúng tôi đi. Xuất phát từ TP Rạch Giá (Kiên Giang) hướng về phía huyện An Biên, An Minh. Vừa ra tới cửa biển, anh Nhựt, tài công của tàu đưa mắt hướng ra xa quan sát, rồi bảo: “Bữa nay thời tiết tốt, ít sóng nên đi thẳng luôn cho nhanh”.

Sau hơn một tiếng đồng hồ ngồi “xông hơi” dưới nắng và hơi nước biển, chúng tôi cũng tới được nơi cần tới, đó là hộ ông Nguyễn Văn Hông ở ấp Năm Biển A, xã Nam Thái, huyện An Biên. Trước mắt chúng tôi là một vạt rừng chạy dài ven biển, vươn ra xa hơn 200 m. Anh To cho biết đây là nơi rừng phòng bộ được người dân trồng và bảo vệ tốt nên mới được như vậy, chứ nhiều nơi rừng còn mỏng lắm.


Nhiều năm qua ông Hông đã cần mẫn trồng hơn 7 ha rừng trên biển

Gia đình ông Hông là một trong hàng trăm hộ dân nơi đây đang nhận nhận khoán diện tích đất rừng để chăm sóc, bảo vệ. Theo ông Hông, vào năm 1994 khi đưa gia đình về đây sinh sống, toàn bộ diện tích đất 3,2 ha chỉ là khu đất trống, trước biển không có một bóng cây che chắn. Do đó, chỉ có thể nuôi thủy sản chứ không thể trồng rau màu vì gió rất mạnh. Tuy nhiên, việc nuôi trồng thủy sản cũng không đơn giản vì đê bao liên tục bị phá vỡ do sóng to, gió lớn.

“Để bảo vệ sản xuất, ban đầu vợ chồng tui phải dùng mê bồ (tấm cót tre) để tấn phía ngoài đê nhưng cũng không được bao lâu là sóng làm tan nát. Tấm bạt cao su sọc dẻo dai như vậy nhưng cũng không chịu nổi với sóng biển. Tôm cá chưa kịp lớn thì đê bao đã bị sóng đánh vỡ, thế là mất sạch”, ông Hông nhớ lại những ngày đầu cơ cực.

Liên tục nhiều năm làm ăn thua lỗ, kinh tế gia đình ngày càng khó khăn, trong khi con cái đang tuổi ăn, tuổi học rất cần tiền để lo cho chúng. Không nản chí, ông Hông bắt đầu tìm các loại cây thích nghi với điều kiện ngập mặn để trồng lại rừng. Trước hết là khôi phục lại rừng theo tỷ lệ giao khoán là 7-3 (70% diện tích là rừng phòng hộ, 30% diện tích mặt nước, bờ bao sản xuất nông nghiệp). Không chỉ trồng rừng trong diện tích được Nhà nước giao khoán, ông Hông còn tích cực trồng rừng phòng hộ phía trước biển.


Hiện ông Hông đang là cộng tác viên GIZ tham gia dự án dùng cừ tràm chắn sóng để trồng lại rừng trên biển

Ông Hông cho biết: “Trồng rừng trên biển khó khăn hơn nhiều so với trồng cây trên bờ. Vì hôm nay trồng, sáng mai ra đã thấy sóng đánh trôi mất, không thì lại bị bùn vùi lấp không thể phát triển. Do đó, người trồng phải nắm vững quy luật thủy triều, mùa và hướng gió thổi… để chọn thời điểm thích hợp trồng cây giống. Phương thức trồng theo cách nói dân gian là “cây mắm đi trước, cây đước theo sau”. Làm sao khi mùa mưa bão đến thì cây đã phát triển, có thể trụ lại được”.

Cần mẫn suốt từ năm 2005-2008, gia đình ông Hông đã trồng rừng trên biển được diện tích hơn 7 ha, với đai rừng dày gần 200 m dù không được chính quyền hỗ trợ bất cứ thứ gì.

Sau khi có được lá chắn xanh bảo vệ trước biển, ông Hồng bắt đầu làm kinh tế tổng hợp theo mô hình: mặt nước dưới tán rừng nuôi các loài hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm sú, cá chẽm, trên đê bao trồng chuối, ổi, khoai môn, rau màu các loại để lấy ngắn nuôi dài. Mô hình này đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng mỗi năm.

Ông Hông mời chúng tôi bữa cơm trưa thân mật với các loại hải sản cao cấp, nào là tôm sú hấp, cua biển luộc, sò huyết rang mỡ, ăn với các loại rau sống hái từ vườn nhà, nhâm nhi vài ly rượu nếp ngâm chuối hột thơm phức. “Toàn là những thứ nhà làm được, sản phẩm sinh thái sạch, không sử dụng thức ăn công nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật nên cứ yên tâm mà dùng. Mấy chú cứ ăn thoải mái, hết thì chỉ cần chạy ra sau nhà vài phút là có tiếp”, vợ chồng ông Hông đon đả mời khách.


Ông Hông đang chăm sóc bảo vệ rừng phòng hộ ven biển

Hỗ trợ sinh kế

Từ nhiều năm qua, chính quyền tỉnh Kiên Giang và GIZ đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ sinh kế cho người dân nghèo sống trong khu dự trữ sinh quyển. Mục đích là nhằm đa dạng hóa các cơ hội thu nhập cho người dân, đặc biệt là phụ nữ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Các mô hình được xây dựng và thực hiện thông qua việc lồng ghép các hoạt động phát triển gắn với bảo tồn nhằm nâng cao năng lực cho cộng đồng địa phương trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mỗi mô hình sinh kế đều ưu tiên một số hoạt động với mục đích giảm tác động tiêu cực lên đất đai, tài nguyên thiên nhiên và mô trường. Trong đó, có nhiều mô hình đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực như: mô hình canh tác tổng hợp rau màu và lúa cho phụ nữ nghèo và đồng bào dân tộc Khmer ở Vĩnh Thuận, nuôi cá sặc rằn ở vùng đệm VQG U Minh Thượng, nuôi sò huyết và cá chẽm dưới tán rừng phòng hộ ở huyện An Minh và Hòn Đất, làm vườn ươm giống cây rừng cung cấp cho dự án…


Mô hình kinh tế tổng hợp mang lại nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng/năm cho gia đình ông Hông

Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang được UNESCO công nhận vào năm 2006 với tổng diện tích hơn 1,1 triệu ha. Trong đó, được chia làm 3 khu trọng điểm: khu dự trữ vùng lõi (36.935 ha), khu vùng đệm (172,578 ha) và vùng chuyển tiếp (978.591 ha).

Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang bao gồm: VQG U Minh Thượng là dạng rừng đầm lầy trên than bùn hiếm hoi còn sót lại của Việt Nam. VQG Phú Quốc với những cây họ dầu, rừng tràm, rừng ngập mặn, các thảm cỏ biển và san hô. Rừng ngập mặn ven biển, có chức năng phòng hộ cho hơn 200 km bờ biển, giúp giảm thiểu ảnh hưởng của nước biển dâng do biến đổi khí hậu.

Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang có tính da dạng sinh học rất cao, với 6 hệ sinh thái chính và 22 môi trường sống khác nhau, có 1.500 loài thực vật, 77 loài thú, 222 loài chim và 107 loài bò sát, lưỡng cư. Đặc biệt là có 700 ha san hô, với 87 loài và 12.000 ha thảm cỏ biển, trong đó có 10 loài cỏ là thức ăn chính của các loài rùa biển và Dugong (bò biển) quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Ông Chu Văn Cường, Quản lý Dự án GIZ tại Kiên Giang, cho biết: “Muốn bảo vệ được rừng phòng hộ ven biển thì điều trước tiên phải tạo sinh kế cho người dân. Vì khi khó khăn người ta sẽ bám lấy rừng để kiếm sống, càng nghèo thì càng bám riết lấy rừng. Còn khi cuộc sống đã được đảm bảo và thấy được những lợi ích mà rừng phòng hộ mang lại thì họ sẽ cùng chính quyền bảo vệ rừng”.

Thực tế cho thấy, những nơi nào có mô hình cải thiện sinh kế tốt thì môi trường cũng được bảo vệ, rừng phát triển tốt hơn. Việc giao khoán đất rừng cho người dân quản lý và hỗ trợ sinh kế cho họ đã góp phần bảo vệ rừng phòng hộ ven biển ở Kiên Giang được tốt hơn. Tuy nhiên, cái khó là nhiều nơi đai rừng đã bị mất hoàn toàn dẫn đến xói lở mạnh, rất khó trồng mới lại rừng do bị sóng cuốn trôi và bùn vùi lấp.

Các chuyên gia GIZ đang thí nghiệm mô hình dùng cừ tràm làm hàng rào phá sóng, làm giảm áp lực của sóng và giữ bùn để tạo bãi bồi cho cây con phát triển. Những khu vực bãi bồi, còn rừng phòng hộ nhưng mỏng thì chỉ cần làm hàng rào giữ bùn cách bờ biển khoảng 100m, khi trái cây rụng xuống thì cây con sẽ tự mọc lên.

Còn những khu vực đã mất rừng, bị sạt lở nghiêm trọng thì cần làm hai lớp hàng rào. Lớp thứ nhất cách bờ khoảng 60-70m để chắn sóng nhằm làm giảm tác động của sóng biển khi đánh vào bờ. Lớp thứ hai cách bờ biển khoảng 30m để giữ bùn bồi lắng trong mùa mưa và ngăn không cho bùn bị cuốn trôi ra biển vào mùa khô nhằm tạo bãi bồi, trước khi trồng cây giống. Phương pháp này bước đầu đã phát huy hiệu quả, chi phí đầu tư thấp (khoảng 400 triệu đồng/km), vừa bảo vệ tốt cây rừng mới trồng trên biển vừa góp phần tiêu thụ cừ tràm cho người dân địa phương.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tăng hơn 20% điện năng cung cấp tháng cao điểm nắng nóng

Bộ trưởng Bộ Công thương quyết định điều chỉnh tăng điện năng cung cấp 4 tháng mùa khô (4, 5, 6, 7) năm 2024 từ 109,183 tỷ kWh lên 111,468 tỷ kWh.